Bài tiểu luận về Đặc trưng của ngôn từ người Việt, ngôn từ của giới trẻ hiện nay.
Vấn đề ngôn từ giới trẻ trong giai đoạn hiện nay trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Trong đó, bản thân giới trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại.
1. ĐẶC TRƯNG CỦA NGÔN TỪ NGƯỜI VIỆT
1.1. Ngôn từ là gì:
Ngôn từ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người. Nhiều ngôn từ sử dụng điệu bộ, âm thanh, ký hiệu, hay chữ viết, và cố gắng truyền khái niệm, ý nghĩa, và ý nghĩ, nhưng mà nhiều khi những khía cạnh này nằm sát quá, cho nên khó phân biệt nó. Ngôn ngữ không phải là một bộ “quy tắc và ngữ pháp”. Ngôn từ là công cụ người ta dùng để biểu đạt ý nghĩa và tình cảm của mình đối với người khác, qua đó để người ta hiểu nhau.
Cùng với sự biến đổi của xã hội, ngôn từ không ngừng biến đổi theo để có thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Điều này đặt ra đòi hỏi đối với người nghiên cứu ngôn từ là cần kịp thời nghiên cứu những xu hướng phát triển mới của ngôn từ nhằm phục vụ công tác dự báo, định hướng, chuẩn hóa và giáo dục ngôn từ phù hợp với từng giai đoạn.
1.2. Ngôn từ của người Việt:
Trước hết, đó là sự phong phú trong hệ thống xưng hô tiếng Việt: Trong khi các ngôn ngữ khác chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng thì tiếng Việt, ngoài các đại từ nhân xưng, còn sử dụng một số lượng lớn các danh từ chỉ quan hệ họ hàng (anh, chị – em; ông, bà, bác, cô, gì, chú – cháu, con…) và một số danh từ chỉ nghề nghiệp, chức vụ (thầy, cô, bác sĩ, ông cai, ông lý, ông huyện,…) để thay thế cho đại từ, chúng trở thành các từ đại từ hóa, những từ đại từ hóa này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng.
Trong tiếng Việt có tổng cộng trên 60 từ xưng hô. Hệ thống xưng hô cực kỳ phong phú này thể hiện rất rõ các đặc tính của văn hóa nông nghiệp Việt Nam:
– Có tính chất thân mật hóa cao (đặc tính trọng tình cảm). Với cách xưng hô này, tất cả mọi người trong cộng đồng đều trở thành bà con họ hàng trong một gia đình.
– Có tính chất cụ thể hóa cao (tính linh hoạt). Trong hệ thống từ xưng hô này, không có cái “tôi” chung chung: với mỗi người đối thoại khác nhau, người nói ở vào những cương vị khác nhau, những vai khác nhau. Trong hệ thống từ xưng hô này, cũng không có cái “anh” chung chung, cái “nó” chung chung; quan hệ xưng hô phụ thuộc vào tuổi tác, địa vị xã hội, thời gian, không gian giao tiếp: Cùng là một cặp đối thoại, lúc ở trường học thì người này gọi người kia là thầy, nhưng khi về nhà thì lại gọi là em, vì người thầy kia chính là em trai (hoặc em họ) của người này. Còn nhớ, vào những năm 60, có một vị lãnh đạo từng kêu gọi mọi người dùng các đại từ tôi, nó trong giao tiếp, xưng hô như ở các ngôn ngữ khác cho giản tiện và dân chủ, thế nhưng truyền thống văn hóa vẫn mạnh hơn: không một người Việt Nam nào có thể xưng “tôi” với một người cao tuổi, một người bậc trên; cũng như không một người Việt Nam nào có thể gọi một người cao tuổi, một người bậc trên là “nó”.
– Có tính xã hội hóa cao (tính cộng đồng). Hai người nói chuyện với nhau đấy, xưng hô với nhau đấy, nhưng thực ra vẫn luôn luôn kéo cả những người thứ ba, thứ tư… vào cuộc. Đó là những lối gọi nhau bằng tên con, tên cháu, tên vợ, tên chồng… Hai vợ chồng gọi nhau là bố nó – mẹ nó, ba nó – má nó, ông nó – bà nó… chẳng là đã lôi cả những người thứ ba là con mình, cháu mình vào cuộc đấy ư? Hai người nói chuyện với nhau đấy nhưng cũng chính là đang thông báo, đang tự giới thiệu cho những người ngoài những người thứ tư biết rằng mình đã có con, có cháu; đã lên bậc cha, bậc mẹ; lên bậc ông, bậc bà…, để những người này nếu muốn nói chuyện với mình thì còn biết đường mà xưng hô!
