Thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.

Bước sang thế kỷ XXI, thế giới có sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ đạt được những thành tựu vĩ đại ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Hàng loạt các tổ chức kinh tế đa quốc gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), Nhóm 05 nước phát triển (G5); Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS); Cộng đồng kinh tế ASEAN… ngày càng phát triển cả về quy mô, mở rộng tầm ảnh hưởng góp phần đưa nền kinh tế của từng quốc gia thành viên và của toàn thế giới phát triển hơn. Hòa chung vào xu hướng toàn cầu hóa, quốc tế hóa, Đảng ta nhận định công cuộc hội nhập thế giới là chính sách chiến lược, lâu dài và là phương hướng đúng đắn phù hợp với sự phát triển chung của thế giới.

Với sự nỗ lực không ngừng, sau rất nhiều cuộc đàm phán song phương và đa phương, Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Thành quả không thể không nhắc đến trong công cuộc hội nhập hóa nền kinh tế khi cuối năm 2015, đầu năm 2016 vừa qua chúng ta đã đàm phán và ra nhập thành công ba tổ chức kinh tế gồm: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12/2015, tháng 8/2015 với việc đạt được những thỏa thuận mang tính nguyên tắc của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và kết thúc đàm phán hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10 – 2015 Việt Nam đã chứng minh được vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế.

Với việc trở thành một trong những thành viên sáng lập, thành viên tích cực của các tổ chức kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để vươn xa hơn nhưng cũng đồng thời đối mặt với nhiều thách thức, nhiều rủi ro hơn. Các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại sẽ diễn ra sôi nổi hơn, mạnh mẽ hơn và cũng đa dạng hơn, đặc biệt là hoạt động về nhượng quyền thương mại.

Hoạt động nhượng quyền thương mại tuy mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam hơn một thập kỷ qua nhưng đã nhận được sự chú ý từ giới thương nhân, từ người tiêu dùng bởi các lợi ích hoạt động này mang lại. Tuy nhiên, chính sự phát triển quá nhanh sẽ dẫn đến nhiều tranh chấp, các bên muốn kiểm soát nhau để bảo vệ cho mình dẫn đến việc TTHCCT nhau. Về bản chất, điều này làm xâm phạm đến một trong những nguyên tắc về tự do kinh doanh.

Pháp luật Việt Nam cũng có những điều chỉnh nhất định về hoạt động nhượng quyền cũng như điều chỉnh về các TTHCCT, về tổng thể đã tạo được một khuôn khổ pháp lý vững chắc, các cơ chế mở tạo điều kiện phát triển cho hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, tính đặc thù riêng về hoạt động nhượng quyền chưa thật sự cụ thể, rõ ràng.

Do đó việc nghiên cứu những quy định pháp luật hiện hành về TTHCCT, đặc biệt là TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong bối cảnh mới, bối cảnh hội nhập, khu vực hóa – quốc tế hóa nền kinh tế là vô cùng quan trọng và cần thiết tại thời điểm này. Vì vậy, tác giả chọn đề tài: “TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam” làm đề tài Luận văn tốt nghiệp của mình với mong muốn góp một phần nhỏ trong nghiên cứu khoa học, là nguồn tài liệu tham khảo trong hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam hiện nay.

Đã có những công trình nghiên cứu được nhiều tác giả tìm hiểu dưới các hình thức Luận án tiến sĩ, Luận văn thạc sĩ hay các bài viết trên tạp chí, phải kể đến như: Vũ Đặng Hải Yến (2008), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật điều chỉnh nhượng quyền thương mại trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội; Nguyễn Thị Nhung (2011), Cơ sở lý luận và thực tiễn về điều chỉnh pháp luật đối với các TTHCCT ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội; Nguyễn Thị Kim Huệ (2005), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội; Bùi Ngọc Cường (2007), “Các điều khoản độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật; Nguyễn Thanh Tú (2007), “Nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp; Vũ Đặng Hải Yến (2008), “Mối quan hệ giữa hoạt động nhượng quyền thương mại và các TTHCCT”, Tạp chí Luật học; Nguyễn Thị Hồng Vân (2011), Các TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, Tạp chí nghiên cứu lập pháp; Nguyễn Thị Tình (2014), “Ràng buộc bán kèm trong Hợp đồng nhượng quyền thương mại”, Tạp chí nghiên cứu Châu Âu; Nguyễn Thị Tình (2014), “Pháp luật điều chỉnh hành vi ấn định giá bán”, Tạp chí dân chủ và pháp luật; Trường Đại học Thương Mại (2011), Tăng cường sự phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại thông qua pháp luật điều chỉnh hạn chế cạnh tranh, Đề tài nghiên cứu khoa học; ….

Các công trình kể trên mới chỉ phân tích mang tính tổng quát về từng vấn đề “hoạt động nhượng quyền thương mại” hay “TTHCCT” mà chưa thực sự có những phân tích chuyên sâu về cả hai vấn đề “TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại”. Chính vì vậy, có thể khẳng định việc nghiên cứu đề tài “TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam” là có tính mới.

Mục đích nghiên cứu

Mục đích xuyên suốt của Luận văn là làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện được mục đích nghiên cứu nêu trên các nhiệm vụ được xác định trong luận văn cụ thể như sau:

  • Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại như tìm hiểu khái niệm, phân loại, những đặc trưng pháp lý của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
  • Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về hợp đồng nhượng quyền như khái niệm, đặc điểm, nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  • Từ việc tìm hiểu những cái chung đi đến việc tìm hiểu cái riêng, cái cụ thể chính là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  • Tìm hiểu thực trạng pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Qua việc tìm hiểu thực trạng để chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của pháp luật Việt Nam hiện hành.
  • Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới để áp dụng một cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các quan điểm, các tư tưởng luật học, và các quy định pháp luật hiện hành về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh áp dụng cho hoạt động nhượng quyền thương mại, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ luận văn này, trên cơ sở tìm hiểu, phân tích những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, liên hệ thực tiễn tác giả chỉ ra những những hạn chế còn tồn tại trong việc áp dụng những quy định pháp luật đó. Từ đó, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trên cơ sở học hỏi tiếp thu tiến bộ của các nước trên thế giới phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Phương pháp nghiên cứu

Tác giả tiếp cận vấn đề dựa trên phương pháp duy vật biện chứng cũng như các quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng, của Nhà nước ta. Trên cơ sở tiếp cận từ cái chung đến cái riêng, từ trừu tượng đến cụ thể và sử dụng tổng hợp các phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh, bình luận, thống kê chứng minh…

Luận văn cũng khai thác những thông tin, tư liệu của các công trình nghiên cứu đã công bố để chứng minh, giải thích cho luận điểm được phân tích.

Bố cục bài viết

Ngoài phần mở đầu, kết luận, và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn được kết cấu gồm 03 chương như sau:

  • Chương 1: Những vấn đề lý luận về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  • Chương 2: Thực trạng pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
  • Chương 3: Hoàn thiện pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện nay.

CHƯƠNG 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1,1. Về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

1.1.1. Khái niệm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Để hiểu được thế nào là TTHCCT, trước hết phải hiểu được ý nghĩa cụm từ “thỏa thuận”. Vậy thỏa thuận là gì?

Thỏa thuận không chỉ không chỉ là một hành vi mô tả chính thức bằng văn bản về các điều khoản và điều kiện cho sự hợp tác.

Một thỏa thuận có thể là: Một thỏa thuận chính thức giữa các doanh nghiệp; Một quyết định đưa ra bởi hiệp hội của các doanh nghiệp: thay thế thỏa thuận giữa các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội, phù hợp cam kết chung của hiệp hội đó. Khi các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình đưa ra quyết định thì quyết định của hiệp hội cũng chính là quyết định của các thành viên của hiệp hội đó; hoặc một cam kết đáp ứng yêu cầu của các bên tham gia mà không thể hiện bằng văn bản.

Để một hành vi hoặc một tập hợp các hành vi cấu thành một thỏa thuận thì điều phải luôn ghi nhớ là khi nào có sự thống nhất về ý chí, khi đó có thỏa thuận. Các hành vi giống nhau của các doanh nghiệp chưa đủ để chứng minh là đã có thỏa thuận giữa họ với nhau [2, tr.14].

Cạnh tranh là một trong những quy luật của nền kinh tế thị trường. Khi chấp nhận chuyển đổi từ nền kinh tế cũ sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam phải chấp nhận những quy luật của nền kinh tế thị trường trong đó có quy luật về cạnh tranh. Quá trình cạnh tranh buộc các doanh nghiệp luôn phải nỗ lực hết mình để có thể hơn đối thủ. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp coi quy luật cạnh tranh như một mối nguy hại cho lợi nhuận và sự phát triển. Thay vì việc họ nỗ lực thay đổi, cải thiện quy trình sản xuất kinh doanh của mình hướng tới người tiêu dùng và tạo nền tảng phát triển bền vững thì họ tìm đến nhau để thỏa thuận, phân chia cho nhau để đảm bảo lợi ích hai bên không bị tổn hại hoặc tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp. Điều này vô hình trung đã gây hậu quả tất yếu trước hết là những người tiêu dùng, sau là ảnh hưởng sự phát triển kinh tế, hình thành sự độc quyền nhất định trong thị trường.

Từ các nhìn nhận đánh giá, pháp luật cạnh tranh các nước trên thế giới đều có những quy định điều chỉnh những hành vi TTHCCT.

Khoản 1 điều 81 Hiệp ước Rome nghiêm cấm mọi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, mọi quyết định của hiệp hội doanh nghiệp và mọi hành động phối hợp có khả năng ảnh hưởng đến trao đổi thương mại giữa các quốc gia thành viên và có mục đích hoặc hệ quả phản cạnh tranh.

Ở Châu Âu, TTHCCT quy định tại điều 101 của Hiệp ước thành lập Liên minh châu Âu như sau:

Mọi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, các quyết định của hiệp hội các doanh nghiệp và mọi hành vi liên kết khác có thể ảnh hưởng đến thương mại giữa các thành viên và có mục đích hệ quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường của liên minh, đều bị coi là đi ngược lại với mục đích thành lập thị trường chung và bị cấm [5, tr.4].

Tại Nhật Bản, khoản 6, điều 2, Luật Chống độc quyền quy định:

Hạn chế thương mại bất hợp lý là các hoạt động kinh doanh mà thông qua đó bất kỳ doanh nghiệp nào bằng hợp đồng, thỏa thuận hay bất kỳ các hoạt động thông đồng khác, không phụ thuộc tên gọi, cùng hạn chế hay tiến hành các hoạt động kinh doanh của họ theo cách thức cố định giá, duy trì tăng giá, hoặc để giới hạn sản xuất công nghệ, sản phẩm, cơ sở sản xuất hay khách hàng hoặc giao dịch của các đối tác, gây ra hạn chế đáng kể đối với cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại, đi ngược lại với lợi ích chung [5, tr.4].

Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh không đưa ra định nghĩa thế nào là TTHCCT mà thay vào đó luật liệt kê 8 Loại TTHCCT [13, Điều 8].

Điều 8. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:

1. Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;

2. Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;

3. Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;

4. Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

5. Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

6. Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

7. Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;

8. Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Theo Luật Cạnh tranh thì TTHCCT là thỏa thuận giữa hai hay nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh có tác động làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. Theo đó luật không quy định về hình thức thỏa thuận (văn bản hay bằng miệng, công khai hay ngầm) cũng như mục đích của thỏa thuận [5, tr.5]. Khi xem xét một thỏa thuận có bị coi là TTHCCT không thì chỉ cần xét xem thỏa thuận đó có mục đích thực hiện một hoặc một số hành vi nêu tại Luật Cạnh tranh hay không.

1.1.2. Những đặc trưng pháp lý cơ bản của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Để hiểu cụ thể về TTHCCT và có thể phân biệt được hành vi TTHCCT với những hành vi khác thì trước hết phải nhận dạng được hành vi TTHCCT thông qua những đặc trưng pháp lý cơ bản sau:

Thứ nhất, TTHCCT là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là chủ thể trong quan hệ TTHCCT [19].

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được hiểu là các tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận phải hoạt động độc lập với nhau và hoàn toàn không phụ thuộc với nhau về tài chính. Như vậy, trường hợp công ty mẹ – công ty con, hay giữa công ty với đại lý của mình có sự thỏa thuận thì không coi là TTHCCT.

Doanh nghiệp là chủ thể tạo nên và quyết định mức độ cũng như hình thức của cạnh tranh, đồng thời, cũng chính các doanh nghiệp có thể gây hạn chế, giảm bớt hay thậm chí triệt tiêu cạnh tranh do chính mình tạo ra bằng các thỏa thuận. Các TTHCCT có thể là giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau hoặc có thể là giữa những doanh nghiệp có mối liên hệ với nhau trong cùng một chuỗi sản xuất hay cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Thứ hai, giữa các doanh nghiệp có thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Thoả thuận là đặc trưng pháp lý cơ bản và là yếu tố cấu thành hành vi quan trọng, được hiểu là sự thống nhất ý chí giữa các bên tham gia [19].

Trong TTHCCT đòi hỏi phải có sự thể hiện và thống nhất ý chí giữa các bên tham gia thỏa thuận thông qua sự thể hiện và thống nhất ý chí của những người có thẩm quyền và hướng tới mục đích hạn chế cạnh tranh. Các doanh nghiệp tham gia TTHCCT có thể nhằm cùng một mục đích hoặc nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, dù với mục đích nào thì doanh nghiệp đã có sự thống nhất ý chí về cùng thực hiện một hành động nào đó đều bị coi là hành vi TTHCCT.

Vì vậy, TTHCCT thường là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên tham gia với nhau liên quan đến một hoặc một số nội dung hay yếu tố nào đó của thị trường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các bên tham gia không trực tiếp thỏa thuận với nhau mà gián tiếp đạt được sự thoả thuận thông qua các nghị quyết, quyết định hay hành động chung của Hiệp hội mà các bên là thành viên. Sở dĩ trường hợp này cũng được coi là thoả thuận bởi khi các doanh nghiệp tham gia và là thành viên của hiệp hội, tự nguyện chấp nhận hay đồng tình theo những cam kết hay chủ trương chung của hiệp hội, chấp nhận cho phép hiệp hội được đưa ra nghị quyết, quyết định hoặc hành động chung và bản thân các doanh nghiệp thành viên tuân thủ theo thì đó cũng chính là một sự thoả thuận giữa các doanh nghiệp thành viên đã đạt được.

Hình thức của thỏa thuận dạng kiểu như vậy gần như mang tính chất uỷ quyền quyết định cho hiệp hội do vậy có giàng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý với các thành viên. Ngoài ra, thoả thuận hạn chế cạnh tranh còn có thể biểu hiện dưới dạng các cam kết tuân thủ hay đáp ứng những yêu cầu do một hoặc một số bên đặt ra. Trong thực tế, có trường hợp các doanh nghiệp thực hiện những hành vi giống nhau nhưng không vì thế mà có thể kết luận giữa các doanh nghiệp có sự thoả thuận bởi có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên trên cơ sở tính toán và đưa ra quyết định một cách độc lập của từng doanh nghiệp. Chỉ có thể quy kết là có sự tồn tại một thoả thuận nếu có thông tin, chứng cứ cho thấy rằng giữa các doanh nghiệp đã có sự gặp gỡ, trao đổi và thống nhất giữa ý chí, hay nói cách khác các doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói và hành động chung mà không bị tác động bởi bất cứ lý do nào.

Thứ ba, mục đích của thoả thuận là nhằm hạn chế cạnh tranh [19].

Mục đích của các bên tham gia thỏa thuận là làm giảm sức ép cạnh tranh hay chính là hạn chế cạnh tranh và thông qua đó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận, cho các doanh nghiệp tiềm năng, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và toàn xã hội.

Đối với khách hàng, lợi ích trực tiếp bị thiệt hại là không được hưởng các sản phẩm với chất lượng tốt hơn và mức giá cả phù hợp hơn. Đối với doanh nghiệp không tham gia thoả thuận có nguy cơ mất cơ hội kinh doanh, bị loại ra khỏi thị trường. Với sự liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua một TTHCCT tạo nên sức mạnh khống chế và buộc khách hàng phải tuân theo những luật chơi do các doanh nghiệp này tạo ra không dựa trên cơ sở quy luật của thị trường. Ngoài ra, bằng việc TTHCCT, các doanh nghiệp tham gia thoả thuận cũng có thể áp đặt những điều kiện bất lợi trong các giao dịch với những doanh nghiệp ngoài thoả thuận.

Thứ tư, TTHCCT được biểu hiện dưới một hình thức nhất định [19].

Hình thức biểu hiện của TTHCCT không được coi là tiêu chí bắt buộc, có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản, chính thức hay không chính thức. Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định hình thức biểu hiện của TTHCCT lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tra và xử lý đối với các hành vi TTHCCT bị cấm, cho dù hình thức biểu hiện của thoả thuận hạn chế cạnh tranh không làm ảnh hưởng đến hậu quả pháp lý của các hành vi TTHCCT bị cấm. TTHCCT có thể được biểu hiện dưới các hình thức như bằng miệng hoặc văn bản, thoả thuận ngầm hay thoả thuận công khai dưới các loại như hợp đồng, nghị quyết, quyết định, nội quy của các hiệp hội.

Việc xác định hình thức biểu hiện của các TTHCCT không ảnh hưởng đến hậu quả pháp lý nhưng có khả năng ảnh hưởng tới mức độ thành công của việc chứng minh thỏa thuận. Nếu thoả thuận hạn chế cạnh tranh được thể hiện thông qua hình thức văn bản như hợp đồng, biên bản cuộc họp, quyết định, nghị quyết, các trao đổi điện thoại, fax, email… thì việc thu thập chứng cứ và chứng minh sẽ dễ dàng hơn. Vấn đề sẽ trở nên khó khăn nếu TTHCCT là các thỏa thuận ngầm. Khi đó cần phải dựa vào các loại chứng cứ gián tiếp nên việc chứng minh sẽ khó khăn hơn.

Thứ năm, hậu quả của TTHCCT là làm giảm, làm sai lệch hay cản trở hoặc thậm chí triệt tiêu các hoạt động cạnh tranh bình thường trên thị trường [19].

Thỏa thuận cạnh tranh gây ra cho thị trường sự xóa bỏ cạnh tranh, các đối thủ trên thị trường sẽ không còn cạnh tranh nữa. Hậu quả của nó có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp không tham gia việc thỏa thuận.

Tuy nhiên, hậu quả này có thể đã xảy ra hoặc chưa xảy ra. TTHCCT chỉ đòi hỏi đảm bảo các yếu tố cấu thành về mặt hình thức. Khi xác định hành vi TTHCCT không cần xét đến hậu quả thực tế mà chỉ cần xác định hậu quả về mặt hình thức. Hậu quả thực tế chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ trách nhiệm pháp lý hay mức phạt.

1.1.3. Phân loại thỏa thuận cạnh tranh

Hiện nay dựa trên cơ sở khác nhau chúng ta lại có các cách thức để phân loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh:

  • Trên cơ sở mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia thoả thuận, người ta chia các hành vi thoả thuận ra 2 nhóm: thoả thuận theo chiều ngang và thoả thuận theo chiều dọc. Thỏa thuận ngang là thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh và thỏa thuận dọc là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp bổ trợ lẫn nhau [2, tr.14].

Thỏa thuận theo chiều ngang là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp có cùng ngành hàng hoạt động trên cùng một thị trường liên quan như thỏa thuận giữa các nhà sản xuất hay giữa những nhà những nhà bán buôn hoặc giữa những nhà bán lẻ của những loại sản phẩm tương tự nhau. Nội dung của thỏa thuận liên quan đến ấn định giá mua bán hàng hóa, dịch vụ, phân chia thị trường, ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia thị trường, thông đồng trong đấu thầu, hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Thỏa thuận theo chiều dọc là các thỏa thuận liên quan đến việc bán lại những sản phẩm từ nhà sản xuất hay nhà cung cấp, do đó nó diễn ra giữa các doanh nghiệp ở các công đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm như thỏa thuận giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Thỏa thuận theo chiều dọc không tạo ra khả năng khống chế thị trường. Các thỏa thuận phổ biến theo chiều dọc thường có các nội dung: phân phối độc quyền theo lãnh thổ, giao dịch độc quyền, buộc các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối của nhà sản xuất…; thỏa thuận ấn định giá bán lại.

  • Theo pháp luật Cạnh tranh của Việt Nam, có thể chia thành hai loại: thỏa thuận bị coi là trái pháp luật một cách đương nhiên và thỏa thuận bị coi là trái pháp luật một cách có điều kiện [1, tr.13].

Thỏa thuận bị coi là trái pháp luật một cách có điều kiện gồm có:

  •  Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
  •  Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;
  •  Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;
  •  Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;
  •  Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

Mặc dù đây được coi là TTHCCT nhưng dựa vào tính chất các thỏa thuận đó nên Luật quy định các thỏa thuận này chỉ bị cấm khi thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan chiếm ít nhất 30%, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép được tiến hành các thỏa thuận khi đáp ứng điều kiện nhất định quy định tại điều 10 của Luật và nhằm mục đích hạ giá thành và có lợi cho người tiêu dùng.

Thị phần: là tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường của một doanh nghiệp trên một thị trường nhất định. Thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm [3, tr.266].

Thị phần kết hợp: là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế [3, tr.266].

Thị trường liên quan là khái niệm được sử dụng trong phân tích cạnh tranh để chỉ giới hạn thị trường nơi diễn ra các hoạt động cạnh tranh thuộc sự quan tâm của pháp luật cạnh tranh. Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan [3, tr.265].

Thỏa thuận bị coi là trái pháp luật một cách đương nhiên bao gồm: (khoản 6, 7, 8 điều 8 Luật Cạnh tranh)

  •  Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
  •  Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;
  •  Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Thỏa thuận trong nhóm này là thỏa thuận đương nhiên bị cấm trong mọi trường hợp và không có ngoại lệ. Các thỏa thuận này đều được luật cạnh tranh các quốc gia trên thế giới quy định khá nghiêm ngặt.

1.2. Về hợp đồng nhượng quyền thương mại

1.2.1. Khái niệm về hợp đồng nhượng quyền thương mại

HĐNQTM được chính thức ghi nhận bằng sự kiện năm 1851, lần đầu tiên trên thế giới nhà sản xuất máy khâu Singer của Mỹ đã ký hợp đồng nhượng quyền và trở thành người tiên phong trong việc thoả thuận hình thức nhượng quyền.

Sau sự kiện này, nhượng quyền thương mại đã bắt đầu phát triển và lan rộng toàn thế giới. Dựa vào cách thức quản lý khác nhau trên thế giới về nhượng quyền thương mại mà đã có những khái niệm khác nhau về nhượng quyền thương mại. Cụ thể:

Hiệp hội nhượng quyền kinh doanh Quốc tế (The International Franchise Association) là hiệp hội lớn nhất nước Mỹ và thế giới) đã nêu ra khái niệm nhượng quyền thương mại như sau:

Nhượng quyền thương mại là mối quan hệ theo hợp đồng, giữa Bên giao và Bên nhận quyền, theo đó Bên giao đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của Bên nhận trên các khía cạnh như: bí quyết kinh doanh (know-how), đào tạo nhân viên; Bên nhận hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hóa, phương thức, phương pháp kinh doanh do Bên giao sở hữu hoặc kiểm soát; và Bên nhận đang, hoặc sẽ tiến hành đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng các nguồn lực của mình [30].

Theo Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (the US Federal Trade Commission – FTC): HĐNQTM là hợp đồng theo đó Bên giao:

(i) Hỗ trợ đáng kể cho Bên nhận trong việc điều hành doanh nghiệp hoặc kiểm soát chặt chẽ phương pháp điều hành doanh nghiệp của Bên nhận.

(ii) Li-xăng nhãn hiệu cho Bên nhận để phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ theo nhãn hiệu hàng hóa của Bên giao và

(iii) Yêu cầu Bên nhận thanh toán cho Bên giao một khoản phí tối thiểu.

Quan niệm Liên minh châu Âu (EU):

Quyền thương mại là một “tập hợp những quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu cửa hàng, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, bản quyền tác giả, bí quyết, hoặc sáng chế sẽ được khai thác để bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ tới người sử dụng cuối cùng. Nhượng quyền thương mại có nghĩa là việc chuyển nhượng quyền kinh doanh được Khái niệm ở trên [30].

Luật sở hữu công nghiệp của Mêhicô quy định:

Nhượng quyền thương mại tồn tại khi với một li-xăng cấp quyền sử dụng một thương hiệu nhất định, có sự chuyển giao kiến thức công nghệ hoặc hỗ trợ kỹ thuật để một người sản xuất, chế tạo, hoặc bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ đồng bộ với các phương pháp vận hành (operative methods), các hoạt động thương mại, hoặc hành chính đã được chủ thương hiệu (brand owner) thiết lập, với chất lượng (quality), danh tiếng (prestige), hình ảnh của sản phẩm, hoặc dịch vụ đã tạo dựng được dưới thương hiệu đó [30].

Bộ luật dân sự Nga quy định:

HĐNQTM là hợp đồng mà một bên (bên có quyền) phải cấp cho bên kia (bên sử dụng) với một khoản thù lao, theo một thời hạn, hay không thời hạn, quyền được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh của bên sử dụng một tập hợp các quyền độc quyền của bên có quyền bao gồm, quyền đối với dấu hiệu, chỉ dẫn thương mại, quyền đối vớibí mật kinh doanh, và các quyền độc quyền theo hợp đồng đối với các đối tượng khác như nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ,.. [30].

Có thể thấy rằng, các điểm chung trong tất cả những khái niệm nêu trên là việc một Bên độc lập (Bên nhận) phân phối (marketing) sản phẩm, hoặc dịch vụ dưới nhãn hiệu hàng hóa, các đối tượng khác của các quyền sở hữu trí tuệ, và hệ thống kinh doanh đồng bộ do một Bên khác (Bên giao) phát triển và sở hữu; để được phép làm việc này, Bên nhận phải trả phí và chấp nhận một số hạn chế do Bên giao quy định.

Tại Việt Nam, Khái niệm nhượng quyền thương mại được đề cập tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 như sau:

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh [14, Điều 284].

Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, nhận thấy khái niệm này có nét tương đồng với pháp luật của Liên minh châu Âu cũng như một số nước trên thế giới.

HĐNQTM cũng giống như các loại hợp đồng thông thường khác, là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền và cũng chính là căn cứ, cơ sở để giải quyết tranh chấp có thể sẽ phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Pháp luật Việt Nam không đưa ra một định nghĩa nào về HĐNQTM. Điều 285 Luật Thương mại 2005 với tiêu đề “HĐNQTM” chỉ quy định về hình thức của loại hợp đồng này. Như vậy, có thể hiểu, trên phương diện pháp luật, HĐNQTM là loại hợp đồng được các thương nhân ký kết trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại, cụ thể là thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại [21, tr.11].

1.2.2. Đặc điểm hợp đồng nhượng quyền thương mại

Thứ nhất, về chủ thể. Gồm bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Bên nhận quyền và bên nhượng quyền đều phải là thương nhân, có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài.

Những đặc trưng về chủ thể này của HĐNQTM làm cho HĐNQTM có những đặc điểm khác biệt so với các loại hợp đồng khác. Quan hệ nhượng quyền không chỉ dừng lại giữa một bên nhượng quyền và một bên nhận quyền mà còn xuất hiện thêm nhiều bên nhận quyền khác nữa tạo thành một hệ thống nhượng quyền thương mại, xuất phát từ sự khác biệt của quan hệ nhượng quyền này làm cho chủ thể của loại hợp đồng này cũng khác với các hợp đồng khác. Bên nhận quyền thứ hai là bên nhận lại quyền kinh doanh thương mại của bên nhượng quyền từ bên nhận quyền thứ nhất. Trong trường hợp này, các bên lại phải có những thoả thuận, phù hợp với quyền và lợi ích.

Thứ hai, đối tượng của hợp đồng. Đối tượng của HĐNQTM là “quyền thương mại”. Theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền dưới sự kiểm soát và trợ giúp của bên nhượng quyền.

Thứ ba, về nội dung của hợp đồng. Nội dung của HĐNQTM là các điều khoản do các bên thỏa thuận, xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại. Khi tham gia hợp đồng này thì các bên sẽ trao đổi với nhau những quyền mà mình được hưởng đồng thời trao đổi với nhau về những nghĩa vụ mà mình phải thực hiện. Đây là một trong những đặc trưng nổi bật của HĐNQTM.

Thứ tư, về hình thức hợp đồng. HĐNQTM phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Quy định rõ ràng về hình thức của HĐNQTM, bắt buộc các bên chủ thể phải thể hiện loại hợp đồng này dưới dạng văn bản cũng chính là một trong những cách thức bảo vệ các thương nhân khỏi những rủi ro có thể xảy ra.

1.2.3. Nội dung hợp đồng nhượng quyền thương mại

Pháp luật chỉ đưa ra các nội dung cơ bản, chủ yếu tạo ra xương sống cho hợp đồng, còn các bên sẽ thỏa thuận chi tiết cho phù hợp với điều kiện của mình. HĐNQTM có thể có 6 nội dung sau đây [9, Điều 11]:

  • Nội dung của nhượng quyền thương mại [9, Điều 11, khoản 1]

Đây chính là điều khoản xác định đối tượng của hợp đồng, được coi là trung tâm của hợp đồng, nó có ảnh hưởng tới mọi điều khoản khác trong hợp đồng.

  • Quyền và nghĩa vụ của các bên [9, Điều 11, khoản 2]

Quyền và nghĩa vụ cụ thể của bên nhượng quyền và bên nhận quyền do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì theo điều 286, 287, 288, và 289 Luật Thương mại 2005, các bên có quyền và nghĩa vụ sau đây:

Đối với bên nhượng quyền:

Thương nhân nhượng quyền có 3 quyền cơ bản: Thứ nhất, nhận tiền nhượng quyền; Thứ hai, tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại; Thứ ba, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận nhượng quyền đảm bảo sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định của chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Đối với bên nhận quyền:

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền được quy định tại Điều 288, 289 Luật Thương mại 2005. Nhìn chung bên nhận quyền “yếu thế” hơn bên nhượng quyền vì bên nhượng quyền là chủ sở hữu của các đối tượng nhượng quyền mà bên nhận được chuyển giao để sử dụng. Vì thế nghĩa vụ của bên nhận nhượng quyền cũng đặt ra nhiều hơn. Các nghĩa vụ đặt ra như nghĩa vụ tài chính trả tiền nhượng quyền, các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Nghĩa vụ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền như: đầu tư cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao và điều hành hoạt động chúng cho phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại; … Đây là nghĩa vụ rất quan trọng mà bên nhận nhượng quyền phải thực hiện một cách thật nghiêm túc kể cả khi hợp đồng đã chấm dứt. Ngoài ra bên nhận quyền không được phép nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Việc nhượng quyền lại cho bên thứ ba được Luật Thương mại 2005 quy định tại Điều 290. Chính vì bên nhận nhượng quyền phải gánh chịu những nghĩa vụ nên đòi hỏi bên nhượng quyền phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với bên nhận nhượng quyền để đảm bảo các quyền lợi của bên nhận nhượng quyền đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền.

  • Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán [9, Điều 11, khoản 4]

Điều khoản này do các bên thỏa thuận. Pháp luật không quy định mức giá cố định cho từng hàng hóa mà các bên căn cứ vào uy tín của hàng hóa, khu vực nhượng quyền và nhu cầu của thị trường, … để quyết định giá, phí thanh toán. Đồng thời lựa chọn phương thức thanh toán cho phù hợp với điều kiện của các bên. Pháp luật quy định như vậy đảm bảo quản lý ở tầm vĩ mô không can thiệp quá sâu vào quan hệ giữa các bên.

  • Thời hạn hiệu lực và gia hạn hợp đồng [9, Điều 11, khoản 5]

Pháp luật Việt Nam không quy định một thời hạn cố định mà thời hạn của hợp đồng do các bên tự quyết định. Bên cạnh đó tại Điều 13 Nghị định 35 cũng quy định: Hợp đồng có thể chấm dứt trước thời hạn trong trường hợp quy định tại Điều 16 của Nghị định, đó là các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nghị định 35 cũng quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tại Điều 14 theo hướng tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, nếu không có sự thỏa thuận khác thì HĐNQTM có hiệu lực tức thời tại thời điểm giao kết. Ngoài ra, có thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng Theo Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015.

Khi hợp đồng hết thời hạn các bên có thể thỏa thuận gia hạn hợp đồng. Đồng thời các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hết hiệu lực của hợp đồng.

  • Chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại [9, Điều 11, khoản 6]

Thông thường HĐNQTM sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

* Hết thời hạn thực hiện hợp đồng mà các bên không có thỏa thuận gia hạn.

* Hợp đồng chưa hết thời hạn thực hiện nhưng các bên có thỏa thuận chấm dứt.

* Một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Việc quy định quyền năng này để bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm và hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra cho bên bị vi phạm. Theo Điều 16 Nghị định 35 các bên có quyền đơn phương chấm dứt HĐNQTM trong các trường hợp sau:

  •  Đối với bên nhận quyền:Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt HĐNQTM trong trường hợp bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ sau: (i) cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền; (ii) đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại; (iii) thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền; (iv) bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền; (v) đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
  •  Đối với bên nhượng quyền: Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt HĐNQTM trong các trường hợp sau: (i) Bên nhận quyền không còn giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; (ii) Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại; (iv) Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong HĐNQTM trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ bên nhượng quyền.
  • Giải quyết tranh chấp

HĐNQTM là một loại hợp đồng trong thương mại nên cơ chế giải quyết tranh chấp cho hợp đồng này cũng giống cơ chế giải quyết tranh chấp cho những hợp đồng trong thương mại khác. Điều 317 Luật thương mại 2005 quy định hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: thương lượng, hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải; giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án. Xuất phát từ quyền tự do kinh doanh, các bên trong HĐNQTM có quyền tự do lựa chọn một trong bốn hình thức giải quyết tranh chấp nói trên để giải quyết các tranh chấp có thể sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

1.3. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại và mối liên hệ

1.3.1. Khái niệm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Như nội dung đã phân tích ở hai mục 1.1 và 1.2 của chương này về TTHCCT và HĐNQTM có thể thấy việc xuất hiện các TTHCCT trong hợp đồng thương mại cũng giống với nguyên nhân dẫn tới TTHCCT nói chung là đều xuất phát từ việc tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận của hệ thống kinh doanh nhượng quyền.

Hành vi TTHCCT trong HĐNQTM được hiểu là sự thỏa thuận giữa ít nhất hai bên trong hệ thống nhượng quyền nhằm làm sai lệch, cản trở cạnh tranh. Mục đích hành vi chính là gây hạn chế cạnh tranh hoặc loại bỏ những cạnh tranh trong hệ thống nhượng quyền hoặc của các đối thủ cạnh tranh khác ngoài hệ thống.

