Câu hỏi: Mình kết hôn được 8 năm có một đứa con trai năm nay học lớp 2. Giờ mình bệnh tật, vợ đi làm quen người khác bên ngoài, giờ về muốn li hôn. Tài sản có sổ tiết kiệm 50 triệu. Hỏi mấy anh chị em nên giải quyết sao? P/s: vợ mình đòi một nửa tài sản.
– Luật áp dụng: Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
– Trả lời:
Đối với câu hỏi của bạn, vì bạn không nói rõ về nguyện vọng của mình về việc có muốn ly hôn hay không? Nếu có thì đối với việc nuôi dưỡng con cái và phân chia tài sản sau ly hôn bạn có ý kiến gì? Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn theo hướng như sau:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”
Như vậy, vợ bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu Tòa giải quyết việc ly hôn kể cả khi bạn không đồng ý ly hôn.
Căn cứ Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về các trường hợp đơn phương ly hôn có: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP có giải thích khi nào thì được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng: “Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình”
Như vậy, rất có khả năng Tòa án sẽ giải quyết ly hôn khi vợ bạn đơn phương ly hôn. Nếu vợ chồng bạn ly hôn, vợ chồng bạn sẽ phải thỏa thuận để giải quyết các vấn đề về con chung, về tài sản chung. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết.
Thứ nhất, về con chung, theo như thông tin bạn cung cấp, con bạn năm nay học lớp 2, sẽ khoảng tầm từ 7-8 tuổi.
Căn cứ Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Nếu vợ chồng bạn thỏa thuận được về quyền nuôi con thì Tòa sẽ tôn trọng và giải quyết theo thảo thuận của bạn. Còn nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét theo nguyện vọng của con và căn cứ vào điều kiện nuôi dưỡng của hai bên(điều kiện vật chất và điều kiện về tinh thần). Việc bạn đang có bệnh có thể là một trong những lý do để Tòa án quyết định quyền nuôi dưỡng thuộc về vợ bạn. Tuy nhiên, vợ bạn bỏ đi không chăm lo cho con cái. Nếu bạn chứng minh được mình có đủ các điều kiện để nuôi dưỡng con và bệnh tật của bạn cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc chăm lo cho con cái thì Tòa sẽ xem xét quyền nuôi dưỡng thuộc về bạn.
Thứ hai, về tài sản chung. Sổ tiết kiệm 50.000.000 đồng có phải tài sản phát sinh trong thời kì hôn nhân hay không? Nếu số tiền này được hình thành trong thời kì hôn nhân thì đó là tài sản chung của vợ chồng căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Mặc dù khi kết hôn, anh chị có lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hay chế độ tài sản theo thỏa thuận thì việc chia tài sản cũng phải tôn trọng thỏa thuận đầu tiên, nếu không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không rõ ràng, đầy đủ thì việc chia tài sản mới căn cứ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.
Vợ bạn đòi chia đôi tài sản, tuy nhiên, vợ bạn đang vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng, cụ thể là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nếu bạn có thể chứng minh rằng bạn đóng góp nhiều hơn vào khối tài sản 50.000.000 đồng này, kèm theo việc bạn đang có bệnh tật thì Tòa án có thể cân nhắc việc chia tài sản sao cho phù hợp.
Ngoài ra, vợ bạn đang vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, có thể bị xử lý hình sự.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Từ những thông tin mà bạn cung cấp, hành vi của vợ bạn đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, và nếu trong trường hợp người đang quen với vợ bạn cũng biết về việc vợ bạn là người đã có gia đình thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan điều tra công an cấp huyện nơi vợ bạn đang cư trú.
– Thủ tục ly hôn:
* Thẩm quyền của Tòa án:
Trong trường hợp ly hôn thuận tình thì bạn có thể nộp hồ sơ ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn hoặc vợ bạn cư trú.
* Hồ sơ:
– Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn(bản chính)
– Sổ hộ khẩu(bản sao có chứng thực)
– Chứng minh nhân dân/CCCD/Hộ chiếu.
– Giấy khai sinh của con(bản sao)
– Các tài liệu chứng minh về tài sản chung(sổ tiết kiệm,…)
Bạch Thu Hiền