Menu Đóng

Thực trạng Pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát việc tập trung kinh tế

Thực trạng Pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát việc tập trung kinh tế.

Hiện nay, dưới sức ép của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp luôn tìm cách nâng cao năng lực kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển. Khi đó, tập trung kinh tế (M&A) là phương án mà các doanh nghiệp thường nghĩ tới nhằm tập trung nguồn vốn, công nghệ mới,… giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt đối với doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Tập trung kinh tế còn có thể làm tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô và phạm vi, làm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và thúc đẩy sản lượng[1]. Dưới góc độ lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, quốc gia có hơn 90% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì việc các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế còn giữ vai trò tích cực, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, tập trung kinh tế có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc thị trường và suy giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật cạnh tranh về kiểm soát việc tập trung kinh tế cần phải đảm bảo sự chặt chẽ và chính xác.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG VỀ TẬP TRUNG KINH TẾ VÀ KIỂM SOÁT VIỆC TẬP TRUNG KINH TẾ

1.1 Khái niệm, đặc điểm pháp lý tập trung kinh tế (M&A) trong pháp luật cạnh tranh

1.1.1. Khái niệm

Pháp luật Việt Nam không đưa ra khái niệm mang tính khái quát để định nghĩa hành vi tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê dưới các hình thức tập trung kinh tế, bao gồm: sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

1.1.2. Đặc điểm

          Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi TTKT là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia TTKT có thể là các doanh nghiệp hoạt động trên cùng hoặc không cùng thị trường liên quan.

          Thứ hai, hành vi TTKT được thực hiện dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp luật. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hành vi tập trung kinh tế vì nó dẫn đến sự thay đổi cơ cấu sở hữu cũng như tổ chức quản lí doanh nghiệp.

          Thứ ba, thông qua việc thực hiện các hình thức tập trung kinh tế sẽ dẫn đến hậu quả là hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn mạnh, thay đổi cấu trúc thị trường và tương quan cạnh tranh trên thị trường.

          Thứ tư, dựa trên những tiêu chí nhất định theo các quy định của pháp luật cạnh tranh, Nhà nước sẽ kiểm soát các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

1.2 Tác động của tập trung kinh tế và sự cần thiết phải kiểm soát tập trung kinh tế

1.2.1 Mục tiêu của kiểm soát tập trung kinh tế

          Tại mỗi quốc gia, chính sách kiểm soát tập trung kinh tế là một bộ phận trong tổng thể các chính sach của Chính phủ, bao gồm chính sách công, chính sách kinh tế và chính sách cạnh tranh. Là một bộ phận của chính sách cạnh tranh nói chung, chính sách TTKT được cụ thể hóa là một trong ba lĩnh vực điều chỉnh của Luật cạnh tranh, bao gồm: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và kiểm soát TTKT. Các quy định về kiểm soát TTKT có tác độnh tiền kiểm, nhằm ngăn chặn các vụ việc TTKT có khả năng gây phương hại đến cạnh tranh.

          – Thứ nhất, M&A ngay lập tức loại bỏ áp lực cạnh tranh giữa các bên tham gia vào vụ việc và làm giảm số lượng các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Khi tác động loại bỏ cạnh tranh của vụ việc M&A đủ lớn, thị trường sẽ mất đi định hướng hiệu quả kinh tế, đồng thời trong một số trường hợp doanh nghiệp thành lập sau vụ việc M&A không cần thực hiện các hành vi có thể vi phạm các quy định mang tính hậu kiểm của Luật Cạnh tranh mà vẫn có thể loại bỏ được các đối thủ cạnh tranh và thu lợi từ thị trường.

          – Thứ hai, không phải vi phạm nào cũng kịp thời phát hiện và xử lý. Do đó, việc áp dụng các biện pháp tiền kiểm có thể giúp làm giảm bớt áp lực cho cơ quan thực thi pháp luật. Ngoài ra, ngay cả khi có thể thực hiện được các biện pháp khắc phục ở khâu hậu kiểm đối với các vụ việc M&A bị phát hiện có tác động xấu tới cạnh tranh, thì các biện pháp này cũng rất tốn kém.