Về hình thức thể hiện, như đã phân loại ở phần trên, thỏa thuận cạnh tranh có hai loại là thỏa thuận ngang và thỏa thuận dọc. Ở khía cạnh mạng lưới phân phối của hệ thống nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền và bên nhượng quyền có thể đồng thời tồn tại hai tư cách: vừa là nhà sản xuất/cung ứng dịch vụ vừa là nhà phân phối hàng hóa dịch vụ trừ hình thức nhượng quyền thương mại, phân phối.

Với sự tham gia của các tư cách như trên TTHCCT được phân loại như sau [17, tr.51]:

  • Trong hình thức nhượng quyền thương mại phân phối: Bên nhận quyền được phép phân phối những hàng hóa, sản phẩm do bên nhượng quyền sản xuất, kinh doanh dưới bảng hiệu của bên nhượng quyền. Trong hình thức này, có thể tồn tại cả hai hình thức TTHCCT; đó là thỏa thuận theo chiều ngang giữa các nhà phân phối và thỏa thuận chiều dọc giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
  • Trong hình thức nhượng quyền thương mại sản xuất hoặc nhượng quyền thương mại dịch vụ: Bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn, gắn tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, logo biểu tượng do bên nhượng quyền làm chủ sở hữu. Trong trường hợp này tồn tại thỏa thuận theo chiều ngang

Dựa trên đối tượng điều chỉnh của từng loại HĐNQTM tùy thuộc vào ngữ cảnh kinh tế và nội dung cụ thể của hợp đồng. Chúng thường được thể hiện dưới các dạng: (i) thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh, (ii) thỏa thuận phân phối cung ứng độc quyền, (iii) thỏa thuận mua bán cả gói, (iv) thỏa thuận giá bán lại, (v) kiểm soát số lượng đầu vào và đầu ra sản phẩm [20].

  • Thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh: bên nhượng quyền thường quyết định số lượng cửa hàng nhượng quyền trên một khu vực địa lý nhất định bằng việc phân chia khu vực kinh doanh cụ thể cho mỗi bên nhận quyền. Quy định này cấm bên nhận quyền kinh doanh ngoài phạm vi được cho phép bởi bên nhượng quyền và chỉ được khai thác một cơ sở duy nhất do bên nhượng quyền cấp. Thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh còn là việc hai bên kìm hãm không cho bên nhượng quyền khác kinh doanh trong phạm vi địa lý đó, tìm cách loại bỏ những doanh nghiệp không phải các bên trong thỏa thuận.
  • Thỏa thuận phân phối cung ứng độc quyền: Trong nhượng quyền thương mại, đặc biệt là hình thức nhượng quyền phân phối, bên nhận quyền chỉ được bán các sản phẩm gắn nhãn hiệu của bên nhượng quyền tại cửa hiệu gắn tên thương mại hoặc biểu tượng của bên nhượng quyền, do đó, bên nhận quyền phải tuyệt đối trung thành và tôn trọng lợi ích của bên nhượng quyền. Ngoài độc quyền về sản phẩm, có thể tồn tại dưới hình thức độc quyền về thiết bị buộc bên nhận quyền phải mua trang thiết bị theo bên nhượng quyền.
  • Thỏa thuận mua bán cả gói: Được hiểu là việc bên nhận quyền phải chấp nhận những nghĩa vụ không liên quan đến đối tượng của HĐNQTM. Và đây được gọi là một ràng buộc bán kèm. Theo Luật Cạnh tranh Canada, ràng buộc bán kèm được hiểu là một hành vi trong đó một nhà cung cấp hàng hóa, như một điều kiện để cung cấp hàng hóa đó (hàng hóa “ràng buộc”), yêu cầu khách hàng phải: (i) mua lại một hàng hóa khác từ nhà cung cấp hoặc người do nhà cung cấp chỉ định; hoặc (ii) hạn chế sử dụng hoặc phân phối, cùng với hàng hóa ràng buộc, một hàng hóa khác không thuộc nhãn hiệu do nhà cung cấp hoặc người được nhà cung cấp chỉ định nêu rõ, và một hành vi trong đó nhà cung cấp hàng hóa lôi kéo khách hàng đáp ứng một yêu cầu đặt ra trong (i) hoặc (ii) bằng cách đề nghị cung cấp hàng hóa đó cho khách hàng đó với những điều kiện hay điều khoản ưu đãi hơn nếu khách hàng đó đồng ý đáp ứng một trong những điều kiện trên [20]. Hay nói cách khác, khi bên bán sẽ bán một sản phẩm chính với điều kiện bên mua đồng ý mua một sản phẩm khác hoặc/và phải mua sản phẩm được bán kèm từ một doanh nghiệp khác do bên nhượng quyền chỉ định hoặc ít nhất đồng ý không mua sản phẩm được bán kèm từ một doanh nghiệp khác.
  • Thỏa thuận giá bán lại: Việc thỏa thuận áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ nhằm ấn định một mức giá trần hoặc mức giá sàn hoặc một mức giá đề nghị không mang tính chất ràng buộc hoặc bất kỳ mức giá đề nghị nào được quảng cáo bởi bên nhượng quyền.
  • Kiểm soát số lượng đầu vào, đầu ra sản phẩm: Đối với hình thức nhượng quyền thương mại sản xuất, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sản xuất và bán các sản phẩm gắn nhãn hiệu của bên nhượng quyền, theo sự chỉ đạo của bên nhượng quyền, hoặc hai bên cùng thỏa thuận khối lượng hàng găm hàng tạo sự khan hiếm cho thị trường.

Thực tế hiện nay có thể thấy rất ít các hình thức nhượng quyền tồn tại độc lập. Các hình thức nhượng quyền này đan xen nhau. Chính vì vậy, hành vi TTHCCT phát sinh dưới cả chiều dọc và chiều ngang dưới nhiều cách thức đa dạng.

Pháp luật về nhượng quyền thương mại và pháp luật cạnh tranh đều là những bộ phận của hệ thống luật thương mại, có mối quan hệ qua lại tương hỗ lẫn nhau. Hiện nay, các quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại đang được quy định rải rác trong Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, mối quan hệ giữa hai mảng luật này chủ yếu liên quan tới các quy định về TTHCCT.

Bên cạnh đó, những quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền có thể có những liên quan, còn các quy định về tập trung kinh tế trong pháp luật cạnh tranh hầu như không có mối quan hệ với pháp luật về nhượng quyền thương mại. Do đó, việc nghiên cứu các quy định pháp luật về cạnh tranh khi thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại cũng như các vụ tranh chấp liên quan là rất cần thiết nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động nhượng quyền thương mại diễn ra trên thị trường Việt Nam cũng như trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, để giúp doanh nghiệp có thể tránh được các kiện tụng liên quan tới các hành vi hạn chế cạnh tranh của bên nhận quyền Việt Nam, giúp cho cả các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực tương ứng có những hiểu biết đầy đủ, từ đó có hướng để hoàn thiện pháp luật về nhượng quyền thương mại nói riêng và pháp luật thương mại nói chung, đáp ứng xu thế hội nhập.

1.3.2.  Đặc điểm của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Qua việc tìm hiểu, các TTHCCT trong HĐNQTM có các đặc trưng pháp lý sau đây:

Thứ nhất, chủ thể của TTHCCT trong HĐNQTM là các doanh nghiệp hoạt động độc lập, cùng trên thị trường liên quan và cùng tham gia vào hoạt động nhượng quyền.

Chủ thể của TTHCCT trong HĐNQTM là các doanh nghiệp, trong đó một bên được gọi là bên nhượng quyền sở hữu thương hiệu, bí quyết kinh doanh, hệ thống phân phối sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ…, bên còn lại là bên nhận quyền phải trả một khoản phí nhất định hay số % doanh thu của mình cho bên nhượng quyền để đổi lại bên này sẽ được bên nhượng quyền cho phép sử dụng thương hiệu, hệ thống tiếp thị, mô hình kinh doanh…

Bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong các TTHCCT trong HĐNQTM phải là các doanh nghiệp cùng trên “thị trường liên quan”. Theo quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2004 thì:

Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thể cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận [13, Điều 3, khoản 1].

Các doanh nghiệp tham gia TTHCCT trong HĐNQTM phải là các doanh nghiệp hoạt động độc lập với nhau, không phải là các doanh nghiệp liên quan của nhau theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Sẽ không coi là doanh nghiệp độc lập nếu đó là các doanh nghiệp cùng trong một tập đoàn kinh doanh, là thành viên cùng trong một tổng công ty…

Thứ hai, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đã có sự “thỏa thuận” để hạn chế cạnh tranh.

Mang đặc điểm của TTHCCT, theo đó, ở TTHCCT trong HĐNQTM, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đã có sự bày tỏ ý chí trước bên còn lại và cũng mong muốn chủ thể phía bên kia chấp nhận ý chí của mình về các nội dung liên quan đến hạn chế cạnh tranh.

Sự thỏa thuận này là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng của bên nhượng quyền với bên nhận quyền liên quan đến một nội dung cụ thể như thỏa thuận về giá bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ, điều khoản về phân chia khu vực kinh doanh, điều khoản hạn chế số lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm… Như vậy, đã có sự thống nhất ý chí giữa hai bên để cùng đưa ra nội dung các thỏa thuận.

Thứ ba, mục đích của sự thỏa thuận là nhằm hạn chế cạnh tranh giữa các bên tham gia hệ thống nhượng quyền thương mại.

TTHCCT trong HĐNQTM như ở đặc điểm trên đã nêu, đó là sự thống nhất ý chí giữa các bên nhượng quyền và bên nhận, ngoài việc nhằm bảo vệ trực tiếp lợi ích của bên nhượng quyền, các thỏa thuận này đồng thời loại bỏ quyền của bên nhận quyền đồng thời ngăn cản, kìm hãm các doanh nghiệp tiềm năng khác không tham gia vào thỏa thuận.

Có thể thấy, đối với điều khoản ấn định giá bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ, với lý do nhằm đảm bảo tính thống nhất của cả hệ thống, bên nhượng quyền đưa ra các quy định nhằm loại bỏ sự cạnh tranh về giá của các bên nhận quyền trong toàn hệ thống. Hay điều khoản quy định về việc bên nhận quyền yêu cầu bên nhượng quyền chỉ được nhượng quyền cho một bên nhận quyền duy nhất trong một phạm vi nhất định nhằm tránh nguy cơ phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh mạnh hơn mình. Hoặc để duy trì tính đặc trưng và uy tín của mạng lưới nhượng quyền, bên nhượng quyền không chỉ có trách nhiệm cung cấp cho bên nhận quyền bí quyết và kỹ thuật chế biến, nấu nướng, mà còn cung cấp cả nghĩa vụ mua nguyên liệu từ bên nhượng quyền hoặc bên thứ ba do bên nhượng quyền chỉ định. Việc đặt ra các tiêu chuẩn đối với hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng nhượng quyền nhìn chung là có lợi cho người tiêu dùng và có thể làm cho thị trường hoạt động một cách hiệu quả hơn. Nó giúp người tiêu dùng có nhiều thông tin, giúp họ đưa ra các quyết định chính xác hơn về sản phẩm mà họ dự định mua đồng thời tiêu chuẩn đó làm cho cung cầu thị trường cân bằng nhanh hơn và lợi ích công nghệ mới được sử dụng hiệu quả cao hơn nhưng điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng gia nhập thị trường của các chủ thể không được chỉ định bởi bên nhượng quyền.

Thứ tư, về hình thức biểu hiện của TTHCCT trong HĐNQTM.

Luật mẫu về cạnh tranh của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc quy định hình thức của TTHCCT có thể bất kể là bằng miệng hay bằng văn bản, chính thức hay không chính thức. Luật Cạnh tranh của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác không đề cập đến hình thức biểu hiện của TTHCCT, mà chỉ xác định là các thỏa thuận hạn đó nhằm hạn chế cạnh tranh. Nói cách khác, Luật Cạnh tranh của Việt Nam không nói tới TTHCCT phải thể hiện bằng văn bản, bằng miệng, bằng hành vi cụ thể hay bất cứ một hình thức nào khác. Như vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hình thức biểu hiện ra bên ngoài của các TTHCCT không được coi là tiêu chí bắt buộc đối với các TTHCCT.

Điều 285 Luật Thương mại 2005 quy định HĐNQTM phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức pháp lý có giá trị tương đương.

Như vậy, TTHCCT trong HĐNQTM được ghi nhận trong các điều khoản của HĐNQTM. Chính vì vậy, thỏa thuận này sẽ được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản. Điều này phù hợp với tình hình hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện nay vì đây là hoạt động khá phức tạp đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ bằng hình thức văn bản mới có thể ghi thỏa thuận của các bên một cách rõ ràng, cụ thể từ đó xác định được đâu là các thỏa thuận có nội dung hạn chế cạnh tranh. Giúp nhà nước quản lý tốt hơn các thỏa thuận dạng này.

Kết luận chương 1

Nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh được rất nhiều công ty các nước áp dụng để nhân rộng mô hình kinh doanh. Lợi ích mà nhượng quyền thương mại cho nền kinh tế của các quốc gia phát triển nhượng quyền thương mại là rất lớn.

Trong chương 1 tác giả chủ yếu tìm hiểu lý thuyết cơ bản về hợp đồng nhượng quyền thương mại, về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trên cơ sở lý thuyết đó, trong chương 2 tác giả sẽ phân tích tìm hiểu cụ thể những quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Qua đó, chỉ ra thực trạng diễn ra thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại hiện nay như nào.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ

CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

Qua những phân tích tìm hiểu về lý luận hợp đồng nhượng quyền thương mại, TTHCCT nói chung và TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng, chương 2 tác giả sẽ đi sâu phân tích thực trạng TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền qua đó chỉ ra được những gì đã làm được và những điểm hạn chế cần khắc phục.

2.1. Thực tiễn thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở nước ta thời gian qua

Nhượng quyền thương mại bắt đầu manh nha ở Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước và phát triển khá nhanh trong khoảng thời gian gần đây (sau khi nhượng quyền thương mại chính thức được ghi nhận trong Luật Thương mại 2005).

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước và Viện Nghiên cứu Thương mại, trong hơn 8 năm qua từ 15/1/2007 đến 15/7/2015, Vụ Thị trường trong nước đã cấp phép cho 137 thương nhân và 148 thương hiệu/nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó lĩnh vực nhà hàng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,7%) bao gồm 42 thương hiệu như các nhà hàng bán thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng lẩu nướng, tiếp theo là thời trang (19,3%, 19 thương hiệu), giáo dục, đào tạo (14,1%, 17 thương hiệu), cửa hàng tiện lợi (2,2%, 3 thương hiệu), cửa hàng bán lẻ khác (10,4%, 15 thương hiệu), sản xuất bán buôn các dịch vụ khác như dược phẩm, hóa chất, môi giới bất động sản, lưu kho… chiếm 10,3% [29].

Các thương hiệu đã vào Việt Nam như McDonald’s, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (đến từ Hòa Kỳ), Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Pepper Lunch, Burger King(đến từ Singapore), Lotteria, Caffe Bene, Tous Les Jours, BBQ Chicken (đến từ Hàn Quốc), Swensen’s (đến từ Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London(đến từ Anh), Bulgari, Moschino, Rossi(từ Italy)…. Trong khi đó một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực triển khai phát triển thương hiệu ở nước ngoài như Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery, Ninomax, giày dép T&T…[29].

Dưới sự phát triển nhanh mạnh của hoạt động nhượng quyền, các thỏa thuận để hạn chế cạnh tranh cũng có xu hướng phát triển đa dạng, phức tạp hơn. Thực tế, việc kiểm soát hành vi TTHCCT nói chung và hoạt động nhượng quyền thương mại nói riêng ở Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm. Giống như hoạt động nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, các TTHCCT đang diễn ra dưới nhiều phương thức khác nhau. Các TTHCCT dưới dạng thỏa thuận điều khoản trong hợp đồng về phạm vi lãnh thổ, về giá cả, ấn định giá hai bên với nhau, về hoạt động mua bán cả gói…. Cụ thể như sau:

  • Thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh

Quy định về việc phân chia thị trường và hạn chế cạnh tranh giữa các bên trong hợp đồng NQTM là một trong những đặc trưng của hoạt động NQTM nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Do đó, bằng sự thỏa thuận mỗi bên nhận quyền chỉ kinh doanh một cơ sở duy nhất trong một phạm vi nhất định, đã tạo ra vị thế độc quyền trong khu vực cho mỗi bên nhận quyền. Thỏa thuận dọc này có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh, khả năng phát triển của bên nhận quyền, và sẽ tạo ra sự hạn chế (theo chiều ngang) đối với các doanh nghiệp khác kinh doanh cùng lĩnh vực ngành nghề gia nhập thị trường ở những khu vực đã được bên nhượng quyền phân chia cho các bên nhận quyền. Đồng thời, làm hạn chế khả năng lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ của người tiêu dùng trong một khu vực địa lý nhất định. Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận phân chia khu vực địa lý để kinh doanh đều vi phạm cạnh tranh, để xác định hành vi này có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể [20].

  • Thỏa thuận phân phối cung ứng độc quyền

Trong hoạt động kinh doanh, bên nhận quyền không được phép thực hiện các hành vi nhằm cố ý mang lại lợi ích cho bên thứ ba hoặc đối thủ cạnh tranh của bên nhận quyền, và phải có nghĩa vụ: chỉ được bán hàng hóa do bên nhượng quyền cung cấp hoặc bên thứ ba do bên nhượng quyền chỉ định; hạn chế kinh doanh một loại hàng hóa được chỉ rõ trừ khi hàng hóa đó được bên nhượng quyền cung cấp hoặc bên thứ ba do bên nhượng quyền cho phép; cấm bên nhận quyền bán hàng hóa không mang nhãn hiệu của bên nhượng quyền [12, tr.57]. Các thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền thường gây ra những vấn đề nhất định đối với chính sách cạnh tranh, bởi chúng thường xuyên ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa các nhãn hàng (theo chiều ngang). Trong cạnh tranh giữa các nhãn hiệu, những thỏa thuận này ngăn cản nhà cung cấp chỉ định nhà phân phối khác trong khu vực địa lý đó, hay nói cách khác, chỉ được bán hàng trực tiếp trong khu vực địa lý dành riêng đó.

  • Thỏa thuận mua bán cả gói: Thỏa thuận này thường được áp dụng trong hình thức nhượng quyền thương mại dịch vụ về lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Bên nhận quyền khai thác dịch vụ có thể bị áp đặt các thỏa thuận độc quyền trong việc cung ứng những thiết bị, hàng hóa đi kèm.
  • Thỏa thuận giá bán lại: bên nhận quyền có nghĩa vụ không bán hàng hóa dưới mức giá bán lẻ tối thiểu, là mức giá sàn được thỏa thuận để giá không thể xuống thấp hơn, hay mức giá bán lại tối đa, là mức giá trần được thỏa thuận để giá bán không được cao hơn hoặc chỉ bán hàng hóa theo mức giá đã ấn định [11].

Những thỏa thuận nhằm duy trì giá bán lại có thể dẫn đến những hệ quả phản cạnh tranh, nếu duy trì mức giá bán lại tối đa có thể có lợi cho công chúng và thường được miễn trừ trong luật cạnh tranh của các nước, nhưng thỏa thuận đó trên thực tế có thể khiến các công ty nhỏ, không có lợi thế về kinh tế bị loại khỏi thị trường, bởi họ muốn đưa ra mức giá cao hơn mức giá trần đã được qui định để tránh lỗ. Đối với hệ thống nhượng quyền thương mại, việc duy trì giá bán lại ở mức tối đa sẽ dẫn tới hình thành mức giá phổ biến trên thị trường và như vậy sẽ loại bỏ cạnh tranh về giá. Mặt khác, nếu duy trì giá bán lại tối thiểu sẽ dẫn đến hạn chế mức độ cạnh tranh giữa các bên nhận quyền về giá, thỏa thuận này làm thui chột sự sáng tạo linh hoạt (hạn chế sự cạnh tranh) trong hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền và làm gia tăng khả năng thông đồng về giá.

  • Kiểm soát số lượng đầu vào, đầu ra sản phẩm

Bên nhận quyền là các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất đầu ra bị cấm không được mua bán với các doanh nghiệp hay những nhà phân phối cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất đầu vào, ví dụ sản xuất thuốc, nước ngọt…. Để thu lợi nhuận tối đa, thực hiện chiến lược kinh doanh, bên nhượng quyền thường đưa ra những điều khoản trong hợp đồng để kiểm soát, hạn chế số lượng hàng hóa phân phối ra thị trường nhằm đạt những lợi ích nhất định, như tạo sự khan hiếm giả, nâng giá nhằm thao túng thị trường.

Các cơ quan chức năng khi xác định các vụ việc về TTHCCT trong HĐNQTM là rất khó khăn. Cụ thể sẽ phân tích tại các phần sau. Khi kết luận một hành vi là TTHCCT xem xét trong mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh 2004, các văn bản hướng dẫn và luật chuyên ngành thương mại và nghị định hướng dẫn riêng về hoạt động nhượng quyền thương mại. Vậy để kiểm soát TTHCCT trong HĐNQTM diễn ra, pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã có cơ chế kiểm soát như thế nào?

2.2. Pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Các TTHCCT trong HĐNQTM được điều chỉnh bằng Luật Cạnh tranh năm 2004, Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Các vấn đề về HĐNQTM được điều chỉnh bằng Luật Thương mại, Nghị định 35/2006NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động nhượng quyền thương mại.

Các dạng TTHCCT trong HĐNQTM được điều chỉnh cụ thể như sau:

  • Thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh

Thỏa thuận phân chia khu vực được hiểu là những thỏa thuận trong đó các đối thủ cạnh tranh phân chia các thị trường với nhau theo lãnh thổ, theo lượng cung, cầu của doanh nghiệp hoặc theo nhóm khách hàng cụ thể.

Thứ nhất, thỏa thuận phân chia thị trường theo lãnh thổ là việc các doanh nghiệp phân chia thị trường địa lý liên quan thành các khu vực và giao cho từng doanh nghiệp tham gia được quyền mua, bán hàng hóa dịch vụ trong một, một số khu vực nhất định. Thỏa thuận này được pháp luật của các nước coi là loại thỏa thuận kinh điển nhất trong những thỏa thuận phân chia thị trường.

Thứ hai, thỏa thuận phân chia thị trường mang tính định lượng là việc các doanh nghiệp thống nhất phân bổ lượng hàng hóa, dịch vụ mua, bán trên thị trường cho từng doanh nghiệp tham gia. Trong trường hợp này, thị trường được phân chia theo lượng cung, lượng cầu mà không phải theo khu vực địa lý hoặc theo nhóm khách hàng. Để thực hiện được thỏa thuận này, các doanh nghiệp phải dự liệu được tổng lượng hàng hóa, dịch vụ được mua, bán trên thị trường liên quan và phân chia thành những phần khối lượng, số lượng mà từng doanh nghiệp được quyền mua, bán.

Thứ ba, thỏa thuận phân chia thị trường theo nhóm khách hàng là việc các doanh nghiệp thống nhất cho từng doanh nghiệp tham gia được quyền mua, bán hàng hóa với một số nhóm khách hàng nhất định. Với thỏa thuận này, các doanh nghiệp phải phân chia khách hàng thành từng nhóm theo những tiêu chí nhất định. Các tiêu chí phân nhóm khách hàng rất đa dạng, có thể phân chia theo thu nhập, theo độ tuổi, theo giới tính, theo đặc điểm về nhu cầu tiêu dùng…. Từ đó, mỗi doanh nghiệp tham gia được phân công phụ trách mua hoặc bán sản phẩm với một nhóm khách hàng

Trong HĐNQTM, thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh gồm có: (i) phân chia lãnh thổ nhượng quyền (phân chia thị trường tiêu thụ)theo khoản 2 điều 8 Luật Cạnh tranh 2004, điều 15 nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, (ii) Thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh theo khách hàng thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác (bên nhượng quyền và bên nhận quyền khác) tham gia thị trường, phát triển kinh doanh hoặc loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên thỏa thuận theo quy định tại Điều 8 khoản 6, Điều 8 khoản 7 Luật Cạnh tranh 2004 và Điều 19, 20 Nghị định 116/2005/NĐ-CP.

+ Phân chia lãnh thổ nhượng quyền: là việc xác định bên nhận quyền chỉ được khai thác kinh doanh trên một phạm vi nhất định đồng thời bên nhượng quyền cam kết không kinh doanh hoặc nhượng quyền thương mại cho một bên nào khác trong phạm vi khu vực địa lý đó. Việc này sẽ tạo ra được vị thế độc quyền cho bên nhận quyền về sản phẩm do bên nhượng quyền cung cấp trong khu vực địa lý nhất định. Như vậy gia tăng năng lực cạnh tranh cho bên nhận quyền ở mức độ cao. Hành vi này loại bỏ được cạnh tranh giữa bên nhận quyền và bên nhượng quyền, giữa các bên nhận quyền với nhau trong khu vực địa lý, đảm bảo cho bên nhận quyền một thị trường không có sự cạnh tranh với các bên nhận quyền và hệ thống nhượng quyền, từ đó gia tăng lợi nhuận một cách tối đa cho bên nhận quyền.

Tuy nhiên, thỏa thuận phân chia khu vực không mặc nhiên bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh. Nó chỉ bị cấm khi “các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên” [13, Điều 9]. Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức NQTM thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất khó chiếm từ 30% trở lên thị trường liên quan, và như vậy không chịu sự điều chỉnh của quy định này.

Hơn nữa, ngay cả khi thị trường kết hợp của các bên trong hợp HĐNQTM đạt trên 30%, thì thỏa thuận độc quyền lãnh thổ vẫn có thể được miễn trừ theo các quy định của khoản 1, điều 10 Luật Cạnh tranh 2004. Trên thực tế, bên nhượng quyền sẽ dễ dàng chứng minh rằng thỏa thuận độc quyền lãnh thổ trong hợp đồng NQTM là nhằm “hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, hoặc “thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm”.

Vấn đề đặt ra chính là yếu tố tỷ lệ thị phần được các nhà làm luật mặc nhiên thừa nhận trên 30% có khả năng gây ra hạn chế cạnh tranh trên thị trường có hợp lý hay không?

+ TTHCCT về khu vực kinh doanh, về khách hàng trong HĐNQTM, trong một chừng mực nhất định là các thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác (bên nhượng quyền và bên nhận quyền khác) tham gia thị trường, phát triển kinh doanh hoặc loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên thỏa thuận. Các thỏa thuận này mặc nhiên bị cấm theo khoản 1 điều 9 Luật Cạnh tranh 2004 bao gồm: Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận; Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ [13, Điều 8, khoản 6, 7, 8].

Điều khoản phân chia khu vực kinh doanh thể hiện dưới một số dạng: (i) cấm bên nhận quyền bán hàng ngoài phạm vi của mình, (ii) cấm bên nhận quyền mở cửa hiệu thứ hai trong thời hạn hợp đồng hoặc sau khi hết hạn hợp đồng, (iii) quy định cấm bên nhận quyền mở một cửa hiệu có đặc điểm giống hệt hoặc tương tự trong một khu vực mà anh ta có thể cạnh tranh với một thành viên của mạng lưới nhượng quyền thương mại trong thời hạn hợp đồng còn giá trị và trong một thời gian hợp lý sau khi hết hạn hợp đồng, (iv) quy định theo đó bên nhận quyền có nghĩa vụ không chuyển giao của mình cho bên khác, nếu không có sự chấp thuận từ trước của bên nhượng quyền. Quy định này nhằm ngăn cản các đối thủ cạnh tranh hưởng lợi một cách gián tiếp từ việc cung cấp bí quyết và sự hỗ trợ của bên nhượng quyền, (v)bên nhận quyền chỉ được khai thác hệ thống nhượng quyền thương mại tại một cơ sở duy nhất, (vi) bên nhận quyền có nghĩa vụ không cạnh tranh với bên nhượng quyền và các bên nhận quyền khác trong mạng lưới nhượng quyền, không dịch chuyển hàng hóa được cung cấp từ điểm bán hàng này sang điểm bán hàng khác, (vii) hợp đồng có thể quy định theo đó quyền thương mại, mà bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền, là độc quyền trong một phạm vi bán kính nào đó từ ranh giới của các điểm bán hàng [6].

Điều khoản về phân chia khách hàng được thể hiện: (i) HĐNQTM có thể quy định về nghĩa vụ cơ bản của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền theo đó đảm bảo việc không giành khách hàng với bên nhận quyền, (ii) cấm bên nhận quyền quảng cáo ngoài phạm vi của mình, (iii) bên nhận quyền có nghĩa vụ chỉ bán hàng cho người sử dụng cuối cùng hoặc các bên nhận quyền khác, (iv) cấm bên nhận quyền bán lại hàng không mang nhãn hiệu của bên nhượng quyền [6].

Vấn đề thỏa thuận như cấm bên nhận quyền bán lại hàng không mang nhãn hiệu của bên nhượng quyền thì có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không?

Về tổng thể điều khoản này thể hiện rất rõ tính hạn chế cạnh tranh, qua đó đảm bảo sự thành công cao của các bên trong hệ thống nhượng quyền do đó các bên rất quan tâm đến vấn đề này. Thực tế cũng có rất nhiều vụ TTHCCT diễn ra.

  • Thỏa thuận phân phối cung ứng độc quyền

Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh năm 2004 có những quy định: Thỏa thuận cung cấp sản phẩm thuộc nhóm các thỏa thuận “phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ” tại Khoản 2, Điều 8 Luật Cạnh tranh năm 2004 và “hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ” tại Khoản 3 Điều 8 Luật Cạnh tranh năm 2004. Các thỏa thuận này sẽ bị cấm nếu các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên theo quy định khoản 2 điều 9 Luật Cạnh tranh 2004. Tuy nhiên, ngay cả khi thị phần kết hợp trên thị trường liên quan đạt trên 30% thì các thỏa thuận này vẫn có thể được hưởng miễn trừ theo quy định tại Điều 10, nếu với mục đích nhằm hạ giá thành có lợi cho người tiêu dùng, chúng “hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, hoặc “thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ” [13, Điều 10, Khoản 1, Điểm a,b]. Miễn trừ cũng được áp dụng nếu điều khoản độc quyền nhằm “thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm”, hoặc “tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa” [13, Điều 10, Khoản 1, Điểm c, d].

Phân tích theo hợp đồng thương mại, điều khoản độc quyền cung cấp có thể mang lại lợi ích cho cả bên nhận quyền lẫn bên nhượng quyền. Bên nhận quyền được đảm bảo rằng sẽ được cung cấp sản phẩm một cách thường xuyên, ổn định để phục vụ khách hàng. Còn bên nhượng quyền thì có thể bán cho tất cả các bên nhận quyền trong hệ thống các sản phẩm do mình hoặc do đối tác của mình sản xuất ra.

Điều khoản độc quyền cung cấp mang lại nhiều lợi ích hơn cho bên nhượng quyền, và gây nhiều bất lợi cho bên nhận quyền, cũng như có thể bóp méo tự do cạnh tranh. Trên thực tế, bên nhận quyền phải chịu hai bất lợi lớn. Thứ nhất, bên nhận quyền không được phép mua các sản phẩm tương tự của các nhà cung cấp khác. Thứ hai, bên nhận quyền rất khó đàm phán giá mua các sản phẩm này với bên nhượng quyền, và trong một số trường hợp, còn phải bán lại sản phẩm theo các mức giá mà bên nhượng quyền ấn định, hoặc khuyến nghị, trong khi mình là một thương nhân độc lập. Ngoài ra, điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm còn có thể có ảnh hưởng đến tự do cạnh tranh trên thị trường nói chung.Phân phối cung ứng độc quyền được chia ra (i) độc quyền cung cấp trang thiết bị, (ii) độc quyền cung cấp sản phẩm [7].

  •  Độc quyền cung cấp trang thiết bị

Ở Việt Nam, việc bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải mua hoặc thuê các thiết bị của mình hoặc của người thứ ba do mình chỉ định không mặc nhiên bị coi là hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm. Thông tư số 09 ngày 25/5/2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại quy định rằng, bên nhượng quyền phải nêu rõ trong bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại những trang thiết bị mà bên nhận quyền phải thuê hoặc mua. Điều này có nghĩa là bên nhượng quyền được phép yêu cầu bên nhận quyền mua các thiết bị của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Trong trường hợp như vậy, bên nhượng quyền phải ghi rõ vào trong bản giới thiệu về hệ thống nhượng quyền thương mại.

  •  Độc quyền cung cấp sản phẩm

Trong hầu như tất cả các HĐNQTM ở Việt Nam đều có điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ, theo đó bên nhượng quyền buộc bên nhận quyền phải mua sản phẩm của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Điều khoản độc quyền có thể được tăng cường khi bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải đạt được một doanh thu tối thiểu. Trong trường hợp đó, bên nhận quyền không những chỉ được mua sản phẩm của bên nhượng quyền, mà còn phải thực hiện chỉ tiêu mà bên nhượng quyền áp đặt, nếu không sẽ có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng.

Trong thực tế, để tránh các quy định của pháp luật cạnh tranh, bên nhượng quyền thường không đặt tên cho các điều khoản của mình là “độc quyền cung cấp”, mà thường sử dụng nhiều những tên gọi khác nhau như “điều khoản quota”, “điều khoản khối lượng mua tối thiểu”, hoặc “điều khoản chỉ tiêu”. Thông qua các điều khoản này, bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải mua một lượng hàng nhất định của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Các điều khoản này thường đi kèm với các điều khoản độc quyền, nhưng chúng cũng có thể tồn tại mà không có các điều khoản độc quyền. Bên nhận quyền tự do mua và bán lại các sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, sự tự do này trên thực tế chỉ là hình thức. Số lượng hàng hóa bị áp đặt càng nhiều thì tự do của bên nhận quyền càng ít.

  • Thỏa thuận mua bán cả gói

Trong HĐNQTM, các bên bao giờ cũng quy định chi tiết những sản phẩm/dịch vụ là đối tượng chính hoặc góp phần cấu thành sản phẩm/dịch vụ chính của hệ thống nhượng quyền thương mại. Bởi thực tế là những thương hiệu thành công và có thể được nhượng quyền bao giờ cũng sở hữu bí quyết kinh doanh riêng có, sản phẩm/dịch vụ đặc trưng được khách hàng tín nhiệm. Do vậy, bên nhượng quyền bao giờ cũng có xu hướng bảo vệ những bí quyết và sản phẩm/dịch vụ đặc trưng đó bằng cách yêu cầu bên nhận quyền mua nguyên liệu, sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của bên nhượng quyền hoặc nhà cung cấp do bên nhượng quyền chỉ định.

Đây là một dạng theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Luật Cạnh tranh năm 2004 “áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” và hướng dẫn khoản 2 Điều 18 Nghị định 116/2005/NĐ-CP.

