Các anh chị ơi cho em hỏi với ạ! Năm ngoái em bị mất số tiền lớn hơn 127tr là của công, trong vòng 2 ngày em phải vay mượn để bù lại số tiền ấy nên e bắt buộc phải vay nặng lãi để bù vào.
Em ko vay ngân hàng được vì trước đó vc em đã vay ngân hàng để làm ăn và thua lỗ, hiện tại khoản vay của em lên gần 200tr rồi, mà trong đó có khoản vay lãi 10k/1 triệu 1 ngày, 5k 1 triệu 1 ngày, toàn tính theo ngày thôi ạ!
Thực tế là em làm công chức nhà nước, lương thấp, e có kinh doanh ngoài nhưng với số tiền lớn như vậy lãi với em là quá nặng. Em có hỏi họ hàng, anh chị em bạn bè nhưng số mn giúp em cũng chỉ để trả lãi chứ ko thấm vào đâu được.
Em ko biết phải làm thế nào để thoát ra được nữa. Đến lúc này em bế tắc và đang muốn cầu cứu pháp luật nhưng sợ gia đình em bị ảnh hưởng vì người cho vay toàn là dân xã hội đen.
Có anh chị nào có thể tư vấn giúp em hoặc cho em lời khuyên xem e phải làm gì với ạ?
Luật sư tư vấn:
Đầu tiên, bạn hết sức bình tĩnh, không có gì phải lo lắng gì hết.Về vấn đề vay lãi trong giao dịch dân sự thì Bộ luật dân sự 2015 đã điều chỉnh về mức lãi suất tối đa trong các giao dịch về dân sự:
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Với những giao dịch dân sự vay tiền với mức lãi suất
10.000 đồng/1 ngày/1.000.000 đồng thì tính ra là:1%/1 ngày, 30%/1 tháng, 360%/1 năm
5.000 đồng/1 ngày/1.000.000 đồng tính ra:0.5%/1 ngày, 15%/1 tháng, 180%/1 năm
Hai mức lãi suất này đã vi phạm pháp luật về mức lãi suất tối đa được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và gấp đến 9 lần. 18 lần so với mức lãi suất 20%/1 năm.
Như vậy, đối với những giao dịch dân sự vi phạm về giới hạn lãi suất thì mức quy định lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.Thỏa thuận sẽ chỉ được tối đa với mức lãi suất 20%/1 năm.
Xét thấy mức lãi trên vượt quá mức quy định trong Bộ luật dân sự 2015, phải chịu trách nhiệm hình sự:
Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Việc mức lãi suất gấp đến 9 lần, 18 lần đã gấp nhiều lần so với mức quy định cơ bản nên dựa vào khoản thu bất chính đã trừ số tiền nợ đúng với lãi suất của Bộ luật dấn sự 2015 thì khoản tiền được trừ đi chính là căn cứ mang trách nhiệm hình sự của những người cho thuê.
Bạn có thể mang toàn bộ giấy tờ vay nợ, tài sản, chứng cứ khác lên cơ quan điều tra công an trên địa phương theo Luật tố tụng hình sự 2015
Điều 110. Thẩm quyền điều tra
1. Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.
3. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.
4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Và cơ quan Tòa Án cấp huyện,thành phố thuộc tỉnh sẽ là cơ quan tiến hành xét xử nếu như bạn có yêu cầu.