– Có tính đa nghĩa cao (tính tổng hợp). Cùng là hai người, nhưng cách xưng hô có thể đồng thời tổng hợp được các quan hệ khác nhau: Lối xưng hô ông-con, chú-con, bác-em… vừa thể hiện quan hệ “ông-cháu”, “chú-cháu”, “bác-cháu”, vừa thể hiện quan hệ “cha-con”, “anh-em”; vừa thể hiện được sự cách biệt về tuổi tác (gọi “ông” là cách biệt rất lớn, ngang tuổi ông mình; gọi “bác” là cách biệt nhiều, ngang tuổi anh bố mình; gọi “chú” là cách biệt ít hơn, ngang tuổi em bố mình), sự cách biệt về vai vế (“ông” bằng vai với ông mình, “chú”, “bác” bằng vai với bố mình), vừa thể hiện được sự gần gũi, thân mật như cha con, anh em.
– Có tính tôn ty, nhưng đồng thời lại vẫn rất dân chủ. Tôn ty đây là sự thể hiện đúng quan hệ tuổi tác, thứ bậc trong họ hàng, ngoài xã hội…, và vì thể hiện đúng, cho nên rất dân chủ, công bằng.
– Thể hiện tâm lý nhường nhịn, trọng sự hòa thuận (hiếu hòa). Người Việt Nam xưng và hô theo nguyên tắc xưng khiêm hô tôn (tự xưng thì khiêm nhường còn gọi đối tượng giao tiếp với mình thì tôn kính). Việc tôn trọng, đề cao nhau dẫn đến tục kiêng tên riêng: tên riêng xưa kia không phải là cái dùng để gọi nhau (trái với chức năng bẩm sinh của nó). Đặt tên con cần nhất là không được trùng với tên của những người bề trên trong họ hàng cũng như xung quanh hàng xóm. Cũng vì kiêng tên riêng mà người Việt Nam trước đây có tục nhập gia vấn húy: vào nhà ai, phải hỏi tên chủ nhà trước để khi nói chuyện nếu có dùng đến từ đó thì phải nói chệch đi (nhưng người phương Tây thì, ngược lại, gặp nhau phải hỏi tên nhau để còn dùng tên ấy mà gọi).
Ví dụ như có trường hợp hai người quen nhau mấy chục năm mà chỉ khi một trong hai người mất, người kia mới biết được tên thật của bạn qua cáo phó; và không phải ngẫu nhiên mà trong một cuộc thi “Ở nhà chủ nhật” của Đài truyền hình VTV3 có câu đố yêu cầu các cháu tham gia cuộc thi nói được tên thật của bà nội mình.
Bên cạnh đó, nghi thức trong các cách nói lịch sự cũng rất phong phú. Do truyền thống tình cảm và linh hoạt nên người Việt Nam không có một từ cảm ơn, xin lỗi chung chung cho mọi trường hợp như phương Tây. Với mỗi trường hợp có thể có một cách cảm ơn, xin lỗi khác nhau: Con xin chú (cảm ơn khi nhận quà), Chị chu đáo quá (cảm ơn khi được quan tâm), Bác bày vẽ quá (cảm ơn khi được tiếp đón), Quý hóa quá (cảm ơn khi khách đến thăm), Anh quá khen (cảm ơn khi được khen), Cậu đã cứu cho tớ một bàn thua trông thấy, Cháu được như hôm nay là nhờ cô đấy (cảm ơn khi được giúp đỡ)…
Ngoài ra, văn hóa nông nghiệp ưa ổn định, sống chú trọng đến không gian, nên người Việt Nam phân biệt kĩ các lời chào theo quan hệ xã hội và theo sắc thái tình cảm. Trong khi đó văn hóa phương Tây ưa hoạt động lại phân biệt kĩ các lời chào theo thời gian như chào gặp mặt, chào chia tay, chào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối…
1.3. Đặc trưng của ngôn từ người Việt:
+) Thứ nhất, ngôn từ Việt Nam có tính biểu trưng cao. Tính biểu trưng thể hiện ở xu hướng khái quát hóa, ước lệ hóa, công thức hóa với những cấu trúc cân đối, hài hòa. Xu hướng ước lệ bộc lộ ở chỗ tiếng Việt thích những cách diễn đạt bằng các con số biểu trưng. Lối tư duy tổng hợp mọi yếu tố, lối sống ổn định có quan hệ tốt với hết thảy mọi người dẫn đến xu hướng trọng sự cân đối hài hòa trong ngôn từ – một biểu hiện khác của tính biểu trưng. Tính cân xứng là một đặc tính rất điển hình của tiếng Việt.
