Menu Đóng

Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Bài luận về Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

Khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường thì ngay lập tức cũng xuất hiện sự cạnh tranh. Cạnh tranh là một trong những đặc trưng cơ bản, là năng lực phát triển của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, cạnh tranh cũng dẫn đến việc triệt tiêu lẫn nhau giữa các đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường và khẳng định sức mạnh kinh tế của mình. Quá trình này thường diễn biến từ cạnh tranh lành mạnh đến cạnh tranh không lành mạnh và dẫn đến một hệ quả tất yếu là sản sinh ra tình trạng thống lĩnh và độc quyền. Do vậy, em chọn đề số 4 làm bài tập lớn của mình: “Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền”.

I. Một số vấn đề lý luận về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

1. Khái quát về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

1.1. Khái niệm hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Pháp luật cạnh tranh Việt Nam không đưa ra khái niệm về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền mà chỉ quy định một cách khái quát các dấu hiệu cấu thành của hành vi, đồng thời có những quy định cụ thể liệt kê các hành vi bị coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Tuy nhiên, vị trí thống lĩnh được hiểu là khả năng kiểm soát thực tế hoặc tiềm năng đối với thị trường liên quan của một loại hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ của một hoặc một số doanh nghiệp. Vị trí độc quyền được hiểu là vị trí của một doanh nghiệp khi không còn đối thủ nào cạnh tranh với doanh nghiệp đó hoặc có sự cạnh tranh nhưng sự cạnh tranh đó rất yếu ớt và không đáng kể. Mặc dù có những nét đặc trưng khác biệt giữa vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền, song thực chất vị trí độc quyền chỉ là một dạng đặc thù của vị trí thống lĩnh[1].

Bài luận Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

1.2. Các dấu hiệu của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi là doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan.

Thứ hai, hành vi lạm dụng là những hành vi được luật cạnh tranh liệt kê. Một hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường chỉ bị quy kết là lạm dụng để hạn chế cạnh tranh khi nó mang đầy đủ các dấu hiệu của một hành vi nào đó đã được pháp luật quy định là lạm dụng.

Thứ ba, hậu quả của hành vi lạm dụng là làm sai lệch, cản trở hoặc giảm cạnh tranh trên thị trường liên quan.

1.3. Tác động của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trong nền kinh tế thị trường

Về mặt tích cực, thống lĩnh và độc quyền góp phần đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung các nguồn lực phát triển, nhất là trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Sự tích tụ và tập trung nguồn lực vào tay một hoặc một nhóm các doanh nghiệp tạo điều kiện đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô, tăng năng suất lao động, tạo ra những bước ngoặt mang tính đột phá cho bản thân doanh nghiệp và cho ngành sản xuất đó. Sự mở rộng về quy mô sản xuất, đến lượt nó sẽ tạo động lực kích thích trở lại cho các doanh nghiệp. Đối với độc quyền nhà nước, nếu duy trì ở quy mô thích hợp và được kiểm soát tốt sẽ góp phần tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế cũng như trong việc thực thi các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, tạo thế chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ các ngành và cơ sở sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và đáp ứng tốt các nhu cầu của quốc tế dân sinh.