Căn cứ vào tính chất thống nhất trong bản chất kinh tế của hoạt động nhượng quyền thương mại, hầu hết pháp luật các quốc gia đều cho phép các bên có quyền từ chối giao dịch thương mại với các bên thứ ba nếu như việc thực hiện giao dịch này có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống nhượng quyền thương mại. Vậy vấn đề mà pháp luật cạnh tranh cần giải quyết là sản phẩm/dịch vụ nào mang tính chất “ràng buộc bán kèm”. Sản phẩm, dịch vụ nào liên quan trực tiếp đến sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi trong HĐNQTM?

Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 116/2004/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh, có quy định như sau:

Thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là việc thống nhất ràng buộc doanh nghiệp khác khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ với bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia thỏa thuận phải mua hàng hóa, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng.

Phân tích quy định này ta thấy rằng các nhà làm luật đã nêu rõ thỏa thuận được coi là thỏa mãn quy định khoản 2 Điều 18 khi “nguyên liệu và các sản phẩm khác… nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng”. Như vậy là quy định pháp luật chấp nhận những thỏa thuận mà nội dung liên quan đến việc bên nhận quyền có nghĩa vụ mua nguyên liệu và sản phẩm là đối tượng chính của HĐNQTM. Xét điều khoản bên nhận phải mua một số nguyên liệu hoặc các sản phẩm khác của bên nhượng quyền hoặc từ những nhà cung cấp do bên nhượng quyền chỉ định. Có thể thấy rằng với điều khoản này, bên nhận quyền sẽ phải tiêu dùng những sản phẩm nhất định của bên nhượng quyền hoặc mua từ nhà sản xuất/nhà cung ứng do bên nhượng quyền chỉ định trước. Do đó, bên nhận quyền không có cơ hội tìm kiếm nguồn nguyên liệu/sản phẩm có chất lượng tốt và phù hợp với yếu tố địa phương của chính mình. Đặc biệt nếu các nguyên liệu và sản phẩm mà bên nhận quyền buộc phải mua không phải hoặc không trực tiếp tạo ra sản phẩm chính (sản phẩm đặc trưng của hệ thống nhượng quyền) thì việc bên nhượng quyền áp đặt ý chí của mình đối với bên nhận quyền là không có cơ sở và đang tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp khác mặc dù thỏa thuận đó được núp dưới vỏ bọc mục đích đảm bảo cho sự đồng bộ của hệ thống nhượng quyền. Nhất là trên thực tế, thị trường phát triển luôn tồn tại những nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hóa có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn, giá cả cạnh tranh và nhất là phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng địa phương nằm ngoài thỏa thuận của các bên.

Tuy nhiên thỏa thuận này chỉ bị cấm khi thị phần kết hợp của các bên trong thỏa thuận từ 30% trở lên trên thị trường liên quan và có thể được miễn trừ với lý do hợp lý hóa mô hình kinh doanh theo điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Cạnh tranh năm 2004.

Điều này là cực kỳ vô lý xét trong mối quan hệ nhượng quyền thương mại khi Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động nhượng quyền thương mại cho phép bên nhượng quyền có quyền từ chối chuyển giao quyền thương mại nếu bên dự kiến nhận quyền chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên nhượng quyền; hay không đồng ý sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của bên nhận quyền theo HĐNQTM mẫu [13, Điều 15, khoản 3]. Như vậy, khi bên nhượng quyền có thị phần lớn, có khả năng chi phối bên nhận quyền, bên nhượng quyền có thể áp đặt những ràng buộc bán kèm, dù bất hợp lý. Và các ràng buộc bán kèm bất hợp lý đó vẫn có thể không vi phạm chế định TTHCCT trong Luật Cạnh tranh năm 2004 vì bên nhượng quyền có thể sử dụng điểm a, c khoản 1 Điều 10 Luật Cạnh tranh năm 2004 để bảo vệ cho những thỏa thuận mang tính hạn chế cạnh tranh đó.

Ngoài ra, khi bên nhượng quyền có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên thì nó được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2004, khoản 2 Điều 18 Nghị định 116/2005/NĐ-CP và bị cấm nếu sản phẩm được bán kèm “không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” hay “nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện HĐNQTM”. Bởi trong nền kinh tế hiện đại, thứ mà nhà sản xuất/phân phối/cung ứng bán cho khách hàng là một “gói dịch vụ” bao gồm nhiều yếu tố tổng hợp như dấu hiệu nhận biết thương mại, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phương thức phục vụ, dịch vụ hậu mãi… chứ không chỉ đơn thuần là một loại hàng hóa hữu hình. Do đó, giả sử thương hiệu KFC giao kết HĐNQTM với bên nhận quyền Việt Nam, trong đó yêu cầu bên nhận quyền phải nhập thịt gà và nguyên liệu từ những nhà cung cấp do KFC chỉ định hoặc đồng ý trước thì liệu đây có được coi là thỏa thuận “ràng buộc bán kèm” không liên quan đến “gói dịch vụ cửa hàng KFC” hay không? Khi mà các yếu tố như hình thức, chất lượng của thịt gà, gia vị đều cấu thành nên một phần hình ảnh, khẩu vị chất lượng đặc trưng của thương hiệu KFC.

  • Thỏa thuận giá bán lại

Hành vi ấn định giá bán lại được quy định tại Khoản 1 Điều 8 (liên quan đến TTHCCT) và khoản 2 Điều 13 (liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường) của Luật Cạnh tranh năm 2004. Theo Điều 8 khoản 1 Luật Cạnh tranh năm 2004 thì “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” là TTHCCT, nhưng Điều 9 khoản 2 chỉ cấm thỏa thuận đó nếu thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

Bên nhận quyền mua sản phẩm với mục đích là để bán lại chứ không phải để tiêu dùng. Là một thương nhân độc lập, về nguyên tắc bên nhận quyền phải được tự do ấn định giá bán lại các sản phẩm mà mình đã mua của bên nhượng quyền. Tuy nhiên, quan điểm của bên nhượng quyền lại có thể khác. Mục đích của điều khoản độc quyền sản phẩm không phải chỉ là để bên nhận quyền bán lại sản phẩm, mà là để đảm bảo sự đồng nhất của hệ thống. Do nhượng quyền thương mại có điểm đặc biệt là các đơn vị nhận quyền cung cấp sản phẩm đồng nhất tại tất cả các cửa hàng được trang trí giống nhau, với cách phục vụ như nhau nên người tiêu dùng sẽ rất ngạc nhiên nếu với cùng một sản phẩm nhưng giá ở các cửa hàng đồng nhất lại khác nhau. Vì vậy, bên nhượng quyền không thể thờ ơ với chính sách giá mà các bên nhận quyền áp dụng, đặc biệt khi thương hiệu nhượng quyền có uy tín cao và được đông đảo mọi người biết đến. Trên thực tế, bên nhượng quyền thường có xu hướng đồng nhất các giá bán lại để tránh trường hợp mỗi bên nhận quyền áp dụng một chính sách giá riêng lẻ, và như vậy gây khó khăn cho người tiêu dùng. Nếu các mức giá mà các bên nhận quyền đưa ra quá cao, thì hiệu quả thương mại có thể sẽ thấp, hàng sẽ bán được ít và phí kỳ vụ mà bên nhận quyền (thường dựa trên doanh thu, chứ không trên lợi nhuận) thu được cũng sẽ thấp. Tuy nhiên, nếu giá bán lại quá thấp thì uy tín của thương hiệu có nguy cơ bị ảnh hưởng. Vì thế bên nhượng quyền có xu hướng thực hiện chính sách giá đồng nhất (hoặc chênh lệch không quá lớn) trong toàn hệ thống. Nội dung của chính sách giá này có thể là khuyến nghị hoặc áp đặt giá bán lại tối thiểu, giá bán lại tối đa hoặc quy định một khoảng giá mà bên nhận quyền phải tuân theo. Các thỏa thuận này về bản chất đi ngược lại với tự do cạnh tranh, ảnh hưởng tới các bên nhận quyền, và có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Pháp luật Việt Nam lại tỏ ra còn chung chung và thiếu hiệu quả trong thực tế.

Phân tích Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam về hai cơ chế phòng ngừa và trừng phạt các hành vi áp đặt giá bán lại. Cơ chế thứ nhất là kiểm soát các TTHCCT, và cơ chế thứ hai là kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường [7]. Nhưng cả hai cách này dường như không hiệu quả trong lĩnh vực NQTM.

  •  Kiểm soát thỏa thuận giá bán lại thông qua quy định về các TTHCCT

Khoản 1, điều 8 Luật Cạnh tranh coi “thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” là một hành vi hạn chế cạnh tranh. Thỏa thuận giá bán lại dưới hai dạng trực tiếp và gián tiếp được hiểu như sau:

Thỏa thuận giá bán trực tiếp: hai bên nhượng quyền và nhận quyền trực tiếp thỏa thuận với nhau. Cả hai bên thể hiện ý chí với nhau về việc ấn định giá hàng hóa và được ghi nhớ thỏa thuận dưới nhiều dạng, có thể là một điều khoản, một cam kết.

Thỏa thuận giá bán gián tiếp: Hai bên cùng xác định một mức giá cụ thể, cùng giảm, cùng tăng hoặc cách nào đó để thống nhất về giá. Hành động này khác trực tiếp là hai bên tuy không trao đổi, thỏa thuận trực tiếp nhưng những hành vi luôn hướng tới sự cân bằng về giá.

Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận ấn định giá đều bị cấm. Việc áp đặt giá bán lại chỉ bị coi là bất hợp pháp khi “các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên” theo khoản 2 điều 9 Luật Cạnh tranh. Các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất khó chiếm 30% thị phần. Hơn nữa, khoản 6, điều 3 của luật này quy định rằng “thị phần” của một doanh nghiệp phải được xác định dựa trên “tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm”. Như vậy, không thể xác định được thị phần kết hợp trong nhượng quyền thương mại sản xuất vì bên nhượng quyền và bên nhận quyền không nằm trong cùng một chuỗi sản xuất. Trên thực tế, bên nhượng quyền là nhà sản xuất còn bên nhận quyền là nhà phân phối. Và như vậy, thỏa thuận của họ là thỏa thuận theo chiều dọc, trong khi cơ chế này chỉ cấm các thỏa thuận theo chiều ngang.

Việc xác định hành vi thỏa thuận trực tiếp, gián tiếp cũng là rất khó. Theo hướng dẫn tổ chức hỗ trợ thương mại đa biên Việt Nam – EU hướng dẫn “các hành vi giữa các doanh nghiệp giống nhau chưa đủ để chứng minh họ có thỏa thuận với nhau”. Vì vậy việc thực tế thực hiện điều luật xác định về thỏa thuận thực tế là rất khó khăn với cơ quan.

  •  Kiểm soát thỏa thuận giá bán lại thông qua quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Khoản 2, điều 13 Luật Cạnh tranh cấm các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp chiếm một vị trí thống lĩnh “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng”. Quy định này chỉ được áp dụng nếu hành vi ấn định giá bán lại của bên nhượng quyền gây ra các thiệt hại cho người tiêu dùng. Điều này có thể xảy ra đối với việc áp đặt giá bán lại tối đa. Tuy nhiên, việc chứng minh hành vi đó “gây thiệt hại cho khách hàng” không hề đơn giản. Ngược lại, đối với hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu, ngay cả khi giá áp đặt quá thấp, thì hành vi này cũng không bị cấm, vì giá thấp có lợi cho người tiêu dùng.

  • Kiểm soát số lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm

Thỏa thuận kiểm soát số lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm là một dạng của TTHCCT, được quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật cạnh tranh năm 2004 và hướng dẫn tại Điều 16 Nghị định 116/2005/NĐ-CP:

Thoả thuận hạn chế số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc thống nhất cắt, giảm số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trên thị trường liên quan so với trước đó.

Thoả thuận kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là việc thống nhất ấn định số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường.

Đây là dạng TTHCCT được sử dụng khá phổ biến trong HĐNQTM.

Thỏa thuận này bị cấm khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Thỏa thuận này có thể bao gồm các thỏa thuận về sản lượng sản xuất, sản lượng bán hoặc tỷ lệ tăng trưởng thị trường. Về bản chất, bên nhượng quyền sử dụng thỏa thuận này trong HĐNQTM nhằm tác động trực tiếp đến quan hệ cung cầu của thị trường bằng cách tạo ra sự khan hiếm giả tạo về hàng hóa, dịch vụ mà các doanh nghiệp kinh doanh. Sự khan hiếm giả tạo được chứng minh bằng năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận, theo đó họ đã thống nhất cắt giảm số lượng sản xuất, mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ hoặc ấn định số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hoá đủ để tạo khan hiếm trên thị trường trong khi năng lực sản xuất, mua bán hoặc cung ứng của họ đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Năng lực kinh doanh của doanh nghiệp được xác định bằng số lượng, khối lượng hàng hoá, dịch vụ đã sản xuất mua bán hoặc cung ứng trước khi có thỏa thuận.

Mục đích của việc này là bên nhượng quyền muốn tạo ra sự khan hiếm về hàng hóa, nâng giá, thao túng thị trường.

2.3. Ưu điểm và hạn chế của pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Sau khi phân tích cụ thể hiện trạng trên có thể đánh giá tổng quát về những quy định pháp luật điều chỉnh TTHCCT trong HĐNQTM như sau:

2.3.1. Ưu điểm

Luật Cạnh tranh nói chung và pháp luật điều chỉnh hành vi TTHCCT là văn bản quan trọng đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo sự vận hành hiệu quả của một nền kinh tế thị trường. Đến nay, sau hơn chục năm kể từ 1/7/2005 (thời điểm Luật có hiệu lực), có thể nói rằng việc ban hành và thực thi pháp luật cạnh tranh nói chung và TTHCCT trong hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam nói riêng cũng đã đạt được một số kết quả ban đầu.

  • Đã ban hành được cơ chế quy định điều chỉnh

Thành công bước đầu của Việt Nam trong kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh nói chung và hành vi TTHCCT nói riêng trước hết là đã xây dựng và ban hành được một bộ quy định điều chỉnh tương đối đầy đủ, bao gồm Luật Cạnh tranh và các Nghị định hướng dẫn thi hành, tạo được cơ sở pháp lý cho hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như việc quản lý nhà nước về cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh.

Mặc dù pháp luật cạnh tranh ở một số quốc gia tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đã có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, tuy nhiên, đối với một số nước châu Á nó vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới. Việc Việt Nam lần đầu tiên ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004 là một bước tiến bộ so với các nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam là nước thứ tư trong khu vực ASEAN đã thông qua và áp dụng một Bộ luật Cạnh tranh toàn diện, chỉ sau Thái Lan (ban hành năm 1999), Indonesia (năm 1999) và Singapore (tháng 10 năm 2004).

Hành vi TTHCCT nói chung và trong HĐNQTM nói riêng tại Việt Nam hiện nay đều đang được điều chỉnh bởi:

(1) Luật Cạnh tranh năm 2004;

(2) Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh và

(3) Nghị định 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Nếu như Luật Cạnh tranh đưa ra các quy định khái quát về mặt nguyên tắc liên quan đến hành vi TTHCCT, bao gồm:

  •  Quy định về hành vi (Điều 8, Luật Cạnh tranh);
  •  Quy định cấm (Điều 9, Luật Cạnh tranh);
  •  Quy định miễn trừ (Điều 10, Luật Cạnh tranh);
  •  Quy định về xử lý vi phạm (Điều 117 – 121, Luật Cạnh tranh);
  •  Quy định về trình tự, thủ tục điều tra và xử lý vụ việc (Chương V, Luật Cạnh tranh), thì các Nghị định hướng dẫn thi hành quy định chi tiết hơn giúp các cơ quan chức năng có căn cứ rõ ràng hơn khi xem xét các vụ việc liên quan đến hành vi TTHCCT. Cụ thể, Nghị định 116/2005/NĐ-CP giải thích rõ hơn các quy định cấm, miễn trừ, trình tự, thủ tục điều tra và xử lý đối với vụ việc TTHCCT, trong khi Nghị định 120/2005/NĐ-CP quy định chi tiết về hình thức và mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về TTHCCT (Điều 10-17). Tất cả áp dụng chung với tất cả các hành vi TTHCCT.
  • Đã xây dựng và từng bước hoàn thiện bộ máy cơ quan thực thi

Song song với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi TTHCCT, bộ máy thực thi tại Việt Nam cũng đã được xây dựng, hình thành với hai cơ quan chức năng, bao gồm Hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh.

Cơ sở pháp lý cho hoạt động của Hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh là Nghị định 05/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranh và Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2006 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh. Theo đó, liên quan đến các vụ việc TTHCCT, Cục Quản lý cạnh tranh có chức năng thụ lý và tổ chức điều tra, trong khi đó Hội đồng cạnh tranh có chức năng xử lý vụ việc. Với mô hình cơ quan thực thi như hiện tại, việc điều tra và xử lý vụ việc TTHCCT độc lập với nhau.

Việc xây dựng các nghị định nêu trên bước đầu đã tạo tiền đề, cơ sở giúp cơ quan thực thi điều tra và xử lý được một số vụ việc TTHCCT. Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình vận hành bộ máy thực thi đã bộc lộ những khó khăn, bất cập về mô hình cần khắc phục. Do đó, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực thi cạnh tranh vẫn đang từng bước được hoàn thiện.

Một số quy định đã được thực thi, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh/văn hóa cạnh tranh

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, các cơ quan cạnh tranh Việt Nam thông qua quá trình thực thi đã thực sự đưa Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống. Kết quả kiểm soát hành vi TTHCCT thể hiện rõ nhất thông qua việc một số quy định đã được thực thi nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cũng như văn hóa cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này là rất quan trọng trong việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thương hiệu nhượng quyền nước ngoài vào Việt Nam phát triển.

Trong số các quy định về TTHCCT, quy định về hành vi “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” tại khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh và Điều 14, Nghị định 116/2005/NĐ-CP, đồng thời quy định cấm tại khoản 2, Điều 9, Luật Cạnh tranh, cũng như các quy định về xử lý vi phạm, trình tự, thủ tục điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận ấn định giá tương ứng được thực thi khá hiệu quả. Việc thực thi một số quy định về TTHCCT đã có những tác động tích cực đối với môi trường cạnh tranh trên các thị trường liên quan, đồng thời, nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh cũng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, nhận thức được hành vi TTHCCT vi phạm pháp luật cạnh tranh, bị điều tra và xử lý nghiêm minh, nên các doanh nghiệp và hiệp hội đã có thái độ hợp tác tốt hơn trong việc cung cấp thông tin, chứng cứ phục vụ quá trình điều tra.

– Các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi TTHCCT của Việt Nam đã đáp ứng khá đầy đủ các điều kiện của một nền kinh tế thị trường, các nguyên tắc chính của các hiệp định kinh tế thế giới mà Việt Nam gia nhập như EVFTAs,… như không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có quốc tịch khác nhau, tính minh bạch cũng đã được luật quy định ở mức độ nhất định, không có sự đối xử bất công giữa doanh nghiệp quốc tịch khác nhau hay các hình thức sở hữu của doanh nghiệp trong thủ tục tố tụng.

2.3.2. Hạn chế

Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ trong lĩnh vực cạnh tranh nói chung và lĩnh vực kiểm soát hành vi TTHCCT nói riêng, ngoài việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, thì việc hoàn thiện chúng sao cho phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Trải qua thời gian thực thi các quy định về TTHCCT, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng cho thấy một số vấn đề bất cập cần phải hoàn thiện. Chẳng hạn như thiếu một quy định tổng quát về hành vi TTHCCT khiến cho một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về bản chất vi phạm nguyên tắc cạnh tranh nhưng chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh, hay trường hợp một số quy định còn chưa rõ ràng khiến cơ quan cạnh tranh lúng túng trong việc áp dụng hoặc một số quy định lại cho nhiều cách hiểu khác nhau.

Những khó khăn, bất cập trong thực thi kiểm soát các hành vi TTHCCT xuất phát từ những quy định pháp luật sẽ được phân tích sâu hơn trong phần dưới đây.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều ý kiến cũng cho rằng do Luật Cạnh tranh vẫn còn là một lĩnh vực mới nên hiệu quả thực tiễn của luật vẫn còn nhiều điểm cần bàn. Nguyên nhân chính có thể bắt nguồn từ cơ chế thực thi, từ sự hạn chế nguồn lực, sự bất cập trong mô hình cơ quan cạnh tranh hay từ chính sự thiếu rõ ràng, hợp lý, minh bạch trong các quy định pháp lý. Ngoài ra thật sự điều chỉnh TTHCCT trong hoạt động nhượng quyền còn khá mới mẻ so với nhiều nước trên thế giới, mới cả từ hoạt động nhượng quyền thương mại tới pháp luật về cạnh tranh. Điều đó là lý do không nhỏ ảnh hưởng tới việc chúng ta vẫn còn đang loay hoay để tạo ra cơ chế kiểm soát hoàn chỉnh nhất.

  • Liên quan đến các quy định về hành vi TTHCCT.

Sau khi đi phân tích từ lý luận đến thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật, có thể nhận thấy hiện nay, pháp luật cạnh tranh Việt Nam chưa có định nghĩa hoặc quy định chung về TTHCCT. Các quy định hiện hành chỉ nhắm đến các hình thức biểu hiện bên ngoài một cách cứng nhắc, chưa nhắm vào bản chất phản cạnh tranh của hành vi, đồng thời chưa bao quát được hết các dạng thức kinh doanh mới với tính phức tạp ngày càng cao của doanh nghiệp. Chẳng hạn, thỏa thuận ấn định mức giá sàn, giá trần; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá (không chỉ ở mức cụ thể) hoặc thỏa thuận duy trì giá bán lại cho bên thứ ba… là những thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh, nhưng chưa được quy định. Trong khi hành vi kinh doanh, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp (trong đó có hành vi thỏa thuận) thay đổi ngày càng phức tạp với nhiều dạng thức khác nhau thì tiếp cận quy định – cứng như hiện nay sẽ gây khó khăn cho cơ quan thực thi trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cụ thể.

Trong hoạt động nhượng quyền thương mại, pháp luật Việt Nam chưa có những văn bản điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể với các TTHCCT trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Hiện nay Việt Nam vẫn dùng những quy phạm điều chỉnh thỏa thuận trong Luật Cạnh tranh nói chung và các văn bản hướng dẫn nhượng quyền thương mại kết hợp để điều chỉnh. Vấn đề này gây ra cơ số khó khăn đối với việc kiểm soát TTHCCT trong hoạt động nhượng quyền thương mại khi mà vẫn có những điều luật “va” nhau gây ra mâu thuẫn và là kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng.

  •  Liên quan đến các quy định cấm

Thứ nhất, việc phân nhóm các hành vi TTHCCT theo hai mức độ cấm đoán quy định tại Điều 9, Luật Cạnh tranh là chưa hoàn toàn hợp lý. Cụ thể, một số hành vi thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, hạn chế sản lượng và thông đồng đấu thầu luôn mang bản chất phản cạnh tranh, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cạnh tranh và có tác động trực tiếp đến các yếu tố thị trường như giá cả, sản lượng, khu vực phân phối… Theo cách tiếp cận của nhiều cơ quan cạnh tranh trên thế giới, các thỏa thuận này bị cấm trong mọi trường hợp mà không cần xem xét đến các yếu tố tác động hay các trường hợp cụ thể, và không được phép miễn trừ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 9 về các TTHCCT bị cấm, các hành vi thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường và hạn chế sản lượng (được quy định tại khoản 1, 2, 3, Điều 8, Luật Cạnh tranh và khoản 14, 15, 16, Nghị định 116/2005/NĐ-CP) chỉ bị cấm khi thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan chiếm từ 30% trở lên.

Quy định này bộc lộ bất cập ở chỗ, một số trường hợp TTHCCT nghiêm trọng, chẳng hạn như thỏa thuận ấn định giá nghiễm nhiên không bị cấm nếu thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận đạt dưới ngưỡng 30%. Trong khi đó, những thỏa thuận này vẫn gây ra tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Trong những trường hợp này, thị phần không phản ánh đầy đủ, chính xác về sức mạnh thị trường, hay nói cách khác là khả năng gây hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Trong kinh tế học, “sức mạnh thị trường” được coi là “khả năng doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ việc tăng giá cao hơn mức giá cạnh tranh hoặc hạn chế sản lượng, chất lượng thấp hơn mức cạnh tranh trong một khoảng thời gian tương đối dài”. Và những vấn đề này được phân tích cụ thể và là dấu hỏi chấm trong các thỏa thuận về hoạt động nhượng quyền thương mại. Hoạt động nhượng quyền thương mại có những đặc tính riêng cần xem xét cân nhắc.

Chính việc tăng giá hay hạn chế sản lượng mà vẫn thu lợi nhuận đã phản ánh sức mạnh thị trường và khả năng gây hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Do đó, việc thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, hạn chế sản lượng và thông đồng đấu thầu mặc nhiên vi phạm các quy định về TTHCCT và phải bị cấm tuyệt đối. Quy định cấm có điều kiện đối với các thỏa thuận dạng này sẽ có thể dẫn đến bỏ sót những hành vi thỏa thuận gây hại cho môi trường cạnh tranh và người tiêu dùng.

Thứ hai, thị phần là cơ sở duy nhất để phân biệt hai mức độ cấm đoán cũng gây nên những bất cập trong quá trình thực thi kiểm soát TTHCCT. Trước hết, việc phân biệt các mức độ cấm đoán đối với các hành vi TTHCCT phải dựa trên bản chất hạn chế cạnh tranh của hành vi, tính chất và mức độ tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các yếu tố cạnh tranh trên thị trường. Thị phần chỉ là một trong số rất nhiều tiêu chí được sử dụng để đánh giá khả năng gây hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận, qua đó gián tiếp phản ánh mức độ và phạm vi tác động đối với thị trường nếu xảy ra hành vi thỏa thuận. Đánh giá sức mạnh thị trường hay khả năng gây hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp thỏa thuận ngoài thị phần còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cấu trúc của chính thị trường đó, năng lực dư thừa của các đối thủ cạnh tranh, rào cản gia nhập thị trường, sức mua của người tiêu dùng…. Ngoài ra, mỗi một ngành có một cấu trúc thị trường riêng và số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh ở các ngành, các lĩnh vực cũng khác nhau. Việc ấn định một ngưỡng thị phần kết hợp 30% cho tất cả các thị trường, các ngành nghề, lĩnh vực để xác định sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận là không hợp lý.

Do đó, nếu chỉ căn cứ vào ngưỡng thị phần kết hợp 30% của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trên thị trường liên quan để phân biệt các mức độ cấm đoán đối với các hành vi thỏa thuận sẽ là chưa toàn diện, khiến cho việc đánh giá hành vi thỏa thuận bị cấm trên thực tế trở nên cứng nhắc và không phù hợp với thực tiễn.

  • Liên quan đến các quy định miễn trừ

Thứ nhất, phạm vi các loại thỏa thuận được miễn trừ như các quy định hiện hành là chưa hợp lý. Như đã phân tích ở trên, các thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, hạn chế sản lượng, các thỏa thuận về hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ [13, Điều 8] luôn mang bản chất hạn chế cạnh tranh và vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cạnh tranh. Theo đó, các thỏa thuận này phải bị cấm tuyệt đối và không được phép miễn trừ. Tuy nhiên, theo Luật Cạnh tranh Việt Nam các thỏa thuận này vẫn thuộc phạm vi các thỏa thuận được phép miễn trừ có thời hạn nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 10, Luật Cạnh tranh.

Như vậy gần như bên nhượng quyền sẽ có thể đưa ra các TTHCCT với bên nhận quyền vì các thỏa thuận đó có khả năng được miễn trừ theo Điều 10 Luật Cạnh tranh.

Thứ hai, các quy định về miễn trừ chưa đề cập đến nguyên tắc xác định thời hạn cho hưởng miễn trừ đối với TTHCCT.

Theo quy định tại Điều 10, Luật Cạnh tranh, việc miễn trừ đối với TTHCCT là có thời hạn. Việc cho hưởng miễn trừ có thời hạn đối với TTHCCT là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, theo thời gian các thỏa thuận này thường có xu hướng không còn đáp ứng được các điều kiện cần thiết để hưởng miễn trừ nữa.

Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thụ lý hồ sơ, ra quyết định cho hưởng miễn trừ đối với TTHCCT có quyền đề xuất, quyết định về thời hạn miễn trừ. Tuy nhiên, việc thiếu các quy định về thời hạn miễn trừ trong pháp luật cạnh tranh dẫn đến thiếu căn cứ trong việc xác định thời hạn cho hưởng miễn trừ đối với TTHCCT.

Thứ ba, quy định miễn trừ đối với TTHCCT bị cấm có sự mâu thuẫn liên quan đến thỏa thuận về giá.Cụ thể, hành vi “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” quy định tại khoản 1, Điều 8 và bị cấm theo khoản 2, Điều 9, Luật Cạnh tranh thuộc phạm vi các TTHCCT có thể được miễn trừ. Tuy nhiên, trong số các điều kiện để được hưởng miễn trừ lại bao gồm điều kiện “Thống nhất các điều kiện kinh doanh, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá” [13, Điều 10, khoản 1]. Sự mâu thuẫn trong quy định miễn trừ cũng gây ra bất cập trong quá trình thực thi.

Đánh giá chung: Pháp luật Việt Nam chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn các TTHCCT trong HĐNQTM. Việt Nam đang áp dụng những văn bản chung về cạnh tranh với nhượng quyền thương mại. Bản thân Luật Cạnh tranh còn nhiều vấn đề chưa bao quát hết vì vậy khi áp dụng sang hoạt động nhượng quyền còn nảy sinh những mâu thuẫn nhất định với Luật Thương mại. Khi mà hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng phát triển hơn đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện cả các quy định pháp luật về nhượng quyền và cạnh tranh để có thể kiểm soát được hoạt động nhượng quyền vào Việt Nam một cách tốt nhất, cũng như tạo thị trường có tính cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy sự phát triển vững chắc.

Kết luận chương 2

Kết thúc chương 2, tác giả đã chỉ ra nhưng thực trạng diễn ra thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, những quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam điều chỉnh hành vi này. Có thể thấy, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại diễn ra rất phức tạp với nhiều phương thức khác nhau như: thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh, thỏa thuận phân phối cung ứng độc quyền, thỏa thuận mua bán cả gói, thỏa thuận mua giá bán lại, kiểm soát khối lượng đầu ra đầu vào sản phẩm. Thực tế pháp luật Việt Nam hiện nay cũng điều chỉnh về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế cần hoàn thiện để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động nhượng quyền khi muốn phát triển ở Việt Nam.

Trong chương 3, tác giả sẽ đưa ra một số quan điểm hoàn thiện pháp luật Việt Nam dựa trên những hạn chế tác giả đã chỉ ra trong chương 2. Phương hướng hoàn thiện của tác giả là việc tiếp thu những kinh nghiệm các nước trên thế giới, xây dựng quy định pháp luật phù hợp bối cảnh kinh tế hiện tại cũng như theo định hướng phát triển kinh tế trong tương lai của Việt Nam.

CHƯƠNG 3

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

3.1. Những yêu cầu đối với việc hoàn thiện pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại là một mô hình tiến bộ, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro được áp dụng tại nhiều quốc gia. Nhượng quyền thương mại giúp cho bên nhượng quyền mở rộng hệ thống kinh doanh, sử dụng khả năng của các đối tác địa phương để phát triển thị trường mới mà không cần phải đầu tư vốn. Đối với bên nhận quyền, nhượng quyền giúp cho bên nhận quyền sử dụng thương hiệu, kinh nghiệm đã được phát triển cũng như sự trợ giúp, huấn luyện từ bên nhượng quyền, nhưng vẫn đảm bảo cho bên nhận quyền có quyền sở hữu và tính tự chủ tương đối theo quy định của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Do đó, nhượng quyền thương mại được coi là phương tiện hữu hiệu để đi đến thành công của các doanh nghiệp nhỏ (với tư cách là bên nhận quyền).

Là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế, Việt Nam trở thành mảnh đất tốt cho các thương hiệu cả quốc tế và trong nước nhân rộng, quảng bá hình ảnh của mình nếu biết tận dụng các lợi thế địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế muốn để hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển thuận lợi thì khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đó cũng phải đủ hoàn thiện để các chủ thể kinh doanh có thể an tâm tham gia trị trường. Sau khoảng 10 năm Luật thương mại năm 2005 có hiệu lực, Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, Thông tư 09/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, mãi đến ngày 17/11/2008 Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 106/2008/QĐ-BTC để quy định mức lệ phí mà thương nhân dự kiến nhượng quyền phải nộp khi đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, tất cả các văn bản này đều chưa đề cập đến cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Do đó, hiện nay, các quy định của Luật cạnh tranh năm 2004 và các văn bản liên quan (phần các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) vẫn sẽ được áp dụng nếu cơ quan nhà nước về cạnh tranh tự mình hoặc theo đề nghị của các chủ thể kinh doanh thực hiện điều tra các hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp hoạt động nhượng quyền thương mại. Vì vậy, một số điểm bất hợp lý được chỉ ra khi cùng một quan hệ, cùng một hành vi lại được điều chỉnh bởi hai luật. Cụ thể là hành vi mang tính chất hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh của bất cứ chủ thể kinh doanh nào cũng bị coi là vi phạm theo Luật cạnh tranh năm 2004, thậm chí một số hành vi bị cấm hoàn toàn, không có trường hợp miễn trừ. Tuy nhiên, cũng hành vi đó, xét trong quan hệ nhượng quyền thương mại lại hoàn toàn hợp lý. Như vậy, yêu cầu đặt ra là pháp luật cạnh tranh Việt Nam cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện nhằm có thể điều chỉnh được cả cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại bởi đây là một hoạt động đặc thù, trong đó tính thống nhất và sự mâu thuẫn lợi ích giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền là hai khía cạnh luôn song song tồn tại.

Các yêu cầu đối với việc hoàn thiện các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cụ thể:

– Việc hoàn thiện các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các cá nhân và tổ chức. Đảm bảo yêu cầu này, các quy định của luật cạnh tranh phải nhất quán với các chính sách, đường lối của Đảng để tạo nên sự nhất quán, đồng bộ trong chính sách phát triển của nền kinh tế.

– Các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại góp phần xây dựng được một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

– Các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phải đảm bảo tính khả thi và hiện thực. Các quy định của Luật cạnh tranh phải xây dựng trên thực tế xã hội kinh tế Việt Nam, không sao chép, phải rõ ràng, không chồng chéo.

– Các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phải vừa bảo vệ cả bên nhận quyền và bên nhượng quyền trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Ngoài ra việc xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phải chính xác, phù hợp với thực tế và là cơ sở để cơ quan quản lý cạnh tranh xác định được đâu là những hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm, bị kiểm soát và hành vi được miễn trừ.

– Các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật cạnh tranh Việt Nam phải có sự tương thích với pháp luật khu vực và quốc tế.