Lối tư duy tổng hợp mọi yếu tố; lối sống ưa ổn định và có quan hệ tốt với hết thảy mọi người dẫn đến xu hướng trọng sự cân đối hài hòa trong ngôn từ – một biểu hiện khác chỉ tính biểu trưng. Tính cân xứng là một đặc tính rất điển hình của riêng Việt.
Truyền thống văn chương Việt Nam thiên về thơ ca: Người Việt Nam hầu như ai cũng biết làm thơ; lịch sử mấy nghìn năm của Việt Nam chủ yếu là lịch sử của thơ ca – một thứ thơ có cấu trúc chặt chẽ (lục bát; song thất lục hát) và có vần điều nghiêm ngặt thể hiện sự cân đối; hài hòa. Văn chương phương Tây thì; ngược lại; có khuynh hướng thiên về văn xuôi. Thống kê trên 2 tập Từ điển văn học cho thấy trong 198 mục từ tác phẩm văn học phương Tây (châu Âu + Nga) thì có 43 thơ và 155 văn xuôi, tức là vãn xuôi chiếm 78,3%; còn trong 95 mục từ tác phẩm văn học Việt Nam (không kể các truyện cổ tích được kể riêng như Trầu Cau; Thành Gióng…) thì có 69 thơ và 26 văn xuôi, tức là thơ chiếm 72,6% (trong 26 mục văn xuôi này có rất nhiều tác phẩm hịch, chèo, tuồng… mang đậm chất thơ). Ở Việt Nam, văn xuôi truyền thống cũng là văn xuôi thơ, thế mạnh đó còn do tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu thanh điệu, tự thân thanh điệu đã tạo nên tính nhạc cho lời văn rồi. Từ những bài văn xuôi viết theo lối biền ngẫu như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; hoặc những lời văn Nôm bình dân… khắp nơi đều gặp một lối cấu trúc cân đối, nhịp nhàng, chặt chẽ và có tiết tấu, vần điệu.
+) Thứ hai, ngôn từ Việt Nam rất giàu chất biểu cảm – sản phẩm tất yếu của một nền văn hóa trọng tình.
Về mặt từ ngữ, chất biểu cảm này thể hiện ở chỗ các từ, bên cạnh yếu tố gốc mang sắc thái nghĩa trung hòa, thường có rất nhiều biến thể với những sắc thái nghĩa biểu cảm: Bên cạnh màu xanh trung tính, có đủ thứ xanh rì, xanh rờn, xanh rợn, xanh ngắt, xanh um, xanh lè… Bên cạnh màu đỏ trung tính có đỏ rực, đỏ au, đỏ lòm, đỏ loét, đỏ hoe… Các từ láy mang sắc thái biểu cảm mạnh cũng rất phổ biến lòng tiếng Việt (ở các ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Hán, đều hầu như không có): không phải ngẫu nhiên mà trong thơ ca của ta có thể gặp rất nhiều từ láy. Ở trên vừa nói Tiếng Việt thiên về thơ, mà thơ là mang đậm chất tình cảm rồi, cho nên từ láy với bản chất biểu cảm rất phù hợp với nó.
Về ngữ pháp, tiếng Việt dùng nhiều hư từ biểu cảm: à, ư, nhỉ, nhé, chăng, chớ, hả, hở, phỏng, sao, chứ… Cấu trúc “iếc hóa” có nghĩa đánh giá (sánh siếc, bàn biếc…) cũng góp phần làm tăng cường hệ thống phương tiện biểu cảm cho tiếng Việt. Khuynh hướng biểu cảm còn thể hiện ở chỗ trong lịch sử văn chương truyền thống, không có những tác phẩm anh hùng ca đề cao chiến tranh; có nói đến chiến tranh chăng thì cũng chỉ là nói đến nỗi buồn của nó (Ví dụ như bài thơ Chinh phụ ngâm).
