Menu Đóng

Công chứng viên là người thực hiện hoạt động nghề nghiệp chuyên trách

Công chứng viên là người thực hiện hoạt động nghề nghiệp chuyên trách.

Khi đất nước chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế trong xã hội phát triển mạnh mẽ và kèm theo đó là một số lượng lớn các giao dịch, hợp đồng cũng như bản dịch được thực hiện trên phạm vi quốc gia cũng như quốc tế. Thực tế khách quan trên yêu cầu Nhà nước cần phải có những công cụ hữu hiệu để quản lý, điều phối các mối quan hệ trên, tạo môi trường pháp lý trong sạch nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các quy định về công chứng là một trong những công cụ đó. Cùng với sự ra đời của hoạt động công chứng là sự xuất hiện của một nghề nghiệp mới, một chức danh tư pháp mới, đó là công chứng viên. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, em chọn đề bài số 4: “Chứng minh rằng: công chứng viên là người thực hiện hoạt động nghề nghiệp chuyên trách” làm bài tập lớn của mình.

1. Một số khái niệm về công chứng viên

Theo quy định tại Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 thì “Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng” (khoản 2). Từ khái niệm này, có thể rút ra một số đặc điểm của công chứng viên như sau: Một là, công chứng viên là tên gọi của một chức danh nghề nghiệp của những người hành nghề công chứng. Hai là, công chứng viên phải có đủ tiêu chuẩn do pháp luật quy định về phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ba là, công chứng viên phải được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các dịch vụ pháp lý. Bốn là, công chứng viên phải hoạt động nghề nghiệp trong tổ chức hành nghề công chứng.

Từ quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, có thể thấy rằng công chứng viên là người hành nghề công chứng. Theo đó, “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng , giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng” (khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014).

2. Công chứng viên là người thực hiện hoạt động nghề nghiệp chuyên trách

Để chứng minh công chứng viên là người thực hiện hoạt động nghề nghiệp chuyên trách, người viết dựa trên hai vấn đề lớn sau:

2.1. Công chứng viên là người thực hiện hoạt động nghề nghiệp

“Nghề nghiệp”, theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, là “công việc chuyên làm theo sự phân công hoặc theo ý thích của chủ thể”[1]. Hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên chính là hoạt động công chứng, đã được ghi nhận rõ tại khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014. Tính nghề nghiệp này thể hiện ở việc công chứng viên thực hiện hoạt động công chứng một cách chuyên nghiệp, dựa trên những kiến thức, kĩ năng chuyên môn của mình đã được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, chuyên sâu. Hiện nay việc đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng do Học viện Tư pháp chủ trì.

Để trở thành công chứng viên, phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 quy định tiêu chuẩn công chứng viên bao gồm: “Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

  1. Có bằng cử nhân luật;
  2. Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
  3. Tốt nghiệp khóa đào tạo hành nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng hành nghề công chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;
  4. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
  5. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.”

Bên cạnh những tiêu chuẩn về nhân thân, để trở thành công chứng viên cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kiến thức và kinh nghiệm. Việc quy định mặt bằng kiến thức pháp lý chung (ví dụ là cử nhân luật) cũng như kiến thức chuyên sâu (ví dụ chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng) cho những công chứng viên tương lai là điều tối cần thiết. Chỉ khi nào được trang bị một lượng kiến thức nhất định thì công chứng viên mới có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Một tiêu chuẩn nữa là tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác. Trước khi được bổ nhiệm làm công chứng viên, các ứng viên phải có thâm niên công tác pháp luật ít nhất 5 năm.

Không chỉ phải đáp ứng những tiêu chuẩn trên, sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng, người đó cần phải đăng ký tập sự tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 11 Luật Công chứng năm 2014.

Việc pháp luật xác định chặt chẽ tiêu chuẩn cho chức danh công chứng viên xuất phát từ những nét đặc thù của công chứng, có thể kể đến như:

+ Phạm vi hoạt động chuyên môn công chứng rất rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó đòi hỏi công chứng viên phải có một trình độ pháp luật sâu rộng cũng như kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đa dạng. Ví dụ, trong tình huống công chứng viên là người trực tiếp soạn thảo hợp đồng cho người yêu cầu công chứng khi họ đề nghị. Do yêu cầu công chứng loại này rất phong phú và đa dạng về chủng loại, thỏa thuận của các bên đương sự cũng rất phức tạp… nên yếu tố kinh nghiệm và năng lực của công chứng viên được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, việc cho phép nhiều chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp cũng như một số học hàm, học vị nhất định miễn đào tạo nghề công chứng không những tiết kiệm được chi phí đào tạo, giảm thiểu thời gian xây dựng đội ngũ công chứng viên mà còn tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm quý báu của những cán bộ từng trải trong lĩnh vực luật pháp nói chung và trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói riêng.

