Menu Đóng

Nêu một biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường hoặc Luật đất đai ở địa phương nơi sinh sống, đưa ra ý kiến giải quyết, xử lý vi phạm đồng thời nhận xét việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước tình trạng đó

Nêu một biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường hoặc Luật đất đai ở địa phương nơi sinh sống, đưa ra ý kiến giải quyết, xử lý vi phạm đồng thời nhận xét việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước tình trạng đó.

Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại và phát của đời sống con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, của dân tộc và nhân loại. Sự biến đổi một số thành phần môi trường sẽ gây tác động đáng kể đối với các hệ sinh thái. Quản lý Nhà nước về môi trường nhằm bảo vệ lợi ích cho xã hội và cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, bảo đảm cho con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu nói chung.

Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng: Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã dần được hoàn thiện; Nhà nước đã quan tâm định hướng chỉ đạo trong việc hoạch định các chính sách, chiến lược, các giải pháp nhằm cải thiện môi trường, nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên song vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tại Hà Nội, một vấn đề tưởng như đã quá quen là ô nhiễm chất thải từ những cơ sở chăn nuôi lợn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân hiện vẫn chưa được giải quyết.

Biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường
Tư vấn Thành lập doanh nghiệp, công ty xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải

Với đề tài: “Nêu một biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường hoặc Luật đất đai ở địa phương nơi anh/chị sinh sống, từ đó đưa ra ý kiến giải quyết, xử lý vi phạm đồng thời nhận xét việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước tình trạng đó.”, tôi lựa chọn tình huống sau để thực hiện đề tài: Ô nhiễm môi trường sống do chất thải của 3 trang trại lợn tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây được người dân phản ánh từ năm 2012.

1. Tình huống vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường xảy ra

3 trang trại chăn nuôi lợn tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh. Nhân dân xã Cổ Đông nhiều lần đã làm đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng đề nghị xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra.

Cụ thể như sau:

Địa điểm: 3 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 500 con/ trại.

Tình trạng ô nhiễm:

Nguồn thải của lợn được chứa trong những hố chứa lộ thiên, từ tháng 8/ 2019 những hố này được che gá tạm bợ bằng tấm bạt dứa, chưa kịp ố màu khiến mùi chất thải nồng nặc ở khu vực cách trại vài trăm mét, ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong các nhà dân.

Ao hồ xung quanh 3 trang trại lợn này nước đều chuyển màu đen, bốc mùi hôi. Qua thời gian, nguồn nước mặt chuyển đen, sủi bọt có nguy cơ lớn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Một số nhà dân đào giếng nhưng chỉ thấy có bọt.

Tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm nay, mức độ ngày một nặng.

Từ năm 2012 – 2014, người dân đã có đơn phản ánh. Tuy nhiên, sau khi bị phạt hành chính, tình trạng ô nhiễm chất thải tại các trang trại này vẫn tiếp diễn.

Tháng 7/2019, hàng chục hộ dân khu vực này đã ký đơn phản ánh, gửi tới chính quyền thị xã Sơn Tây, tiếp tục yêu cầu xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do 3 trang trại lợn gây ra. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì.

3 trang trại chăn nuôi lợn đã có những hành vi gây ô nhiễm môi trường sau:

Bể chứa chất thải không được xử lý và che chắn tạm bợ khiến mùi chất thải nồng nặc ở các khu vực xung quanh.

Gây ô nhiễm nguồn nước, ao hồ bốc mùi, nước chuyển đen và sủi bọt.

Tiếp tục tình trạng gây ô nhiễm sau khi bị xử phạt hành chính.

Hành vi gây ô nhiễm môi trường của chủ các trang trại đã vi phạm Khoản 5, Khoản 7 Điều 7 và Khoản 3 Điều 69 Luật BVMT 2014.

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.”

 “Điều 69. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:

a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;

b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;

c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.”

2. Biện pháp xử lý vi phạm môi trường

Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  • Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Biện pháp xử lý

Chủ các trang trại sẽ bị xử phạt căn cứ theo Khoản 1 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định “xử lý vi phạm” về môi trường.

Điều 160. Xử lý vi phạm

1.Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.”