+) Thứ ba, ngôn từ Việt Nam còn có tính động và linh hoạt.Tính động, linh hoạt này trước hết bộc lộ ở hệ thống ngữ pháp. Trong khi ngữ pháp biến hình của các ngôn ngữ châu Âu là một thứ pháp chặt chẽ tới mức máy móc thì ngữ pháp tiếng Việt tổ chức chủ yếu theo lối dùng các từ hư để biểu hiện các ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp, khiến cho người sử dụng được quyền linh hoạt tối đa. Ngữ pháp của các ngôn ngữ phương Tây là ngữ pháp hình thức, còn ngữ pháp Việt Nam là ngữ pháp ngữ nghĩa. Nói bằng một ngôn ngữ châu Âu, ta bắt buộc phải chia động từ theo các thể, các ngôi…; phải đặt danh từ vào các giống, các số, các cách…; phải đặt tính từ vào những hình thái phù hợp với danh từ…; Chính vì linh hoạt như vậy mà tiếng Việt có khả năng diễn đạt khái quát rất cao.
2. NGÔN TỪ CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, tiếng Việt đang có biến đổi sâu sắc, tạo ra nhiều phương ngữ xã hội khác nhau cùng hoạt động. Trong đó, ngôn từ giới trẻ là một kiểu phương ngữ xã hội nổi bật, thổi luồng mới lạ vào đời sống tiếng Việt, tạo ra nhiều luồng dư luận khen chê trái chiều.
2.1. Một số định nghĩa:
– Tiếng lóng giới trẻ là sản phẩm ngôn ngữ đặc thù do giới trẻ tạo ra, có phạm vi sử dụng chủ yếu trong nội bộ giới trẻ, mang màu sắc ngữ nghĩa độc đáo, vui tươi, dí dỏm, thể hiện bản sắc nhóm giới trẻ. Xét về đặc điểm, nguồn gốc, tuyệt đại đa số tiếng lóng giới trẻ được hình thành trên cơ sở của vốn từ tiếng Việt, chỉ một số rất hiếm có nguồn gốc nước ngoài. Tiếng lóng giới trẻ được tạo ra bằng những con đường chủ yếu là vay mượn ngoại lai, tạo từ mới và biến đổi những đơn vị sẵn có của tiếng Việt. Tiếng lóng giới trẻ chỉ có tính nội bộ mà không có tính bí mật.
– Ngôn ngữ giới trẻ là phương ngữ xã hội của nhóm xã hội thanh niên trong tiếng Việt với những biểu hiện đặc thù.
2.2. Ngôn từ của giới trẻ hiện nay trong giao tiếp:
Dạng thức sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong trường học, nơi công cộng của giới trẻ, do đặc tính riêng của phong cách khẩu ngữ khi người nói trực tiếp tương tác với người nghe, nên thường theo kiểu lối nói vần và theo kiểu mã hóa ngôn từ ở những bối cảnh phù hợp. Ngôn ngữ đời thường mà giới trẻ hay nói chuyện với nhau nhiều khi làm tăng tính biểu cảm, sinh động. Ví dụ: tiền thành xiền, tình yêu thành tình iu, ghét như con bọ chét, nhỏ như con thỏ, tin vịt, chạy mất dép, bó tay. com, bốc hơi (biến mất), đít chai (kính)…
Ví dụ như để ca ngợi cái đẹp thì giới trẻ nói “đẹp dã man”, còn “vụ này có vẻ lục tốn đấy nhỉ” là để nói về một vụ chi tiêu tiền bạc, để khen một người nhiều tiền thì “thầu giầu nhỉ”. Đó là một vài trong khá nhiều ví dụ về sử dụng ngôn ngữ hiện nay. Việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp hàng ngày trở nên phổ biến, nhất là trong giới học sinh.
Từ khía cạnh tâm lý học, tuổi teen là độ tuổi có đặc trưng tâm lý thích cái mới, ưa sự khám phá, thường hành động theo trào lưu. Vì vậy như một “làn sóng” dây chuyền, chỉ trong vài năm, cách nói, viết trên ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Nhiều teen xem đó như là một “phát minh”, một thứ ngôn ngữ riêng giúp giới trẻ có thể trao đổi, bày tỏ mọi thứ.