3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực thi các quy định về TTHCCT trong hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam và phân tích bài học kinh nghiệm của EU, Hoa Kỳ, tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hành vi TTHCCT, trong đó tập trung vào định hướng sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến TTHCCT để phù hợp hơn với thực tiễn thực thi. Các khuyến nghị được xây dựng trên cơ sở phân tích những bất cập xuất phát từ các quy định hiện hành như đã nêu tại chương 2.

Có thể nhận thấy, thực trạng của TTHCCT trong hợp HĐNQTM đều được điều chỉnh xoay quanh các quy định của Luật Cạnh tranh 2004 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh. Pháp luật Việt Nam chưa điều chỉnh được hết vì các quy định pháp luật này chỉ dùng xoay các yếu tố như thị phần và miễn trừ để xác định hành vi TTHCCT, vì vậy sau khi tìm hiểu tác giả xin đưa ra một số ý kiến xây dựng như sau:

1. Liên quan đến các quy định về hành vi TTHCCT nói chung

Xuất phát từ tình hình thực thi pháp luật, tác giả cho rằng cần bổ sung thêm một điều khoản chung về hành vi TTHCCT, trong đó quy định bản chất chung nhất của hành vi nhằm bao quát hết các dạng thức TTHCCT.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội thì hình thức nhượng quyền trong các lĩnh vực cũng ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, theo đó hành vi của doanh nghiệp cũng có xu hướng biến đổi không ngừng nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận, đặc biệt trong các môi trường cạnh tranh khốc liệt. Do đó, các hình thức TTHCCT cũng ngày càng được doanh nghiệp biến hóa nhằm đối phó với các cơ quan cạnh tranh. Mặc dù hình thức thỏa thuận có thể thay đổi, tuy nhiên bản chất hạn chế cạnh tranh của hành vi chỉ liên quan đến những yếu tố cạnh tranh như giá cả, khu vực phân phối, thị trường tiêu thụ, sản lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Pháp luật cạnh tranh cần dựa vào các đặc điểm này của hành vi thỏa thuận để ban hành các quy định điều chỉnh.

Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo việc thực thi luật có hiệu quả, tránh bỏ sót hành vi hoặc xử lý các hành vi thỏa thuận cần thiết để mang lại lợi ích kinh tế – xã hội, tác giả cho rằng Việt Nam cần kết hợp hài hòa phương pháp liệt kê hiện tại và phương pháp tiếp cận hợp lý. Đó là ngoài việc liệt kê cụ thể các loại thỏa thuận theo dấu hiệu thì luật cần bổ sung một điều luật có độ bao quát toàn bộ các hợp đồng, liên kết, hay bất kỳ hoạt động thông đồng nào khác (không phụ thuộc vào tên gọi hay hình thức) có mục đích hoặc hệ quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh.

2. Liên quan đến các quy định cấm

Thứ nhất, xem xét điều chỉnh các hành vi thuộc nhóm bị cấm tuyệt đối và cấm tùy theo từng trường hợp cụ thể. Như đã trình bày tại chương 1, TTHCCT có thể bao gồm các thỏa thuận ngang nghiêm trọng (thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, hạn chế sản lượng và thông đồng đấu thầu), thỏa thuận ngang ít nghiêm trọng và các thỏa thuận dọc.

Cũng như phân tích, thỏa thuận ngang nghiêm trọng (hardcore cartel) luôn bị các cơ quan cạnh tranh quốc tế coi là các hành vi làm phương hại tới cạnh tranh nhiều nhất và vì vậy các nước có xu hướng cấm nhóm hành vi này trong mọi trường hợp và không xem xét miễn trừ đối với 4 dạng hành vi này. Đối với các hành vi thỏa thuận còn lại, các nước đều có quy định cho phép cơ quan cạnh tranh cân nhắc các lợi ích và chi phí đối với cạnh tranh, đối với người tiêu dùng và đối với toàn xã hội để ra quyết định cấm hoặc không cấm các doanh nghiệp thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể, tùy đặc thù của từng ngành, đặc điểm của từng thị trường.

Tại Pháp, bộ Luật dân sự Pháp điều L. 410-1 quy định:

Các dạng thoả thuận minh bạch hoặc thoả thuận ngầm, mặc dù do một công ty có trụ sở đặt ngoài lãnh thổ Pháp thuộc một tập đoàn thực hiện qua khâu trung gian một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, mà có nội dung hoặc có thể gây hậu quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường, thì đều bị nghiêm cấm, nhất là trong các trường hợp các thoả thuận này có mục đích sau:

1) Hạn chế các doanh nghiệp khác thâm nhập vào thị trường hoặc thực hiện hành vi cạnh tranh một cách tự do;

2) Ngăn cản việc xác định giá thông qua quy luật cạnh tranh bằng cách tạo ra sự tăng hoặc giảm giá một cách giả tạo;

3) Hạn chế hoặc kiểm soát quá trình sản xuất, các thị trường, các hình thức đầu tư hoặc tiến bộ kỹ thuật;

4) Phân chia thị trường hoặc các nguồn phân phối sản phẩm”

Bộ luật thương mại Pháp cấm mọi cam kết, thỏa thuận hoặc điều khoản hợp đồng có nội dung hoặc có hậu quả “hạn chế việc tiếp cận thị trường hoặc tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp khác” và “phân chia các thị trường và các nguồn cung cấp”.

Xem xét cụ thể ví dụ vụ tranh chấp được giải quyết năm 1987 bởi Hội đồng cạnh tranh Pháp như sau:

Hợp đồng NQTM bán quần áo trẻ em mang nhãn hiệu Z, theo đó bên nhượng quyền áp đặt bên nhận quyền nhiều nghĩa vụ, trong đó có độc quyền lãnh thổ và độc quyền cung cấp sản phẩm. Các điều khoản này đã bị Hội đồng cạnh tranh Pháp coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh. Theo Hội đồng, đúng là bên nhượng quyền đã buộc các bên nhận quyền phải tuân thủ các quy định về đảm bảo sự đồng nhất của hệ thống (và như vậy buộc phải mua sản phẩm của bên nhượng quyền), về hình ảnh của nhãn hiệu (và như vậy phải bài trí cửa hàng theo yêu cầu của bên nhượng quyền), nhưng “bên nhượng quyền không chứng minh được rằng sản phẩm của mình là duy nhất và không thể tìm thấy các sản phẩm tương tự trên thị trường và mình là doanh nghiệp duy nhất có thể thực hiện các dịch vụ bài trí cửa hàng kiểu này”. Vụ việc sau đó được Tòa phúc thẩm Paris xử chung thẩm. Tòa phúc thẩm cũng đồng tình với Hội đồng cạnh tranh và quyết định rằng “ngay cả khi bị hạn chế ở cách bài trí cửa hàng cho phù hợp với hình ảnh nhãn hiệu của bên nhượng quyền thì điều khoản này cũng đã có thể có hậu quả hạn chế tự do cạnh tranh” [7].

Như vậy, pháp luật Pháp dường như đã có những quy định chặt chẽ hơn pháp luật VN. Điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm chỉ hợp pháp nếu nó cần thiết để bảo vệ bí quyết kinh doanh, sự đồng nhất của hệ thống và không thể tìm thấy trên thị trường các sản phẩm đồng loại thay thế.

Từ thực tiễn thực thi pháp luật và học hỏi kinh nghiệm các nước đã đi trước, tác giả cho rằng cần điều chỉnh các quy định cấm của pháp luật cạnh tranh Việt Nam theo hướng:

  • Cấm tuyệt đối đối với dạng thỏa thuận luôn bị coi là nghiêm trọng trong mọi trường hợp gồm: thỏa thuận ấn định giá; thỏa thuận phân chia thị trường; thỏa thuận hạn chế, kiểm soát sản lượng sản xuất, mua bán và thông đồng đấu thầu.
  • Cấm theo từng trường hợp cụ thể đối với các dạng thỏa thuận khác tùy theo đặc thù của từng ngành, đặc điểm của từng thị trường.

Có như vậy, việc thực thi các quy định của pháp luật cạnh tranh về hành vi TTHCCT mới có thể phục vụ tốt cho mục tiêu tạo điều kiện cho hoạt động nhượng quyền phát triển và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam.

Thứ hai, cần xem xét sửa đổi cách tiếp cận đánh giá TTHCCT dựa theo tiêu chí duy nhất là thị phần như hiện nay. Một số ý kiến cho rằng quy định như hiện tại (chỉ cần xem xét thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận) là dễ thực thi và phù hợp với các cơ quan cạnh tranh còn non trẻ. Ở một khía cạnh khác, một số ý kiến khác cho rằng việc ban hành các quy định điều chỉnh hành vi chỉ vì mục tiêu tạo điều kiện dễ dàng cho cơ quan thực thi luật mà làm sai lệch bản chất, ý nghĩa, mục đích của việc điều chỉnh là cần phải xem xét lại bởi nếu không việc thực thi các quy định sẽ không còn có ý nghĩa, thậm chí trong một số trường hợp còn phản tác dụng. Chính vì vậy, các nước khi ban hành các quy định điều cấm đối hành vi TTHCCT đều căn cứ vào bản chất gây hạn chế cạnh tranh của hành vi và thị phần chỉ là một trong các yếu tố để cơ quan cạnh tranh có thể xem xét khi đánh giá về vụ việc.

Án lệ Sylvania [24] (Continental T.V v. GTE Sylvania) của Mỹ là một án lệ nổi tiếng. Trong án lệ Sylvania, Tòa án tối cao Mỹ đã xem xét một quy định trong HĐNQTM cấm bên nhận quyền bán sản phẩm của bên nhượng quyền ngoài khu vực đã thống nhất trước có phải là một hạn chế thương mại bất hợp lý vi phạm pháp luật cạnh tranh (Điều 1 Đạo luật Sherman 1890) hay không. Vụ kiện này xảy ra giữa hai bên là Công ty Continental T.V và Công ty GTE Sylvania. Tại vụ kiện này, bên nhận quyền đã viện vào quy định trong HĐNQTM là bên nhượng quyền cấm bên nhận quyền bán sản phẩm của bên nhượng quyền ngoài vị trí khu vực đã thống nhất trong hợp đồng là một quy định vi phạm pháp luật cạnh tranh để không thực thi hợp đồng.

Tòa án tối cao Mỹ cho rằng những hạn chế cạnh tranh như vậy làm giảm cạnh tranh đối với một thương hiệu nhất định của một loại sản phẩm, nhưng trên thực tế quy định này lại có thể thúc đẩy cạnh tranh giữa các thương hiệu khác nhau của cùng một loại sản phẩm hay giữa các sản phẩm tương tự có khả năng thay thế nhau. Mà điều này nếu đem so sánh giữa lợi ích khuyến khích cạnh tranh và ảnh hưởng hạn chế cạnh tranh và nếu coi sự cạnh tranh giữa các bên nhận quyền trong một thương hiệu là không quan trọng bằng sự cạnh tranh giữa các thương hiệu sản phẩm với nhau, tức theo nguyên tắc lập luận hợp lý [28], thì sẽ là không vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Với một cách thức linh hoạt nhất, pháp luật cạnh tranh của Mỹ luôn nhìn nhận một hành vi hoặc thỏa thuận trong quan hệ nhượng quyền thương mại trên các khía cạnh tích cực và tiêu cực, hợp lý và bất hợp lý của chúng để kết luận rằng những hành vi hay thỏa thuận đó có phù hợp hay bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh khi bản thân chúng mang màu sắc của những hành vi hạn chế cạnh tranh.

Đối với các vụ việc liên quan đến các hành vi thỏa thuận không thuộc nhóm thỏa thuận nghiêm trọng, pháp luật cạnh tranh của phần lớn các nước như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản… đều áp dụng nguyên tắc hợp lý khi đánh giá vụ việc. Xem xét và so sánh 2 án lệ:

Trong án lệ Siegel v Chicken Delight, Inc [25] Chicken Delight đã tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại thiết lập các cửa hàng bán thức ăn mang thương hiệu Chicken Delight cho các bên nhận quyền, và không thu phí nhượng quyền cũng như phí bản quyền. Tuy nhiên Chicken Delights yêu cầu các bên nhận quyền phải mua các dụng cụ nấu ăn, bao bì đóng gói thức ăn và một số vật liệu khác của Chicken Delight với giá cao hơn giá các sản phẩm cùng loại mà các nhà cung cấp khác bán ra. Tòa án phúc thẩm liên bang cho rằng điều khoản ràng buộc bán kèm trong hợp đồng nhượng quyền thương mại của Chicken Delight là vi phạm PLCT.

Tuy nhiên, trong án lệ Kentucky Fried Chicken v Diversified Packing[26] sau đó, khi KFC bên nhận quyền yêu cầu bên nhượng quyền mua các thiết bị và nguyên liệu từ KFC hay từ các nhà cung cấp khác được KFC chấp thuận bằng văn bản nếu thỏa mãn những yêu cầu về chất lượng mà KFC công bố, và việc chấp thuận như vậy không thể bị hủy bỏ một cách bất hợp lý, thì ràng buộc như vậy lại được Tòa án phúc thẩm liên bang cho là không vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Có thể thấy trong cùng một điều khoản về độc quyền cung cấp thiết bị, nguyên liệu nhưng vụ án của KFC lại được chấp thuận bởi lý do bảo đảm chất lượng sản phẩm, hình ảnh của bên nhượng quyền. Còn án lệ của Chicken lại không được chấp nhận. Và việc xem xét có phải TTHCCT không cần xem xét đến thị phần.

Như vậy, khác với tiếp cận của Việt Nam, trong các tiêu chí để đánh giá một hành vi có thuộc diện bị cấm hay không, các cơ quan cạnh tranh quốc tế chỉ coi tiêu chí thị phần không hẳn là một tiêu chí chiếm vị trí quan trọng. Như đã trình bày tại Chương 1, khi đánh giá vụ việc, cơ quan cạnh tranh trước hết đánh giá liệu thỏa thuận đang xem xét có gây hạn chế cạnh tranh hay không.

Trong trường hợp thỏa thuận có khả năng gây hạn chế cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh sẽ tiếp tục đánh giá liệu thỏa thuận đó có mang lại lợi ích thúc đẩy cạnh tranh hay không và liệu tác động thúc đẩy cạnh tranh của thỏa thuận có lớn hơn tác động hạn chế cạnh tranh do nó mang lại hay không. Các tiêu chí có thể giúp các cơ quan cạnh tranh đánh giá có thể bao gồm (1) lợi ích kinh tế mà thỏa thuận đó mang lại; (2) tính cần thiết của thỏa thuận nhằm đạt được các lợi ích kinh tế đó; (3) phần lợi ích được chuyển/chia sẻ cho người tiêu dùng và; (4) tính không loại bỏ cạnh tranh của thỏa thuận.

Tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước, tác giả cho rằng Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận đánh giá thỏa thuận dựa chủ yếu vào yếu tố thị phần một cách cứng nhắc như hiện nay. Để có thể thực hiện được điều này, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá phù hợp, theo đó đảm bảo sự cân bằng giữa phương pháp liệt kê và tiếp cận hợp lý về mặt kinh tế.

Việt Nam học hỏi các nguyên tắc về lập luận hợp lý của các nước trên thế giới.

  • Trong mua bán cả gói, khi xem xét ràng buộc bán kèm trong nhượng quyền thương mại, cơ quan có thẩm quyền về cạnh tranh cần phân tích khái niệm “không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” và khái niệm “Phù hợp với hệ thống kinh doanh” do bên nhượng quyền quy định trên cơ sở bối cảnh kinh tế của hoạt động nhượng quyền thương mại, đặc biệt cần tính đến yếu tố: tồn tại hay không tồn tại các biện pháp khác vẫn đạt được mục đích là nhằm bảo vệ bản sắc, uy tín và chất lượng của hệ thống nhượng quyền thương mại nhưng lại ít có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến cạnh tranh; và ràng buộc mua bán cả gói đó có ảnh hưởng thực sự ngăn cản các đối thủ cạnh tranh khác tham gia trong thị trường sản phẩm được bán kèm.
  • Trong quy định về phân chia khu vực kinh doanh đối với hoạt động nhượng quyền thương mại, xem xét theo hướng tôn trọng quyền tự do thỏa thuận giữa các bên, đồng thời xem xét thỏa thuận này trên cơ sở phân tích hành vi của các bên trên cơ sở các điều kiện thị trường liên quan trước và trong khi các thỏa thuận đó được thực hiện. Dựa trên kết quả phân tích, pháp luật sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh đối với sự cạnh tranh trong hệ thống nhượng quyền thương mại và giữa các bên trong thỏa thuận với các bên thứ ba. Mức độ ảnh hưởng này mới là căn cứ để quyết định một thỏa thuận phân chia khu vực kinh doanh trong quan hệ nhượng quyền thương mại có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không.

3. Liên quan đến các quy định miễn trừ

Như đã trình bày tại mục 2 trên đây, đối với các thỏa thuận thuộc nhóm nghiêm trọng, bao gồm hành vi: (1) thỏa thuận ấn định giá; (2) thỏa thuận phân chia thị trường; (3) thỏa thuận hạn chế sản lượng, Việt Nam cần cân nhắc sửa đổi quy định hiện tại theo hướng cấm trong mọi trường hợp và không áp dụng miễn trừ đối với nhóm hành vi này. Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng nguyên tắc hợp lý, theo đó cơ quan cạnh tranh sẽ xem xét trên cơ sở đánh giá yếu tố chi phí và lợi ích của thỏa thuận. Theo cách tiếp cận này, Việt Nam không cần phải ban hành các quy định về miễn trừ. Các điều kiện xem xét miễn trừ quy định tại Điều 10, Luật Cạnh tranh hiện nay có thể được đưa vào bộ tiêu chí để đánh giá chi phí và lợi ích của hành vi thỏa thuận.

Miễn trừ, nếu có, có thể xem xét miễn trừ theo các đặc thù từng ngành trong hoạt động nhượng quyền tuy nhiên việc này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh việc lạm dụng và làm giảm thiểu vai trò, vị thế cũng như hiệu quả của Luật Cạnh tranh. Đồng thời, thời hạn miễn trừ và các điều kiện gia hạn thời hạn được hưởng miễn trừ cũng cần được xem xét quy định.

Xem xét án lệ tranh chấp giữa công ty Pronuptia de Paris de Francfort-sur-le-Main [27], một chi nhánh của công ty Pháp cùng tên và bên nhận quyền tại Đức. Theo các quy định của ba hợp đồng ký năm 1980, bên nhận quyền phải cam kết chỉ bán các sản phẩm gắn với tên thương mại và nhãn hiệu Pronuptia de Paris trong các cửa hàng do bên nhượng quyền chỉ định; mua của bên nhượng quyền 80% số váy cưới, váy dạ hội cũng như các phụ kiện và các đồ dùng phục vụ lễ cưới, phần còn lại phải mua của các nhà cung cấp do bên nhượng quyền chỉ định. Bên nhận quyền cũng cam kết phải bán sản phẩm theo giá mà bên nhượng quyền đề xuất. Không hài lòng với kết quả kinh doanh, bên nhận quyền đã không trả phí kỳ vụ cho bên nhượng quyền, và kiện bên nhượng quyền đòi Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu vì chứa các điều khoản vi phạm các nguyên tắc tự do cạnh tranh. Sau rất nhiều tranh cãi ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, vụ việc được đưa lên xét xử tại Tòa án tối cao Liên bang Đức (Bundesgerichtshof). Do đây là tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng chứa các nội dung có tác động đến thương mại nội khối, nên Tòa án tối cao Đức đã thỉnh thị Tòa án Tư pháp châu Âu. Đối với điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm, Tòa án Tư pháp châu Âu có nhận định rằng “các điều khoản phân chia thị trường giữa bên nhượng quyền và các bên nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền với nhau là các TTHCCT theo điều 85, đoạn 1”. Tuy nhiên, Tòa cũng lưu ý rằng điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm có thể được hưởng miễn trừ nếu “cần thiết để bảo vệ uy tín của hệ thống”.

Bản chất HĐNQTM đã có những đặc thù riêng như phân tích ở phần 1 lý luận, như vậy các trường hợp miễn trừ có thể được xem xét cân nhắc thỏa mãn các điều kiện đặc thù của HĐNQTM. Học hỏi những kinh nghiệm trong các án lệ, vụ việc nổi tiếng có thể thấy pháp luật các nước quy định chặt chẽ về vấn đề miễn trừ như thế này.

Ngoài ra pháp luật Cạnh tranh nói chung cần hoàn thiện về các quy định về chế tài, xử lý vi phạm khi xảy ra thỏa thuận cũng như xem xét chế độ khoan hồng để đảm bảo hoàn thiện tổng quan pháp luật Cạnh tranh.

Cơ quan nhà nước về cạnh tranh cũng nên áp dụng chương trình khuyến khích để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã tham gia thỏa thuận tố cáo thỏa thuận giữa các bên. Chương trình khuyến khích này, với việc áp dụng các điều khoản khoan hồng khi doanh nghiệp thực hiện tố cáo hành vi vi phạm sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước về nhượng quyền thương mại nên sớm chủ động ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trong đó cần đưa ra được giới hạn (dù chỉ tương đối) của những hành vi có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh nhưng không vi phạm pháp luật cạnh tranh để tạo sự an tâm cho các bên nhượng quyền, nhằm khuyến khích hoạt động nhượng quyền thương mại trong khi đó vẫn đảm bảo thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Kết luận chương 3

Trên cơ sở nghiên cứu từ chương 1 đến chương 3 có thể thấy, việc hoàn thiện pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là yêu cầu khách quan, tất yếu. Quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại phải dựa trên những quan điểm đảm bảo tính khoa học, minh bạch, thống nhất, khả thi và đảm bảo ghi nhận đầy đủ bản chất của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tổng kết chương 3, tác giả đưa ra một số kiến nghị để sửa đổi quy định cấm, quy định miễn trừ, cũng như muốn pháp luật xây dựng một quy định chung về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Mục đích cuối cùng cũng là cân bằng lợi ích giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

KẾT LUẬN

Sau hội nhập, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển hơn bao giờ hết trong đó có hoạt động nhượng quyền thương mại. Việt Nam trở thành một trong những điểm đến kinh tế hấp dẫn. Để hoàn thiện môi trường kinh tế cạnh tranh lành mạnh đòi hỏi pháp luật có những cơ chế hợp lý để kiểm soát thật hiệu quả, tạo điều kiện cho các thương hiệu nhượng quyền du nhập vào Việt Nam.

Hành vi hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại xuất hiện từ bản chất khách quan của xu hướng cạnh tranh. Trong một chừng mực nào đó thì việc TTHCCT diễn ra để duy trì tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền, đảm bảo chất lượng cũng như thương hiệu. Tuy nhiên nếu vượt quá giới hạn đó, nó sẽ là nhân tố gây kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Như vậy yêu cầu hoàn thiện pháp luật là tất yếu. Luận văn mới chỉ nghiên cứu một cách đơn lẻ, đi sâu vào từng dạng thỏa thuận về lý luận và thực tiễn để đưa ra những ý kiến góp ý với mong muốn hoàn thiện pháp luật về TTHCCT trong hợp đồng nhượng quyền. Tính toán việc xác định đúng hành vi thỏa thuận cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm đặc thù của hoạt động nhượng quyền.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tài liệu tiếng Việt

  1. Trịnh Minh Anh, Triển khai Luật Cạnh tranh trong thực tiễn nền Kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, P. Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế.
  2. Bộ Công thương (2009), Hành vi hạn chế Cạnh tranh – Một số Vụ việc điển hình của châu Âu, dự án Mutrap do Liên minh Châu âu tài trợ và Bộ Công thương phối hợp thực hiện.
  3. Bộ Thương mại (2007), Các cam kết gia nhập tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam, Tài liệu bồi dưỡng.
  4. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang (2016), Đại hội lần thứ VI của Đảng: “Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước”, www.bacgiang.gov.vn, (đăng ngày 20/01/2016).
  5. Cục Quản lý Cạnh tranh (VCA) (2012), Báo cáo rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam.
  6. Bùi Ngọc Cường (2007), “Các điều khoản độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại”, đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (tháng 07).
  7. Ngô Quốc Chiến (2014), “Một số điều khoản độc quyền trong HĐNQTMSo sánh pháp luật Việt Nam, Pháp và Liên minh châu Âu”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương.
  8. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2005), Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/09, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, Hà Nội.
  9. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2006), Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, Hà Nội.
  10. Nguyễn Thị Dung (2012), Một số vấn đề pháp lý về hoạt động nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  11. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2009), Các TTHCCT trong HĐNQTM dưới góc độ pháp luật cạnh tranh Việt Nam và Liên minh châu Âu, Luận văn thạc sỹ luật học, trường Đại học Luật TP. HCM.
  12. Hằng Nga (2009), TTHCCT trong HĐNQTM, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  13. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2004), Luật cạnh tranh, Hà Nội.
  14. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2005), Luật thương mại, Hà Nội.
  15. Nguyễn Thị Tình (2014), “Pháp luật điều chỉnh hành vi ấn định giá bán”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, Bộ Tư pháp.
  16. Nguyễn Thị Tình (2014), “Ràng buộc bán kèm trong HĐNQTM”, Tạp chí nghiên cứu Châu Âu, Viện nghiên cứu Châu Âu.
  17. Nguyễn Thị Tình (2015), Pháp luật hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, trường Đại học Luật Hà Nội.
  18. Nguyễn Thanh Tú (2007), “Nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (3).
  19. Phùng Văn Thành (2014), Khái niệm, bản chất và đặc trưng pháp lý của TTHCCT theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam, Phòng điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh đăng trên web www.vca.gov.vn.
  20. Nguyễn Thị Hồng Vân – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (2011), “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (202).
  21. Nguyễn Thị Vân (2011), HĐNQTM theo pháp luật Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  22. Vũ Đặng Hải Yến (2005), “Nhượng quyền thương mại ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiền”, Tạp chí luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  23. Vũ Đặng Hải Yến (2006), “Một số vấn đề về TTHCCT”, Tạp chí luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

II. Tài liệu tiếng nước ngoài

  1. Continental T.V. Inc. v GTE Sylvania, 433 U.S. 36, 40 & 50-59 (1977).
  2. Siegel v Chicken Delight, Inc., 448 F.2d 43 (9th Cir. 1971), cert. denied 405 U.S. 955 (1972).
  3. Kentuckey Fried Chicken v Diversified Packing, 549 F.2d 368, 375-378 (5th Cir. 1977).
  4. ECJ, Case 161/84, Pronuptia de Paris GmbH v Pronuptia de Paris Irmgard Schillgallis, 28/1/1986, [1986]ECR 353.
  5. State Oil Co. v Khan, 522 U.S. 3, 13-14 (1997).

Bài viết cùng chuyên mục:

Tai nạn lao động – Tổng hợp chế độ và quy định dành cho người lao động

Toàn bộ các chế độ và quy định về tai nạn lao động của người lao động trong quá trình làm việc cho cơ quan, tổ chức theo pháp luật hiện hành. Hướng dẫn hồ sơ xin hưởng chế độ tai nạn lao động, mức được hưởng, điều kiện và tiêu chuẩn phù hợp.

Hiện nay, với bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu vô cùng náo nhiệt, hàng năm liên tục có hàng trăm đơn vị nước ngoài tiếp tục rót vốn và mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt nam. Từ đó nhu cầu sử dụng lao động là không thể thiếu và cũng tăng cao theo cấp số nhân. Với đặc thù của từng công việc, các chế độ bảo hiểm xã hội, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh thực phẩm và trên hết là các rủi ro, tai nạn khi lao động luôn được cân nhắc, ưu tiên hàng đầu.

Người lao động là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, tiếp xúc với dây chuyền máy móc, nếu không được đào tạo và có tinh thần chú ý cao, bất kỳ lúc nào hiểm hoạ cũng có thể xảy ra. Lúc đó thiệt hại đầu tiên phải nói đến chính là bản thân người lao động khi bị tổn hại về sức khoẻ, tinh thần, đôi khi còn để lại những cố tật vĩnh viễn, những ám ảnh không thể tiếp tục thực hiện công việc tương tự. Hiểu được điều đó, các khoản hỗ trợ, bồi thường từ phía doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước chính là những sự đóng góp, xoa dịu, hạn chế tác động lớn nhất giúp người lao động nghỉ ngơi, phục hồi và nhanh chóng quay trở lại môi trường làm việc.

Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề tai nạn lao động

  1. Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015
  2. Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định về tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng
  3. Nghị định 43/2013/NĐ-CP
  4. Bộ luật lao động 2012
  5. Thông tư 56/2017/TT-BYThướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế
  6. Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Định nghĩa tai nạn lao động

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 định nghĩa về tai nạn lao động như sau:

“8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

2. Quy định pháp luật về tai nạn lao động

Thiệt hại xảy ra đối với người lao động trong quá trình lao động, làm việc được xác định dựa trên sức khỏe, tính mạng, thân thể của người lao động. Cụ thể, theo Điều 142, “Bộ luật lao động 2019” quy định như sau:

Điều 142. Tai nạn lao động

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.

3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, ta có thể thấy việc quy định về tai nạn lao động được xác định trên các yếu tố như việc bất ngờ xảy ra trong quá trình người lao động đang làm việc, trong nhiệm vụ lao động. Các vấn đề bất ngờ có thể xảy ra đó là những tai nạn liên quan đến công việc, tai nạn giao thông trong quá trình di chuyển, tai nạn trong quá trình vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, ngã từ trên cao trong thời gian làm việc liên quan đến leo trèo, có độ cao nguy hiểm…

Bên cạnh đó, tại Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động như sau:

Điều 12. Tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.

3. Tai nạn lao động được phân loại như sau:

a) Tai nạn lao động chết người;

b) Tai nạn lao động nặng;

c) Tai nạn lao động nhẹ.

4. Sự cố nghiêm trọng là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động (không bao gồm tai nạn lao động) gây thiệt hại lớn về tài sản của người lao động, người sử dụng lao động”

3. Các điều kiện được coi là tai nạn lao động

Căn cứ Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:

Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Như vậy, nếu người lao động muốn đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, hoặc được công nhận là tai nạn lao động thì cần đáp ứng các điều kiện về tai nạn lao động để hưởng chế độ tai nạn lao động.

4. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động

Trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, người lao động sẽ được nhận những khoản tiền và quyền lợi sau:

* Do người sử dụng lao động chi trả

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động như sau:

– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.

+ Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:

  • Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;
  • Trả phí khám giám định mức suy giảm KNLĐ đối với những trường hợp kết luận suy giảm KNLĐ dưới 05% do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định tại Hội đồng giám định y khoa;
  • Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT.

– Tiền lương: Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

– Bồi thường cho người bị tai nạn lao động không do lỗi của họ gây ra:

+ Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm KNLĐ từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết.

– Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính mình gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% các mức nêu trên ứng với mức suy giảm KNLĐ.

– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

* Do Qũy tai nạn lao động chi trả

Tùy thuộc vào mức độ suy giảm KNLĐ mà người lao động được hưởng các chế độ do Qũy tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc Qũy bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả như sau:

– Trợ cấp một lần (suy giảm từ 05% – 30%):

+ Suy giảm 05% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 01% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Căn cứ: Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Trợ cấp hằng tháng (suy giảm từ 31% trở lên):

+ Suy giảm 31% hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 01% thì hưởng thêm 02% mức lương cơ sở;

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Căn cứ: Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình:

Người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật như: Tay giả, máng nhựa tay, chân giả, máng nhựa chân; nẹp đùi, nẹp cẳng chân, áo chỉnh hình,…

Căn cứ: Điều 51 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Trợ cấp phục vụ (suy giảm từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần):

Mức trợ cấp/tháng = Mức lương cơ sở = 1,49 triệu đồng/tháng.

(Mức lương cơ sở áp dụng năm 2021: 1,49 triệu đồng)Căn cứ: Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Trợ cấp một lần khi chết:

Mức trợ cấp một lần = 36 x Mức lương cơ sở = 53.640.000 đồng.

Căn cứ: Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Nghỉ Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị:

Mức trơ cấp mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Trong đó, số ngày nghỉ dưỡng sức:

+ Tối đa 10 ngày nếu suy giảm KNLĐ từ 51% trở lên;

+ Tối đa 07 ngày nếu suy giảm KNLĐ từ 31% – 50%;

+ Tối đa 05 ngày nếu suy giảm KNLĐ từ 15% – 30%.

Căn cứ: Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động

– Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc:

+ Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở;

+ Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần/năm.

Căn cứ: Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động

Lưu ý: Mức hỗ trợ này áp dụng cho người lao động bị suy giảm KNLĐ từ 31% trở lên, được sắp xếp công việc mới phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng nhưng cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi (theo Điều 12 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).

5. Thủ tục, hồ sơ xin hưởng chế độ tai nạn lao động

a. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, gồm:

–  Sổ BHXH;

–  Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của người sử dụng lao động

–  Biên bản điều tra tai nạn lao động.

–  Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật TNLĐ ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú.

–   Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

– Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì ngoài các giấy tờ quy định trên, có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông;

– Trường hợp bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì ngoài các giấy tờ quy định trên, có thêm bản sao hộ khẩu thường trú hoặc bản sao giấy đăng ký tạm trú.

b. Hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp:

– Sổ BHXH;

– giấy đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp của NSDLĐ (Mẫu số 05A-HSB);

– Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập (bản sao);

– Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện hoặc phiếu hội chuẩn mắc bệnh nghề nghiệp;

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa.

c. Hồ sơ giải quyết TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tái phát:

– Hồ sơ đã hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp do cơ quan BHXH quản lý;

– Điều trị nội trú: Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật cũ tái phát. Không điều trị nội trú: bản chính hoặc bản sao giấy tờ khám, điều trị thương tật, bệnh tật tái phát.

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật tái phát của hội đồng giám định y khoa.

d. Hồ sơ giải quyết TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của NLĐ được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động:

– Hồ sơ đã hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp do cơ quan BHXH quản lý;

– Hồ sơ TNLĐ, BNN của lần bị TNLĐ nhưng chưa được giám định.

–  Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa.

e. Hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình:

–  Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp do cơ quan BHXH quản lý;

– Chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành LĐTB&XH hoặc của cấp tỉnh trở lên phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật. Nếu có chỉ định lắp mắt giả thì có thêm bản chính hoặc bản sao chứng từ lắp mắt giả.

– Vé tàu, xe đi và về (nếu có).

6. Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo điều 2 thông tư /2015/TT-BLĐTBXH đối tượng áp dụng của chế độ tai nạn lao động bao gồm

1. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân có sử dụng lao động (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động), bao gồm:

a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

b) Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;

c) Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

d) Hợp tác xã;

đ) Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, cá nhân là người nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có trụ sở đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Các tổ chức, cá nhân khác có sử dụng lao động.

2. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động (sau đây gọi chung là người lao động).

3. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân được áp dụng các chế độ như đối với người lao động quy định tại Thông tư này, trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng đối tượng này có quy định khác.