          Như vậy, chính sách kiểm soát M&A là nhằm mục đích ngăn ngừa việc thay đổi cấu trúc thị trường có thể dẫn đến việc làm tổn hại đến động lực cạnh tranh trên thị trường, từ đó làm suy giarm hiệu quả kinh tế và xâm hại tới lợi ích của người tiêu dùng.

1.2.2 Vai trò của việc kiểm soát tập trung kinh tế đối với nền kinh tế

          Trong một nền kinh tế, việc một doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, sẽ dẫn đến hạn chế cạnh tranh và nếu tồn tại doanh nghiệp có vị trí độc quyền thì chắc chắn sẽ dẫn đến thủ tiêu cạnh tranh. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế để kiểm soát các quá trình dẫn đến việc hình thành doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

          Với tính chất là một sinh hoạt kinh tế, tự do cạnh tranh tự nó có thể dẫn tới nguy cơ cản trở hoặc tiêu hủy cạnh tranh. Nhà nước có thể lựa chọn nhiều phương cách để ứng xử với hiện tượng này:

  • Tin vào sự điều chỉnh của thị trường, yin vào sự hợp lý của quá trình TTKT hướng tới độc quyền mà chủ trương không can dự.
  • Can thiệp để tạo điều kiện cho cạnh tranh diễn ra bằng cách ngăn chặn độc quyền, chia nhỏ doanh nghiệp độc quyền, cấm thỏa thuận để tạo vị thế thống lĩnh thị trường.
  • Chấp nhận vị thế thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền của một số doanh nghiệp song giám sát, ngăn ngừa sự lạm dụng vị trí đó.
  • Công hữu hóa doanh nghiệp có vị trí độc quyền, đặt chúng dưới sự quản lý của các cơ quan công quản và định hướng hoạt động của chúng vì lợi ích chung.

          Trên thực tế, các quốc gia đều tìm cách phối hợp các phương án trên. Trong đó, giải pháp chính vẫn là phối hợp giữu biện pháp can thiệp để duy trì cạnh tranh và khi độc quyền đã diễn ra, tìm cách giám sát để điều tiết, hạn chế việc lạm dụng vị thế độc quyền.

II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT CẠNH TRANH VIỆT NAM VỀ KIỂM SOÁT TẬP TRUNG KINH TẾ

2.1 Thực trạng pháp luật về nhận diện hoạt động M&A

2.1.1 Quy định pháp luật về nhận diện hoạt động M&A

          Các hoạt động M&A diễn ra trong thực tế đời sống kinh tế xã hội rất đa dạng. Để kiểm soát được nó nhằm ngăn chặn những tác động gây hạn chế cạnh tranh đáng kể thì đòi hỏi phải nhận diện được nó. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam nhận diện M&A dựa trên các căn cứ chủ yếu là chủ thể, phạm vi không gian, hình thức thực hiện và ngưỡng tập trung kinh tế.

Thứ nhất, về chủ thể của hoạt động M&A:

          Chủ thể của hoạt động M&A chỉ có thể là doanh nghiệp mà không phải là hộ kinh doanh. Luật cạnh tranh 2004 trước đây chỉ kiểm soát đối với các doanh nghiệp thực hiện M&A khi các doanh nghiệp này hoạt động trên cùng thị trường liên quan. Quy định đó vô hình đang bỏ qua các hình thức M&A theo chiều dọc và hỗn hợp mà chỉ kiểm soát các hình thức M&A theo chiều ngang. Nhận thức được nhiều sai lầm trong quá trình thực thi pháp luật, Luật cạnh tranh 2018 đã mở rộng các hình thức kiểm soát để đảm bảo kiểm soát toàn diện, cụ thể là kiểm soát các doanh nghiệp có mối quan hệ trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia M&A là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau. Lúc này, hình thức M&A chịu sự kiểm soát đã được mở rộng sang cả chiều ngang và hỗn hợp thay vì chỉ chiều dọc như trước kia.

          Bên cạnh đó, hoạt động M&A chỉ xảy ra khi có ít nhất hai doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện, tức là các doanh nghiệp này đã tồn tại trước đó. Như vậy, hành vi tập trung kinh tế không phải là hành vi đơn phương của một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tự bỏ vốn ra thành lập một doanh nghiệp mới tham gia cạnh tranh trên cùng thị trường không bị coi là hành vi M&A và do đó không bị xem xét.