Giao tiếp bằng ngôn ngữ không chỉ là cách truyền đạt thông tin giữa người với người mà còn là một phương diện để thể hiện văn hóa, đạo đức. Việc sử dụng ngôn ngữ teen trong nhiều trường hợp hình thành một thái độ giao tiếp, một hình thức ứng xử tạo sự thoải mái, vui vẻ, hài hước, làm tăng thêm tính hiệu quả của mục đích giao tiếp. Từ góc độ giáo dục, việc lạm dụng các ngôn từ thiếu thẩm mỹ của giới trẻ trong giao tiếp cũng là những vấn đề mà xã hội, các bậc cha mẹ và nhà trường nên quan tâm.
2.3. Ngôn từ giới trẻ qua phương tiện truyền thông và ngôn ngữ chat của giới trẻ hiện nay:
Việt Nam đang dần hòa nhịp cùng với sự phát triển của thế giới. Bên cạnh sự hòa nhập về kinh tế thì sự giao thoa về văn hóa và ngôn ngữ là không thể tránh khỏi. Hơn thế nữa, hòa trong xu hướng hội nhập đó, việc phát triển của các trang mạng xã hội cũng như việc tìm kiếm và trao đổi thông tin trên internet đã trở thành phổ biến, ngôn ngữ “chat”, trò chuyện qua mạng ra đời đáp ứng nhu cầu “sống nhanh” đặc biệt là nhu cầu viết cũng nhanh trong giới trẻ hiện nay. Xu hướng này không chỉ diễn ra đơn thuần ở những ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh mà còn lan rộng ở nhiều ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt. Thực tế cho thấy, ngôn ngữ “chat” không chỉ có mặt trong những văn bản “chat”, những trang blog, những tin nhắn trong điện thoại di động,… mà còn xuất hiện trong những tác phẩm văn học dành cho tuổi mới lớn hay các diễn đàn trên mạng internet, bài thi, bài luận của học sinh, sinh viên; Việc ngôn ngữ “chat” xâm nhập vào giới trẻ không đơn thuần là chỉ tạo thêm nét vui tươi dí dỏm trong giao tiếp như một số ý kiến đánh giá mà thực chất, nó cũng tạo ra những hạn chế nhất định trong tư duy ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Cách nghĩ tắt, viết tắt lâu dần sẽ trở thành thói quen không chỉ khiến cho giới trẻ mất dần vốn tiếng Việt mà nó còn đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt, làm mất bản sắc văn hóa của dân tộc.
Sự sáng tạo chính là động lực phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cái mới lạ không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với cái tích cực, cái hay. Bên cạnh yếu tố tích cực, sự tăng trưởng “nóng” của từ vựng tiếng Việt trong thời gian gần đây cũng thể hiện không ít các yếu tố tiêu cực. Hiện trạng đó dễ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng về vốn từ của tiếng Việt.
Ở Việt Nam, trong vòng những năm gần đây nền kinh tế có những tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin, truyền thông có nhiều thành tựu lớn. Xu thế hội nhập đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội đất nước. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược đều có sự thay đổi lớn. Giới trẻ luôn là đối tượng có sự bắt nhịp nhanh nhất với những thay đổi này. Cùng với tâm lý lứa tuổi, giới trẻ đã tạo cho mình những thay đổi. Những thay đổi lớn đến mức người ta dễ dàng nhận ra và đặt cho một cái tên riêng.
Ngôn ngữ “lai căng” được cấu thành không dựa trên một nguyên tắc khoa học nào. Tất cả được tự tạo ngẫu hứng và tự phát. Ngôn ngữ ấy đang được sử dụng trên phổ biến các trang điện tử hiện nay. Nó hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ tùy tiện trong các bạn trẻ. Tiếng Việt hiện đang có sự lai căng, nhí nhố, đánh mất đi trí tuệ, linh hồn và bản sắc dân tộc Việt.
Lướt qua một vài trang mạng xã hội ta dễ bắt gặp những cách trình bày khác lạ của các bạn trẻ. Ta cũng dễ dàng nhận ra quy luật của kiểu ngôn ngữ này. Trước hết là sự đơn giản hóa ngôn từ giao tiếp: “yêu” viết thành “iu”, “biết” viết thành “bít”, ,…
- Kiểu viết tắt tùy tiện, cẩu thả cũng là một xu thế hiện nay: “không” viết thành “ko”, “với” viết thành “vs”, “cũng” viết thành “cg”, “quá” viết thành “wá”, “scd” (sao cũng được), )…
- Kiểu biến âm theo lối đơn giản hóa từ ngữ: “không biết” viết thành “hẻm biết”, “tình yêu” viết thành “tềnh iu”, ..