7. Bồi thường, trợ cấp trong trường hợp đặc thù

Theo Điều 5. Bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù thông tư /2015/TT-BLĐTBXH

1. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động vẫn phải trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này.

4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này, người sử dụng lao động phải trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cơ quan bảo hiểm xã hội cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần bằng mức quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

b) Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng bằng mức quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên.

Bài liên quan:

Hãy phân tích và nêu ý nghĩa về chế độ sở hữu độc quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Tại sao lại cần có các trường hợp ngoại lệ và giới hạn về thời hạn bảo hộ

Hãy phân tích và nêu ý nghĩa về chế độ sở hữu độc quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Tại sao lại cần có các trường hợp ngoại lệ và giới hạn về thời hạn bảo hộ.

– Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Luật SHTT 2005), chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ (Khoản 6 Điều 4). Dựa theo phân loại của Luật SHTT 2005, có các loại chủ thể của các quyền sở hữu trí tuệ như sau: (1) Quyền tác giả; (2) Quyền liên quan; (3) Quyền sở hữu công nghiệp; (4) Quyền đối với giống cây trồng. Mặc dù với từng nhóm quyền, các độc quyền của chủ thể sở hữu được quy định khác nhau theo nội dung nhưng tựu trung lại, đó là những quyền công bố, phân phối, chuyển giao, cho thuê lại của chủ thể mang quyền sở hữu. Tuy nhiên, với mỗi nhóm quyền, quyền độc quyền lại có những điểm riêng cần lưu ý. Theo Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009, quyền độc quyền trên các lĩnh vực có một số điểm nổi bật như sau:

– Đối với quyền tác giả, các quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện;

– Đối với quyền liên quan, chủ sở hữu của từng nhóm quyền đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa sẽ có những quyền độc quyền tương ứng;

– Đối với quyền sở hữu công nghiệp, tùy từng đối tượng sở hữu công nghiệp mà sẽ xó quyền độc quyền cử chủ thể sở hữu về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh;

– Đối với quyền sở hữu giống cây trồng, chủ thể sở hữu không cần phải sáng tạo giống cây trồng mới mà chỉ cần phát triển giống cây trồng là đã có quyền độc quyền đối với giống cây trồng này

– Ý nghĩa của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là để khuyến khích và tạo động lực cho các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật. Việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ nhằm cho phép chủ sở hữu được quyền khai thác tài sản trí tuệ của mình, ngăn cấm các hành vi sử dụng, sao chép, bắt chước mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu và không có sự bồi hoàn xứng đáng cho họ.

– Nguyên tắc này không được áp dụng trong mọi trường hợp vì trong một số trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể cho phép một bên không phải chủ sở hữu được phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đó mà không cần đến sự đồng ý của chủ sở hữu. Nguyên tắc này cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội là quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, trả thù lao. Vấn đề này được quy định trong các điều ước quốc tế về quyền tác giả và trong pháp luật các nước. Bên cạnh đó, luật cũng quy định việc sao chép, trích dẫn, in lại, phát sóng lại…. không nhằm mục đích kinh doanh và không xâm hại tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt hại bất hợp lý cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả thì việc sử dụng đó không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong những trường hợp này phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm được sử dụng.

– Quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu cũng sẽ bị hạn chế, giới hạn trong một số trường hợp bởi các nguyên nhân khác nhau. Điều 7 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định giới hạn quyền sở hữu trí tuệ như sau:

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này (xem chi tiết tại phần sau của bài viết).

2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật Nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ không chỉ bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu mà còn bảo vệ cả lợi ích công cộng. Nếu lợi ích công cộng cần được bảo vệ lớn hơn lợi ích của chủ sở hữu thì nhà nước phải ưu tiên bảo vệ lợi ích công cộng. Do đó quyền sở hữu trí tuệ luôn bị giới hạn trong phạm vi, thời hạn nhất định và trong những trường hợp đặc biệt Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ sở hữu thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ sở hữu phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền đó.

Bài luận: Hãy phân tích và nêu ý nghĩa về chế độ sở hữu độc quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Tại sao lại cần có các trường hợp ngoại lệ và giới hạn về thời hạn bảo hộ.

Bài viết liên quan:

Thành phố Hà Nội lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2019

Thành phố Hà Nội lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với những nội dung như sau:

  • Thu ngân sách từ các nguồn:
    • Thuế giá trị gia tăng từ hàng hoá nhập khẩu
    • Thuế thuê thụ đặc biệt
    • Thu từ quỹ dự trữ tài chính
    • Thu từ hoạt động viện trợ
    • Lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước có trụ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội
  • Chi ngân sách:
    • Chi trả lương cho công chức của Uỷ ban nhân dân thành phố
    • Chi sự nghiệp: xây các trường PTTH, lắp hệ thống đèn đường chiếu sáng
    • Chi quỹ dự phòng
    • Chi quỹ dự trữ tài chính
    • Bội chi ngân sách nhà nước được bố trí từ nguồn vay để chi cho đầu tư phát triển hoặc hoạt động y tế, giáo dục

Hãy nhận xét tính hợp pháp của các khoản thu và nhiệm vụ chi nói trên.

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước 2015 (Luật NSNN 2015), ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Dự toán ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội là dự toán ngân sách địa phương

Nhận xét:

1/ Nhận xét Các khoản thu ngân sách nhà nước:

a, Thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa nhập khẩu

  • Đây là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo Điểm a Khoản 1 Điều 35 Luật NSNN 2015. Do đó, tp.Hà Nội liệt kê vào khoản thu ngân sách địa phương là không hợp pháp.

b, Thuế tiêu thụ đặc biệt

  • TH1: Nếu đây là thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu, nó sẽ là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo Điểm c Khoản 1 Điều 35 Luật NSNN 2015, việc tp.Hà Nội liệt kê vào khoản thu ngân sách địa phương là không hợp pháp.
  • TH2: Nếu đây không phải thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu, nó sẽ thuộc các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo Điểm D Khoản 2 Điều 35 Luật NSNN 2015. Tp. Hà Nội liệt kê vào là hợp pháp.

c, Thu từ quỹ dự trữ tài chính

Đây là nguồn thu hợp pháp của ngân sách địa phương theo định tại Điểm i Khoản 1 Điều 37 Luật NSNN 2015.

d, Thu từ hoạt động viện trợ

  • TH1: Nếu là viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương. Đây là khoản thu ngân sách địa phương hợp pháp theo quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 37 Luật NSNN 2015;
  • TH2: Nếu là viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam, thì đây thuộc khoản thu ngân sách trung ương được hưởng 100% theo Điểm e Khoản 1 Điều 35 Luật NSNN 2015. Do đó, tp.Hà Nội liệt kê vào khoản thu ngân sách địa phương là không hợp pháp.

e, Thu từ lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước có trụ Nội sở trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • TH1: Nếu đây là lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu, thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu thì nó thuộc khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100 theo Điểm m Khoản 1 Điều 35 Luật NSNN 2015. Việc tp.Hà Nội liệt kê vào khoản thu ngân sách địa phương là không hợp pháp.
  • TH2: Nếu đây là lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu, thì đây là khoản thu hợp pháp của ngân sách địa phương theo Điểm k Khoản 1 Điều 37 Luật NSNN 2015.

2/ Nhận xét Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước:

a, Chi trả lương cho công chức của UBND thành phố

Đây không phải nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Vì nó không được quy định trong nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định tại Điều 38 Luật NSNN 2015.

b, Chi sự nghiệp: xây các trường PTTH, lắp hệ thống đèn đường chiếu sáng

Đây là nhiệm vụ chi hợp pháp theo Điểm a Khoản 1 và Điểm l, a Khoản 2 Điều 38 Luật NSNN 2015.

c, Chi quỹ dự phòng

Đây là nhiệm vụ chi hợp pháp. Nhiệm vụ chi này thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp, căn cứ theo Điểm c Khoản 1 Điều 30 Luật NSNN 2015.

d, Chi quỹ dự trữ tài chính

Đây là nhiệm vụ chi hợp pháp. Căn cứ theo Khoản 4 Điều 30 Luật NSNN 2015, chi quỹ dự trữ tài chính địa phương là nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

e, Bội chi ngân sách nhà nước được bố trí từ nguồn vay để chi cho đầu tư phát triển hoặc cho hoạt động y tế, giáo dục

Việc tp. Hà Nội liệt kê nội dung trên vào nhiệm vụ chi là không hợp pháp. Bội chi là chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách và tổng thu ngân sách của địa phương trong một năm ngân sách.

Do đó, nó không phải nhiệm vụ chi, không thể liệt kê vào nhiệm vụ chi địa phương.

Bài liên quan:

Cho thuê tài chính là gì? Phân tích đặc điểm của hoạt động cho thuê tài chính? Tại sao nói cho thuê tài chính là một nghiệp vụ cấp tín dụng?

Cho thuê tài chính là gì? Phân tích đặc điểm của hoạt động cho thuê tài chính? Tại sao nói cho thuê tài chính là một nghiệp vụ cấp tín dụng?

Trả lời:

1. Khái niệm Cho thuê tài chính (CTTC):

Căn cứ Điều 113 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Luật CTCTD 2010), cho thuê tài chính hoạt động cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính và phải có một trong các điều kiện sau đây:

1. Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được nhận chuyển quyền sở hữu tài sản cho thuê hoặc tiếp tục thuê theo thỏa thuận của hai bên;

2. Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được quyền ưu tiên mua tài sản cho thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản cho thuê tại thời điểm mua lại;

3. Thời hạn cho thuê một tài sản phải ít nhất bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản cho thuê đó;

4. Tổng số tiền thuê một tài sản quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính ít nhất phải bằng giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

2. Đặc điểm của hoạt động cho thuê tài chính:

Tín dụng được chuyển giao là hiện vật chứ không phải tiền;

Thay vì đưa cho tổ chức, cá nhân một khoản tiền, TCTD sẽ cho tổ chức, cá nhân thuê một tài sản trong một thời gian dài.

Do cho thuê bằng hiện vật nên vốn cho thuê không bị ảnh hưởng của lạm phát. Bên cho thuê không phải chịu rủi ro do sự giảm giá trị của tài sản, cũng không bị đọng vốn do phải mua tài sản trước. Cho thuê thông qua CTTC còn đảm bảo khoản tín dụng được sử dụng đúng mục đích mà bên thuê cam kết.

Tài sản thuê cũng chính là tài sản đảm bảo cho giao dịch thuê tài chính;

Khoản tiền bên cho thuê bỏ ra để mua tài sản cho thuê chính là một khoản tín dụng cấp cho bên thuê và sẽ được thu hồi thông qua số tiền thuê mà bên thuê phải trả trong suốt quá trình thuê. Bên cho thuê nắm giữ quyền sở hữu tài sản để bảo đảm cho nghiệp vụ tín dụng, còn bên thuê mua quyền sử dụng tài sản từ bên cho thuê.

CTTC là một hình thức tài trợ có độ an toàn cao nhờ hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với bên cho thuê. Trong suốt quá trình cho thuê, bên cho thuê nắm giữ quyền sở hữu tài sản cho thuê, nên họ có thể kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản của bên thuê. Nếu có những biểu hiện đe dọa tới sự an toàn của tài sản cho thuê, bên cho thuê có thể thu hồi tài sản ngay lập tức, nhờ đó mà tránh được việc bị mất vốn tài trợ.

Khi kết thúc hợp đồng thuê, bên thuê nếu muốn có thể chuyển giao lại tài sản thuê cho bên cho thuê cùng tất cả rủi ro do sự mất giá của tài sản đó;

Điều này được xem như khó khăn của bên cho thuê, đặc biệt là với tài sản liên quan đến dây chuyền sản xuất hoặc hàng hóa thuộc diện đặc chủng. Những tài sản là dây chuyền công nghệ loại này thường có giá trị lớn, có hao mòn vô hình cao mà các doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng rộng rãi. Khi bên thuê chuyển giao lại tài sản thì công ty CTTC có thể bán hay tiếp tục cho thuê, nhưng quyền năng này rất khó thực hiện đối với các dây chuyền thiết bị sản xuất đặc biệt. Lý do là khi máy móc, thiết bị đang vận hành thì còn có giá trị kinh tế thực, nhưng khi đã bị đưa vào kho bãi thì giá trị thực tế của nó bị giảm sút nhanh chóng.

Chủ thể của hợp đồng cho thuê tài chính: bên cho thuê (TCTD) và bên thuê.

Bên cho thuê có thể là: (1) Ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh; (2) Công ty tài chính; (3) Quỹ tín dụng nhân dân; (4) Tổ chức tài chính vi mô; (5) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên thuê là bất kỳ tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực pháp lý và có nhu cầu thuê tài chính.

3. Tại sao nói Cho thuê tài chính (CTTC) là một nghiệp vụ cấp tín dụng

Bởi pháp luật đã quy định rõ ràng cho thuê tài chính hoạt động cấp tín dụng […](Điều 113 Luật CTCTD 2010).Đây là hoạt động cấp tín dụng của công ty CTTC và bên thuê, trong đó mục đích của công ty CTTC là thu lãi trên vốn đầu tư, còn mục đích của người thuê có vốn đầu tư và sử dụng vốn hiệu quả.

Bài liên quan:

Doanh nghiệp tư nhân X muốn độc quyền phân phối sản phẩm lọc nước của công ty Y (Nhật Bản) trên lãnh thổ Việt Nam

Doanh nghiệp tư nhân X muốn độc quyền phân phối sản phẩm lọc nước của công ty Y (Nhật Bản) trên lãnh thổ Việt Nam. Để nhập khẩu hãng sản phẩm máy lọc nước này vào Việt Nam, hãy tư vấn cho doanh nghiệp X về những nội dung sau:

  1. Doanh nghiệp X có được quyền nhập khẩu máy lọc nước vào Việt Nam không? Giải thích?
  2. Hãy nêu những thủ tục nhập khẩu mà doanh nghiệp X cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Doanh nghiệp X có quyền được thực hiện chế độ ưu tiên trong thủ tục nhập khẩu này không? Giải thích?
  3. Doanh nghiệp X có được bán lẻ sản phẩm máy lọc nước này trên thị trường Việt Nam không? Giải thích. Có cần phải đáp ứng điều kiện nào không? Giải thích.

Trả lời:

1/ X có quyền nhập khẩu máy lọc nước vào Việt Nam

Theo quy định hiện hành, máy lọc nước không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, vì vậy, công ty có thể làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định.

2/ Thủ tục nhập khẩu của doanh nghiệp

– Theo Khoản 1 Điều 24 Luật Hải quan 2014, hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;

b) Chứng từ có liên quan.

Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có
liên quan.

– Theo mục 5.2 của phụ lục tại Quyết định số 3810/QĐ-BKHCN, máy lọc nước thuộc nhóm hàng hóa cần kiểm tra chất lượng sau khi thông quan, do đó doanh nghiệp sau khi được thông quan phải chấp hành theo quy định kiểm tra này.

– Điều 42 Luật Hải quan 2014 có quy định các trường hợp áp dụng chế độ ưu tiên như sau:

1. Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục;

b) Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định;

c) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan;

d) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;

đ) Có hệ thống kiểm soát nội bộ;

e) Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.

2. Doanh nghiệp ưu tiên thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ, chế độ ưu tiên, việc quản lý đối với doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.

Do đó, nếu doanh nghiệp X thỏa mãn 1 trong các trường hợp nêu trên thì sẽ đượcc áp dụng chế độ ưu tiên với thủ tục nhập khẩu.

3/ Quyền bán lẻ hàng hóa của X

– TH1: X là doanh nghiệp Việt Nam

Theo Nghị định 23/2017/NĐ-CP, phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý mua bán hàng hoá và nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Do đó, doanh nghiệp X với tư cách là nhà phân phối, cũng có quyền bán lẻ sản phẩm.

– TH2: X là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điểm c Khoản 1 Điều 5 Luật QLNT 2017 quy định về quyền nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP:

1. Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:

a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;

b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định này;

c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;

Do đó, để có thể bán lẻ sản phẩm, X cần có giấy phép kinh doanh.

Bài viết liên quan:

Phân tích và nêu ý nghĩa của biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hoá. Trên cơ sở các phân tích, hãy đưa ra nhận xét về tính hợp lý hoặc/và chưa hợp lý của các quy định này

Phân tích và nêu ý nghĩa của biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hoá. Trên cơ sở các phân tích, hãy đưa ra nhận xét về tính hợp lý hoặc/và chưa hợp lý của các quy định này.

Điều 8 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 (Luật QLNT 2017) có quy định về cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu như sau:

– Cấm xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

– Cấm nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật QLNT 2017, các trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu là: (1) Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (2) Bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; (3) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Vấn đề quốc phòng, an ninh là một trong những vấn để quan trọng hàng đầu của một quốc gia. Do đó, các mặt hàng trong nước liên quan đến quốc phòng, an ninh đều bị cấm. Chỉ được phép xuất khẩu khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong khi đó, các di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia là tài sản của Nhà nước, vì vậy cũng không được trở thành hàng hóa xuất khẩu. Cuối cùng, trường hợp thứ ba đó là theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đây là trường hợp mà bị áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu đối với những hàng hóa mà hàng hóa này bị liệt kê vào danh mục hàng cấm xuất khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật QLNT 2017, các trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu là: (1) Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (2) Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; (3) Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; (4) Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (5) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Là một nước đang phát triển, Việt Nam nhập rất nhiều mặt hàng từ các nước trên thế giới để mục đích nghiên cứu, sản xuất phục vụ đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, những mặt hàng hiên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, sức khỏe, đạo đức văn hóa…bị áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu.

Với việc quy định chặt chẽ, cụ thể các biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, nhà nước ta đã tạo ra được một cơ chế pháp lý để quản lý tốt hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần bảo đảm sự an toàn về an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, sức khỏe…người dân và đất nước.

Bài liên quan:

Công ty X (Việt Nam) ký kết một hợp đồng mua vật liệu xây dựng với công ty Y (Canada). Hợp đồng được ký kết và thực hiện tại Úc

Công ty X (Việt Nam) ký kết một hợp đồng mua vật liệu xây dựng với công ty Y (Canada). Hợp đồng được ký kết và thực hiện tại Úc. Các bên thoả thuận chọn pháp luật Singapore để giải quyết nếu có tranh chấp liên quan đến hợp đồng phát sinh. So Công ty Y giao hàng không đúng chất lượng như đã thoả thuận trong hợp đồng, Công ty X khởi kiện Công ty Y trước Toà án Việt Nam.

  1. Vụ việc trên có phải vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài không? Tại sao? Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên không? Giải thích?
  2. Giả sử Toà án Việt Nam có thẩm quyền, Toà án Việt Nam phải áp dụng pháp luật Singapore để giải quyết tranh chấp nêu trên vì tôn trọng thoả thuận của các bên. Quan điểm của anh (chị) về nhận định này. Lưu ý: Giữa Việt Nam và Canada không có Điều ước quốc tố có liên quan.

Trả lời:

1. Đây là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; 2. Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; 3. Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Đối với tranh chấp trên, tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết, căn cứ theo Điều 469 và 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, vụ việc trên không thuộc các trường hợp mà luật quy định.

2. Đối với quan điểm “Giả sử tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết, tòa án Việt Nam phải áp dụng pháp luật Singapo để giả quyết các tranh chấp nêu trên vì tôn trọng thỏa thuận của các bên”, em không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.

Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định như sau: trước hết các bên cần áp dụng Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc Luật Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên […](Điều 664 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Tức là nếu Điều ước quốc tế và Luật Việt Nam quy định các bên được lựa chọn thỏa thuận luật áp dụng, và các bên có lựa chọn luật áp dụng, thì tòa án xét xử dựa trên luật mà các bên đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với mọi trường hợp.

Thứ nhất, pháp luật nước mà hai bên lựa chọn, bên cạnh sự thỏa thuận, phải đáp ứng các nguyên tắc khác của pháp luật Việt Nam, cụ thể:

  • Chỉ được lựa chọn luật với các vấn đề mà điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật Việt Nam cho phép lựa chọn;
  • Hậu quả của việc áp dụng luật lựa chọn không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt nam;
  • Chỉ được lựa chọn các quy phạm thực chất, không được lựa chọn luật có quy phạm xung đột;
  • Việc lựa chọn luật không nhằm lẩn tránh pháp luật.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định những trường hợp không áp dụng thỏa thuận luật của các bên như sau (Khoản 4, 5, 6 Điều 683 BLDS 2015):

  • Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản.
  •  Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
  • Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.

Do đó, không phải cứ vì các bên lựa chọn pháp luật Singapo thì tòa án sẽ giải quyết theo luật Singapo.

Bài liên quan:

Các điều kiện chọn luật trong quan hệ hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài

Các điều kiện chọn luật trong quan hệ hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài.

Theo khoản 1 Điều 683 BLDS 2015: Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng […].

Cũng theo quy định của pháp luật, khi lựa chọn luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, cần đáp ứng các điều kiện nhất định, thông qua quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau, có thể tổng hợp lại như sau:

1. Phải có sự thỏa thuận, thống nhất của các bên trong hợp đồng trong việc lựa chọn luật

Bản chất của mọi loại hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên. Việc luật được lựa chọn phải được xuất phát từ sự thỏa thuận, thống nhất của các bên nhằm mục đích giảm thiểu việc phát sinh các tranh chấp sau này.

Ví dụ: Trong một hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp A (Việt Nam) và doanh nghiệp B (Trung Quốc). Doanh nghiệp B tự ý lựa chọn luật áp dụng là Luật Singapo mà chưa có sự đồng ý của doanh nghiệp A thì khi có tranh chấp xảy ra, không thể áp dụng luật Singapo. Vì việc lựa chọn luật áp dụng trong trường hợp này là ý chí đơn phương của doanh nghiệp B, chưa có sự đồng ý của doanh nghiệp A nên thỏa thuận không hợp pháp.

2. Chỉ được lựa chọn luật với các vấn đề mà điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật Việt Nam cho phép lựa chọn

Nguyên tắc này có thể hiểu: các bên có quyền tự do lựa chọn, nhưng phải trong khuôn khổ của luật.

Ví dụ: Đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài giữa doanh nghiệp A của Việt Nam và doanh nghiệp B của Trung Quốc và đối tượng của hợp đồng là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam, dù cho hai bên có thống nhất lựa chọn luật áp dụng là Luật Singapo thì với trường hợp này, luật Việt Nam vẫn được áp dụng và chỉ có thể áp dụng luật Việt Nam. Vì theo Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015, nếu đối tượng của hợp đồng và bất động sản thì các bên không có quyền lựa chọn luật áp dụng.

3. Hậu quả của việc áp dụng luật lựa chọn không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt nam

Được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 670 Bộ luật Dân sự 2015, quy định này đặt ra nhằm tránh các trường hợp hai bên áp dụng luật nước ngoài nhưng hậu quả của việc áp dụng luật này lại trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo vệ nguyên tắc cơ bản của quốc gia có Toà án không bị ảnh hưởng bởi pháp luật nước ngoài.

Ví dụ: Trong mối quan hệ kết hôn của Chị A (Việt Nam) và Anh B (Ai Cập), hai bên có thống nhất sử dụng Luật Hồi giáo. Tuy nhiên luật này có quy định “chỉ trao quyền ly hôn cho người chồng”, điều này trái với nguyên tắc bình đẳng của pháp luật Việt Nam.

4. Chỉ được lựa chọn các quy phạm thực chất,  không được lựa chọn luật có quy phạm xung đột

Bởi quy phạm xung đột không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên mà chỉ đưa ra dấu hiệu chung để xác định pháp luật áp dụng cho quan hệ đó, nên nếu các bên lựa chọn quy phạm xung đột, sẽ làm mất đi ý nghĩa lựa chọn luật ban đầu của các bên.

Ví dụ: Anh A (Việt Nam) và chị B (Đài Loan) là vợ chồng và đang làm thủ tục ly hôn. Hai người thống nhất sử dụng bản thỏa thuận tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Đài Loan. Tuy nhiên thỏa thuận chọn luận này sẽ không được công nhận vì bản thỏa thuận tương trợ tư pháp này không có quy phạm điều chỉnh về xác lập luật áp dụng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, mà chỉ có công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của Trọng tài và những nội dung khác.

5. Việc lựa chọn luật không nhằm lẩn tránh pháp luật

Mọi hành vi sử dụng pháp luật nước khác nhằm thoát khỏi sự chi phối của pháp luật Việt Nam để trục lợi đều không được phép.

Ví dụ: Cần sa là một chất kích thích bị cấm tàng trữ và buôn bán tại Việt Nam nhưng lại hoàn toàn hợp pháp tại Canada. Giả sử có Doanh nghiệp A của Việt Nam và doanh nghiệp B của Trung Quốc có giao dịch mua bán cần sa và chọn luật áp dụng là luật Canada, thì đây chính là hành động lẩn tránh pháp luật và thỏa thuận lựa chọn luật này sẽ không có hiệu lực.

Trên đây là quan điểm về các điều kiện chọn luật trong quan hệ hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài.

Bài viết liên quan:

Giả sử ngành sản xuất mặt hàng A của nước B muốn kiện các nhà xuất khẩu Việt Nam vì đã bán phá giá mặt hàng A vào nước B

Câu hỏi: Giả sử ngành sản xuất mặt hàng A của nước B muốn kiện các nhà xuất khẩu Việt Nam vì đã bán phá giá mặt hàng A vào nước B.

Nếu ngành sản xuất mặt hàng A của nước B có tổng cộng 5 nhà sản xuất (NSX), trong đó:

+ NSX 1 sản xuất ra 9% tổng sản lượng nội địa mặt hàng A của nước B

+ NSX 2 sản xuất ra 5% tổng sản lượng nội địa mặt hàng A của nước B

+ NSX 3 và 4 sản xuất ra 15% tổng sản lượng nội địa mặt hàng A của nước B

+ NSX 5 sản xuất ra 56% tổng sản lượng nội địa mặt hàng A của nước B

Dựa vào các quy định của WTO, cho ý kiến về các trường hợp sau:

+ Nếu NSX 2 (5%) ủng hộ, NSX 1 (9%) và 3 (15%) phản đối, đơn kiện có bị bác bỏ không?

+ Nếu NSX 1 (9%) ủng hộ, NSX 2 (5%)  và 3 (15%) phản đối, đơn kiện có bị bác bỏ không?

Trả lời:

Theo quy định của WTO, một vụ kiện chống bán phá giá chỉ có thể được tiến hành nếu nó được bắt đầu bởi các chủ thể có quyền khởi kiện là:

– Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu (hoặc đại diện của ngành);

– Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;

Để được xem xét thì chủ thể nộp đơn khởi kiện phải có tính đại diện ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước – được xét trên 2 tiêu chí:

+ Các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện có sản lượng sản phẩm chiếm hơn 50% tổng sản lượng sản xuất ra bởi tất cả các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến ủng hộ hoặc phản đối đơn kiện; và

+ Các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện phải có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm hơn 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của toàn bộ ngành sản xuất trong nước

a. Nếu NSX 2 (5%) ủng hộ , NSX 1(9%) và 3 (15%) phản đối:

Tổng số phần trăm bày tỏ ý kiến của NSX 1,2,3 là: 5%+9%+15%=29% được xem tương đương 100% thì việc NSX 2 ủng hộ đơn kiện có sản lượng sản phẩm tương tự = 17,24% < mức 50% tổng sản lượng sản xuất ra bởi tất cả các nước đã bày tỏ ý kiến ủng hộ hay phản đối đơn kiện.

-> Vì vậy không đáp ứng tiêu chí này

=> Như vậy đơn kiện sẽ bị bác bỏ do nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện không đáp ứng được tính đại diện theo 1 trong 2 tiêu chí nêu trên.

b. Nếu NSX 1(9%) ủng hộ , NSX 2(5%) và 3 (15%) phản đối:

Tổng số phần trăm bày tỏ ý kiến của NSX 1,2,3 là: 5%+9%+15%=29% được xem tương đương 100% thì việc NSX 1 ủng hộ đơn kiện có sản lượng sản phẩm tương tự =31,03% < mức 50% tổng sản lượng sản xuất ra bởi tất cả các nước đã bày tỏ ý kiến ủng hộ hay phản đối đơn kiện.

-> Vì vậy không đáp ứng tiêu chí này

=> Như vậy đơn kiện sẽ bị bác bỏ do nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện không đáp ứng được tính đại diện theo 1 trong 2 tiêu chí nêu trên.

Bài liên quan:

Giả sử Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia (là các nước đang phát triển) cùng với nhiều nước khác cùng nhập khẩu một mặt hàng X vào nước Y

Câu hỏi: Giả sử Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia (là các nước đang phát triển) cùng với nhiều nước khác cùng nhập khẩu một mặt hàng X vào nước Y.

Trong đó:

+ Hàng Trung Quốc chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y;

+ Các nước Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia mỗi nước chiếm 3,5% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y;

+ 79,5% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y đến từ các nước khác.

Nếu ngành sản xuất mặt hàng X của nước Y định kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng X chỉ của Việt Nam nhập khẩu vào Y thì đơn kiện có được chấp thuận không?

Giả sử, vụ kiện chống lại hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc thì vụ kiện có được tiến hành hợp pháp theo quy định của WTO không?

Trả lời:

Theo quy định của WTO, nước nhập khẩu không được tiến hành điều tra (và không được áp thuế đối kháng) nếu nước xuất khẩu là nước đang phát triển và có lượng nhập khẩu sản phẩm liên quan ít hơn 4% tổng nhập khẩu hàng hoá tương tự vào nước nhập khẩu đó. Là một nước đang phát triển, Việt Nam được hưởng quy chế này.

Tuy nhiên, quy định này sẽ không được áp dụng nếu tổng lượng nhập khẩu từ tất cả các nước xuất khẩu có hoàn cảnh tương tự chiếm trên 9% tổng lượng nhập khẩu hàng hoá tương tự vào nước nhập khẩu.

Nếu ngành sản xuất mặt hàng X của nước Y định kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng X chỉ của Việt Nam nhập khẩu vào Y thì đơn kiện sẽ bị bác hoặc nếu vụ kiện đã khởi xướng thì cũng sẽ bị đình chỉ do Việt Nam là nước đang phát triển và có lượng nhập khẩu mặt hàng X vào nước Y ít hơn 4% tổng nhập khẩu hàng X từ tất cả các nguồn vào Y.

Nếu vụ kiện chống lại Việt Nam và Trung Quốc thì cũng theo tiêu chí này, vụ việc có thể sẽ tiếp tục với hàng Trung Quốc nhưng phải chấm dứt với hàng Việt Nam.

Tuy nhiên nếu vụ kiện tiến hành chống lại cả Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Trung Quốc thì vụ kiện sẽ được tiến hành bình thường với tất cả 4 nước này vì tổng lượng nhập khẩu hàng X vào nước Y từ 3 nước Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia (các nước đang phát triển có lượng nhập trong tổng lượng nhập hàng X vào Y dưới 4%) là 10,5% (cao hơn mức 9% theo quy định).

Bài liên quan:

Quản lý Nhà nước về vấn đề xuất, nhập khẩu và thực tiễn áp dụng

Quản lý Nhà nước về vấn đề xuất, nhập khẩu và thực tiễn áp dụng.

Có thể khẳng định rằng nền kinh tế của Việt Nam sau nhiều năm đổi mới và chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã và đang khẳng định được bước đi đúng hướng, đồng thời cũng tạo ra một môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện cả về nhân tố cấu thành cũng như hành lang pháp lý.

Mặt khác, có thể nói rằng sự giao lưu giữa các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng theo xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Nếu một quốc gia chỉ đóng của không giao lưu với nền kinh tế khác và thực hiện cơ chế tự cung tự cấp thì quốc gia đó không thể nào phát triển được. Mà để có một nền kinh tế phát triển thì quốc gia đó phải tăng cường giao lưu hợp tác, thúc đẩy giao lưu, hội nhập với nền kinh tế bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.Với việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, Việt Nam càng có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, chúng ta thấy rằng Việt Nam vẫn là một nước được xếp vào nhóm đang phát triển, vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, công nghiệp cũng chưa phát triển mạnh nhưng bù lại chúng ta có rất nhiều tiềm năng. Do đó, để đảm bảo cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước, thì phải thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Một trong những biện pháp đó là phát triển kinh tế ngoại thương, mở rộng sự hợp tác với các nền kinh tế trên thế giới là một yêu cầu cấp bách.

Như vậy càng khẳng định rằng xuất nhập khẩu có vai trò cần thiết và quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh cả thế giới đang chống chọi với dịch Covid-19, vượt qua khó khăn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 duy trì đà tăng trưởng dương. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại, cũng như thực thi hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu. Với triển vọng thương mại toàn cầu sẽ khởi sắc hơn khi đại dịch Covid-19 được khống chế, sự tận dụng một cách hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết xuất, nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hiểu được tầm quan trọng này, nhóm chúng tôi đã quyết định chọn đề tài “Quản lý Nhà nước về vấn đề xuất, nhập khẩu và thực tiễn áp dụng” để nghiên cứu, tìm hiểu đồng thời đưa ra một số nhận xét và ý kiến đánh giá xoay quanh vấn đề cấp thiết này.

Kết cấu đề tài

Bài làm được chia làm hai phần chính bao gồm:

Phần 1: Một số vấn đề lý luận quản lý Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu. Phần này nêu ra những khái niệm liên quan và chỉ rõ những biện pháp quản lý của Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật về vấn đề xuất, nhập khẩu. Đồng thời từ đó chỉ ra những đặc điểm và ý nghĩ của các biện pháp đó.

Phần 2: Thực tiễn quy định của pháp luật về quản lý các biện pháp xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam và thực trạng thực hiện. Từng mục sẽ đi vào phân tích, tìm hiểu chi tiết những vấn đề liên quan, trình bày thực tiễn áp dụng các biện pháp quản lý xuất, nhập khẩu tại Việt Nam.

Đưa ra những nhận xét về mặt tích cực cũng như hạn chế, từ đó đề ra một số giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với vấn đề xuất, nhập khẩu hiện nay.

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XUẤT, NHẬP KHẨU

1.1. Khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu

– Hoạt động xuất, nhập khẩu là một hoạt động kinh tế phản ánh sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa trong nước và nước ngoài thông qua việc mua, bán hàng hóa và dịch vụ qua biên giới quốc gia. Mục tiêu chính của xuất, nhập khẩu là tạo ra cầu nối giữa cung, cầu hàng hóa dịch vụ của thị trường trong và ngoài nước.

