Menu Đóng

Các vấn đề pháp lý của Công ty quản lý quỹ

Các vấn đề pháp lý của Công ty quản lý quỹ, pháp nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH hoặc Công ty CP

– Về vấn đề tổ chức lại: để thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi phải được sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Thời hạn để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối thì UB phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

– Về vấn đề giải thể: theo quy định của Luật doanh nghiệp. Trường hợp tự giải thể trước khi kết thúc thời hạn hoạt động thì phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

– Về vấn đề phá sản: theo quy định của pháp luật về phá sản.

(Cơ sở pháp lí: Điều 59, 69, 75 Luật chứng khoán 2006)

Điều kiện thành lập công ty quản lý quỹ

  • Về cơ sở vật chất: có trụ sở; có trang bị, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán (đối với nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán thì không phải đáp ứng điều kiện này).
  • Về vốn: có vốn pháp định tối thiểu là 25 tỷ đồng Việt Nam.          
  • Về nguồn vốn: các cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập phải sử dụng nguồn vốn của chính mình để góp vốn thành lập.
  • Về nhân sự: có tối thiểu 05 nhân viên có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ. Có Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ (nếu có) và phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
    • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt tù hoặc bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh theo quy định pháp luật;
    • Không bị xử phạt theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời Điểm nộp hồ sơ;
    • Chưa từng có các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 80 Luật chứng khoán.
    • Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm tại các bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác;
    • Có Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ hoặc có một trong các văn bằng, chứng chỉ quốc tế sau: (i) Chứng chỉ hành nghề quản lý tài sản tại các quốc gia là thành viên của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); (ii) Chứng chỉ quốc tế về phân tích đầu tư CFA bậc II (Chartered Financial Analyst level II); (iii) CIIA bậc II (Certified International Investment Analyst – Final level);
    • Trừ trường hợp được giao quản lý, Điều hành tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư từ quỹ, khách hàng ủy thác, người hành nghề chứng khoán không được kiêm nhiệm là nhân viên chính thức của các tổ chức kinh tế khác.
  • Cổ đông, thành viên sáng lập: (i) là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; (ii) là pháp nhân thì phải đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn.
  • Cổ đông, thành viên góp vốn: Cơ cấu cổ đông, Điều kiện thành viên góp vốn đáp ứng các quy định tại Khoản 5, 6, 8 và 10 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP, quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Khoản 21 và 24 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP và phải đảm bảo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định này. Trường hợp công ty quản lý quỹ được tổ chức dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại Điều 4 Nghị định này.
  • Về chứng chỉ hành nghề: Giám đốc/Tổng giám đốc và các nhân viênthực hiện nghiệp vụ kinh doanh phải có Chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
  • Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động:
    • Hồ sơ cần đầy đủ các giấy tờ sau:
      • Giấy đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ;
      • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán;
      • Xác nhận của ngân hàng về mức vốn pháp định gửi tại tài khoản phong toả mở tại ngân hàng;
      • Danh sách dự kiến Giám đốc/Tổng giám đốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán kèm theo bản sao Chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
      • Danh sách cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập kèm theo bản sao CMND hoặc Hộ chiếu đối với cá nhân và GCNĐKKD đối với pháp nhân;
      • Bản sao báo cáo tài chính năm gần nhất có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập của cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là pháp nhân tham gia góp vốn từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép;
      • Dự thảo Điều lệ công ty;
      • Dự kiến phương án hoạt động kinh doanh trong ba năm đầu phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh đề nghị cấp phép kèm theo các quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình quản lý rủi ro.

           Thời hạn để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động là 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối thì UB phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

            Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động thì Công ty phải công bố Giấy phép. Thời hạn công bố là 07 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép. Việc công bố phải được tiến hành trên phương tiện thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và một tờ báo điện tử hoặc báo viết trong ba số liên tiếp.

(Cơ sở pháp lí: Điều 62, 63, 65, 66 Luật chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung 2010)

Nghiệp vụ kinh doanh của công ty quản lý quỹ

  • Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
  • Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;
  • Tư vấn đầu tư chứng khoán;
  • Huy động và quản lý các quỹ đầu tư nước ngoài có mục tiêu đầu tư vào Việt Nam.

(Cơ sở pháp lí: Điều 61 Luật chứng khoán 2006)

Các hạn chế của công ty quản lý quỹ

  • Không được đưa ra nhận định hoặc bảo đảm với khách hàng về mức thu nhập hoặc lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư của mình hoặc bảo đảm khách hàng không bị thua lỗ, trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định;
  • Không được tiết lộ thông tin về khách hàng, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
  • Không được thực hiện những hành vi làm cho khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán;
  • Không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, trừ trường hợp Bộ Tài chính có quy định khác;
  • Cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp của mình trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động; trừ trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập khác trong Công ty;
  • Công ty phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của Bộ Tài chính; trường hợp không bảo đảm các chỉ tiêu này thì bị đưa vào diện cảnh báo hoặc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn;
  • Một số thay đổi cần có chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện. Thời hạn để UB chấp thuận là 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối thì UB phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do. Những thay đổi đó là:
    • Thành lập, đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch;
    • Thay đổi tên công ty; địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch;
    • Giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp chiếm từ mười phần trăm trở lên vốn điều lệ đã góp của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, trừ trường hợp cổ phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán;
    • Tạm ngừng hoạt động, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng.

(Cơ sở pháp lí: Điều 73, 74 Luật chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung 2010)

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191