Menu Đóng

Xe của công ty chỉ thực hiện vận chuyển thiết bị cho công ty có phải kinh doanh vận tải

Câu hỏi: Công ty tôi thực hiện đăng kiểm xe, nhưng xe của công ty chỉ thực hiện vận chuyển thiết bị cho công ty, vậy trong phần mục đích sử dụng, xe của công ty tôi có được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải không?

– Luật điều chỉnh:

            Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tại bằng xe ô tô.

– Trả lời: Theo như thông tin bạn cung cấp, xe của công ty bạn không được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải khi thực hiện việc đăng kiểm xe, bởi:

            Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

            Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

            Chiếu theo quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì xe của công ty bạn được sử dụng với mục đích vận chuyển thiết bị, tham gia vào một công đoạn trong số các công đoạn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chính vì vậy, xe của công ty bạn được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải không thu tiền.

            Tuy nhiên, Nghị định 10/2020/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP có quy định:

            Khoản 2 Điều 3: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

            Khoản 5 Điều 36: Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu đã được cấp cho đơn vị và xe ô tô vận tải hàng hóa thuộc đối tượng kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không còn giá trị sử dụng; các đơn vị và phương tiện nêu trên không thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

            Theo Nghị định 86/2014, xe của công ty bạn phải thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải, xe của công ty bạn chỉ vận chuyển thiết bị cho công ty, không tham gia trực tiếp vào hoạt động vận tải nhằm mục đích sinh lời, chiếu theo Khoản 5 Điều 36 thì xe không còn thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, vì vậy khi thực hiện việc đăng kiểm xe sẽ không tích vào mục kinh doanh vận tải.

– Trình tự, thủ tục đăng kiểm xe ô tô:

*Hồ sơ:

Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, khi đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ và cung cấp các thông tin sau:

– Các giấy tờ, gồm:

+ Xuất trình bản chính giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc một trong các giấy tờ sau còn hiệu lực: Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ; bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính; giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe.

+ Xuất trình bản chính Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

+ Nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) xe cơ giới cải tạo (đối với xe cơ giới mới cải tạo).

*Thủ tục đăng kiểm

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định việc kiểm định tại đơn vị đăng kiểm như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân đưa xe và hồ sơ đến đơn vị đăng kiểm.

Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra

– Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ với dữ liệu trên chương trình quản lý kiểm định. Nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại (Giấy đăng ký xe không hợp lệ khi có dấu hiệu làm giả; nội dung bị sửa chữa, tẩy xóa; quá thời hạn hiệu lực); nếu đầy đủ, hợp lệ thì thu phí, tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới và in phiếu kiểm định.

– Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu, đơn vị đăng kiểm thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Trả Giấy chứng nhận kiểm định; hóa đơn thu phí đăng kiểm, lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định ngay cho chủ xe và dán tem kiểm định cho phương tiện.

– Nếu xe cơ giới chỉ có giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe, đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định, nếu đạt yêu cầu thì chỉ dán tem kiểm định và cấp giấy hẹn trả giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe. Khi chủ xe xuất trình giấy đăng ký xe thì đơn vị đăng kiểm trả Giấy chứng nhận kiểm định.

– Xe cơ giới kiểm định nếu có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng, đơn vị đăng kiểm in và gửi thông báo cho chủ xe những khiếm khuyết, hư hỏng để sửa chữa, khắc phục. Trường hợp phải kiểm định lại thì đơn vị đăng kiểm thông báo xe cơ giới không đạt trên chương trình quản lý kiểm định. Xe cơ giới có thể kiểm định lại tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào.

*Còn về phí đăng kiểm, bạn tham khảo Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư 238/2016/TT-BTC.

Bạch Thu Hiền

DỊCH VỤ SOẠN THẢO ĐƠN, HỢP ĐỒNG, CÔNG VĂN CHỈ  500 NGÀN ĐỒNG -> GỌI NGAY 1900.0191

1900.0191