Thứ hai, về phạm vi không gian thực hiện hoạt động M&A

          Pháp luật cạnh tranh Việt Nam trước đây chỉ ràng buộc các hành vi M&A được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều vụ việc cạnh tranh được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam. Nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh hiện hành được mở rộng sang cả các hành vi M&A thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, tạo ra hành lang pháp lý để có thể điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi M&A nếu có tác động hay có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng giúp tạo ra cơ sở pháp lý để cơ quan cạnh tranh Việt Nam có thể hợp tác với các cơ uan cạnh tranh của các quốc gia khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh mà Việt Nam đã đưa ra trong các hiệp định thương mại.

Thứ ba, về hình thức thực hiện M&A

Tập trung kinh tế được quy định trong Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 gồm những hình thức sau: sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Trong đó:

Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác. Sau khi thực hiện sáp nhập thì hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập cũng sẽ chấm dứt, doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh.

Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để cùng tạo thành một doanh nghiệp mới. Sau khi hợp nhất doanh nghiệp thì các doanh nghiệp bị hợp nhất chấm dứt sự tồn tại, còn doanh nghiệp mới được tạo thành sẽ được hưởng các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp hợp nhất.

Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp bị mua lại. Tuy nhiên, một số trường hợp doanh nghiệp mua lại một doanh nghiệp khác mà không thực hiện quyền kiểm soát hay chi phối (hoặc chỉ thực hiện trong một khuôn khổ bắt buộc) để bán lại trong một năm thì không được coi là tập trung kinh tế.

Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới. Sau khi thực hiện liên doanh thì doanh nghiệp thực hiện liên doanh không mất sự tồn tại như trong trường hợp hợp nhất mà vẫn tiếp tục hoạt động.

Thứ tư, về tiêu chí xác định hoạt động M&A thuộc diện bị kiểm soát

– Ngưỡng thông báo M&A: tại Việt Nam việc kiểm soát tập trung kinh tế được thực hiện theo hình thức tiềm kiểm, trong trường hợp các doanh nghiệp thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP thì phải thông báo với cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi thực hiện hành vi tập trung kinh tế. Có thể thấy, mức thị phần kết hợp trên thị trường liên quan phải thông báo theo quy định hiện hành “từ 20% trở lên” là thấp hơn so với mức “30-50%” trước đây. Điều này cho thấy các nhà làm luật muốn kiểm soát chặt chẽ hơn và sớm hơn các hoạt động M&A.

– Hoạt động M&A bị cấm: Để kiểm soát, ngăn cản việc hình thành một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, gây ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế thì pháp luật cạnh tranh của Việt Nam kiểm soát và cấm tập trung kinh tế theo hướng hạn chế những tác động tiêu cực của tập trung kinh tế đến thị trường. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế dựa theo một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau:

+ Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan

+ Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế

+ Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau

+ Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan

+ Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỉ suất lợi nhận trên doanh thu một cách đáng kể

+ Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường

+ Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế

  – Hoạt động M&A có điều kiện: đây là một quy định mới so với Luật cạnh tranh 2004, thể hiện sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Thay vì cấm, lúc này pháp luật cạnh tranh đã cho phép tập trung kinh tế với điều kiện phải thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn ngừa khả năng gây tác động đến cạnh tranh trên thị trường. Điều kiện này được quy định cụ thể tại Điều 42 Luật cạnh tranh 2018.[2]

2.1.2 Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm soát hoạt động M&A

– Thẩm quyền kiểm soát hoạt động M&A thuộc về Ủy ban cạnh tranh quốc hgia thuộc Bộ Công Thương, đây là thiết chế mới dựa trên sự “M&A” giữa hai cơ quan cạnh tranh trước đây là Hội đồng cạnh tranh quốc gia và Cơ quan quản lý cạnh tranh. Hiện nay Chính phủ chưa ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của thiết chế này nhưng theo kế hoạch, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia sẽ xây dựng theo mô hình tổng cục và có 8 giúp việc cho Ủy ban cạnh tranh.

– Thủ tục và các bước thông báo tập trung kinh tế cũng được quy định rõ tại từ Điều 33 đến Điều 41 Luật Cạnh tranh 2018 và tại Nghị định số 35/2020/NĐ-CP.