Về mặt tiêu cực: Thứ nhất, thống lĩnh và độc quyền đi ngược lại trật tự cạnh tranh lành mạnh, kìm hãm động lực phát triển của nền kinh tế. Thứ hai, thống lĩnh và độc quyền tạo nguy cơ khủng hoảng và suy thoái của nền kinh tế. Do không chú trọng đến việc đổi mới công nghệ, tăng năng suất nữa, năng lực của các công ty thống lĩnh và độc quyền bị suy yếu, thậm chí dẫn đến suy giảm và suy thoái cả một ngành sản xuất nào đó. Sự khan hiếm của hàng hóa và giá cả leo thang do tình trạng thống lĩnh và độc quyền gây ra sẽ là nguyên nhân đưa đến lạm phát và gây mất ổn định nền kinh tế, làm tăng số người thất nghiệp. Thứ ba, thống lĩnh và độc quyền tạo ra cho các công ty thống lĩnh và độc quyền những khoản thu nhập bất chính từ lợi nhuận do việc tự định giá cả hàng hóa, góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất công trong xã hội. Đối với người tiêu dùng, họ không những chỉ phải chịu chi phí đắt đỏ thêm cho hàng hóa, dịch vụ thống lĩnh, độc quyền mà họ còn phải chịu thiệt thòi khi không được hưởng những thành quả sáng tạo trong sản xuất. Thứ tư, thống lĩnh và độc quyền còn dẫn đến tình trạng “cửa quyền” hay độc quyền cho một nhóm người có lợi ích. Điều này làm xuất hiện nguy cơ tham nhũng, tha hóa trong bộ máy công quyền. Ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp thống lĩnh, độc quyền phải tìm cách nuôi bộ máy công quyền, mua chuộc những nhà chức trách có thẩm quyền để họ bảo vệ sự thống lĩnh và độc quyền.

II. Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Về cơ bản, pháp luật không chống lại các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền trên thị trường nhưng pháp luật phải dự liệu trước khả năng các doanh nghiệp khi đã có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền sẽ lạm dụng  vị trí này để củng cố vị trí của mình, loại bỏ đối thủ cạnh tranh, ngăn cản, hạn chế, thậm chí là triệt tiêu cạnh tranh trên thị trường.

1. Cơ sở xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam

1.1. Xác định thị trường liên quan

Muốn xác định có hay không có quan hệ cạnh tranh trước hết đòi hỏi phải xác định được thị trường liên quan. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh, thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Ví dụ: Thị trường nước giải khát có ga tại Việt Nam – Thị trường của tất cả sản phẩm liên quan là các loại nước giải khát có ga có thể thay thế cho nhau trong một khu vực địa lý liên quan là toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Bài luận Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

1.1.1. Xác định thị trường sản phẩm liên quan

Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả (khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh). Ví dụ, thị trường giữa các nhà sản xuất xà phòng bột và chất tẩy rửa (trong chừng mực mà hai sản phẩm có thể thay thế được cho nhau trong điều liện thương mại thông thường)…

  • Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh ngày 15/09/2005 của Chính phủ (Nghị định 116):

+ Đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được xác định theo một hoặc một số căn cứ sau: tính chất vật lý, tính chất hóa học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ đối với người sử dụng, khả năng hấp thụ.

+ Mục đích sử dụng của hàng hóa, dịch vụ được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu nhất của hàng hóa, dịch vụ đó.

+ Giá cả của hàng hóa, dịch vụ là giá ghi trong hóa đơn bán lẻ theo quy định của pháp luật.

  • Thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ được xác định như sau (khoản 5 Điều 4 Nghị định 116):

+ Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có nhiều tính chất về vật lý, hóa học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ đối với người sử dụng và khả năng hấp thụ giống nhau;

+ Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng giống nhau;

+ Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về giá cả nếu trên 50% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại một khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp. Trường hợp số người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan quy định tại điểm này không đủ 1.000 người thì lượng mẫu ngẫu nhiên được xác định tối thiểu bằng 50% tổng số người tiêu dùng đó.

Trường hợp phương pháp xác định thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” nói trên cho kết quả chưa đủ kết luận thuộc tính “có thể thay thể cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ, Cục quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền xem xét thêm một hoặc một số yếu tố sau đây để xác định thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ: (i) Tỷ lệ thay đổi của cầu đối với một hàng hóa, dịch vụ khi có sự thay đổi về giá của một hàng hóa, dịch vụ khác; (ii) Thời gian cung ứng hàng hóa, dịch vụ ra thị trường khi có sự gia tăng đột biến về cầu; (iii) Thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ; (iv) Khả năng thay thế về cung[2]. Trong trường hợp cần thiết, Cục quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể xác định thêm nhóm người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan không thể chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp (khoản 7 Điều 4 Nghị định 116).