+ Do áp lực công việc cao nên công chứng viên phải có một khả năng quyết đoán, có thể xử lý, đưa ra quyết định chính xác đối với các yêu cầu công chứng phức tạp trong một thời gian ngắn. Có thể lấy ví dụ đối với hợp đồng, giao dịch do đương sự tự nguyện yêu cầu công chứng. Sau khi tìm hiểu ý chí chủ quan của người yêu cầu công chứng, công chứng viên căn cứ quy định của pháp luật có liên quan, giấy tờ, tài liệu mà đương sự xuất trình… quyết định có giải quyết hay không yêu cầu công chứng đó.

Để thực hiện được hoạt động nghề nghiệp này, công chứng viên phải hành nghề tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng (Điều 34 Luật Công chứng năm 2014), được tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp nơi tổ chức hành nghề tư pháp hoạt động (Điều 35 Luật Công chứng năm 2014) và được cấp Thẻ công chứng viên, “Thẻ công chứng viên là căn cứ chứng minh tư cách hành nghề công chứng của công chứng viên” (Điều 36 Luật Công chứng năm 2014). Các thủ tục đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề công chứng, cấp thẻ công chứng viên được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 06/2015/TT-BTP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng của Bộ Tư pháp ngày 15/06/2015.

2.2. Hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên là chuyên trách

Dù công chứng viên hoạt động tại Phòng công chứng với tư cách là công chức, viên chức hay Văn phòng công chứng với tư cách là công chứng viên hợp danh hay theo chế độ hợp đồng thì công chứng viên phải hoạt động chuyên trách. “Chuyên trách” có nghĩa là “chuyên chỉ làm và chỉ chịu trách nhiệm một việc nào đó”[2]. Theo cách hiểu như trên, hoạt động nghề nghiệp chuyên trách của công chứng viên được thể hiện ở các mặt sau:

  • Công chứng viên không kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác

Một số quốc gia cho phép công chứng viên được kiêm nhiệm, ví dụ như tại Cộng hòa Ba Lan, công chứng viên có thể kiêm nhiệm một số công việc nhất định với sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, pháp luật công chứng của Cộng hòa Liên bang Đức cho phép công chứng viên chỉ có thể hành nghề công chứng kiêm luật sư thì ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, công chứng viên không những chỉ được phép hành nghề luật sư mà còn có thể kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác, thậm chí cả những công việc không có bất kỳ mối liên hệ nào đến lĩnh vực luật pháp.[3]

Tuy nhiên, pháp luật công chứng Việt Nam hiện nay quy định công chứng viên không được kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác, được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014, cụ thể, nghiêm cấm công chứng viên “…kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác”. Quy định này của Luật Công chứng năm 2014 có khác biệt với quy định tại Điều 2 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2006 của Chính phủ ngày 07/01/2013 (đã hết hiệu lực): “Công chứng viên phải hành nghề chuyên trách; không được đồng thời hành nghề khác, không được kiêm nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, đấu giá viên, trọng tài viên, thừa phát lại hoặc các chức danh tư pháp khác”. Như vậy, pháp luật công chứng hiện nay đã mở rộng hơn phạm vi các công việc mà công chứng viên không được kiêm nhiệm. Theo đó, không chỉ là các ngành nghề khác, các chức danh tư pháp khác như luật sư, đấu giá viên, trọng tài viên, thừa phát lại… mà hiện nay, pháp luật không cho phép công chứng viên kiêm nhiệm các công việc có tính thường xuyên nói chung. Tuy nhiên, cũng theo pháp luật hiện hành có thể hiểu rằng, công chứng viên được kiêm nhiệm các công việc không có tính thường xuyên. Quy định này xuất phát từ tính chất của hoạt động công chứng, đòi hỏi công chứng viên phải chuyên tâm vào hoạt động nghề nghiệp của mình, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi các công việc khác, từ đó nâng cao trách nhiệm của công chứng viên đối với hoạt động công chứng.

Mặc dù công chứng viên là người hành nghề công chứng, tuy nhiên, không có nghĩa là hoạt động công chứng chỉ do công chứng viên thực hiện. Theo quy định tại khoản 3 Điều 69 Luật Công chứng năm 2014, viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao cũng được thực hiện công chứng ở nước ngoài, tức những chủ thể này được kiêm nhiệm. Đây là một ngoại lệ của hoạt động công chứng, phù hợp với điều kiện xã hội và tương thích với quy định của pháp luật quốc tế.