2.1.3 Xử lý hoạt động M&A vi phạm pháp luật cạnh tranh

  Điều 44 Luật Cạnh tranh 2018 liệt kê một số hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế. Đối với mỗi hành vi này thì trong Luật Cạnh tranh 2018 cũng đưa ra thẩm quyền và các hình thức xử lý cụ thể. Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 110 Luật cạnh tranh 2018 thì tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh có thể bị áp dụng một số hình thức xử phạt sau:

  • Cảnh cáo
  • Phạt tiền
  • Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
  • Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh
  • Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm

Ngoài những hình thức xử phạt trên, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật hiện hành.

Thẩm quyền thủ tục xử phạt được quy định chi tiết tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia có thẩm quyền bao gồm tất cả các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả ngoại trừ việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho doanh nghiệp. Thay vào đó, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp này.

2.2 Thực tiễn thi hành pháp luật về kiểm soát hoạt động M&A tại Việt Nam

2.2.1 Những kết quả đạt được

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cạnh tranh kiểm soát hoạt động M&A và các điều kiện đảm bảo thi hành

          Sự ra đời của Luật Cạnh tranh 2004 và các văn bản quy định chi tiết đã đánh dấu một bước tiến, một cốc mới tạo hành lang pháp lý cho hoạt động M&A diễn ra sôi động. Sau gần 14 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế- xã hội, với xu hướng hội nhập quốc tế cũng như khắc phục những bất cập trong nội dung quy định Luật cạnh tranh năm 2004 đã được thay thế bởi Luật cạnh trsnh 2018 và các văn bản liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn. Hệ thống pháp luật mới đã cho thấy hoạt động kiểm soát M&A đã được đồng bộ, thể hiện sự rõ ràng và minh bạch đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, thành lập, tổ chức bộ máy của các cơ quan cạnh tranh

          Kế thừa và phát huy quy định của Luật cạnh tranh 2004, hiện nay các cơ quan cạnh tranh tại Việt Nam bao gồm Cơ quan cạnh tranh Việt Nam (tên gọi quốc tế là VCAD) sau này đổi tên là Cục quản lý Cạnh tranh Việt Nam (VCA) và Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam (VCC). Đồng thời với quá trình xây dựng và hoàn thiện tổ chức của cơ quan cạnh tranh, đội ngũ cán bộ cũng không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ,.. giúp cho các cơ quan cạnh tranh ngày càng được trưởng thành hơn và từ đó có thể hoàn thành tốt công việc, đặc biệt là trong công tác điều tra, xử lý đối với các vi phạm pháp luật cạnh tranh nói chung và kiểm soát M&A nói riêng.

Thứ ba, nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh kiểm soát hoạt động M&A cho doanh nghiệp và cộng đồng xã hội

          Theo kết quả của một cuộc khảo sát của Bộ Công thương 2015 về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh và cơ quan cạnh tranh, có 72,8% doanh nghiệp được kharp sát trả lời là có biết về Luật cạnh tranh. Phần lớn các doanh nghiệp này tập trung ở 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do các hoạt động M&A vốn khá phức tạp nên để nhận biết nên mức độ hiểu biết của doanh nghiệp đối với các quy định về vấn đề này của doanh nghiệp còn khá hạn chế

Thứ tư, kết quả thi hành các quy định pháp luật cạnh tranh kiểm soát hoạt động M&A

          Năm 2019 là năm đầu tiên mà Luật cạnh tranh 2018 có hiệu lực (từ ngày 01/07/2019) cơ quan cạnh tranh đã:

          -Thẩm định và trả lời hồ sơ thông báo M&A theo quy định của Luật cạnh tranh 2004 của công ty Gebr.Knauf K.g World Cup Acquisition và USQ Coporation.

          – Tiếp nhận và xử lý 05 hồ sơ thông báo M&A theo quy định của Luật cạnh tranh 2018:

+ TTKT giữa công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP GTNfoods;

+ Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Coop) mua các công ty con của Tập đoàn Auchan tại Việt Nam;

+ M&A giữa công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ và Công ty Cổ phần Tiki;

+ M&A giữa công ty Cổ phần Greedfeed Việt Nam và Công ty Cổ phần phân phối công nghệ Quang Dũng;

+ M&A giữa hai doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuấ, phân phối và kinh doanh nước giải khát.