Hành vi vi phạm của 3 trang trại lợn đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 155/2016/NĐ-CP

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm:

c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;

Căn cứ theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP,  các biện pháp xử lý vi phạm của 3 trang trại lợn bao gồm:

  • Xử phạt hành chính
  • Mức phạt: tối đa 1.000.000.000 với cá nhân, tối đa 2.000.000.000 với tổ chức, căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môtrường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra mức độ ô nhiễm để áp dụng các mức phạt chi tiết đối với hành vi vi phạm của các trang trại. Các mức phạt chi tiết được quy định tại Khoản 2 và Khoản 6 Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Điều 19. Hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

2. Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường;

b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần đến dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 05 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.

6. Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường kéo dài, lặp lại nhiều lần mà không khắc phục được, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi sau đây :

a) Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên với thông số môi trường thông thường hoặc từ 02 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại;

b) Xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 02 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường hoặc từ 1,5 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại;”

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, các cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện một số biện pháp khắc phục sau: (Căn cứ theo các Điểm a, c và k Khoản 3, Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP)

  • Khôi phục tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm, phục hồi môi trường bị ô nhiễm
  • Thực hiện các biện pháp khắc phục và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm
  • Xây lắp công trình bảo vệ môi trường, vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường

Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định;

k) Buộc xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; buộc vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường theo quy định;

3. Nhận xét trách nhiệm của cơ quan quản lý

Hành vi vi phạm của các trang trại chăn nuôi lơn xảy ra tại thông La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây nên trách nhiệm, thẩm quyền xử lý trực tiếp thuộc về UBND xã Cổ Đông và UBND thị xã Sơn Tây .

UBND xã Cổ Đông

Trách nhiệm của UBND xã Cổ Đông về bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trách nhiệm cụ thể trong trường hợp này được quy định tại các Điểm c và h Khoản 3 Điều 143.

Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

c) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;

h) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.”

  • Thực tế thì UBND xã Cổ Đông chưa thực hiện trách nhiệm của mình:
  • Chưa kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý với hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm của các trang trại lợn tại thôn La Gián thuộc địa bàn xã Cổ Đông.
  • Chưa giải quyết được bức xúc của người dân, để tình trạng ô nhiễm kéo dài khiến người dân sống chung với môi trường bị ô nhiễm trong thời gian dài.
  • UBND thị xã Sơn Tây:
  • Trách nhiệm của UBND thị xã Sơn Tây về bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường 2014, cụ thể trong trường hợp này này được quy định tại Điểm e Khoản 2.

 Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau:

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan;

i) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.”

  • Thực tế, khi có hành vi gây ô nhiễm của các trang trại chăn nuôi lợn, UBND thị xã Sơn Tây đã có những động thái sau:
  • Phạt hành chính chủ trang trại lợn khi nhận được đơn khiếu nại của người dân về hành vi gây ô nhiễm môi trường của các trang trại lợn từ năm 2012 – 2014.

→ Đã có biện pháp xử lý: phạt hành chính

  • Tháng 7 – tháng 9/2019: Không có hành động phản hồi đơn khiếu nại của người dân cũng như can thiệp vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn

→ Chưa xử lý kịp thời vấn đề của người dân, chậm trễ và thiếu trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường địa phương.

Chính quyền UBND xã Cổ Đông và UBND thị xã Sơn Tây cần nhanh chóng giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân, đồng thời báo cáo UBND các cấp có thẩm quyền vào cuộc xử lý chủ trang trại lợn gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, UBND xã Cổ Đông và UBND thị xã Sơn Tây phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên vì để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngay trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý

Qua việc phân tích, giải quyết tình huống:” Ô nhiễm môi trường sống do chất thải của 3 trang trại lợn tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây được người dân phản ánh từ năm 2012” có thể thấy rằng, ô nhiễm môi trường đang là mối nguy hại ảnh hưởng lớn tới tất cả loài người chúng ta. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hóa, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thì vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Do đó, chúng ta phải có những hành động để cứu lấy môi trường, phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững, đồng thời có biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng một cách linh hoạt, mềm dẻo, hợp tính hợp lý sẽ tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, nâng cao uy tín của các cơ quan nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tham khảo thêm:

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191