– Căn cứ Khoản 1 Điều 28 Luật thương mại 2005 đã nêu rõ khái niệm xuất khẩu như sau: “Xuất khẩu hàng hoá là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”

– Căn cứ Khoản 1 Điều 28 Luật thương mại 2005 cũng đã nêu khái niệm nhập khẩu như sau: Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

1.2.  Khái niệm quản lý nhà nước về hoạt động xuất, nhập khẩu

Quản lý nhà nước về hoạt đông xuất, nhập khẩu là sự tác động của Nhà nước lên các chủ thể chịu trách nhiệm về hoạt động xuất, nhập khẩu thông qua quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách và quy định pháp luật; thiết lập và sử dụng hiệu quả công cụ xuất, nhập khẩu; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu ; kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu, tạo ra môi trường thuận lợi nhất để hoạt động xuất, nhập khẩu phát triển đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, có hiệu quả một cách bền vững trong điều kiện biến động của môi trường trong nước và thương mại quốc tế.

CHƯƠNG II. THỰC TIỄN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XUẤT, NHẬP KHẨU

2.1. Các biện pháp quản lý

Theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, có 5 nhóm biện pháp quản lý ngoại thương chính như sau:

– Các biện pháp hành chính;

– Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch;

– Biện pháp phòng vệ thương mại;

– Biện pháp kiểm soát khẩn cấp;

– Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương.

2.1.1. Các biện pháp hành chính

Các biện pháp hành chính (Chương II): Luật Quản lý ngoại thương quy định rõ các biện pháp quy định tại Chương này là sự đảm bảo hài hòa, lồng ghép giữa hai nguyên tắc cơ quan nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Theo đó, các biện pháp mang tính hạn chế quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu được quy định nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng, hoặc phù hợp cam kết quốc tế…phải thực hiện theo những nguyên tắc xác định trong Luật và chỉ được áp dụng đối với danh mục hàng hóa cụ thể. Những hàng hóa ngoài các danh mục này được tự do xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể các biện pháp như sau:

Về biện pháp cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu: Luật quy định nguyên tắc xác định Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, theo đó việc cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến hàng hóa an ninh, quốc phòng chưa được phép, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, môi trường, sức khỏe cộng đồng…và giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục. 

Về biện pháp quản lý theo giấy phép, điều kiện: Luật phân biệt rõ giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu mà doanh nghiệp phải có khi làm thủ tục thông quan hàng hóa với các điều kiện (không phải là giấy phép) mà doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Các loại giấy phép và điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu nói trên sẽ được Chính phủ quy định công khai, minh bạch để cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, thực hiện, giám sát. 

Biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, lưu hành tự do: Luật quy định về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; giấy chứng nhận lưu hành tự do theo hướng quy định về việc doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). 

Quản lý hoạt động ngoại thương với các nước có chung biên giới: Luật quy định khung khổ pháp lý chung về đối tượng, hoạt động, địa điểm, phương thức và chính sách ưu đãi, đặc thù của hoạt động thương mại biên giới và nguyên tắc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong hoạt động thương mại biên giới đồng thời quy định về điều hành, phối hợp quản lý hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu biên giới đất liền; chính sách phát triển các hoạt động hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua các cửa khẩu biên giới đất liền và phát triển du lịch. 

Quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng: Luật phân định rõ quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu giữa nội địa với các khu vực hải quan riêng, giữa các khu vực hải quan riêng với nhau cũng như giữa khu vực hải quan riêng với bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư.

Điểm mới của Luật là quy định chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý ngoại thương đối với khu hải quan riêng. Quy định như trên giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực hải quan riêng đồng thời tận dụng được lợi thế của các khu này nhất là các khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu kinh tế biển nơi có cửa khẩu, cảng biển thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ sản xuất.

2.1.2. Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch

Luật Quản lý ngoại thương quy định mục tiêu áp dụng và kiểm tra hàng hóa đáp ứng yêu cầu của các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch nhằm thực hiện mục tiêu hệ thống hóa, pháp điển hóa, minh bạch hóa các quy định của pháp luật, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điểm mới là Luật này đã quy định nguyên tắc tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, quản lý rủi ro trong thực hiện các biện pháp và kiểm tra chuyên ngành; phân định rõ các nhóm hàng hóa với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch cụ thể, đảm bảo mức độ phù hợp, hài hòa giữa quản lý nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Luật đã quy định hoạt động kiểm tra chuyên ngành, trong đó quy định cụ thể đối tượng kiểm tra, cơ quan tiến hành kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra để thống nhất về cơ sở pháp lý, đối tượng, nguyên tắc, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hiện kiểm tra đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành đang được quy định rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

2.1.3. Các biện pháp phòng vệ thương mại 

Nội dung của Luật Quản lý ngoại thương được pháp điển hóa, sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản của tại 03 Pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành đồng thời bổ sung nội dung mới về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, ứng phó với vụ việc do nước ngoài khởi xướng nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý trên thực tiễn, đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp này.

2.1.4. Kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương 

Luật Quản lý ngoại thương quy định cụ thể một số trường hợp chính cần có sự can thiệp khẩn cấp đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa từ một hoặc một số đối tác thương mại xuất phát từ yếu tố khách quan hoặc chủ quan.

Các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa bao gồm[1]:

  1. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
  2. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
  3. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
  4. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó.
  5. Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.
  6. Các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.

2.1.5. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương

Luật Quản lý ngoại thương quy định về chính sách phát triển hoạt động ngoại thương như một trong những công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ngoại thương theo cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Theo đó, Nhà nước thúc đẩy phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp như: các biện pháp tín dụng, xúc tiến thương mại và các hoạt động hỗ trợ phát triển khác, với trọng điểm là xúc tiến thương mại.

Luật cũng quy định một số chính sách đặc thù trong phát triển ngoại thương đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất được cũng như các sản phẩm công nghệ và nguyên liệu đầu vào cần thiết phục vụ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, các vùng có điều kiện địa lý – kinh tế khó khăn tham gia hoạt động ngoại thương.

2.2. Đặc điểm của biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động xuất, nhập khẩu

Quản lý xuất, nhập khẩu là phương thức mà qua đó, Nhà nước tác động có định hướng theo những điều kiện nhất định đối với các đối tượng (chủ thể và khách thể) tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo cho sự vận động của hoạt động xuất, nhập khẩu hướng đến các mục tiêu kinh tế – xã hội đã định của Nhà nước.

Quản lí nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu là tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phát triển dịch vụ xuất khẩu, quản lý nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời Quản lý hoạt Động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài và thương nhân không có hiện diện tại Việt Nam; hoạt Động của các văn phòng, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

2.3. Ý nghĩa của quản lý nhà nước về hoạt động xuất, nhập khẩu

Ý nghĩa của quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu bắt nguồn từ sự cần thiết phải phối hợp các hoạt động lao động chung trên cơ sở xã hội hoá sản xuất và xuất nhập khẩu. lực lượng sản xuất và trình độ phát triển sản xuất hàng hoá càng cao thì càng cần thiết phải thực hiện vai trò này một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt. Tùy theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hàng hóa trong từng giai đoạn nhất định mà giữa các phân ngành của nền kinh tế có những mối quan hệ tỷ lệ phù hợp đảm bảo khai thác hợp lý các nguồn lực và phát triển.

Sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, sự tác động thương xuyên hay biến động của các yếu tố tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội trong nước cũng như quốc tế luôn là những nguyên nhân phá vỡ những mối quan hệ tỷ lệ nói trên, trước tình hình đó, nhà nước là người nhận thức đúng các quy luật vận động phát triển, nắn vững và dự vạch ra cac chiến lược và kế hoạch phát triển thể chế hóa các chủ trương đường lối phát triển nông nghiệp thành các quy chế, luật lệ để hướng dẫn và sử dụng các kích thích kinh tế nhằm định hướng phát triển nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng phát triển đúng hướng và có hiểu quả.

CHƯƠNG III. THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ XUẤT, NHẬP KHẨU TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

3.1. Thực trạng quy định của pháp luật về quản lý xuất, nhập khẩu tại Việt Nam

3.1.1. Các biện pháp hành chính

Về biện pháp cấm, tạm ngừng xuất nhập khẩu

Trong bối cảnh, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lần đầu tiên, Luật Quản lý ngoại thương đã khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Riêng đối với đối tượng là thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, Luật quy định quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này theo đúng các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Về quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu nhập khẩu

Hàng năm, Bộ Công Thương đưa ra danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý xuất, nhâp khẩu bằng hình thức xuất, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện. Căn cứ vào danh mục của Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa kèm mã HS trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài Chính về mã HS. Cũng căn cứ vào danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có giấy phép, điều kiện, các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chi tiết về việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy định pháp luật và thực hiện việc cấp phép theo quy định.

Về hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu

Theo Luật quy định chi tiêt các biện pháp hạn chế bao gồm hạn chế về số lượng, thương nhân và cửa khẩu với nguyên tắc xác định loại hàng hóa, biện pháp này bao gồm thực hịện chế độ hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan, cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu, chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Cụ thể, đối với biện pháp hạn ngạch thuế quan. Đây là biện pháp Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO theo đó có 04 mặt hàng sẽ được Việt Nam duy trì cơ chế hạn ngạch thuế quan bao gồm trứng gia cầm, muối, đường, lá thuốc lá. Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng trong trường hợp có ưu đãi đặc biệt đối với một số đối tác thương mại đặc biệt như Lào, Campuchia hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Biện pháp hạn ngạch chỉ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu trong các trường hợp : áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện (VERs); áp đặt nhưng phải tham vấn về đền bù với đối tác bị thiệt hại; theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với biện pháp chỉ định thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu. Đây là biện pháp Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO theo đó biện pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp thương mại nhà nước đối với một số mặt hàng như thuốc lá điếu, xuất bản phẩm…được cam kết tại Bảng 5 Đoạn 72 Báo cáo Ban Công tác gia nhập WTO của Việt Nam.

Về chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.

Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Về chứng nhận lưu hành tự do

Chính Phủ quy định danh mục hàng hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do, đồng thời quy định thẩm quyền và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS).

Giấy chứng nhận lưu hành tự do là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.[2]

CFS là chứng nhận bắt buộc phải có để làm hồ sơ xin cấp giấy phép công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với một số thực phẩm nhập khẩu đặc biệt như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia, hương liệu thực phẩm…

Thẩm quyền quản lý CFS sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu và cấp CFS sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu của các bộ ngành được quy định bởi Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với các lĩnh vực tương ứng.

Về các biện pháp quản lý hoạt động ngoại thương khác

Theo Luật Quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp quản lý hoạt động ngoại thương khác bao gồm:

  • Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu:
  • Quá cảnh hàng hóa;
  • Đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài;
  • Ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu;
  • Gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài.

Về hoạt động ngoại thương với các nước có chung biên giới

Ngày 23/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định  chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. 

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh (thương nhân) được thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia. Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam  thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân hoặc cá nhân của nước có chung biên giới bằng hợp đồng bằng văn bản hoặc bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới (thương nhân Việt Nam ký tên, đóng dấu và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của bảng kê).

Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Về quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng

Trong Luật Quản lý ngoại thương, vấn đề quản lý hàng hóa trong khu vực hải quan riêng được quy định từ Điều 56 đến Điều 59.

Cụ thể: Điều 56, áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng. Trong đó, áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa được đưa từ khu vực hải quan riêng ra nước ngoài như đối với hàng hóa được đưa từ nội địa ra nước ngoài; không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng. Tuy nhiên, hàng hóa đưa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng.

Luật quy định không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trừ biện pháp cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, biện pháp kiểm dịch đối với hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng. Tuy nhiên, hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng.

Về áp dụng biện pháp quản lý mua bán hàng hóa giữa các khu vực hải quan riêng, Điều 58 quy định: Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa mua bán, vận chuyển giữa các khu vực hải quan riêng trong lãnh thổ Việt Nam.

Mặt khác, việc vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực hải quan riêng phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3.1.2. Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch

Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 đã quy định các các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch tại Chương III. Luật quy định việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa; bảo vệ an toàn sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia.

Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch hết sức cần thiết và  có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch cũng cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc do pháp luật quy định. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 60 Luật quản lý ngoại thương năm 2017 đã quy định việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

  • Một là, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và tránh tạo ra rào cản không cần thiết đối với hoạt động ngoại thương, nhất là đối với hàng hóa xuất khẩu.
  • Hai là, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong điều kiện cho phép, bảo đảm yêu cầu quản lý và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Ba là, bảo đảm các nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3.1.3. Các biện pháp phòng vệ thương mại

Các biện pháp phòng vệ thương mại phổ biến bao gồm: biện pháp chống bán phá giá, biện pháp trợ cấp và biện pháp tự vệ.

Biện pháp chống bán phá giá: đây là biện pháp để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh. Khi hàng hoá bị xem là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá  như thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, can thiệp hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế chống bán pháp giá và biện pháp phổ biến nhất hiện nay.

Biện pháp chống trợ cấp: là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.

Biện pháp tự vệ: là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu.

Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định pháp luật về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề này bao gồm:

  • Luật Quản lý ngoại thương 2017 ngày 12 tháng 6 năm 2017  quy định về việc chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
  • Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp phòng vệ thương mại.
  • Luật cạnh tranh năm 2018 số 23/2018/QH14 mới nhất

3.1.4. Biện pháp kiểm soát khẩn cấp

Theo Điều 100 Luật Quản lý ngoại thương 2017, chỉ được áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong những trường hợp:

1. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.

2. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.

3. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.

4. Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó.

5. Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.

6. Các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.

Và khi áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp, cần tuân thủ các quy tắc sau:

1. Biện pháp kiểm soát khẩn cấp chỉ được áp dụng trong các trường hợp quy định.

2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp hành chính phù hợp theo quy định tại Chương II của Luật này.\

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp phải đánh giá, lựa chọn biện pháp gây ít cản trở nhất cho hoạt động ngoại thương.

4. Biện pháp kiểm soát khẩn cấp được bãi bỏ khi không còn các trường hợp quy định hoặc thông qua thương lượng, đàm phán.[3]

3.1.5. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương

Nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp sau đây:

a) Hoạt động tín dụng do Chính phủ quy định phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương bao gồm hỗ trợ xây dựng, bảo vệ, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước ra thị trường nước ngoài; thiết lập và cung cấp hệ thống thông tin xúc tiến thương mại; kết nối giao thương giữa các thương nhân nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả để phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công xuất khẩu;

c) Các biện pháp khác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu

3.2. Thực trạng chấp hành quy định trong quản lý nhà nước về xuất, nhập khẩu tại Việt Nam – một số vụ việc cụ thể

3.2.1. Các biện pháp hành chính

– Tác động từ dịch Covid-19 trên khắp thế giới đã khiến nhiều quốc gia tích trữ gạo với số lượng, Việt Nam cũng có thể đối mặt với nguy cơ thiếu gạo. Chính vì vậy Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm ngưng xuất khẩu gạo đến tháng 5/2020. Trong những tháng đầu năm 2020, diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, khó lường tới tình hình kinh tế – xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dịch bệnh đã và đang tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và có thể ảnh hưởng lâu dài. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu đối với một số chủng loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có gạo, đang tăng nhanh trên toàn cầu. Bên cạnh nhu cầu thông thường mà các nước xuất khẩu có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu dự trữ với số lượng lớn khiến cán cân cung cầu mất cân đối cục bộ, giá cả biến động mạnh, tiềm ẩn khả năng gây ra bất ổn xã hội. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận về một số biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 5/2020.

– Với hoạt động xuất nhập khẩu với các nước có chung đường biên giời, Chính phủ cũng có yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng xuất lậu, nhập lậu. Như trong thời gian trước tình trạng cá tầm kém chất lượng nhập lậu từ biên giới Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nhất định đến ngành nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam

– Thực tế nhiều doanh  nghiệp nắm rất rõ về quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng cố tình giảm thiếu các khâu, các bước trong quá trình khai  báo hay cố tình quên các chứng từ về hàng hóa để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Có những doanh nghiệp cố tình gian lận sử dụng sai mẫu nhằm hưởng ưu đãi về thuế quan. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam ủy thác cho các công ty vận tải và giao nhận, các công ty thuê tàu làm thủ tàu làm thủ tục trong đó có việc làm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều đó  thực sự thuận tiện và nên làm với các công ty giao nhận đôi khi năm chắc thủ tục hơn doanh nghiệp. Nhưng đối với những mặt hàng phức tạp, cần giải trình cặn kẽ nguồn gốc của từng thành phần nguyên liệu vì các cá nhân được ủy thác không trực tiếp thu mua, sản xuất hay gia công chế biến sản phẩm dẫn đến khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

– Các doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự quan tâm đến các chương trình ưu đãi về thuế quan, đây là một vấn đề ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ bởi các chương trình ưu đãi về thuế quan thường gắn liền với giấy chứng nhận xuất xứ bỏ qua sự theo dõi  các chương trình ưu đãi thuế quan chính là bỏ qua những cơ hội có lợi cho bản thân các doanh nghiệp, bỏ quan sự phát triển và tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

– Đối với cơ quan chức năng: Có những trường hợp cán bộ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp không chính xác và đầy đủ. Vì dụ như trường hợp chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Khánh Hào (Nha Trang) hướng dẫn doanh nghiệp khai sai mã số làm thủ tục khiến hải quan nước nhập khẩu không chấp nhận, do đó hàng đến nước nhập khẩu mà không được chuyển đến người mua. Việc kiểm tra các chứng từ, khai báo của chủ hàng trước khi cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa còn có những lúc không phát hiện thấy những sai xót, khai thiếu, không đầy đủ…

3.2.2. Các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch

Liên quan đến vi phạm về áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch. Vừa qua, ngày 3/2/2021, Cục Thú y đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đưa động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch theo quy định đối với 04 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng Lợn sống dùng để giết mổ qua cửa khẩu Lao Bảo. Theo đó, chủ của 4 doanh nghiệp này đã có hành vi tự ý tiêu thụ 163 con lợn nhập khẩu trong khi chờ kết quả kiểm dịch để hoàn thành thủ tục hải quan.

Cũng vừa qua, ngày 30.3, Tổng cục Hải quan đã có thông tin đến báo chí cảnh báo tình trạng nhập khẩu cá tầm theo đường chính ngạch, có giấy phép nhập khẩu, nhưng kết quả kiểm tra thì khai cá tầm chủng loại này, nhưng nhập chủng loại khác, không thuộc danh mục được cho phép nhập bởi Tổng cục Thủy sản, không được cấp giấy chứng nhận bởi Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam.

3.2.3. Các biện pháp phòng vệ thương mại

Năm 2020, nhiều nước tiếp tục khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều ngành sản xuất bị thiệt hại bởi hàng hóa nhập khẩu đã có hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, xu thế theo dõi, điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ gia tăng.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao nhất với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019. Bộ Công Thương đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Điển hình như, cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp…

Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada….

Năm 2020, điểm đáng chú ý là công tác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương chú trọng đẩy mạnh, góp phần bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.

Đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra 22 vụ việc phòng vệ thương mại, gồm 14 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Các biện pháp này bao phủ nhóm lĩnh vực và sản phẩm đa dạng, cụ thể là các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm thanh định hình, ván gỗ, sợi filament, đường lỏng HFCS, đường mía, sorbitol,…

Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Riêng trong năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 8 vụ việc.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng HFCS và điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.

3.2.4. Biện pháp kiểm soát khẩn cấp

Liên quan đến vấn đề này, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Chính phủ đã ra Nghị quyết 20/NQ-CP quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp, cầm xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế ra nước ngoài, trừ trường hợp xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế, nhằm mục đích đảm bảo số lượng khẩu trang cần thiết sử dụng trong nước. Sau đó, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 60/NQ-CP để bãi bỏ quy định cấm xuất khẩu khẩu trang trước đó.

3.2.5. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương

Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch bệnh, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại đã thực hiện thí điểm hoạt động trên các ứng dụng trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu hay giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh.

Nổi bật là Cục Xúc tiến thương mại đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài tổ chức 20 hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Hà Lan, Bulgaria…

Nhờ có các biện pháp xúc tiến thương mại của Chính phủ, ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% và nhập khẩu khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó.

3.3. Đánh giá chung về hoạt động quản lý xuất, nhập khẩu tại Việt Nam

3.3.1. Một số điểm tích cực và hạn chế

a. Tích cực

– Chính sách, cơ chế điều hành xuất nhập khẩu từng bước được hoàn thiện, ổn định lâu dài và có thể nhận biết trước.

– Hệ thống pháp luật về thương mại và quản lý xuất nhập khẩu cơ bản được ban hành thực sự là công cụ thiết yếu điều chỉnh các hoạt động thương mại đi đúng hướng và thúc đẩy xuất nhập khẩu phát triển.

– Đẩy mạnh tiến trình hội nhập, tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế và khu vực.

– Các đối tượng xuất nhập khẩu từng bước được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ thông lệ quốc tế.

–      Công tác phát triển thị trường đạt nhiều kết quả:

+     Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do ( FTA ) , trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực . Các FTA mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác quan trọng , là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu

+     Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả . Xuất khẩu sang các thị trường có FTA tăng cao trong nhiều năm , Các thị trường mỏi trong các nước đối tác thuộc Hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao , thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả cam kết CPTPP Xuất khẩu sang Canada năm 2017 đạt 3.9 tỷ USD hàng 29 % so với năm 2018 , sang Mexico đạt 2 83 tỷ USD , tăng 26 2 % . Tình hết 9 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid – 19 xuất khẩu sang Canada vẫn tăng 10 2 % so với cùng kỳ ( đạt 3,1 tỷ USD , và arg Max tầng 79 % ( đạt 2,34 tỷ USD ) .

b. Hạn chế

 – Những quy định về tờ khai, sửa tờ khai, in tờ khai còn thiếu sót và chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình khai báo.

– Nhân viên hải quan phải cùng một lúc xử lý nhiều hệ thống, thời gian xử lý chậm, khó kiểm soát và điều hành

– Tổ chức bộ máy ngành hải quan cồng kềnh, phân tán, chậm đổi mới để bắt kịp yêu cầu quản lý tập trung hải quan điện tử, không giới hạn không gian địa lý.

– Đội ngũ nhân lực còn hạn chế đặc biệt là thiếu hẳn đội ngũ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nghiệp vụ hải quan hiện đại (giá, mã, kiểm soát, tình báo, phân tích phân loại, quản lý rủi ro, công nghệ thông tin).

– Những thay đổi trong chính sách mặt hàng, giá tính thuế, xuất xứ hàng hóa, áp dụng các tiêu chí quản lý rủi ro, lỗi chương trình,… gây khó khăn cho việc thực hiện quản lý

-Thiếu sót trong các phần mềm chương trình, sự không đồng bộ giữa các hệ thống gây khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi việc nộp thuế, lệ phí, quản lý giá tính thuế,…

-Những bất cập do việc áp dụng không đồng bộ hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro thủ công và điện tử làm ảnh hưởng đến kết quả xử lý hồ sơ.

3.3.2. Nguyên nhân và một số giải pháp khắc phục

a. Nguyên nhân

  • Xu hướng toàn cầu hóa và tự do thương mại diễn ra ngày càng mạnh mẽ tạo sức ép và khó khăn rất lớn trong quá trình cam kết mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế.
  • Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật trọng yếu và công nghiệp hóa vẫn còn nghèo nàn, khai thác tài nguyên và gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu, ngân sách nhà nước vẫn bị thiếu hụt, giá cả hàng hóa có xu hướng tăng, nhập siêu không giảm
  • Tỷ trọng và chất lượng đầu tư phát triển, trong đó đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu nhìn chung vẫn còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng gia tăng quy mô sản xuất và xuất khẩu.
  • Tình trạng thiếu hụt cán cân thương mại.

b. Giải pháp

  • Hoàn thiện chiến lược quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu. Phải thực hiện điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu trên cơ sở tổng thể của cả nền kinh tế, định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp và phải tính đến hiệu ứng lan tỏa từ chính sách xuất nhập khẩu đối với các lĩnh vực khác như an ninh, an toàn, giá cả, sức khỏe con người, đồng thời phải gắn liền hiệu quả với từng ngành hàng sản xuất; Phải kết hợp sử dụng các phương pháp định lượng và định tính để hoạch định các chính sách và công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động xuất nhập khẩu; Tiếp tục hoàn thiện quyền tự do thương mại gắn liền với quyền tự do xuất nhập khẩu và ban hành cơ chế đồng bộ để đảm bảo cho quyền này được phát huy có hiệu quả; Đi đôi với mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, phân cấp mạnh mẽ quyền hạn cho cơ sở để chủ động sản xuất kinh doanh cần phải tăng cường vai trò quản lý hoạt động xuất nhập khẩu ở các địa phương và khu vực…
  • Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về . Hoàn thiện chính sách thuế quan, hoàn thiện biểu thuế xuất nhập khẩu, sử dụng hạn ngạch thuế quan để bảo về sản xuất trong nước, hoàn thiện hệ thống các công cụ phi thuế quan, hoàn thiện các biện pháp quản lý định lượng, quản lý ngoại hối và tỷ giá linh hoạt và hợp lý…
  • Tổ chức lại hoạt động xuất nhập khẩu. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu phải đạt các mục tiêu: Đổi mới toàn bộ hệ thống pháp luật xuất nhập khẩu từ quy trình lập pháp, phương pháp soạn thảo, thẩm định cho đến ban hành đưa luật vào thực tiễn cuộc sống; tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, hàng hóa, tiền tệ và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo sự quản lý vĩ mô và chỉ huy điều hành thống nhất của các hoạt động xuất nhập khẩu; hệ thống pháp lý từ luật cho đến các qua trình thủ tục, giữa phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh phải thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo sự tương thích với hệ thống pháp luật và thông lệ quốc tế trên cơ sở cân nhắc giải quyết tốt mối quan hệ giữa yêu cầu quản lý nhà nước và thông thoáng tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu…
  • Hoàn thiện các chính sách thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
  • Hoàn thiện công tác tranh tra kiểm tra quản lý nhà về hoạt động xuất nhập khẩu. Nâng cao hiệu lực công tác thanh tra kiểm tra, đổi mới biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Quả thực, vai trò của việc quản lý Nhà nước đối với vấn đề xuất nhập khẩu là rất quan trọng. Nhà nước ta đã ra sức nghiên cứu về hoạt động ngoại thương này nhằm phát triển cầu nối, giao lưu với các quốc gia trên thế giới. Chính vì thế nên Nhà nước mới vạch định những kế hoạch liên quan đến vấn đề này cũng như đưa ra những quy định pháp luật cụ thể. Quản lý Nhà nước đã từng bước phát triển hoạt động ngoại thương của quốc gia, cụ thể là xuất, nhập khẩu; đưa Việt Nam ngày càng có vị thế trên sàn giao dịch thương mại quốc tế. Đồng thời duy trì sự giao lưu buôn bán giữa các quốc gia để cùng nhau học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển. Nhờ có sự quản lý của Nhà nước mà đến hiện nay Việt Nam ta đã đạt được một số kết quả nhất định trong vấn đề xuất, nhập khẩu này.


[1] Điều 100 Luật Quản lý ngoại thương 2017

[2] Điều 35 Luật xuất khẩu ngoại thương 2017

[3] Điều 101 Luật Quản lý ngoại thương 2017

Bài viết cùng chuyên mục:

Nêu một biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường hoặc Luật đất đai ở địa phương nơi sinh sống, đưa ra ý kiến giải quyết, xử lý vi phạm đồng thời nhận xét việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước tình trạng đó

Nêu một biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường hoặc Luật đất đai ở địa phương nơi sinh sống, đưa ra ý kiến giải quyết, xử lý vi phạm đồng thời nhận xét việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước tình trạng đó.

Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại và phát của đời sống con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, của dân tộc và nhân loại. Sự biến đổi một số thành phần môi trường sẽ gây tác động đáng kể đối với các hệ sinh thái. Quản lý Nhà nước về môi trường nhằm bảo vệ lợi ích cho xã hội và cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, bảo đảm cho con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu nói chung.

Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng: Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã dần được hoàn thiện; Nhà nước đã quan tâm định hướng chỉ đạo trong việc hoạch định các chính sách, chiến lược, các giải pháp nhằm cải thiện môi trường, nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên song vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tại Hà Nội, một vấn đề tưởng như đã quá quen là ô nhiễm chất thải từ những cơ sở chăn nuôi lợn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân hiện vẫn chưa được giải quyết.

Biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường
Tư vấn Thành lập doanh nghiệp, công ty xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải

Với đề tài: “Nêu một biểu hiện vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường hoặc Luật đất đai ở địa phương nơi anh/chị sinh sống, từ đó đưa ra ý kiến giải quyết, xử lý vi phạm đồng thời nhận xét việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước tình trạng đó.”, tôi lựa chọn tình huống sau để thực hiện đề tài: Ô nhiễm môi trường sống do chất thải của 3 trang trại lợn tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây được người dân phản ánh từ năm 2012.

1. Tình huống vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường xảy ra

3 trang trại chăn nuôi lợn tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh. Nhân dân xã Cổ Đông nhiều lần đã làm đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng đề nghị xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra.

Cụ thể như sau:

Địa điểm: 3 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 500 con/ trại.

Tình trạng ô nhiễm:

Nguồn thải của lợn được chứa trong những hố chứa lộ thiên, từ tháng 8/ 2019 những hố này được che gá tạm bợ bằng tấm bạt dứa, chưa kịp ố màu khiến mùi chất thải nồng nặc ở khu vực cách trại vài trăm mét, ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong các nhà dân.

Ao hồ xung quanh 3 trang trại lợn này nước đều chuyển màu đen, bốc mùi hôi. Qua thời gian, nguồn nước mặt chuyển đen, sủi bọt có nguy cơ lớn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Một số nhà dân đào giếng nhưng chỉ thấy có bọt.

Tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm nay, mức độ ngày một nặng.

Từ năm 2012 – 2014, người dân đã có đơn phản ánh. Tuy nhiên, sau khi bị phạt hành chính, tình trạng ô nhiễm chất thải tại các trang trại này vẫn tiếp diễn.

Tháng 7/2019, hàng chục hộ dân khu vực này đã ký đơn phản ánh, gửi tới chính quyền thị xã Sơn Tây, tiếp tục yêu cầu xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do 3 trang trại lợn gây ra. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì.

3 trang trại chăn nuôi lợn đã có những hành vi gây ô nhiễm môi trường sau:

Bể chứa chất thải không được xử lý và che chắn tạm bợ khiến mùi chất thải nồng nặc ở các khu vực xung quanh.

Gây ô nhiễm nguồn nước, ao hồ bốc mùi, nước chuyển đen và sủi bọt.

Tiếp tục tình trạng gây ô nhiễm sau khi bị xử phạt hành chính.

Hành vi gây ô nhiễm môi trường của chủ các trang trại đã vi phạm Khoản 5, Khoản 7 Điều 7 và Khoản 3 Điều 69 Luật BVMT 2014.

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.”

 “Điều 69. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:

a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;

b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;

c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.”

2. Biện pháp xử lý vi phạm môi trường

Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  • Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Biện pháp xử lý

Chủ các trang trại sẽ bị xử phạt căn cứ theo Khoản 1 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định “xử lý vi phạm” về môi trường.

Điều 160. Xử lý vi phạm

1.Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.”

Hành vi vi phạm của 3 trang trại lợn đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 155/2016/NĐ-CP

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm:

c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;

Căn cứ theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP,  các biện pháp xử lý vi phạm của 3 trang trại lợn bao gồm:

  • Xử phạt hành chính
  • Mức phạt: tối đa 1.000.000.000 với cá nhân, tối đa 2.000.000.000 với tổ chức, căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môtrường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra mức độ ô nhiễm để áp dụng các mức phạt chi tiết đối với hành vi vi phạm của các trang trại. Các mức phạt chi tiết được quy định tại Khoản 2 và Khoản 6 Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Điều 19. Hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

2. Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường;

b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần đến dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 05 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.

6. Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường kéo dài, lặp lại nhiều lần mà không khắc phục được, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi sau đây :

a) Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên với thông số môi trường thông thường hoặc từ 02 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại;

b) Xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 02 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường hoặc từ 1,5 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại;”

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, các cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện một số biện pháp khắc phục sau: (Căn cứ theo các Điểm a, c và k Khoản 3, Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP)

  • Khôi phục tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm, phục hồi môi trường bị ô nhiễm
  • Thực hiện các biện pháp khắc phục và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm
  • Xây lắp công trình bảo vệ môi trường, vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường

Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định;

k) Buộc xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; buộc vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường theo quy định;

3. Nhận xét trách nhiệm của cơ quan quản lý

Hành vi vi phạm của các trang trại chăn nuôi lơn xảy ra tại thông La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây nên trách nhiệm, thẩm quyền xử lý trực tiếp thuộc về UBND xã Cổ Đông và UBND thị xã Sơn Tây .

UBND xã Cổ Đông

Trách nhiệm của UBND xã Cổ Đông về bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trách nhiệm cụ thể trong trường hợp này được quy định tại các Điểm c và h Khoản 3 Điều 143.

Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

c) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;

h) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.”

  • Thực tế thì UBND xã Cổ Đông chưa thực hiện trách nhiệm của mình:
  • Chưa kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý với hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm của các trang trại lợn tại thôn La Gián thuộc địa bàn xã Cổ Đông.
  • Chưa giải quyết được bức xúc của người dân, để tình trạng ô nhiễm kéo dài khiến người dân sống chung với môi trường bị ô nhiễm trong thời gian dài.
  • UBND thị xã Sơn Tây:
  • Trách nhiệm của UBND thị xã Sơn Tây về bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường 2014, cụ thể trong trường hợp này này được quy định tại Điểm e Khoản 2.

 Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau:

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan;

i) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.”

  • Thực tế, khi có hành vi gây ô nhiễm của các trang trại chăn nuôi lợn, UBND thị xã Sơn Tây đã có những động thái sau:
  • Phạt hành chính chủ trang trại lợn khi nhận được đơn khiếu nại của người dân về hành vi gây ô nhiễm môi trường của các trang trại lợn từ năm 2012 – 2014.

→ Đã có biện pháp xử lý: phạt hành chính

  • Tháng 7 – tháng 9/2019: Không có hành động phản hồi đơn khiếu nại của người dân cũng như can thiệp vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn

→ Chưa xử lý kịp thời vấn đề của người dân, chậm trễ và thiếu trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường địa phương.

Chính quyền UBND xã Cổ Đông và UBND thị xã Sơn Tây cần nhanh chóng giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân, đồng thời báo cáo UBND các cấp có thẩm quyền vào cuộc xử lý chủ trang trại lợn gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, UBND xã Cổ Đông và UBND thị xã Sơn Tây phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên vì để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngay trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý

Qua việc phân tích, giải quyết tình huống:” Ô nhiễm môi trường sống do chất thải của 3 trang trại lợn tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, Sơn Tây được người dân phản ánh từ năm 2012” có thể thấy rằng, ô nhiễm môi trường đang là mối nguy hại ảnh hưởng lớn tới tất cả loài người chúng ta. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hóa, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thì vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Do đó, chúng ta phải có những hành động để cứu lấy môi trường, phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững, đồng thời có biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng một cách linh hoạt, mềm dẻo, hợp tính hợp lý sẽ tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, nâng cao uy tín của các cơ quan nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tham khảo thêm:

Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật hiện hành, một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật hiện hành, một số vấn đề lý luận và thực tiễn.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng được Liên hợp quốc đề cao và bảo đảm trong Tuyên ngôn về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. 

