Menu Đóng

Bị câm điếc và hạn chế về đọc hiểu có thuộc đối tượng cần giám hộ

Câu hỏi: Gia đình em có anh trai em là câm điếc từ nhỏ. Sức khoẻ vẫn tốt. Anh vẫn biết chữ nhưng bị hạn chế về đọc hiểu. Nhiều văn bản anh em đọc sẽ không hiểu nó là gì. Trường hợp anh trai em có thuộc đối tượng cần giám hộ không ạ? Mọi người giúp em với ạ. E cám ơn nhiều.

– Luật điều chỉnh: Bộ luật dân sự 2015.

– Trả lời: Anh trai của bạn sẽ thuộc đối tượng được giám hộ nếu anh trai bạn được xác định là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

            Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015:

            “1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.”

            Khoản 2 Điều 46 Bộ luật dân sự 2015 về giám hộ: Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

            Theo như thông tin bạn cung cấp, anh trai bạn bị câm điếc từ nhỏ, vẫn biết chữ nhưng bị hạn chế về đọc hiểu, tức là khi tự xác lập về các giấy tờ, giao dịch sẽ gặp khó khăn. Do vậy, nếu bạn nộp đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố anh bạn có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì có thể Tòa án sẽ tuyên anh bạn có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, khi đó, Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho anh trai bạn hoặc trong trường hợp anh bạn có năng lực thể hiện ý chí ngay tại thời điểm yêu cầu giám hộ thì phải được sự đồng ý của anh bạn.

– Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ

* Quyền yêu cầu tuyên bố khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

            Khoản 1 Điều 376 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

            “Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.”

            Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tuyên bố anh bạn có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

*Thẩm quyền:

            Điểm a khoản 2 Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau:

            “Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;”

*Nội dung đơn yêu cầu:

            Khoản 2 Điều 362 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

– Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

– Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

– Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

            Sau khi ra quyết định tuyên bố anh bạn là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Tòa sẽ chỉ định người giám hộ cho anh trai bạn.

            Điều 49 Bộ luât dân sự năm 2015:

            “Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.”

Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu. Nếu không, Tòa án sẽ chỉ định trong số người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp không có người giám hộ ở hai quy định trên, Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.

            Người giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

            – Trường hợp không xác định được như trên thì người giám hộ là:

+ Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

+ Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

+ Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Bạch Thu Hiền

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191