          – Rà soát 02 giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường và giám sát việc thực hiện Quyết định xin hưởng miễn trừ M&A của doanh nghiêp theo Luật cạnh tranh 2004 của:

+ Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Tổng hợp (VinCommerce) và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco sáp nhập vào Tập đoàn Masan;

+ Công ty CP chế tạo thuốc Taisho (Nhật bản) mua cổ phần Công ty CP Dược Hậu Giang.

          Như vậy, thực tiễn thi hành pháp luật về kiểm soát hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định không chỉ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh kiểm soát hoạt động M&A mà còn cả trong hoạt động thực thi kiểm soát các giao dịch M&A để bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường

2.2.2 Một số hạn chế, bất cập

          Bên cạnh một số kết quả tích cực như ở trên thì kể từ khi luật cạnh tranh 2004 lần đầu tiên được ban hành đến nay đã 17 năm nhưng số vụ việc M&A bị kiểm soát, điều tra, xử lý còn hạn chế kéo theo đó là số tiền xử lý thu về nộp vào ngân sách nhà nước hầu như không đáng kể so với chi phí quản lý nhà nước bỏ ra để duy trì bộ máy nhà nước kiểm soát hoạt động này. Những hạn chế trong kết quả thực thi pháp luật cạnh tranh kiểm soát hoạt động M&A có thể khái quát ở các phương diện sau:

          -Các quy định kiểm soát M&A chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển của kinh tế đất nước.

          – Số vụ việc M&A vi phạm được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi thực tế hoạt động tại Việt Nam có quy mô ngày càng phát triển, tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực có quy mô lớn hoặc đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế như lĩnh vực năng lượng dược phẩm, phân phối, bán lẻ, vận tải, logistic, du lịch, các ngành ứng dụng công nghệ,..

          – Quá trình điều tra, xử lý, kiểm soát M&A gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn đến bỏ sót hành vi vi phạm, khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp, chưa có cơ chế và tiêu chí định hướng cụ thể để cơ quan cạnh tranh đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của các giao dịch M&A một cách toàn diện, khách quan để từ đó ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG M&A Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

          Luật cạnh tranh 2018 đã khắc phục, bổ sung hoàn thiện một cách tương đối đầy đủ và toàn diện các vấn đề trong pháp luật cạnh tranh trước đây. Tuy nhiên vẫn tồn tại những điểm hạn chế nên vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật cạnh tranh kiểm soát hoạt động M&A trong thời gian tới theo một số xu hướng sau:

– Bổ sung quy định về khái niệm tập trung kinh tế

          Ở cả Luật cạnh tranh 2004 và Luật cạnh tranh 2018 đều không có định nghĩa chung nhất về hành vi “tập trung kinh tế” mà được thực hiện bằng các cách liệt kê hình thức được coi là TTKT, mặc dù các nhà làm luật đã quy định một điều khoản “quét”[3] nhằm dự liệu khả năng quy địnhvà bổ sung các dạng hành vi mới trong luật, tuy nhiên việc này có khả năng tạo ra sự tùy tiện và thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật. Khái niệm TTKT được đưa ra đòi hỏi thể hiện được bản chất của hành vi TTKT và mang tính bao quát để có thể bao gồm hết các hành vi TTKT có thể xảy ra trên thị trường nói chung. Theo đó, kiến nghị bổ sung khái niệm TTKT như sau: “TTKT là việc thâu tóm trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác có đủ để kiểm soát doanh nghiệp đó hoặc kết hợp toàn bộ hoặc một phần giữa các doanh nghiệp để cùng kiểm soát doanh nghiệp hình thành sau kết hợp”

– Quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá đối với giao dịch M&A theo chiều dọc và hỗn hợp

          Luật cạnh tranh 2018 dã mở rộng các hình thức M&A bị kiểm soát sang cả hình thức M&A theo chiều dọc và hỗn hợp. Đây là điểm tiến bộ đáng ghi nhận nhưng các tiêu chí được quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ- CP dùng để thẩm định chính thức giao dịch M&A bị kiểm soát vẫn chủ yếu dựa trên thị trường liên quan, tức là chỉ được áp dụng đối với M&A theo chiều ngang. Bởi vậy cần kịp thời bổ sung hoàn thiện để việc áp dụng quy định thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế cũng như giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong hoạch định M&A theo dạng này.