Ngoài cách xác định thị trường sản phẩm liên quan nói trên, trong một số trường hợp đặc biệt, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 116, thị trường sản phẩm liên quan còn có thể được xác định là thị trường của một loại sản phẩm đặc thù hoặc một nhóm các sản phẩm đặc thù căn cứ vào cấu trúc thị trường và tập quán người tiêu dùng. Trong trường hợp này, việc xác định thị trường sản phẩm liên quan có thể xem xét thêm thị trường của các sản phẩm bổ trợ cho sản phẩm liên quan[3]. Ví dụ: xăng và xe máy là hai sản phẩm bổ trợ cho nhau, khi giá của xăng tăng lên thì cầu đối với xe máy giảm.

1.1.2. Xác định thị trường địa lý liên quan

Thị trường địa lý liên quan được xác định là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có các hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận (khoản 1 Điều 3 Luật Cạnh tranh). Ví dụ: khi Hiệp hội taxi Hà Nội thỏa thuận khống chế giá thì thỏa thuận này chỉ có hiệu lực trên thị trường Hà Nội mà không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường các khu vực địa lý khác.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 116, ranh giới của khu vực địa lý được xác định theo các căn cứ sau:

+ Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối sản phẩm liên quan;

+ Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối sản phẩm liên quan để có thể tham gia phân phối sản phẩm liên quan trên khu vực địa lý đó;

+ Chi phí vận chuyển trong khu vực địa lý;

+ Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối sản phẩm liên quan;

+ Rào cản gia nhập thị trường[4].

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 116, khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây: (i) Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá bán lẻ hàng hóa tăng lên không quá 10%; (ii) Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập thị trường.

1.2. Xác định vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyềnXác định vị trí thống lĩnh

1.2.1. Xác định vị trí thống lĩnh

Theo Điều 11 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và có tổng thị phần trên thị trường liên quan từ 50% trở lên đối với 2 doanh nghiệp, từ 65% trở lên đối với 3 doanh nghiệp, từ 75% trở lên đối với 4 doanh nghiệp. Như vậy, Luật Cạnh tranh chỉ quy định các trường hợp có vị trí thống lĩnh và căn cứ để xác định vị trí thống lĩnh thị trường thông qua phương pháp định lượng (xác định thị phần trên thị trường liên quan) và phương pháp định tính (có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể).

  • Xác định thị phần trên thị trường liên quan

Các quy định của Luật Cạnh tranh của nước ta xác định vị trí thống lĩnh căn cứ chủ yếu vào tiêu chí thị phần[5]. Khi doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường (trong thực tế các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường như Vietnam Airline, Viettel, Vinaphone…)

Đối với việc quy định nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, số doanh nghiệp tối đa có vị trí thống lĩnh được khoản 2 Điều 11 Luật Cạnh tranh quy định là 4 doanh nghiệp. Dưới góc độ kinh tế thì khi thị trường có một số lượng doanh nghiệp đáng kể (từ 5 trở lên) cùng tham gia sản xuất, kinh doanh một loại hàng hóa, dịch vụ thì đã đủ để hình thành cơ cấu thị trường có tính cạnh tranh; nếu có nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động trên thị trường liên quan thì khả năng xảy ra việc đồng thời hành động hành động mà không có thỏa thuận là rất khó xảy ra. Quy định về nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh là giải pháp pháp lý để đối phó với những hành vi hạn chế cạnh tranh do một nhóm không đáng kể doanh nghiệp thực hiện trên thực tế mà nhà nước và pháp luật không thể xử lý theo các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Bài luận Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

  • Xác định theo khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể

Theo tinh thần của Điều 11 Luật cạnh tranh, khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể sẽ được sử dụng để xác định vị trí thống lĩnh khi doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp chưa tích lũy đủ mức thị phần tối thiểu mà Luật quy định để được coi là có vị trí thống lĩnh. Nói cách khác, trường hợp ngoại lệ này được áp dụng đối với doanh nghiệp có mức thị phần dưới 30% (tương ứng với các mức 50; 65; 75% cho các nhóm 2; 3; 4 doanh nghiệp) trên thị trường liên quan nhưng có căn cứ cho rằng doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp này có khả năng hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Điều 22 Nghị định 116 không giải thích thế nào là có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể mà chỉ đưa ra các căn cứ để xác định, bao bồm:

  • Năng lực tài chính của doanh nghiệp;
  • Năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp;
  • Năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp;
  • Năng lực tài chính của công ty mẹ;
  • Năng lực công nghệ;
  • Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp;
  • Quy mô của mạng lưới phân phối;
  • Các căn cứ khác mà cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh cho là phù hợp.

