Menu Đóng

Ly hôn đơn phương người nước ngoài

Câu hỏi: Cho e hỏi có cách nào để ly hôn đơn phương người nước ngoài không? tư vấn giúp em với?

Mục lục bài viết:

  1. Trả lời câu hỏi? Có thể làm thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài được không?
  2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài.
  3. Hồ sơ ly hôn đơn phương với người nước ngoài
  4. Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài.

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14

1. Trả lời câu hỏi:

Câu hỏi: “Cho e hỏi có cách nào để ly hôn đơn phương người nước ngoài không? tư vấn giúp em với?”

Trả lời:

            Ly hôn là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận. Pháp luật Việt Nam hay pháp luật quốc tế không cấm việc ly hôn đơn phương với người nước ngoài vì đây là việc ly hôn theo ý chí đơn phương của một bên vợ hoặc chồng.

            Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, để tiến hành thủ tục ly hôn với người nước ngoài khi vợ hoặc chồng không muốn tiếp tục quan hệ hôn nhân thì có thể tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương kể cả đối tượng là người nước ngoài. Như vậy, có thể tiến hành ly hôn đơn phương với người nước ngoài mà không cần phải lo ngại về khoảng cách địa lý, bất đồng trong ngôn ngữ hay sự phức tạp trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn.

2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài:

+) Căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự:

“d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;”

Trong trường hợp của bạn, vì bạn là công dân Việt Nam nên trường hợp ly hôn đơn phương của bạn sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án Việt Nam giải quyết.

+) Căn cứ theo Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

Và Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

“2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.”

Vì vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình, cụ thể là giải quyết đơn phương ly hôn mà một bên là người nước ngoài trong trường hợp này thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam. Khi đó, một bên sinh sống ở Việt Nam có quyền nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hôn nhân này.

Trong trường hợp ly hôn đơn phương người nước ngoài của bạn, sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn sinh sống giải quyết.

3. Hồ sơ ly hôn đơn phương với người nước ngoài:

Để chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương cần những giấy tờ sau:

+) Đơn khởi kiện ly hôn.

+) Giấy chứng nhận kết hôn (Bản gốc)

            Nếu mất giấy chứng nhận kết hôn bản gốc có thể thay thế bằng trích lục kết hôn.

+) Giấy tờ của hai bên:

   – Giấy tờ của bên có quốc tịch Việt Nam: Bản sao chứng thực CMND/CCCD hoặc bản sao chứng thực hộ chiếu;

   – Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài:

  • Bản sao chứng thực hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa tại lãnh sự quán.

+) Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con;

+) Giấy tờ liên quan đến cư trú:

  • Bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của bên có quốc tịch Việt Nam.
  • Giấy tờ chứng minh bị đơn đang ở nước ngoài.

4. Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài:

+) Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn

            Vì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam. Do đó, sau khi chuẩn bị hồ sơ như trên, bạn là công dân Việt Nam và cư trú tại Việt Nam thì cần nộp đơn khởi kiện ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.

            Bạn phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của chồng ở nước ngoài trong đơn khởi kiện kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của chồng bạn.

+) Bước 2: Nộp tạm ứng án phí vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài:

            Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

            Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, trong đó quy định tiền án phí giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình (đơn phương ly hôn) là 300.000 đồng và lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 200.000 đồng.

            Trường hợp có tranh chấp về tài sản có giá trị trên 6.000.000 đồng thì án phí chia tài sản tính trên tỉ lệ phần trăm tài sản có tranh chấp theo quy định tại Nghị quyết này.

+) Bước 3: Tòa triệu tập để giải quyết vụ án ly hôn:

  Cán bộ Tòa án tiếp nhận đơn và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán để xem xét hồ sơ.

     – Chánh án tòa phân công Thẩm phán xem xét đơn (Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn)

     – Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán đước phân công xem xét đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

  • Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này  

Nếu đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên họp hòa giải, mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho đương sự ở nước ngoài.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài: Trần Thị Phương Thảo

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191