- Kiểu biến nghĩa vụng về, dung tục: “cùng nhau đi trốn”, “cùi bắp”, “tin vịt”, “báo lá cải”, “chạy mất dép”, “bốc hơi”, “bó tay.com”,….
Hiện nay, ngôn ngữ chat là một công cụ, phương tiện không thể thiếu của các bạn trẻ. Theo như một kết quả khảo sát thì nhắn tin qua điện thoại và mạng bằng ngôn ngữ chat cũng là trường hợp được teen sử dụng nhiều nhất, trong 100 bạn được hỏi thì có tới hơn 96 bạn trả lời: “mình chỉ sử dụng ngôn ngữ chat qua mạng và điện thoại”
Từ một vài trường hợp đơn lẻ, ngôn ngữ “chat” đã gây nên một làn sóng mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng trong giới trẻ. Hiện nay, ngôn ngữ “chat” đang phần nào khiến cho tiếng Việt biến dạng, méo mó, mất đi sự trong sáng và chuẩn mực vốn có. Việc sử dụng ký hiệu tràn lan, “tây, ta” lẫn lộn gây ảnh hưởng lớn đến chuẩn mực trong sáng của tiếng Việt.
3. HẬU QUẢ CỦA VIỆC SỬ DỤNG NHỮNG NGÔN TỪ “CHAT” CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY
Trước hết, loại ngôn ngữ này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng thời có tác đông sâu sắc đến văn hóa giao tiếp trong xã hội. Những từ ngữ chuẩn mực với đầy đủ hàm nghĩa và sự biểu đạt của nó không còn được sử dụng. Thay vào đó là lớp ngôn ngữ “lai căng”, cẩu thả, tối nghĩa, dung tục lại được phổ biến. Điều đó rất nguy hại, có thể làm biến dạng ngôn ngữ và nền văn hóa dân tộc.
Lệch lạc trong ngôn ngữ là nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa về nhân cách. Không những thế nó còn gây nên lối sống buông thả. Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ giao tiếp làm nảy sinh những suy nghĩ sai lầm. Lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, xung đột.
Giao tiếp kém tế nhị khiến cho con người xấu xí hơn trong mắt người khác. Người có lời nói thô tục, thiếu chân thực thường không được mọi người yêu thương, hợp tác hay giúp đỡ. Họ còn bị xa lánh, bị xua đuổi trong cộng đồng. Từ việc lệch lạc trong ngôn ngữ, thái độ sống của con người cũng lệch lạc theo đó.
4. NGUYÊN NHÂN LÀM NẢY SINH HIỆN TƯỢNG NGÔN NGỮ “CHAT” CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY
Việc hình thành các mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các bạn trẻ tự xây dựng một thế giới riêng mình. Họ được thỏa sức làm điều họ muốn trong một thế giới ảo. Trong thế giới đó, nhiều chuẩn mực, lễ nghi trong giao tiếp ngoài đời đã không còn nữa. Vì thế, những phong cách “thời thượng” và cá tính “chính hiệu” đã ra đời.
Cùng với đó là sự lạm dụng các yếu tố ngoại ngữ, khẩu ngữ, cách diễn đạt để gây “ấn tượng”, “giật gân”. Thậm chí những sáng tạo này còn được các phương tiện truyền thông “tiếp sức” mạnh mẽ. Nhiều nhà quảng cáo đã sáng tạo ra những kết hợp kiểu biến danh từ thành tính từ chưa có trong từ điển.