Phương pháp xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp dựa trên khả năng gây hạn chế cạnh tranh đã bổ sung và khắc phục những hạn chế của việc sử dụng thị phần làm căn cứ duy nhất để xác định vị trí thống lĩnh.

1.2.2. Xác định vị trí độc quyền

Điều 12 Luật cạnh tranh quy định: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”.

Dưới góc độ lý thuyết, vị trí độc quyền đã loại bỏ khả năng có sự tồn tại cạnh tranh trên thị trường liên quan bởi tại đó chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là doanh nghiệp đang được xem xét hoạt động. Do đó, khi xác định vị trí độc quyền, cơ quan cạnh tranh chỉ cần xác định thị trường liên quan và số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Nếu kết luận đưa ra là chỉ có một doanh nghiệp duy nhất thì doanh nghiệp đó có vị trí độc quyền. Các bước phân tích về doanh thu, doanh số… để xác định tổng thị phần của thị trường sẽ không còn cần thiết.

2. Các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và hành vi độc quyền

2.1. Các quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Điều 13 Luật Cạnh tranh đã quy định các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm và Nghị định 116 đã giải thích chi tiết đối với từng loại hành vi cụ thể, bao gồm:

+ Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh (giải thích tại Điều 23 Nghị định 116).

+ Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng (giải thích tại Điều 27 Nghị định 116).

+ Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng (giải thích tại Điều 28 Nghị định 116).

+ Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh (giải thích tại Điều 29 Nghị định 116).

+ Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng (giải thích tại Điều 30 Nghị định 116).

+ Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới (giải thích tại Điều 31 Nghị định 116).

2.2. Các quy định về hành vi lạm dụng vị trí độc quyền

Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo Điều 14 Luật Cạnh tranh là những hành vi đã được quy định tại Điều 13 và thêm hai hành vi sau:

+ Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng (giải thích tại Điều 32 Nghị định 116).

+ Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng (giải thích tại Điều 33 Nghị định 116).

3. Các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam về xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

3.1. Cơ quan xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Theo pháp luật cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh là cơ quan thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Đối với việc xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, Cục quản lý cạnh tranh chịu trách nhiệm (i) thụ lý hồ sơ khiếu nại hoặc ra quyết định điều tra trên cơ sở phát hiện vụ việc; (ii) tổ chức điều tra; (iii) chuyển hồ sơ vụ việc và kết quả điều tra để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý vụ việc. Về mặt lý luận, việc tổ chức hệ thống quản lý – tài phán cạnh tranh với hai cơ quan riêng biệt  của nước ta đã đảm bảo được sự phân cấp, phân quyền cũng như có tính cưỡng chế thi hành trong xử lý các vụ việc cạnh tranh.

Bài luận Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

3.2. Chế tài xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền

Luật cạnh tranh sử dụng nguyên tắc cấm tuyệt đối để xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh. Theo đó, các hành vi bị cấm trong mọi trường hợp và không áp dụng biện pháp miễn trừ. Trong hệ thống pháp luật cạnh tranh hiện hành, biện pháp xử lý vi phạm được quy định cụ thể trong Nghị định số 71/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh ngày 21/07/2014 của Chính phủ. Theo đó, đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền, mỗi doanh nghiệp vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền (khoản 1 Điều 3 Nghị định 71) (không gồm hình thức cảnh cáo bởi dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cạnh tranh của hai loại hành vi này). Ngoài hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một số biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với từng hành vi và trường hợp cụ thể.