  • Tự chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình

Mặc dù pháp luật yêu cầu công chứng viên phải hành nghề tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng, tuy nhiên chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động công chứng không phải là tổ chức hành nghề công chứng mà công chứng viên đang làm việc mà chính là bản thân công chứng viên. Theo điểm g khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014, một trong những nghĩa vụ của công chứng viên là: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh”. Điều 71 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý ký luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Quy định như vậy là hợp lý, bởi lẽ, công chứng viên là người trực tiếp thực hiện hoạt động công chứng, từ khi tiếp nhận yêu cầu công chứng cho tới khi hoàn thành việc công chứng; trong việc đánh giá, kiểm tra năng lực hành vi của người yêu cầu công chứng, hướng dẫn người yêu cầu công chứng thực hiện thủ tục, trong việc ghi lời chứng…

3. Thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên hiện nay

Nghề công chứng đã trở thành nghề xã hội hóa từ khi Luật Công chứng năm 2006 ra đời và vẫn được Luật Công chứng năm 2014 giữ nguyên tinh thần. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng mà nguồn nhân lực tham gia hoạt động công chứng đã tăng lên nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của người dân, hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc hoặc đi lại xa. Tuy nhiên, nghề công chứng cũng có những mặt trái khi không ít những rủi ro, sai phạm trong khi hành nghề xảy ra, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có thể kể đến như nạn gian dối, lừa đảo, giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng mà công chứng viên do sơ suất trong nghiệp vụ không phát hiện ra; hay như vụ việc “Dịch vụ người chết sống lại… giá 70 triệu đồng” xuất phát từ sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của công chứng viên… Thiết nghĩ, quy định hiện hành của pháp luật nước ta còn nhẹ, chưa có tính răn đe, nghiêm khắc mà còn xảy ra những hiện tượng trên?

Luật Công chứng năm 2014 đã mở rộng phạm vi công chứng so với trước kia, theo đó, bên cạnh hợp đồng, giao dịch, công chứng viên còn được giao nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Quy định này không chỉ giúp giảm tải công việc cho các Phòng Tư pháp vốn đang thiếu biên chế mà còn thể hiện tính chuyên nghiệp của công chứng viên. Tuy nhiên, thực tế là các công chứng viên thường e ngại khi chứng nhận nội dung vì không nắm được nội dung bản dịch có chuẩn xác hay không, trong khi theo quy định, công chứng viên không được từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng. Trong khi đó, theo quy định, việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại để công chứng do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, tức cần phải có một đội ngũ cộng tác viên dịch thuật trình độ cao, nhiều kinh nghiệm. Đây là điều không dễ đáp ứng được.

Từ thực tế hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên như đã trình bày, người viết có một số kiến nghị như sau:

+ Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho công chứng viên, nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho công chứng viên.

+ Siết chặt quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng mức độ xử lý vi phạm hành chính, hình sự…

+ Nhà nước cần hỗ trợ các văn phòng công chứng trong việc cộng tác với người dịch nhằm phục vụ cho hoạt động công chứng bản dịch, có thể thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức chuyên thực hiện việc dịch văn bản, giấy tờ; hoặc cho phép các tổ chức hành nghề công chứng liên kết với các cơ sở đào tạo về ngôn ngữ…

Cụm từ “công chứng” giờ đã trở nên quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, một số bất cập từ hoạt động công chứng đã và đang làm xấu đi hình ảnh của công chứng viên. Do vậy, tăng cường quản lý, thiết chặt các quy định của pháp luật là việc làm rất cần thiết hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Công chứng năm 2014;
  2. Thông tư số 06/2015/TT-BTP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng của Bộ Tư pháp ngày 15/06/2015;
  3. Lê Thị Thu Hiền, Hoạt động công chứng ở nước ta hiện nay, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2011;
  4. Tuấn Đạo Thanh, Nghiên cứu so sánh pháp luật về công chứng một số nước trên thế giới nhằm góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật về công chứng ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội – 2008;

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội – 1999, trang 83

[2] Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Nxb.Văn hóa thông tin, năm 1999, trang 406

[3] Tuấn Đạo Thanh, Nghiên cứu so sánh pháp luật về công chứng một số nước trên thế giới nhằm góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật về công chứng ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội – 2008, trang 56

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191