1. Tổng quan về Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

1.1. Tính cấp thiết của đề tài

Tại Việt Nam, ngay từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 và đặc biệt là trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Hiến pháp 1946, nhà nước đã đặt ra những căn cứ pháp lý ban đầu để đảm bảo quyền bình đẳng của các tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người. Hiện nay, mọi người đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào; có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; có quyền vào tu tại các cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà tu hành, chức sắc có quyền thực hiện nghi lễ, truyền đạo, giảng đạo tại các địa điểm hợp pháp. Nhà nước đảm bảo để không ai được xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, mọi người cần có ý thức thực hiện các hoạt động tôn giáo không trái với pháp luật; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác đồng thời chống lại những phần tử lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng nhằm mục đích chống phá.

Nhà nước là chủ thể quản lý các tôn giáo, trong đó việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn là vấn đề trọng tâm. Trong quá trình hoàn thiện mô hình Nhà nước, hệ thống pháp luật về Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cũng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia. 

Dựa trên những quan điểm cơ bản của học thuyết Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, trong đó đều khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật

Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật này. Trong quá trình quản lý Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, chúng ta luôn thực hiện nhất quán theo chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.  Đó là chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tôn giáo tự giải quyết theo hiến chương, điều lệ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Nhờ đó, chúng ta đã tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo vì lợi ích chung của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế. Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Tuy nhiên, trước sự phát triển ngày một lớn và phức tạp của hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, đã đặt ra những vấn đề mới với công tác quản lý Nhà nước. Những vấn đề về âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước của các thế lực thù địch; mâu thuẫn trong nội bộ tôn giáo cũng như mâu thuẫn giữa các tôn giáo với nhau; những hành vi hoạt động tôn giáo trái pháp luật… yêu cầu một hệ thống pháp luật về tôn giáo tín ngưỡng hoàn thiện và một cơ chế quản lý chặt chẽ hơn nữa. Chính vì thế, việc bảo vệ và phát triển quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trở thành vấn đề lớn thu hút sự chú ý của các cấp, các ngành và cộng đồng quốc tế; được Đảng và Nhà nước ưu tiên thể hiện qua nhiều chính sách.

Để bảo vệ quyền và phát triển quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước cần phải quản lý hoạt động tôn giáo bằng cách đảm bảo cho các hoạt động này phát triển phù hợp với các hoạt động chung của xã hội. Bộ máy Nhà nước phải nhận thức đầy đủ và toàn diện về ý nghĩa, tầm quan trọng của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; ý thức được sự cần thiết phải tôn trọng và đảm bảo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được pháp luật quy định.

Trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên các lĩnh vực khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Vừa để tự làm rõ ràng, khúc chiết một số vấn đề phức tạp, vừa đưa ra những định hướng giải quyết những yêu cầu mới phát sinh; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Với những lý do nêu trên, em chọn đề tài “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật hiện hành – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” làm đề tài nghiên cứu khoa học.

1.2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”[1]. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào của công dân luôn được Nhà nước đảm bảo. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cũng được tăng cường. Một phần nguyên nhân vì trong những năm gần đây, những công trình nghiên cứu về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm và coi trọng. Có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị quý báu, làm sáng tỏ vấn đề lý luận và tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, điển hình như:

Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam – Lý luận và thực tiễn của PGS.TS. Đỗ Quang Hưng, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2008, 447 trang. Sách đã hệ thống lại những nét chủ yếu về lý luận và thực tiễn trong công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, lịch sử nhận thức của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và những phác họa đầu tiên về tiến trình đó, chủ yếu là giai đoạn từ 1945 đến năm 2005; quá trình Đảng, Nhà nước ta xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách tôn giáo qua các giai đoạn lịch sử, đáp ứng đổi mới về tôn giáo, từ đó đặt ra một số vấn đề gợi mở làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.

Quyền con người tiếp cận đa ngành và liên ngành luật học (Tập 1), tập thể tác giả, chủ biên: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2001, 384 trang. Sách đề cập đến những vấn đề lý luận quyền con người về dân sự và chính trị; phân tích quyền con người về dân sự và chính trị trong các Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, do vậy cuốn sách là nguồn tư liệu quý giúp em nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài.

Tư tưởng Việt Nam về quyền con người, của GS.TS. Phạm Hồng Thái (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, 2016, 610 trang. Sách đề cập đến vấn đề nghiên cứu về quyền con người, tư tưởng về quyền con người của Việt Nam qua các thời kỳ. Cuốn sách giúp em hiểu rõ những vấn đề lý luận trong quá trình thực hiện đề tài.

Chính sách tôn giáo và Nhà nước pháp quyền củaPGS.TS. Đỗ Quang Hưng, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2014, 567 trang; sách là một công trình khoa học có giá trị, chứa đựng những kiến giải sâu sắc, có tính mới về lý luận; giúp em thấy được tính mới về lý luận, tổng kết sâu sắc về thực tiễn đời sống tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Nhà nước tôn giáo luật pháp của PGS.TS Đỗ Quang Hưng, Nxb Chính trị quốc gia, 2014, 454 trang; sách đã đưa ra một số vấn đề lý luận về quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hiện nay, nhân tố mới để thực hiện cải cách hành chính trong quản lý hoạt động tôn giáo.

– Luận án tiến sĩ Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo pháp luật Việt Nam hiện nay, của tác giả Nguyễn Ngọc Huấn, Luận án đã nghiên cứu tiến trình xây dựng, hoàn thiện luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam, một số vấn đề lý luận chung về tôn giáo và luật pháp, những yếu tố tác động đến luật pháp tôn giáo ở Việt Nam và hướng tới việc đưa ra một khung lý thuyết về luật pháp về tôn giáo xung quanh yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, nêu được những thành tựu và hạn chế, chỉ ra được nguyên nhân trong công tác xây dựng và hoàn thiện luật pháp về tôn giáo ở nước ta hiện nay. Luận án giúp em thấy được nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo, cách hành xử của chính quyền và sự vận hành của tổ chức tôn giáo, vai trò của Nhà nước đối với tôn giáo.

Giá trị di sản của đa dạng tôn giáo ở Việt Nam và những đóng góp đối với xã hội Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội, 2015. Đây là tập kỷ yếu của hai cuộc hội thảo quốc tế, được tổ chức bởi Ban Tôn giáo Chính phủ hợp tác với phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, với chủ đề “Giá trị di sản của đa dạng tôn giáo ở Việt Nam và những đóng góp đối với xã hội Việt Nam”, được tổ chức ngày 25, 26/9/2013 và chủ đề “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam – Chia sẻ kinh nghiệm châu Âu và Việt Nam trong việc đảm bảo tự do tôn giáo” được tổ chức ngày 26, 27/9/2014.

Ngoài ra, còn có một số công trình khác như: Tôn giáo ở Mỹ của Nghiêm Văn Thái, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2011: Dấu mốc và kết quả hội nhập quốc tế về tôn giáo ở Việt Nam của Bùi Quang Nhượng, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 9/2015; Một số vấn đề đặt ra trong việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động tín đồ tôn giáo của Đoàn Thị Thu Hà, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 7/2016: Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo của Tạ Văn Sang và Nguyễn Thị Hằng…

Bên cạnh đó còn nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả khác đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau quanh vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Những công trình nghiên cứu của các tác giả trên đã có đóng góp rất lớn trong việc hoàn thiện những nghiên cứu về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử hình thành và phát triển của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cũng như những quy định của pháp luật hiện hành và nêu ra những định hướng hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay… Những công trình nghiên cứu đó đã cung cấp cho em những kiến thức quan trọng, cơ sở lý luận và thực tiễn để em tiếp tục hoàn thiện bài nghiên cứu của mình. 

1.3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của bài báo cáo

1.3.1. Mục tiêu nghiên cứu

Làm sáng tỏ vấn đề lý luận về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cơ chế bảo vệ của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đồng thời đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao hiệu quả thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo 

1.3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Dựa trên những mục tiêu trên, bài nghiên cứu giải quyết những nhiệm vụ sau:

  • Thứ nhất, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
  • Thứ hai, làm rõ sự cần thiết khách quan và ý nghĩa của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội tại Việt Nam
  • Thứ ba, phân tích quy định của pháp luật để làm rõ nội dung, thực trạng về vấn đề thực hiện và đảm bảo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; trên cơ sở đó rút ra những ưu điểm, nhược điểm và chỉ ra nguyên nhân của thành tựu và hạn chế.
  • Thứ tư, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của báo cáo

1.4.1. Đối tượng nghiên cứu

Báo cáo tập trung vào các vấn đề: Các quy định của pháp luật hiện hành về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật; Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

1.4.2. Phạm vi nghiên cứu

  • Phạm vi về không gian: Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo có thể được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên trong phạm vi một bài báo cáo nghiên cứu khoa học không thể làm rõ hết được những góc độ đó. Bài nghiên cứu khoa học đề tài “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật hiện hành – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của em chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến khái niệm, đặc điểm của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội dung của các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực trạng của pháp luật và thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
  • Phạm vi về thời gian: Bài báo cáo tập trung vào nghiên cứu pháp luật và việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt tập trung làm rõ vấn đề này trong giai đoạn 2018 – 2020. Bên cạnh đó đề tài còn đề cập đến những quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong lịch sử pháp luật Việt Nam.

1.5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu khoa học “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật hiện hành – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: 

  • Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu: gồm dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp.
  • Phương pháp phân tích và chứng minh để làm rõ các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 
  • Phương pháp so sánh, đối chiếu giữa pháp luật cũ và pháp luật hiện hành; giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật một số nước khác về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
  • Phương pháp thống kê, chỉ tra các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài về những vấn đề có liên quan đến nội dung bài nghiên cứu.
  • Phương pháp tổng hợp, tóm lược lại những luận điểm được đưa ra trong bài nghiên cứu và đúc rút ra điểm tích cực và hạn chế.

1.6. Kết cấu của bài nghiên cứu

Ngoài phần danh mục tài liệu tham khảo, bài nghiên cứu gồm có 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài.

Chuong 2: Một số vấn đề lý luận về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Chương 3: Thực trạng quy định của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và thực tiễn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở việt nam hiện nay.

Chương 4: Một số kiến nghị và giải pháp nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở việt nam hiện nay.

2. Một số vấn đề lý luận về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

2.1. Khái quát chung về tín ngưỡng tôn giáo

2.1.1. Khái niệm tín ngưỡng

Theo Từ điển Tiếng Việt, tín ngưỡng là lòng tin và sự ngưỡng mộ một tôn giáo hay một chủ nghĩa nào đó. Theo từ điển Hán – Việt, tín ngưỡng được định nghĩa: “Lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa”[2] . Tương tự, trong quyển Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân (chủ biên), tín ngưỡng nghĩa là: “Tin tưởng vào một tôn giáo: Tự do tín ngưỡng”[3]. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.[4] 

Có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tín ngưỡng. Có người đồng nhất tín ngưỡng với tôn giáo, có người lại xếp tín ngưỡng nằm dưới tôn giáo trong bậc thang phát triển. Theo GS Đặng Nghiêm Vạn, thuật ngữ tín ngưỡng có thể có hai nghĩa. Khi nói đến tự do tín ngưỡng, người nước ngoài có thể hiểu đó là niềm tin nói chung (belief, lelieve, croyance)  hay niềm tin tôn giáo (belief, believe, croyance riligieuse). Nếu hiểu tín ngưỡng là niềm tin thì có một phần ở ngoài tôn giáo, nếu hiểu là niềm tin tôn giáo (belief, believer theo nghĩa hẹp croyance riligieuse) thì tín ngưỡng chỉ là một bộ phận chủ yếu nhất cấu thành của tôn giáo[5]. 

Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc và trên phương diện của bài nghiên cứu, có thể định nghĩa khái niệm “tín ngưỡng” một cách khái quát như sau: Tín ngưỡng là niềm tin, là sự tôn thờ của con người vào một hiện tượng, sự vật được cho là có năng lực siêu nhiên, có sức mạnh ảnh hưởng đến đời sống hiện thực.

2.1.2. Khái niệm tôn giáo

Tôn giáo, theo cách hiểu phổ thông nhất đã được chấp nhận ở Việt Nam hiện nay, là một hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách hư ảo, nhằm lý giải những vấn đề trần thế cũng như ở thế giới bên kia.[6]

Theo góc độ tâm lý học, tôn giáo là sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong nỗi cô đơn của mình, tôn giáo là sự cô đơn, nếu anh chưa từng cô đơn thì anh chưa bao giờ có tôn giáo.

Nhìn từ quan điểm triết học của C.Mác, tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, nó là tinh thần của trật tự không có tinh thần.Và trên tư tưởng đó, Ph.Ăngghen đưa ra quan điểm, tôn giáo là sự phản ánh hoang đường vào trong đầu óc con người những lực lượng bên ngoài, cái mà thống trị họ trong đời sống hàng ngày.

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức[7].

2.1.3. Mối quan hệ của tín ngưỡng và tôn giáo

Tín ngưỡng đôi khi cũng được hiểu là tôn giáo. Nhưng điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo là ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân gian, gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong tín ngưỡng có sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người, nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán, không có những quy định chặt chẽ. Tín ngưỡng thường không có tổ chức hoặc có tổ chức ở dạng sơ khai nhất. Tín ngưỡng cũng không có hệ thống giáo lý mà chỉ có các huyền thoại, thần tích, truyền thuyết. Khi nói đến tín ngưỡng thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một cộng đồng người. Tín ngưỡng trong những điều kiện nhất định đôi khi có thể chuyển hóa thành tôn giáo.

Những người có tôn giáo và có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đều tin vào những điều mà tôn giáo đó hoặc loại hình tín ngưỡng đó truyền dạy. Cả tín ngưỡng và tôn giáo đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa các cá thể với nhau, giữa cá thể với xã hội, với cộng đồng và đôi khi so với các yếu tố tác động, ảnh hưởng, điều chỉnh hành vi của con người khác, tín ngưỡng và tôn giáo còn có sức tác động mạnh hơn rất nhiều. Chính vì vậy, trong lịch sử phát triển chung của xã hội loài người, việc sử dụng tôn giáo, tín ngưỡng để thực hiện các mục tiêu chính trị là hiện tượng tương đối phổ biến. 

2.1.4. Vai trò của tín ngưỡng và tôn giáo trong đời sống xã hội

Tín ngưỡng, tôn giáo là sự phản ánh hư ảo của thế giới khách quan, nhưng luôn có kỳ vọng đáp ứng nhu cầu của con người về nhận thức thế giới: tự nhiên, xã hội và chính con người.

Tín ngưỡng, tôn giáo giúp con người tìm thấy những giải đáp về sự bất bình đẳng, bất lực, nỗi lo lắng, bất hạnh trong xã hội; làm nguôi ngoai đi những khổ đau và cho con người một niềm tin hư ảo. Nhờ có nó, con người tìm được sự an ủi và hy vọng vượt qua, hạn chế được những hành vi gây hại cho xã hội.

Tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng nên những chuẩn mực đạo đức, hướng con người đến lối sống tốt đời đẹp đạo, điều chỉnh hành vi của mỗi cá thể trong đời sống cộng đồng.

Tín ngưỡng, tôn giáo có khả năng liên kết trong cộng đồng. Kết nối những người có chung một niềm tin, ràng buộc bởi giáo lý, giáo luật. Sự liên kết tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những liên kết chặt chẽ và lâu bền nhất.

2.2. Khái quát chung về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

2.2.1. Khái niệm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Khái niệm “tự do” trong triết học được xem là một trong những giá trị cao quý, cơ bản của nhân loại. Theo nhà triết học Locke (John Locke 1632-1704) “Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào”. Như vậy tự do ở đây chỉ là khả năng của con người. Còn nhà triết học cận đại Hegel (G.W Friedrich Hegel 1770-1831) thì cho rằng“Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Như vậy, ở đây tự do không chỉ là nhận thức mà cả ở hành động. Tuy nhiên, theo Hegel, muốn có tự do thì trước hết phải nhận thức được cái tất yếu, cái quy luật. Người ta nhận thức được quy luật đến đâu thì hành động tự do được bảo đảm đến đấy. Vi phạm quy luật, tất yếu sẽ bị mất tự do. 

Tự do cũng không phải là tự do tuyệt đối bởi “tự do của một người giới hạn ở chỗ chạm tới tự do của người khác” và cũng có những giá trị khác, cũng cao quý không kém tự do, đó là ý thức về trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, với dân tộc và gia đình. Do đó không có quyền tự do nào được đứng trên hoặc chà đạp lên đạo đức xã hội, quyền và lợi ích của người khác, lợi ích của quốc gia, của dân tộc… 

   Pháp luật quốc gia và quốc tế đều có những quy định về các quyền cơ bản của con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đồng thời các quyền tự do này cũng phải chịu một số hạn chế của pháp luật. Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” 1966, các quyền tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; về tự do ngôn luận, báo chí; về tự do cư trú, đi lại; Về tự do lập hội, hội họp… được ghi nhận. Tuy vậy, Công ước này cũng khẳng định là những quyền này có thể bị hạn chế “để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác”.  

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm cả tôn giáo nội sinh và ngoại nhập. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước ghi nhận ngay trong Hiến pháp đầu tiên (1946) và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình lập pháp của nước ta qua bốn bản Hiến pháp tiếp theo, với những quy định về sau càng có xu hướng chi tiết hơn. Cụ thể:

Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.[8]

Hiến pháp năm 1959 quy định: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một  tôn giáo nào.[9]

Hiến pháp năm 1980 quy định: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.[10]

Hiến pháp năm 1992 quy định: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.[11]

Hiến pháp 2013 quy định: 1. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.[12]

Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiểu là một trong những quyền cơ bản của con người và của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

2.2.2. Đặc điểm của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Tại Việt Nam, trong xu thế hội nhập và đổi mới, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, những quyền tự do căn bản của con người như tự do truyền đạo, tự do thể hiện niềm tin tôn giáo, tự do trong các vấn đề kinh tế, an ninh, chính trị… đều có liên quan đến nội dung điều chỉnh của pháp luật về tôn giáo.

Thứ hai, các hoạt động tôn giáo phải được thực hiện trên nguyên tắc quy định của Nhà nước: không được lợi dụng hoạt động tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống lại đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước; làm phương hại đến an ninh quốc gia; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và tuyên truyền mê tín dị đoan. Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, nhưng các hoạt động tôn giáo bắt buộc phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo có điều chỉnh và tôn trọng các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài, trên cơ sở phù hợp với luật pháp trong nước và hợp tác quốc tế. 

Thứ tư, đặc điểm về đối tượng quản lý. Đối tượng của quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo gồm tín đồ, nhà tu hành, chức sắc và các tổ chức tôn giáo. Mỗi đối tượng có những đặc điểm riêng, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý.

2.2.3. Ý nghĩa của việc ghi nhận bằng pháp luật đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được Nhà nước ghi nhận. Điều này chứng tỏ những tiến bộ vượt bậc và những cố gắng rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh Việt Nam còn đang trong quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền và trong khi tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn.

Trong những bản Hiến pháp sau này, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được chú trọng làm rõ, thể hiện đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nêu trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966. Cho thấy những nỗ lực của Nhà nước trong việc nội luật hóa các công ước quốc tế, đưa hệ thống luật Việt Nam trở nên tiệm cận với pháp luật quốc tế.

Cùng với việc khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trong Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua những văn bản quy phạm pháp luật khác. Đó là một bước tiến triển mới trong việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. 

Trong xu thế đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo là đặc biệt cần thiết. Thông qua việc ghi nhận bằng pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước đã khẳng định vai trò luôn tạo điều kiện tối ưu cho các tôn giáo thực hành đức tin của mình không bị hạn chế, tuy nhiên phải trong khuôn khổ pháp luật; đảm bảo cao nhất về pháp lý, tạo điều kiện cho mọi người dân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. 

2.2.4. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới

2.2.4.1. Pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại một số nước châu Âu

Tại Pháp, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 quy định: “Mọi người sinh ra và sống tự do và bình đẳng về các quyền […] không ai có thể gây phiền hà do có ý kiến kể cả tín ngưỡng này khác, miễn là không có biểu hiện gây rối trật tự công cộng do pháp luật quy định”

Năm 1905, Luật Phân ly ra đời, khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa đảm bảo quyền tự do lương tâm. Nền Cộng hòa bảo đảm quyền tự do thờ phượng ban hành sau đây được đặt trong lợi ích của trật tự công cộng 21”[13]. Và “Nền Cộng hòa không công nhận, trả lương hoặc trợ cấp cho bất kỳ tôn giáo nào 22”[14], đã tìm ra mô hình thỏa ước khẳng định ba nguyên tắc cơ bản: (1) tách giáo hội ra khỏi Nhà nước, (2) tách nhà trường – hệ thống giáo dục ra khỏi giáo dục nhà thờ và (3) coi tôn giáo là việc cá nhân của mỗi người. 

Những năm gần đây, nước Pháp nổi tiếng bởi những đạo luật cấm phụ nữ Hồi giáo đeo mạng khi xuất hiện trong không gian công cộng, kể cả công sở, trường học,… Điều này đã gây nên những xung đột xã hội lớn khi Hồi giáo trở thành tôn giáo lớn thứ hai của nước Pháp với hơn 5 triệu tín đồ.[15]

Tại Bỉ, Hiến pháp năm 1970 quy định rằng: “tự do tôn giáo, thực hành công khai và tự do thể hiện ý kiến của một người trên tất cả các vấn đề được đảm bảo, nhưng hành vi phạm tội khi tự do này có thể bị trừng phạt”

Hiến pháp Ý năm 1948 ghi nhận: “bất cứ ai cũng có quyền tự do tuyên xưng niềm tin tôn giáo của họ dưới mọi hình thức, với tư cách cá nhân hoặc với những người khác, và để thúc đẩy họ và tôn vinh nghi thức ở nơi công cộng hoặc riêng tư, miễn là chúng không gây hại cho đạo đức xã hội”.

2.2.4.2. Pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại một số nước châu Á

Tại châu Á, một số nước trong khu vực có những quy định về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Cụ thể:

Tại trung Quốc, Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, điều 36 quy định: “Công dân nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân không được cưỡng chế công dân đi theo tôn giáo hoặc từ bỏ tôn giáo, không được phân biệt, kỳ thị người có tôn giáo và người không tôn giáo. Nhà nước bảo đảm hoạt động tôn giáo bình thường. Nghiêm cấm bất kỳ người nào lợi dụng hoạt động tôn giáo để phá hoại trật tự xã hội, tổn hại đến sức khoẻ của công dân, làm ảnh hưởng các chế độ giáo dục của Nhà nước. Đoàn thể tôn giáo và sự nghiệp tôn giáo không chịu sự chi phối của thế lực bên ngoài.”. 

Còn tại Nhật Bản, Hiến pháp năm 1946, Điều 14 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không có sự phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, nam nữ, tình trạng xã hội hay lai lịch bản thân trong tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế…”;

Điều 20 quy định: “Mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng. Không một tổ chức tôn giáo nào có thể nhận được đặc ân của Chính phủ hay được sử dụng quyền chính trị. Không ai bị bắt buộc tham gia các hoạt động, lễ nghi của các tổ chức tôn giáo. Chính phủ và các cơ quan Nhà nước không theo nền giáo dục mang tính tôn giáo và cũng không có các hành vi tôn giáo”;

Điều 89 quy định: “Không một tài sản quốc gia hay ngân sách nào được dùng để thiết lập, duy trì hiệp hội tôn giáo, cơ quan từ thiện hay giáo dục công ích mà không được chính quyền quản lý”.

2.2.4.3. Pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại một số nước khu vực Đông Nam Á

Tại Indonesia, Nhà nước (1) chỉ công nhận 6 tôn giáo là: Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Tin lành, Công giáo, Khổng giáo và (2) chính sách “Buộc mỗi công dân phải có một tôn giáo” đã gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề tư cách công dân đối với những người không thuộc 6 tôn giáo nói trên và những người không có tôn giáo.

Tại Malaysia, Nhà nước có “tôn giáo chủ lưu” với Islam giáo chiếm đến 58%, được Nhà nước ghi nhận trong Hiến pháp: “Islam giáo là tôn giáo của Malaysia; những tôn giáo khác có thể được thực hành trong hòa bình và hòa thuận với nhau trong bất cứ vùng lãnh thổ nào thuộc Malaysia”. Với một đất nước hầu như 100% dân số có tôn giáo, việc có “tôn giáo chủ lưu” mà vẫn hài hòa giữa các tôn giáo với nhau, được thế giới xem như một mô hình nhà nước thế tục thành công. 

2.3. Khái quát chung về pháp luật điều chỉnh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

2.3.1. Khái niệm pháp luật điều chỉnh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Xét trên bình diện lý luận chung về Nhà nước và pháp luật thì pháp luật điều chỉnh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tổng hợp những quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh, xác lập quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các cá nhân, tổ chức cũng như mối quan hệ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo với Nhà nước và các cá nhân, tổ chức tôn giáo với nhau.

Những năm gần đây, trong hoạt động của các tôn giáo ở nước ta có nhiều vấn đề phức tạp mới nảy sinh, đồng thời các tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam cũng có một số tác động nhất định. Những điều trên đòi hỏi một hệ thống pháp luật điều chỉnh đầy đủ, toàn diện và nhất quán nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân..

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 ra đời là một nỗ lực của Nhà nước trong việc tập trung, sắp xếp và quy định chi tiết hơn các chế định, quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo vốn được phân tán trong từng luật theo lĩnh vực riêng. Đó là một bước tiến trong quá trình xây dựng pháp luật để có thể đưa tất cả các quy phạm điều chỉnh liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vào một luật chuyên ngành. 

2.3.2. Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

2.3.2.1. Thời phong kiến

Việt Nam đã phải trải qua thời kỳ Bắc thuộc hơn một ngàn năm, kéo dài từ năm 179 trước Công nguyên, khi Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc, cho đến năm 938 khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán. Trong thời kỳ này, bên cạnh sự xung đột giữa hai xu hướng hán Hóa và chống Hán hóa, Phật giáo từ Ấn Độ đã được du nhập theo đường biển, sau đó là Nho giáo và Đạo giáo (Lão giáo) đến từ Trung Hoa.

Thời kỳ Lý, Trần và Hồ, Phật giáo được phát triển thịnh trị, thậm chí còn được xem như quốc giáo của giai đoạn này. Do ảnh hưởng của tinh thần từ bi Phật giáo, pháp luật thời Lý được nhận định là có nhiều nét đặc sắc, bao gồm việc “tôn trọng nhân quyền”.

Đến thời kỳ triều Hậu Lê, nhà Lê lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống để trị nước, tự do tôn giáo của các chức sắc và tín đồ Phật giáo bị giới hạn đáng kể. Bộ Quốc triều Hình luật  ra đời cũng có những quy định cụ thể về quản lý các tăng sĩ, nhà tu hành tôn giáo. Tín ngưỡng, phong tục thờ cúng tổ tiên được thể chế hóa bằng luật.

Đến nhà Tây Sơn, có sự du nhập của Ki-tô giáo, lan truyền nhanh và tạo ra ảnh hưởng nhất định với thể chế nhà nước. Nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn đã nhiều lần đàn áp tôn giáo này.

2.3.2.2. Thời Pháp thuộc

Thời kỳ này, Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, chính vì thế, tôn giáo Việt Nam được điều chỉnh theo chính sách của Pháp. Mặc dù Pháp là nước có những đóng góp tiêu biểu trong luật pháp về tôn giáo, nhưng chính sách và ứng xử với các tôn giáo của Pháp ở Việt Nam lại có nhiều nghịch lý.

Phần lớn các toàn quyền Đông Dương vì lợi ích của chế độ thuộc địa mà đề cao và ưu ái Công giáo, hạn chế các tôn giáo khác, đặc biệt là những tôn giáo bấy giờ đang tồn tại ở Việt Nam như Phật giáo và Nho giáo. 

Ý định của người Pháp trong việc ưu đãi đạo Thiên chúa không phải vì mục đích tôn giáo mà vì mục đích chính trị. Pháp dùng tôn giáo để đàn áp, tiêu diệt tầng lớp Nho sĩ. 

Cũng chính vì chính sách ưu đãi Công giáo của Pháp thời kỳ này khiến cho Công giáo trở thành một tôn giáo bị bài xích trong xã hội nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, “Bất cứ một người An Nam theo đạo Công giáo đều bị những người đồng hương coi như kẻ phản bội Tổ quốc”.[16]

Tại chính quyền ở Sài Gòn, trong những năm đầu tiên, dấu ấn của các chính sách về tôn giáo của Vua Bảo Đại còn rất rõ. Càng về sau, chính sách tôn giáo của Ngô Đình Diệm, đặc biệt thời Nguyễn Văn Thiệu có sự “điều chỉnh” theo hướng coi Công giáo là quốc đạo một cách rõ nét.

2.3.2.3. Thời kỳ đổi mới

Trong những năm đầu của thời kỳ này (1945 – 1975), Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đối diện với vấn đề tôn giáo trực tiếp và gay gắt đó là: Xóa bỏ cách nhìn định kiến, kỳ thị đối với tôn giáo mà điển hình là Công giáo và đảm bảo nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào theo đạo; đoàn kết các tôn giáo và chống lợi dụng tôn giáo. 

Trước tình hình đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, tín ngưỡng, tôn giáo trở thành một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng đưa ra chủ trương xây dựng Mặt trận thống nhất nhằm tập hợp đồng bào có tôn giáo toàn dân đánh giặc. Chính phủ ban hành một loạt văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong những năm tiếp theo, tình hình tôn giáo chuyển biến theo hướng phức tạp cùng với sự quay lại của thực dân Pháp và sự xâm lược của đế quốc Mĩ với âm mưu kích động lợi dụng tôn giáo để chống phá nước ta. Trước kẻ thù nguy hiểm, trước tình hình đất nước khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương trước sau như một là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, thực hiện Lương Giáo đoàn kết để cùng nhau chống Mĩ, cứu nước và thống nhất Tổ quốc.

Từ năm 1975 đến 1990, đây là giai đoạn trước Đổi mới tôn giáo. Ngay sau khi đất nước thống nhất, Ban Bí thư có số 09/CT/TW ngày 18/5/1977 về chủ trương công tác với các tôn giáo miền Nam, cũng như Nghị quyết số 297-CP ngày 11/11/1977 về “Một số chính sách đối với tôn giáo” của Hội đồng Bộ Trưởng đã góp phần ổn định tôn giáo.

Giai đoạn này, Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ra đời. Đây là một dấu son của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam thời hiện đại, đánh dấu một thời kỳ mới trong quan hệ Nhà nước với giáo hội theo đường hướng “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào”.

Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam 1981 cũng là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Đại hội đã thống nhất thành lập một tổ chức chung của Phật giáo cả nước lấy tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” với đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”.

Từ những năm 1990 đến nay là giai đoạn nước ta bắt đầu có những đổi mới trong nhận thức về tôn giáo. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khóa VI về “tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức. Nghị quyết này có hai luận điểm mang “tính đột phá” là: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới.

Từ 1991 đến nay, chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc thể chế hóa  các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cho đến hôm nay, chúng ta luôn thể hiện quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực quản lý tôn giáo, bằng việc ban hành hàng loạt Quy định, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và sau này là Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể kể đến như: Nghị định số 69-HĐBT ngày 21-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về các hoạt động tôn giáo; Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW ngày 12-3-2003 về công tác tôn giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Pháp lênh Tín ngưỡng, tôn giáo 2005 Nghị định hướng dẫn; Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 và Nghị định hướng dẫn…

Hàng loạt các văn bản pháp lý ấy đã thể hiện sinh động sự đổi mới về chính sách tôn giáo.

2.3.3. Nguồn của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền con người có mối quan hệ mật thiết, mối quan hệ này đã được chuẩn hóa thành những nguyên tắc trong hệ thống pháp luật quốc tế, trở thành nguồn của pháp luật Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể là: Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Công ước quốc tế về quyền của người bản xứ, Hiến pháp 2013,…

Điều 18 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1984 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo; quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo và niềm tin, cũng như tự do biểu hiện tôn giáo hay niềm tin của mình, một mình hay cùng chung nhau, ở nơi công cộng hay nơi riêng tư, bằng thuyết giảng, tục lệ, thờ cúng và làm các nghi lễ”, Công ước quốc tế về quyền Dân sự – Chính trị đã tái khẳng định nguyên tắc mọi người đều có quyền tự do, bình đẳng hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo (Khoản 1, Điều 18), không bị ép buộc làm tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng (Khoản 2 Điều 18).

Việt Nam là một quốc gia thành viên của nhiều công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, đáng chú ý là hai Công ước quốc tế năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế – xã hội – văn hóa). Việt Nam đã nội luật hóa những quy định những quy liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vào trong pháp luật quốc gia. Cụ thể, Hiến pháp 2013 quy định: 1. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật; Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 khẳng định mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào, Nhà nước đảm bảo cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người. Ngoài ra quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Nghị đinh 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Quyết định 219/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; Thông tư 15/2019/BTTTT hướng dẫn thực hiện quyết định 219/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; Quyết định 32/2014/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ nội vụ; Quyết định 119/QĐ-BNV năm 2018 công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ nội vụ…. và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

2.3.4. Nội dung pháp luật điều chỉnh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Bên cạnh các quy định trong Hiến pháp và trong nhiều bộ luật luật quan trọng khác của Nhà nước như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Đất đai,… quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt, cụ thể là Luật tự do tín ngưỡng tôn giáo 2016:

– Đối với hoạt động tín ngưỡng của người có tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo của tín đồ, nhà tu hành, chức sắc: Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các lễ hội, lễ nghi và học tập giáo lý tôn giáo; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật.

– Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị đình chỉ nếu: xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường; tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.

– Đối với tổ chức tôn giáo và hoạt động của tổ chức tôn giáo: Các tổ chức tôn giáo có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, có tôn chỉ, mục đích, có hiến chương, điều lệ, Đạo quy phù hợp với pháp luật, có cơ cấu tổ chức hợp lý và bộ máy nhân sự đảm bảo tốt về hai mặt đạo và đời, được xem xét và để được phép hoạt động. 

– Đối với các hoạt động về tổ chức: Các tổ chức tôn giáo hợp pháp về tổ chức, được tiến hành các hoạt động như tổ chức đại hội, hội nghị, mở trường đào tạo chức sắc, phong chức, phong phẩm, bầu cử, suy cử, bổ nhiệm và thuyên chuyển chức sắc,….