Ý thức, trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của một bộ phận nhân dân đang xuống cấp. Xu hướng lai căng, vọng ngoại đang sôi nổi. Một số bạn trẻ thích “hiện đại”, thích “thể hiện cá tính, đẳng cấp” khoa trương một cách quá đáng. Một số doanh nghiệp nắm bắt tâm lý sính ngoại của người dân nên triệt để khai thác. Từ tên thương hiệu, vỏ bao bì, cách quảng cáo… đến việc ăn theo những từ mới. Một số người thường thể hiện sự “uyên bác” bằng cách diễn đạt pha trộn nhiều tiếng nước ngoài. Hay cách diễn đạt cầu kì, khó hiểu. Hoặc dùng các từ nước ngoài một cách không cần thiết…
Giới trẻ hiện nay thiếu hụt tri thức cơ bản về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Đời sống hiện đại khiến cho con người thiếu quan tâm đến ngôn ngữ giao tiếp. Họ thích nói ngắn gọn. Họ ngại dùng từ hán Việt. Từ đó dẫn đến việc dùng sai tiếng Việt cả về từ ngữ lẫn ngữ pháp. Một thực trạng dễ thấy là lời nói của giới trẻ ngày càng khô khan do vốn từ nghèo nàn. Việc sáng tạo ngôn ngữ không dựa trên các nguyên tắc khoa học và hoàn cảnh giao tiếp khiến cho ngôn ngữ tuổi “teen” rắc rối, khó hiểu, hoặc vô nghĩa.
Sự thiếu tích cực và“chậm chân” của công tác nghiên cứu, phản biện về ngôn ngữ của các chuyên gia trước thực trạng xã hội khiến cho hiện tượng này leo thang. Chữ viết vốn là một công cụ để ghi lại ngôn ngữ. Vì thế những biểu hiện lệch lạc trong ngôn ngữ nói lâu dần sẽ được phản ánh trong ngôn ngữ viết. Với những thực tế như trên hẳn sẽ không còn là điều ngạc nhiên nữa.
5. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC VIỆC SỬ DỤNG NGÔN NGỮ “CHAT” CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY.
Ngôn ngữ vốn là một hiện tượng xã hội. Sự phát triển hay tụt lùi của ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Vì vậy, những điều chỉnh dù nhỏ nhất cũng cần có sự tham gia của xã hội cộng đồng. Một xu hướng xấu có thể nảy sinh trong vòng vài năm. Nhưng phải mất rất nhiều năm để chấn chỉnh, điều hướng và khắc phục hậu quả của nó. Các bạn trẻ cần tích cực tham gia trau dồi vốn hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc. Tiếp thu những yếu tố mới trên cơ sở có xem xét chọn lọc. Không cổ xúy, chạy theo những xu hướng mà ngay chính bản thân cũng chưa hiểu chưa rõ.
Các diễn đàn và các trang mạng xã hội cần xây dựng quy chế rõ ràng và phù hợp. Hướng diễn đàn đến những nội dung giao tiếp lành mạnh. Cần xây dựng những hạt nhân tiêu biểu nhằm thu hút thành viên của diễn đàn học hỏi, noi theo. Một biểu tượng đẹp trong ngôn ngữ rất dễ thu hút người xem làm theo.
Gia đình cần sự quan tâm chia sẻ từ các bậc phụ huynh. Nên xem con em mình như những “người bạn” để hiểu được tâm tư nguyện vọng của giới trẻ hiện nay. Từ đó, đưa ra những lời khuyên một cách thiết thực nhất. Hãy giúp các em có nhiều cơ hội được tiếp xúc giao lưu học hỏi lẫn nhau nhiều hơn. Đồng thời, trạng bị những hiểu biết văn hóa, ứng xử ngay từ chính những hoạt động, sinh hoạt trong gia đình.
Thầy cô là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn trẻ. Thầy cô chính là những người định hướng, giúp các em hoàn thiện vốn ngôn ngữ của mình. Bởi vậy, mỗi thầy cô cần phải là những tấm gương về sử dụng ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ. Thường xuyên thiết lập các kênh đối thoại để từ đó khích lệ, nhắc nhở hay chấn chỉnh hoạt động ngôn ngôn ngữ của học sinh. Đặc biệt, là xây dựng cho mình một ngôn phong trong sáng, chuẩn mực.
Nhà trường cần định hướng cho các em những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt. Từ đó, nâng cáo ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạo thêm nhiều cơ hội, cũng như khích lệ tinh thần học hỏi nói và làm theo lời hay ý đẹp. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp để chấn chỉnh những em đi ngược lại xu thế đó.
Cơ quan chức năng cần xây dựng một chương trình học tiếng Việt phù hợp và khoa học. Trên tinh thần giảm tải những kiến thức về ngôn ngữ học tiếng Việt. Coi trọng kỹ năng giao tiếp và phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Từ đó, giúp giới trẻ có được định hướng đúng đắn.