Menu Đóng

Tai nạn lao động – Tổng hợp chế độ và quy định dành cho người lao động

Toàn bộ các chế độ và quy định về tai nạn lao động của người lao động trong quá trình làm việc cho cơ quan, tổ chức theo pháp luật hiện hành. Hướng dẫn hồ sơ xin hưởng chế độ tai nạn lao động, mức được hưởng, điều kiện và tiêu chuẩn phù hợp.

Hiện nay, với bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu vô cùng náo nhiệt, hàng năm liên tục có hàng trăm đơn vị nước ngoài tiếp tục rót vốn và mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt nam. Từ đó nhu cầu sử dụng lao động là không thể thiếu và cũng tăng cao theo cấp số nhân. Với đặc thù của từng công việc, các chế độ bảo hiểm xã hội, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh thực phẩm và trên hết là các rủi ro, tai nạn khi lao động luôn được cân nhắc, ưu tiên hàng đầu.

Người lao động là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, tiếp xúc với dây chuyền máy móc, nếu không được đào tạo và có tinh thần chú ý cao, bất kỳ lúc nào hiểm hoạ cũng có thể xảy ra. Lúc đó thiệt hại đầu tiên phải nói đến chính là bản thân người lao động khi bị tổn hại về sức khoẻ, tinh thần, đôi khi còn để lại những cố tật vĩnh viễn, những ám ảnh không thể tiếp tục thực hiện công việc tương tự. Hiểu được điều đó, các khoản hỗ trợ, bồi thường từ phía doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước chính là những sự đóng góp, xoa dịu, hạn chế tác động lớn nhất giúp người lao động nghỉ ngơi, phục hồi và nhanh chóng quay trở lại môi trường làm việc.

Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề tai nạn lao động

  1. Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015
  2. Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định về tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng
  3. Nghị định 43/2013/NĐ-CP
  4. Bộ luật lao động 2012
  5. Thông tư 56/2017/TT-BYThướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế
  6. Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Định nghĩa tai nạn lao động

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 định nghĩa về tai nạn lao động như sau:

“8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

2. Quy định pháp luật về tai nạn lao động

Thiệt hại xảy ra đối với người lao động trong quá trình lao động, làm việc được xác định dựa trên sức khỏe, tính mạng, thân thể của người lao động. Cụ thể, theo Điều 142, “Bộ luật lao động 2019” quy định như sau:

Điều 142. Tai nạn lao động

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.

3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, ta có thể thấy việc quy định về tai nạn lao động được xác định trên các yếu tố như việc bất ngờ xảy ra trong quá trình người lao động đang làm việc, trong nhiệm vụ lao động. Các vấn đề bất ngờ có thể xảy ra đó là những tai nạn liên quan đến công việc, tai nạn giao thông trong quá trình di chuyển, tai nạn trong quá trình vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, ngã từ trên cao trong thời gian làm việc liên quan đến leo trèo, có độ cao nguy hiểm…

Bên cạnh đó, tại Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động như sau:

Điều 12. Tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.

3. Tai nạn lao động được phân loại như sau:

a) Tai nạn lao động chết người;

b) Tai nạn lao động nặng;

c) Tai nạn lao động nhẹ.

4. Sự cố nghiêm trọng là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động (không bao gồm tai nạn lao động) gây thiệt hại lớn về tài sản của người lao động, người sử dụng lao động”

3. Các điều kiện được coi là tai nạn lao động

Căn cứ Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:

Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Như vậy, nếu người lao động muốn đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, hoặc được công nhận là tai nạn lao động thì cần đáp ứng các điều kiện về tai nạn lao động để hưởng chế độ tai nạn lao động.

4. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động

Trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, người lao động sẽ được nhận những khoản tiền và quyền lợi sau:

* Do người sử dụng lao động chi trả

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động như sau:

– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.

+ Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:

  • Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;
  • Trả phí khám giám định mức suy giảm KNLĐ đối với những trường hợp kết luận suy giảm KNLĐ dưới 05% do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định tại Hội đồng giám định y khoa;
  • Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT.

– Tiền lương: Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

– Bồi thường cho người bị tai nạn lao động không do lỗi của họ gây ra:

+ Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm KNLĐ từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết.

– Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính mình gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% các mức nêu trên ứng với mức suy giảm KNLĐ.

– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

* Do Qũy tai nạn lao động chi trả

Tùy thuộc vào mức độ suy giảm KNLĐ mà người lao động được hưởng các chế độ do Qũy tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc Qũy bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả như sau:

– Trợ cấp một lần (suy giảm từ 05% – 30%):

+ Suy giảm 05% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 01% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Căn cứ: Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Trợ cấp hằng tháng (suy giảm từ 31% trở lên):

+ Suy giảm 31% hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 01% thì hưởng thêm 02% mức lương cơ sở;

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Căn cứ: Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình:

Người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật như: Tay giả, máng nhựa tay, chân giả, máng nhựa chân; nẹp đùi, nẹp cẳng chân, áo chỉnh hình,…

Căn cứ: Điều 51 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Trợ cấp phục vụ (suy giảm từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần):

Mức trợ cấp/tháng = Mức lương cơ sở = 1,49 triệu đồng/tháng.

(Mức lương cơ sở áp dụng năm 2021: 1,49 triệu đồng)Căn cứ: Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Trợ cấp một lần khi chết:

Mức trợ cấp một lần = 36 x Mức lương cơ sở = 53.640.000 đồng.

Căn cứ: Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Nghỉ Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị:

Mức trơ cấp mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Trong đó, số ngày nghỉ dưỡng sức:

+ Tối đa 10 ngày nếu suy giảm KNLĐ từ 51% trở lên;

+ Tối đa 07 ngày nếu suy giảm KNLĐ từ 31% – 50%;

+ Tối đa 05 ngày nếu suy giảm KNLĐ từ 15% – 30%.

Căn cứ: Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc:

+ Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở;

+ Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần/năm.

Căn cứ: Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động

Lưu ý: Mức hỗ trợ này áp dụng cho người lao động bị suy giảm KNLĐ từ 31% trở lên, được sắp xếp công việc mới phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng nhưng cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi (theo Điều 12 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).

5. Thủ tục, hồ sơ xin hưởng chế độ tai nạn lao động

a. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, gồm:

–  Sổ BHXH;

–  Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của người sử dụng lao động

–  Biên bản điều tra tai nạn lao động.

–  Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật TNLĐ ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú.

–   Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

– Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì ngoài các giấy tờ quy định trên, có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông;

– Trường hợp bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì ngoài các giấy tờ quy định trên, có thêm bản sao hộ khẩu thường trú hoặc bản sao giấy đăng ký tạm trú.

b. Hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp:

– Sổ BHXH;

– giấy đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp của NSDLĐ (Mẫu số 05A-HSB);

– Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập (bản sao);

– Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện hoặc phiếu hội chuẩn mắc bệnh nghề nghiệp;

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa.

c. Hồ sơ giải quyết TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tái phát:

– Hồ sơ đã hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp do cơ quan BHXH quản lý;

– Điều trị nội trú: Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật cũ tái phát. Không điều trị nội trú: bản chính hoặc bản sao giấy tờ khám, điều trị thương tật, bệnh tật tái phát.

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật tái phát của hội đồng giám định y khoa.

d. Hồ sơ giải quyết TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của NLĐ được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động:

– Hồ sơ đã hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp do cơ quan BHXH quản lý;

– Hồ sơ TNLĐ, BNN của lần bị TNLĐ nhưng chưa được giám định.

–  Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa.

e. Hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình:

–  Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp do cơ quan BHXH quản lý;

– Chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành LĐTB&XH hoặc của cấp tỉnh trở lên phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật. Nếu có chỉ định lắp mắt giả thì có thêm bản chính hoặc bản sao chứng từ lắp mắt giả.

– Vé tàu, xe đi và về (nếu có).

6. Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo điều 2 thông tư /2015/TT-BLĐTBXH đối tượng áp dụng của chế độ tai nạn lao động bao gồm

1. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân có sử dụng lao động (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động), bao gồm:

a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

b) Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;

c) Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

d) Hợp tác xã;

đ) Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, cá nhân là người nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có trụ sở đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Các tổ chức, cá nhân khác có sử dụng lao động.

2. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động (sau đây gọi chung là người lao động).

3. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân được áp dụng các chế độ như đối với người lao động quy định tại Thông tư này, trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng đối tượng này có quy định khác.

7. Bồi thường, trợ cấp trong trường hợp đặc thù

Theo Điều 5. Bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù thông tư /2015/TT-BLĐTBXH

1. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động vẫn phải trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này.

4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này, người sử dụng lao động phải trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cơ quan bảo hiểm xã hội cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần bằng mức quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

b) Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng bằng mức quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên.

Bài liên quan:

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191