Hình thức xử phạt tiền được xác định dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu bán ra hoặc số mua vào của hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp vi phạm (trường hợp không xác định được doanh thu bán ra hoặc doanh thu số mua vào của hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hành vi vi phạm thì tiền phạt được xác định theo tỷ lệ phần trăm tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm) (thường mức xử phạt đến 10%). Đối với mỗi tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 85 Nghị định 116 thì mức tiền phạt xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 71 được điều chỉnh giảm hoặc tăng tương ứng 5%.

III. Một số đánh giá về thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện nay và kiến nghị hoàn thiện, nâng cao hiệu quả pháp luật điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

1. Ưu điểm

Về căn bản, pháp luật cạnh tranh Việt Nam điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền đã có được một hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ để có cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát thống lĩnh và độc quyền.

Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền đã thể hiện có những quy định tiên phong, mở đường cho các hoạt động cạnh tranh. Do có sự tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm và tư duy pháp lý của nhiều nước có nền kinh tế thị trường tiên tiến trong việc điều chỉnh pháp luật về cạnh tranh, các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thể hiện tính ổn định, khả năng dự đoán của pháp luật, thể hiện sự tương thích của pháp luật cạnh tranh nước ta với những chuẩn mực quan trọng trong pháp luật cạnh tranh của các nước có nền kinh tế thị trường trên thế giới.

2. Hạn chế

-Pháp luật cạnh tranh còn nhiều nâng đỡ, ưu đãi nhiều cho một bộ phận lớn các doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, hàng không dân dụng…

– Về xác định vị trí thống lĩnh thị trường của một doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh Việt Nam có phần khác nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Theo pháp luật của nhiều quốc gia, vị trí thống lĩnh được xác lập bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó, thị phần luôn là một chỉ số hữu ích khởi đầu vấn đề rà soát nhưng đây không phải là điều kiện đủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vị trí thống lĩnh được xác định chủ yếu qua thị phần. Mặt khác thị phần của một doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam lại liên quan đến doanh thu của doanh nghiệp đó hàng năm. Với cách thức thực hiện sổ sách tài chính, kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam thì rất khó khăn cho các cơ quan chức năng khi đưa ra một con số chính xác về thị phần của họ.

-Ý thức chấp hành pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao. Theo một khảo sát năm 2013 của Cục quản lý cạnh tranh, trong số 500 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 1,6% doanh nghiệp “hiểu rất rõ” Luật cạnh tranh; có tới 92,8% doanh nghiệp “chưa hiểu rõ”; 30,6% doanh nghiệp được hỏi chưa từng biết đến Cục quản lý cạnh tranh cho tới khi được hỏi. Con số trên đã phản ánh được những yếu kếm trong quá trình tuyên truyền pháp luật, đồng thời thể hiện thái độ thờ ơ của doanh nghiệp đối với quyền lợi của mình.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện và nâng cao hiệu quả pháp luật điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Hoàn thiện các quy định của pháp luật về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Có thể kể đến những vấn đề sau:

+ Về xác định thị trường liên quan và vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp, cần cân nhắc mức giá giả định sẽ tăng lên khi điều tra để kết luận vị trí thống lĩnh (có thể khống chế mức tối đa và mức tối thiểu chênh lệch với nhau không quá 5%). Điểm c khoản 5 Điều 4 Nghị định 116 xác định mức giá của sản phẩm được điều tra tăng lên 10% trong thời hạn 6 tháng để kiểm tra khả năng thay đổi nhu cầu của khách hàng mà không khống chế mức tối đa. Nếu không khống chế mức tối đa, có thể tạo ra sự tùy tiện cho cơ quan có thẩm quyền trong việc lựa chọn mức tăng giá cụ thể khi điều tra và có thể kết quả không chính xác.

+ Không nên quy định dấu hiệu của hậu quả hành vi như một dấu hiệu bắt buộc cấu thành vi phạm bởi việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền của các doanh nghiệp có vị thế này đều có tính chất, mức độ nguy hiểm cao đối với thị trường, đối với người tiêu dùng. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc và các bên liên quan phải tốn nhiều chi phí cho công việc chứng minh hậu quả của hành vi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả để kết luận đó có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không.