– Hoàn thiện quy định pháp luật về xác định thị trường liên quan khi xem xét các giao dịch M&A theo chiều ngang

          Cách thức xác định thị trường liên quan hiện hành của Việt Nam về cơ bản là tương đồng so với các nước khác trên thế giưới ngoại trừ việc còn thiếu các quy định về phân tích yếu tố thời điểm trong việc xác định thị trường liên quan. Yếu tố thời điểm có vai trò quan trọng trong thời gian cung ứng và sử dụng một sản phẩm, dịch vụ, ảnh hưởng đến việc xác định thị trường liên quan. Do vậy, đề xuất nghiên cứu xem xét quy định yếu tố này ltrong việc xác định thị trường liên quan.

– Sửa đổi quy định về cách xác định thị phần

          Mặc dù cách xác định thị phần của Luật cạnh tranh 2018 đã khắc phục được phần nào bất cập của pháp luật cạnh tranh trước đây bằng việc bổ sung tiêu chí số đơn vị sản phẩm mua vào/bán ra trên thị trường liên quan nhưng vẫn chưa đặt ra vấn đề xác định thị phần khi trên thị trường liên quan có sự xuất hiện của các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa nghề và các doanh nghiệp này tung ra các sản phẩm hòa trộn các dịch vụ, sản phẩm với nhau. Khi đó cần bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể cách xác định thị phần trong những trường hợp này.

– Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên gia thực thi trong lĩnh vực M&A

          Hệ thống pháp luật kiểm soát M&A có hoàn thiện đến đâu nhưng nếu thiếu đi những cán bộ, chuyên gia để phát huy, đưa ra các quy định đó vào cuộc sống thì hệ thống pháp luật đó chỉ mãi mãi nằm trên giấy tờ. Trong báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật cạnh tranh trước đây, Bộ Công Thương đã thừa nhận đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực giải quyết vụ việc cạnh tranh nói chung là vừa ít về lượng vừa thiếu về kinh nghiệm và thực tiễn. Nhất là mô hình kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay rất cần về cán bộ, chuyên gia giỏi, được đào tạo đa ngành, bài bản trong lĩnh vực M&A. Bởi vậy, cần phải đẩy mạnh công tác bổ nhiệm tuyển dụng đào tạo, tập huấn cọ sát để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đặc biệt vào hai kĩ năng quan trọng nhất trong công tác thực thi là điều tra và xét xử.

Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường non trẻ, chuyển đổi từ nền kinh tế hàng hóa kế hoạch phi-thị trường bắt đầu vào những năm cuối thập niên 80. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ban hành, xây dựng được chế định pháp luật cạnh tranh tương đối toàn diện kiểm soát M&A. Nhưng trong suốt thời gian qua cho tới gần đây, các quy định này vẫn chưa thực sự đi vào đời sống để thực sự phát huy hiệu quả, vẫn còn bộc lộ những điểm hạn chế về quy định pháp luạt cũng như thực tiễn thi hành. Luật cạnh tranh 2018 cùng các văn bản pháp luật liên quan được ban hành nhằm khắc phục phần nào những nhược điểm trên, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật cạnh tranh 2004
  2. Luật cạnh tranh 2018
  3. Nghị định 35/2020/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2018
  4. Lê Văn Thắng, Pháp luật cạnh tranh Việt Nam về kiểm soát tập trung kinh tế đối với hoạt động M&A trong giai đoạn hiện nay, Luận văn thạc sĩ luật học, 2020

Nguyễn Xuân Nam, “Kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tramh Việt Nam- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2014.


[1] Nguyễn Xuân Nam, “Kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tramh Việt Nam- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2014.

[2] Điều 42. Tập trung kinh tế có điều kiện

Tập trung kinh tế có điều kiện là tập trung kinh tế được thực hiện nhưng phải đáp ứng một hoặc một số điều kiện sau đây:

1. Chia, tách, bán lại một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

2. Kiểm soát nội dung liên quan đến giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;

3. Biện pháp khác nhằm khắc phục khả năng tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường;

4. Biện pháp khác nhằm tăng cường tác động tích cực của tập trung kinh tế.

[3] Điểm đ Khoản 1 Điều 29 LCT 2018 “Các hình thức TTKT khác theo quy định của pháp luật” được coi là các điều khoản “quét”

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191