Nâng cao hiệu quả kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

+ Đảm bảo tính độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh. Bởi lẽ, hiện nay, Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương nhưng Bộ này còn là Bộ chủ quản của nhiều doanh nghiệp nhà nước quan trọng nên việc đảm bảo khách quan, vô tư khi Cơ quan quản lý cạnh tranh giải quyết các tranh chấp mà một bên là doanh nghiệp nhà nước là rất khó khăn.

+ Xây dựng cơ chế thực thi pháp luật về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền: Cơ quan quản lý cạnh tranh nên công khai những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường để mọi thành viên của thị trường (bao gồm cả người tiêu dùng) có cơ sở để thực hiện quyền giám sát, phát hiện các hành vi có dấu hiệu của sự lạm dụng để cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền; thực thi luật cạnh tranh liên quan đến việc chống lạm dụng cần được đặt trong mối quan hệ với việc thực thi các đạo luật chuyên ngành trong các lĩnh vực có sự tồn tại của độc quyền nhà nước như Luật Viễn thông năm 2009, Luật Điện lực…; cần nâng cao về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ của Cơ quan quản lý cạnh tranh…

Bài luận Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

Cạnh tranh là thuộc tính bản chất của nền kinh tế thị trường. Trong quá trình cạnh tranh tự nhiên giữa các chủ thể kinh doanh, hầu như không có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Đối với nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, việc thừa nhận và bảo vệ cạnh tranh như một động lực trong nền kinh tế là cần thiết và có ý nghĩa trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Do đó, cần không ngừng hoàn thiện các quy định của pháp luật cạnh tranh về vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền nói riêng và pháp luật về cạnh tranh nói chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Cạnh tranh năm 2004;
  2. Nghị định số 116/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh ngày 15/09/2005 của Chính phủ;
  3. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh ngày 21/07/2014 của Chính phủ;
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật cạnh tranh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội – 2011;
  5. Đỗ Thanh Thủy, Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội – 2014;
  6. Lương  Thị Vân, Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực viễn thông di động, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội – 2014;
  7. Nguyễn Hải Yến, Pháp luật điều chỉnh hành vi lạm dụng vị trí độc quyền trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2008;
  8. Nguyễn Kim Phượng, Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền theo Luật cạnh tranh của Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội – 2007;
  9. Phan Thị Vân Hồng, Độc quyền và pháp luật về kiểm soát độc quyền ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sỹ luật học, Hà Nội – 2005.

[1] Nguyễn Kim Phượng, Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền theo Luật cạnh tranh của Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội – 2007, trang 6

[2] Khả năng thay thế về cung là khả năng của doanh nghiệp đang sản xuất, phân phối một hàng hóa, dịch vụ chuyển sang sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ khác trong một khoảng thời gian ngắn và không có sự tăng lên đáng kể về chi phí trong bối cảnh có sự tăng lên về giá của hàng hóa, dịch vụ khác đó(Điều 6 Nghị định 116)

[3] Sản phẩm được coi là sản phẩm bổ trợ cho sản phẩm liên quan nếu giá của sản phẩm này tăng hoặc giảm thì cầu đối với sản phẩm liên quan sẽ giảm hoặc tăng tương ứng

[4] Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116, rào cản gia nhập thị trường bao gồm: (1) Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp; (2) Các rào cản về tài chính bao gồm chi phí đầu tư vào sản xuất, phân phối, xúc tiến thương mại hoặc khả năng tiếp cận với các nguồn cung cấp tài chính; (3) Quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước; (4), Các quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; các chuẩn mực nghề nghiệp; (5) Thuế nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu; (6)Tập quán của người tiêu dùng; (7) Các rào cản gia nhập thị trường khác.

[5] Thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa số mua vào của doanh nghiệp này với tổng  số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm (khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh)

Bài luận Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191