– Đối với việc tôn giáo tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội: Các chức sắc, nhà tu hành được hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội như mọi công dân. Việc tổ chức lao động, sản xuất làm dịch vụ để tự túc của chức sắc, nhà tu hành theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước được khuyến khích. Các hoạt động từ thiện nhân đạo được khuyến khích.

– Đối với tài sản thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Đất có các công trình tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng được phép hoạt động, sử dụng lâu dài. Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được quyên góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

– Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có cơ sở là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo đảm bình thường như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác; việc quản lý, sử dụng, cải tạo, nâng cấp thực hiện theo pháp luật.

– Việc xuất bản, in, phát hành kinh, sách, báo, tạp chí,… về tín ngưỡng, tôn giáo; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất đồ dùng phục vụ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện theo pháp luật.

– Đối với hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS; hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục mầm non, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

– Đối với hoạt động quốc tế của tôn giáo: Nhà nước tôn trọng mối quan hệ quốc tế của các tôn giáo. Quan hệ quốc tế của các tôn giáo phải tôn trọng chủ quyền, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thông lệ quốc tế. Những quan hệ với tư cách cá nhân được thực hiện bình thường như mọi công dân. Những quan hệ với tư cách thành viên hoặc có mối quan hệ về cơ cấu tổ chức của các tôn giáo quốc tế thì phải được sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

– Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế.

2.4. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật hiện hành

2.4.1. Bảo đảm về chính trị

Nhà nước là trung tâm của quyền lực và là trụ cột của hệ thống chính trị, những đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng chỉ trở thành phương tiện quản lý của Nhà nước khi được thể chế hóa thành pháp luật. Pháp luật nói chung và pháp luật về tôn giáo nói riêng chính là sự cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện có hiệu quả trên quy mô toàn xã hội.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm bằng thể chế chính trị của nền dân chủ. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật. Việc thể chế hóa chính sách, đường lối của Đảng về tôn giáo là phương tiện để Nhà nước quản lý về tôn giáo, đồng thời là phương tiện để tổ chức, cá nhân tôn giáo được hoạt động bình đẳng, ổn định và được pháp luật bảo hộ; mặt khác đây cũng là cơ sở để Đảng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước theo Điều 8 Hiến pháp 2013: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội và công dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước cũng là điều kiện bảo đảm về chính trị cho việc thực hiện các quyền công dân nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.

2.4.2. Bảo đảm về kinh tế – văn hóa – xã hội

2.4.2.1. Bảo đảm về kinh tế

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được hình thành và phát triển trên cơ sở phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo. Nhà nước ngày càng tăng dần vai trò chủ thể quản lý và thu hẹp dần vai trò chủ thể về kinh tế. Theo đó, Nhà nước thực hiện quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất, đảm bảo cho thị trường phát triển, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường, tương thích với thông lệ của các nước;

Trên cơ sở đó, Nhà nước bảo đảm cho những lợi ích từ phát triển kinh tế đất nước sẽ không bị một bộ phận thiểu số trong xã hội chiếm dụng, mà sẽ được chia sẻ công bằng; bảo đảm rằng sự phát triển của đất nước là sự phát triển có tính bao trùm chứ không quá thiên lệch, tạo ra sự phân biệt về giàu nghèo quá lớn giữa các vùng miền, giữa các thành phần, giới tính, tôn giáo,… trong xã hội.

Phát triển kinh tế đất nước không ngoài mục đích nào khác là để bảo đảm cho mọi người dân có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Khi một nền kinh tế phát triển, ổn định, đời sống nhân dân sẽ có nhiều thuận lợi, việc đó sẽ ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đối với nước ta, bằng đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta ngày càng tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện các quyền được pháp luật thừa nhận. Đó chính là những tiền đề, điều kiện bảo đảm về kinh tế để mọi công dân thực hiện tốt các quyền công dân của mình trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

2.4.2.2. Bảo đảm về văn hóa

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu của sự nghiệp đổi mới là phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó phải giải quyết hài hoà giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững và lâu dài. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa này vừa phải là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Mọi hoạt động kinh tế phải đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa phải chú ý đến hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý đến hiệu quả xã hội và văn hóa.

Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa thành pháp luật, chính sách của Nhà nước là một phương thức quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa. Một nền văn hóa phát triển sẽ góp phần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

2.4.2.3 Bảo đảm về xã hội

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Xã hội ta là xã hội vì con người và con người luôn giữ vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế xã hội…”. Bảo đảm về xã hội chính là bảo đảm cho từng cá nhân trong xã hội về đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Những chính sách của Đảng về bảo đảm xã hội mà mục tiêu là con người được Nhà nước thể chế hóa qua hệ thống các văn bản pháp luật. Quy định về quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng đã góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhằm thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên đất nước Việt Nam và thực hiện tốt các quyền con người do pháp luật quốc tế quy định.

2.4.3. Bảo đảm về pháp lý

Các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được Hiến pháp trao cho tất cả mọi người được làm gì để đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của mình và đòi hỏi Nhà nước, xã hội phải làm gì để bảo đảm cho họ được hưởng thực sự và sử dụng đúng đắn các quyền ấy. Trong toàn bộ những bảo đảm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Nhà nước và xã hội xây dựng thì bảo đảm về pháp lý là quan trọng nhất, nó phản ánh bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Bảo đảm pháp lý quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xem là toàn bộ những tiền đề, điều kiện, môi trường pháp lý thuận lợi do Nhà nước, xã hội tạo ra trên cơ sở pháp luật để công dân được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách thực sự, đầy đủ và sử dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách đúng đắn trong các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Pháp luật tạo ra cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo gồm pháp luật hình thức và pháp luật nội dung, do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện trên cơ sở nhu cầu khách quan của xã hội Việt Nam hoặc các công ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Pháp luật hình thức quy định trình tự, thủ tục, hình thức thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân, Nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội và tổ chức chính trị xã hội trong lĩnh vực xã hội; còn pháp luật nội dung xác lập các quyền và nghĩa vụ ấy.

Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, bên cạnh việc quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, còn phải quy định trách nhiệm giải quyết, nghiêm cấm các hành vi cản trở thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

2.4.4. Cơ chế bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuộc nhóm quyền con người, là những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và luật. Đảm bảo thực hiện các quyền hiến định và luật định, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng được đảm bảo thực hiện trong thực tiễn cuộc sống là thước đo của nền dân chủ, văn mình, của tự do và tiến bộ xã hội; qua đó thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước. 

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề phức tạp và được xem xét dưới nhiều góc độ. Do đó để thúc đẩy và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cần có những nguyên tắc, cách thức và cơ chế khác nhau.  Có rất nhiều yếu tố, bộ phận tham gia vào quá trình hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là các yếu tố của hệ thống chính trị như Đảng, Nhà nước, các tỏ chức chính trị – xã hội… ngoài ra còn có các hiệp hội, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, hiệp hôi Asean… Trong phạm vi quốc gia, các chủ thể bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân chủ yếu là các yếu tố của hệ thống chính trị. Các cơ quan này, thông qua các nguyên tắc, cách thức, quy tắc hoạt động, chính sách pháp luật của mình để bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc xây dựng cơ quan chuyên trách để quản lý, bảo vệ quyền. Nghiên cứu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hiện nay chủ yếu tập trung và làm rõ, tăng cường hơn nữa hiệu lực và hiệu quả của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là làm rõ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ của ba nhánh quyền lực Nhà nước với bốn cơ quan kiến tạo thành bộ máy Nhà nước ta. Cụ thể là:

2.4.4.1. Quốc hội

Với chức năng lập hiến và lập pháp, Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật. Quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng là một trong những nội dung quan trọng cấu thành Hiến pháp và luật. Việc xây dựng Hiến pháp và luật có vai trò trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là cơ sở ban đầu, tiền đề cho các hoạt động đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp theo của các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước và của chính cá nhân, công dân.

Với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc tuân theo Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, Quốc hội còn thực hiện quyền quyết định các vấn đề quan trọng khác trong đó có chính sách về tôn giáo. 

Việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong việc đảm bảo quyền chính là dân chủ hóa hoạt động của Quốc hội, làm cho Quốc hội hoạt động có hiệu quả hơn nữa trong bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

2.4.4.2. Chính phủ

Là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, hoạt động của Chính phủ có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc đảm bảo, thúc đẩy và phát triển quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các cơ quan bộ máy Nhà nước phải tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả là điều kiện cần thiết để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; mà một trong những vấn đề chính có tính chất quyết định đến toàn bộ hiệu lực và hiệu quả của cơ quan công quyền đó là đội ngũ cán bộ, công chức.

Xây dựng bộ máy cán bộ, công chức hành chính tận tâm phục vụ nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề bảo vệ quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng. Muốn vậy, phải đặt ra yêu cầu trách nhiệm công vụ. Công chức Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định, ngược lại công dân có quyền được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, điều này mở ra chân trời rộng lớn cho quyền tự do dân chủ nói chung và quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân nói riêng.

Bên cạnh đó, xây dựng trách nhiệm công vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước là xây dựng tính chịu trách nhiệm đối với những hành vi sai trái xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân với những chế tài thích đáng, góp phần giảm thiểu nguy cơ xâm hại quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. 

2.4.4.3. Cơ quan tư pháp

Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trong Nhà nước pháp quyền, một khi quyền con người, quyền của cá nhân, công dân bị xâm phạm, cách tốt nhất và hiệu quả nhất là cá nhân, công dân viện dẫn đến Tòa án. Chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền nhân danh Nhà nước và nhân danh công lý để phán xét hành vi vi phạm pháp luật, xác định mức độ lỗi, mức độ thiệt hại và các biện pháp khắc phục hiệu quả. Qua đó hành vi phạm tội phải bị trừng trị; quyền và các lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, tập thể được khôi phục và bảo vệ. Song song với đó, Viện kiểm sát góp phần bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.

Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật về quyền con người và các Công ước quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia ký kết, phê chuẩn. Vai trò của cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ công lý và quyền con người mang tính chất quyết định. 

3. Thực trạng quy định của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và thực tiễn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

3.1. Thực trạng quy định của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Nhằm thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta đối với lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh các Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12/03/2003 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về công tác tôn giáo”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng được quy định trong các bản Hiến pháp: 

Hiến pháp năm 1946: Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.

Hiến pháp năm 1959: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một  tôn giáo nào.

Hiến pháp năm 1980: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Hiến pháp năm 1992: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Hiến pháp 2013: 1. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Luật tôn giáo, tín ngưỡng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 1 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Luật tôn giáo, tín ngưỡng đã thể chế hóa đường lối, chủ trương về chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.

Cùng với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về tự do tôn giáo. Ðoàn kết tôn giáo đang trở thành nền tảng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện các hệ thống pháp luật liên quan tôn giáo, đồng thời đề ra các chính sách tôn giáo phù hợp.

Để hiện thực hóa các quyền con người, Hiến pháp 2013 khẳng định các nguyên tắc chung về quyền con người, quyền công dân như sau: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đây là những định hướng, những nguyên tắc cơ bản để bảo vệ quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng

3.1.1. Thực trạng các quy định của pháp luật về công nhận các tổ chức tôn giáo

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, những quy định về việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã được chi tiết và cụ thể hóa, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Trên cơ sở tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, những tổ chức tôn giáo muốn hoạt động tại Việt Nam phải được pháp luật tại Việt Nam công nhận thông qua việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi (1), hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; (2), có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016; (3), người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; (4), có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; (5), có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (6), nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.[17]

Việt Nam mặc dù công nhận và tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không phân biệt giữa các tôn giáo với nhau, không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận. Tuy nhiên, không phải bất kỳ một tôn giáo nào cũng được phép tự do hoạt động mà hoàn toàn không phải chịu bất kỳ sự quản lý nào của nhà nước. Các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động tại Việt Nam và thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, các nghi lễ tôn giáo … đều cần phải đăng ký hoạt động và được nhà nước công nhận. Việc đăng ký hoạt động và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động không phải là nhà nước ta hạn chế quyền tự do tôn giáo mà là để đảm bảo hoạt động của các tôn giáo là phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, an ninh trật tự của đất nước hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 

Trong giai đoạn hiện nay, xuất hiện một số “đạo” lạ như Hội thánh Đức Chúa Trời, Đạo Long Hoa, Tin lành Đề Ga… Thực chất là các hội, nhóm lập ra không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; hoạt động trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tín ngưỡng, tôn giáo chính thống và an ninh chính trị, trật tự xã hội. Vì thế nên đương nhiên không được Nhà nước công nhận, ngược lại còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có những hành vi phạm quy định của Nhà nước, vi phạm thuần phong mỹ tục và đạo đức của dân tộc là những giá trị tốt đẹp đã được thừa nhận.

3.1.2. Thực trạng các quy định của pháp luật về  mở cơ sở đào tạo tôn giáo

Trong quá trình hoạt động, các tôn giáo tùy thuộc vào nhu cầu có thể mở các cơ sở đào tạo tôn giáo. Nhà nước tôn trọng quyền mở cơ sở đào tạo tôn giáo tuy nhiên, việc mở cơ sở đào tạo tôn giáo được Nhà nước công nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện:

“1. Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo; 

2. Có địa điểm hợp pháp để đặt cơ sở đào tạo; 

3. Có chương trình, nội dung đào tạo; có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo; 

4. Có nhân sự quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo.”[18]

Pháp luật Việt Nam không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của các tôn giáo mà chỉ đưa ra những quy định chung nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giữa các tôn giáo. Bất kỳ một tôn giáo hay một cơ sở đào tạo tôn giáo nào nếu muốn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam công nhận đều phải đáp ứng những điều kiện cơ bản theo quy định, không có ngoại lệ. Pháp luật cũng không đưa ra các yêu cầu cụ thể về các nội dung trong chương trình đào tạo nhưng vẫn đặt ra những quy định khung, yêu cầu chung, cơ bản để phục vụ cho hoạt động đào tạo được diễn ra một cách bình thường là có cơ sở, có phương tiện và nhân sự đảm bảo cho việc duy trì chương trình đào tạo. Pháp luật Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu bắt buộc về nội dung chương trình là có môn học về lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam, ngoài ra không có yêu cầu cụ thể về nội dung và phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của chương trình đào tạo.

Có thể thấy, trong vấn đề về quản lý cơ sở tôn giáo, pháp luật Việt Nam chỉ đưa ra những quy định cơ bản nhất, không can thiệp sau vào công việc nội bộ các tôn giáo. Điều này nhằm tạo điều kiện tự do nhất có thể cho các tổ chức tôn giáo.

3.1.3. Thực trạng các quy định của pháp luật về  xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, không gian sinh hoạt tôn giáo

Trong vấn đề xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, không gian sinh hoạt tôn giáo, Nhà nước chủ trương giao đất cho các cộng đồng tôn giáo sử dụng lâu dài và đất đai tín ngưỡng, tôn giáo không phải chịu thuế như những loại đất khác.[19] Bên cạnh đó, Nhà nước đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tôn trọng, khuyến khích các hoạt động tôn giáo. Cụ thể là với những công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo, chủ đầu tư chỉ cần lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng thay vì nhiều báo cáo như những công trình khác.[20]

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa công trình sử dụng cho mục đích tôn giáo cũng được Nhà nước quy định rõ ràng trong luật. Đặc biệt trong một số trường hợp, việc xây dựng công trình sử dụng cho mục đích tôn giáo có thể được miễn giấy phép xây dựng.[21]

So với hệ thống quy phạm pháp luật cũ, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định cụ thể, rõ ràng, mang tính hướng dẫn giúp cho người thực hiện dễ dàng trong việc chuẩn bị. Các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, Nhà nước có sự quan tâm sát sao trong việc đưa ra những ngoại lệ về xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, không gian sinh hoạt tôn giáo.

3.1.4. Thực trạng các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo của các tổ chức, cá nhân

Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời là một minh chứng rõ ràng và một lần nữa tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo đó, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân được nhà nước công nhận và bảo đảm bằng các quy định của pháp luật: nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì tín ngưỡng, tôn giáo; người đang bị tạm giam, đang chấp hành án trong trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, trong tù cũng có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo.

Đối với các tổ chức tôn giáo, những tổ chức đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định của luật sẽ được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo; được hoạt động tôn giáo theo hiến chương riêng; được xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác thuộc về tôn giáo; được cải tạo, xây mới, nâng cấp cơ sở tôn giáo  và thực hiện các quyền khác theo luật quy định.

3.1.5. Thực trạng các quy định của pháp luật về sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ tôn giáo

Trong quá trình đổi mới pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã làm thay đổi căn bản đời sống tôn giáo ở Việt Nam; đời sống tôn giáo ở Việt Nam thể hiện trên các mặt sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, hoạt động của chức sắc và những hoạt động của tổ chức tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo, tín đồ và chức sắc tôn giáo có quyền sinh hoạt tôn giáo theo giáo lý, giáo luật và lễ nghi của tôn giáo mà mình theo. Bên cạnh việc sinh hoạt tôn giáo cá nhân tại nơi ở, các tín đồ tôn giáo có thể tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung, điều này được pháp luật quy định tại Khoản 2, Điều 6 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016: “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”; các tổ chức tôn giáo cũng có quyền tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo Điều 7 của luật này. Một số sinh hoạt của một số tôn giáo, nhất là những tôn giáo có phạm vi địa phương, mới ra đời hoặc mới truyền vào, vì lý do nào đó trước đây không thực hiện thì từ khi đổi mới đến nay đều được phục hồi. Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra quy mô lớn kéo dài thời gian mà trước đây không thực hiện được.

So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004, pháp luật nước ta đã có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ, nhằm mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Có thể nói, Nhà nước chủ trương tôn trọng, tạo điều kiện và bảo đảm mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường trong khuôn khổ pháp luật. 

Việc đăng ký thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo quy định của Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Thông tư 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính. Để thực hiện các hoạt động nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, người đại diện hoặc ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, pháp luật Việt Nam quy định Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét văn bản đăng ký, trong trường hợp chưa hợp lệ cần phải hướng dẫn, thông báo cho cơ sở tín ngưỡng để hoàn chỉnh văn bản. Trường hợp từ chối đăng ký thì Ủy ban nhân dân xã phải trả lời bằng văn bản và phải nêu rõ lý do trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ.

Để thuận tiện cho việc thực hiện các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo pháp luật cũng quy định việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm chỉ thực hiện một lần, nếu có hoạt động phát sinh mới cần phải làm thủ tục đăng ký bổ sung. Việc từ chối đăng ký hoạt động tín ngưỡng tôn giáo bắt buộc phải được cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản… Những quy định đó là cơ sở để bảo vệ quyền tự do của nhân dân trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

3.1.6. Thực trạng các quy định của pháp luật về in ấn, xuất bản các tác phẩm tôn giáo

Tất cả các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều có quyền xuất bản kinh sách và các xuất bản phẩm khác về tôn giáo, điều này được pháp luật quy định tại Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016[22] và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về những hoạt động này. Mọi hoạt động in ấn, xuất bản kinh, sách và các xuất bản phẩm tôn giáo phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật quy định. 

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có những chế tài xử phạt cụ thể đối với những trường hợp in ấn, xuất bản các xuất bản phẩm tôn giáo trái pháp luật, áp dụng mức phạt hành chính lên đến 100.000.000 đồng.[23]

Việc quy định các thủ tục hành chính cũng như đưa ra các chế tài xử phạt mang tính răn đe trong vấn đề in ấn, xuất bản xuất bản phẩm tôn giáo là một động thái của Nhà nước trong việc bảo đảm “không ai có quyền lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện hành vi trái pháp luật”.

3.1.7. Thực trạng các quy định của pháp luật về hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo

Trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được mở ra trên nhiều tuyến; chính vì thế, hệ thống pháp luật cũng mở rộng những quy định về tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ ở Việt Nam mà còn ra phạm vi quốc tế, góp phần đảm bảo và mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân tôn giáo có thể thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế theo hiến chương của tổ chức tôn giáo phù hợp với pháp luật Việt Nam và khi thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia có liên quan.[24]

Nhà nước cũng mở rộng quyền với các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài: quyền hoạt động tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành;  tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[25]

3.1.8. Thực trạng các quy định của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số

Dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng đặc thù và dễ bị tổn thương, do đó, Nhà nước đã có những quy định để bảo vệ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng này.

Trước hết là chỉ thị số 01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo tin lành nhằm củng cố lại tổ chức của tôn giáo này, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc tồn tại tại thời điểm đó giữa đồng bào dân tộc thiểu số và Nhà nước. Tiếp theo, Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 đã quy định rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó Điểm c Khoản 4 Điều 5 quy định về việc Nghiêm cấm các hành vi chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 

Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng với mọi công dân Việt Nam, ai cũng có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không phân biệt dân tộc hay địa lý. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những dân tộc thiểu số cũng là động thái nhằm giải quyết vấn đề kích động nhằm chia rẽ, chống phá Nhà nước của các thế lực thù địch.

3.1.9. Thực trạng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Song song với việc mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, công tác bảo đảm quyền này cũng đặt ra vấn đề cần có một chế tài xử lý những vi phạm về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là:

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.[26]

Bên cạnh đó, nhà nước cũng đưa ra những quy định về chế tài xử lý đối với vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà có thể áp dụng xử lý hành chính hoặc hình sự, cụ thể như:

Phạt tiền đến 30.000.000 đồng với các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực tôn giáo;[27]

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với các hành vi gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;[28]

Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm;[29]

Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.[30]

3.2. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Những quy định mới về tự do tín ngưỡng của pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý, là điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền tự do tôn giáo và không tôn giáo của nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập đặt ra yêu cầu hoàn thiện hơn nữa về pháp luật.

Với đặc điểm là một quốc gia đa tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng khác nhau, Việt Nam tồn tại nhiều tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… được du nhập từ hàng nghìn năm trước. Bên cạnh đó là những tôn giáo hình thành trong nước như đạo Mẫu, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tứ Ân… Quan điểm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình quản lý đất nước của Đảng và Chính phủ, quan điểm đó không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật mà còn được thể hiện một cách cụ thể, sinh động trong thực tiễn đời sống xã hội.

3.2.1. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về công nhận các tổ chức tôn giáo

Từ khi có những quy định mới của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận.

Từ năm 2010 đến nay, Bộ Nội vụ đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 10 tổ chức và 01 ban đại diện tôn giáo. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 43 tổ chức tôn giáo có địa vị pháp lý hoạt động ở Việt Nam, trong đó có 36 tổ chức và 01 Pháp Môn được công nhận, 04 tổ chức được cấp đăng ký, 01 tôn giáo có một số chùa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận Ban Trị sự, Ban Quản trị chùa, 01 Thánh đường của Hồi giáo được công nhận Ban Quản trị thánh đường. Cụ thể là:

Phật giáo có Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

Công giáo có Giáo hội Công giáo Việt Nam; 

Đạo Tin lành gồm: Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc), Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam), Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Tổng Hội Báp – tít Việt Nam (tên gọi cũ là Tổng hội Báp – tít Việt Nam Ân điển – Nam Phương), Giáo hội Báp – tít Việt Nam (tên gọi cũ là Hội thánh Báp – tít Việt Nam- Nam Phương), Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Phúc Âm Ngũ tuần Việt Nam;

Đạo Cao đài gồm: Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo, Hội thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu, Hội thánh truyền giáo Cao Đài, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Hội thánh Cao Đài Bạch y liên đoàn Chơn lý, Hội thánh Cao Đài Chơn lý, Hội thánh Cao Đài Cầu kho – Tam quan, Hội thánh Cao Đài Việt Nam Bình Đức;

Phật giáo Hòa Hảo có Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo;

Hồi giáo gồm: Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh, Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận, Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Tây Ninh, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Ninh Thuận, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Bình Thuận, Ban Quản trị thánh đường Al noor Hà Nội (Sở Nội vụ TP. Hà Nội ban hành Quyết định công nhận Ban Quản trị thánh đường);

Tôn giáo Baha’i có Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam;

Tịnh độ Cư sỹ Phật hội có Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam;

Cơ đốc Phục lâm có Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam;

Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa có Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa;

Minh Sư đạo có Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo;

Minh lý đạo – Tam Tông Miếu có Hội thánh Minh lý đạo – Tam Tông Miếu;

Bà-la-môn giáo gồm Hội đồng chức sắc Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận và Hội đồng chức sắc Bà-la-môn giáo tỉnh BìnhThuận;

Đạo Mặc môn có Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam là tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;

Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn có Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn là tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;

Bửu Sơn Kỳ hương, Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, công nhận tổ chức tôn giáo cho đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có cơ cấu tổ chức là Ban Quản lý chùa hoặc không có cơ cấu tổ chức.

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, mỗi người dân đều có quyền theo hay không theo một tôn giáo nào. Các tổ chức tôn giáo cũng luôn được bình đẳng trước pháp luật. Tuy vậy khi hoạt động, các tổ chức này đều có nghĩa vụ phải đăng ký và được công nhận đúng quy định của pháp luật về trình tự pháp lý và các điều kiện quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo đều tiến hành nắm lại thực lực tín đồ chức sắc, cơ sở tôn giáo, phạm vi hoạt động, tiến hành tổ chức Đại hội Đại biểu thông qua Hiến chương (Điều lệ), đường hướng hành đạo và bầu cơ quan lãnh đạo Giáo hội để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc.

3.2.2. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về mở cơ sở đào tạo tôn giáo

Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là công tác chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo có đủ nhân sự quản lý và tổ chức các hoạt động tôn giáo.

Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, Phật giáo có các cơ sở đào tạo Tăng ni của Giáo hội mở  rộng trên khắp các miền. Hệ thống các trường Trung cấp Phật học được đặt tại các cơ sở của các Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Hiện Phật giáo có bốn học viện Phật giáo: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại thành phố Cần Thơ; một trường Cao đẳng Phật học và 32 trường Trung cấp Phật học. Giáo hội Công giáo có một Học viện Công giáo, bảy Đại chủng viện và một cơ sở II Đại chủng viện Thánh Giuse tại Hà Nội; Tin lành có một Viện Thánh kinh thần học và một trường Thánh kinh thần học. Đạo Cao Đài có Học viện Truyền Giáo Cao Đài tại Đà Nẵng.

Năm 2014, trên 13.000 người đã tốt nghiệp các khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng về tôn giáo; trên 7.000 người đang tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chức sắc của các tổ chức tôn giáo. Nhiều tổ chức tôn giáo cũng cử chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tham gia các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài. HIện Việt Nam có khoảng 250 tăng ni du học tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Mi-an-ma; 250 linh mục được đào tạo tại Pháp, Hoa Kỳ, Ý, Phi-líp-pin. Năm 2014 có hơn 2.000 chức sắc, nhà tu hành được các tổ chức tôn giáo phong chức, phong phẩm; trên 1.000 người được bổ nhiệm.

Tính tới nay, theo Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), các tôn giáo ở Việt Nam có đến 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo; tính đến tháng 11/2019, cả nước có 57.409 chức sắc, 147.028 chức việc, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tôn giáo của tín đồ.

3.2.3. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, không gian sinh hoạt tôn giáo

Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua, hàng trăm héc-ta đất đã được cấp cho các tổ chức tôn giáo để xây dựng cơ sở thờ tự, đặc biệt là: Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp cho Tòa Tổng Giám mục xây dựng Trung tâm mục vụ và Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) 7.500m² đất để xây dựng Viện Thánh kinh thần học; Giáo hội Phật giáo Việt Nam được cấp 20.000m² để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Tòa Giám mục Buôn Mê Thuột được cấp 11.000m²; Tòa Giám mục Đà Nẵng được cấp hơn 9.000m²; Giáo xứ La Vang ở Quảng Trị được cấp thêm 15.000m² để xây dựng Trung tâm hành hương; Hội truyền giáo Cơ Đốc Việt Nam được cấp 6.000m² để xây dựng trụ sở mới. Nhiều tỉnh cơ bản đã hoàn thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo như Ninh Bình 94%, Bắc Ninh 90%…[31]

Từ sau khi có những quy định của Nhà nước, các công trình tôn giáo được tôn tạo, xây mới ngày càng nhiều. Đến nay, trên cả nước, Phật giáo có khoảng 17.000 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; Công giáo có 7.445 cơ sở thờ tự; Tin lành có gần 500 nhà thờ, nhà nguyện; Cao Đài có 1.281 thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 43 ngôi chùa được công nhận; Hồi giáo có 89 thánh đường… Riêng năm 2014 có hơn 900 cơ sở thờ tự được cải tạo, nâng cấp, xây mới. Có những công trình tôn giáo được xây dựng với quy mô lớn và hoành tráng, được công nhận không chỉ trong nước mà còn cả trong khu vực và thế giới như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), Đền Thánh Kiên Lao (Nam Định), Thánh đường Jamiul Azhar (Kiên Giang)… Những công trình này không chỉ mang giá trị tôn giáo mà đồng thời còn có những nét kiến trúc độc đáo, trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước. 

Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ pháp lý để giải quyết việc xây dựng chùa chiền, cơ sở thờ tự và thiếu sự đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan như Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật cư trú, Luật di sản… các trình tự thủ tục vẫn còn tương đối phức tạp gây khó khăn cho hoạt động xây dựng cơ sở tôn giáo, thờ tự, phục vụ cho tín ngưỡng, tôn giáo

Bên cạnh đó còn có sự khác biệt trong cách xác định “địa điểm hợp pháp” để giải quyết đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc dẫn đến khó khăn cho các tổ chức tôn giáo. Có quan điểm cho rằng, “địa điểm hợp pháp” trong các trường hợp này là nhà ở, đất đai, công trình xây dựng phải thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức tôn giáo; trong đó đất đai phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai tôn giáo, nhà ở và công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; nếu chưa phải là đất đai thuộc quyền sử dụng của tổ chức tôn giáo thì cũng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai tôn giáo. Trong khi đó, có quan điểm cho rằng, “địa điểm hợp pháp” là nhà ở, đất đai, công trình xây dựng được tổ chức, cá nhân tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật. Do vậy, ngoài các trường hợp nhà ở, đất đai, công trình xây dựng thuộc quyền quản lý, sở hữu, sử dụng của tổ chức tôn giáo thì “địa điểm hợp pháp” còn bao gồm nhà ở, đất đai, công trình thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà tổ chức tôn giáo thuê, mượn theo quy định của Luật Dân sự.

Việc định nghĩa “địa điểm hợp pháp” tại Khoản 15, Điều 2, áp dụng chung cho tất cả đối tượng, khách thể quản lý hoạt động tôn giáo rõ ràng chưa phù hợp với thực tiễn cả dưới góc độ tổ chức tôn giáo lẫn dưới góc độ quản lý nhà nước. Cụ thể:

Dưới góc độ tổ chức tôn giáo: địa điểm đặt nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có ý nghĩa khác nhau với các tôn giáo khác nhau. Trong đó, đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, địa điểm đặt trụ sở, nơi sinh hoạt tôn giáo không nhất thiết gắn liền với cơ sở thờ tự. Nhưng đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở (“chùa” của Phật giáo, “giáo xứ” của Công giáo, “họ đạo” của đạo Cao Đài…) là nơi gắn liền với cơ sở thờ tự mang yếu tố linh thiêng phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành, chức việc và quần chúng tín đồ. Do đó, việc cho thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở đồng nghĩa với việc giải quyết cho tổ chức tôn giáo tạo lập, xây dựng mới cơ sở thờ tự và công trình tôn giáo phụ trợ.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước: việc thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi sự đồng bộ, thống nhất với các ngành luật điều chỉnh các lĩnh vực liên quan; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc áp dụng “địa điểm hợp pháp” theo quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để giải quyết việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở là chưa phù hợp, chồng chéo với các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và quy hoạch, thậm chí tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng.

3.2.4. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo của các tổ chức, cá nhân

Việt Nam mỗi năm có tới hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo lớn nhỏ được tổ chức, thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế. 

Rất nhiều lễ hội tôn giáo không còn là chuyện riêng của tôn giáo đó mà nó có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội như  Lễ Giáng sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh…

Trong những năm gần đây, nước ta đã tổ chức thành công nhiều lễ hội tôn giáo lớn, mang tính quốc tế như: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (năm 2014 và năm 2019), Năm Thánh Giáo hội (2010), Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X (năm 2012), các kỳ Đại hội hành hương La Vang (Quảng Trị); Đại lễ Kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam (năm 2011), 500 năm cải chánh Tin lành; Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Giáng sinh Giáo chủ Baha’u’llah của tôn giáo Baha’i… thu hút không chỉ chức sắc, nhà tu hành trong và ngoài nước mà còn các học giả, chính khách các nước tham gia, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm.. Ngay cả trong thời điểm dịch Covid bùng phát mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, các hoạt động tôn giáo vẫn diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích của tôn giáo và thực hiện theo đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc. Quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo ngày càng cởi mở, gắn bó hơn. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống đại dịch COVID-19 và hướng dẫn của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch. Chính quyền các cấp đã quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của Giáo hội, tạo sự đồng thuận trong chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Một số tổ chức tôn giáo đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ và tiến hành sửa đổi Hiến chương để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.[32]

3.2.5. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ tôn giáo

Theo ước tính Việt Nam có tới 95% dân số Việt Nam hiện nay có đời sống tín ngưỡng trên 24 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau (chiếm khoảng 27% dân số), thuộc 43 tổ chức tôn giáo. Tính đến tháng 11/2019, cả nước có 57.409 chức sắc, 147.028 chức việc và khoảng 27.900 cơ sở thờ tự. 

Về sinh hoạt tôn giáo, tín đồ các tôn giáo đều thực hiện các sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của tôn giáo mình. Thực tế những năm vừa qua cho thấy, không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. 

Một số lễ nghi tôn giáo còn trở thành nét đặc trưng được cộng đồng người dân trong nước và quốc tế công nhận, tiêu biểu là nghi thức thờ Mẫu Tam phủ (lên đồng) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.

Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra quy mô lớn kéo dài thời gian như Đại lễ Vesak 2019 tại Chùa Tam Chúc – Hà Nam có sự tham gia của trên 3000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi tới dự; Lễ “500 năm cải chính Đạo Tin lành” 2017 tại Hà Nội với hơn 10.000 người tham dự…

Những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo mà còn đang trở thành ngày hội thu hút toàn dân tham gia. Nhiều tổ chức tôn giáo ở cơ sở (giáo xứ, chùa, họ đạo, chi hội…) dù phạm vi hoạt động trong địa bàn một xã, phường, thị trấn, nhưng lại có những hoạt động tôn giáo quy mô rất lớn với thành phần tham dự lên đến vài chục nghìn người ở nhiều địa phương trong cả nước. Thậm chí có những hoạt động có hàng nghìn chức sắc, nhà tu hành tham dự; có hoạt động một vài chức sắc, nhà tu hành lợi dụng sinh hoạt tôn giáo, lễ nghi tôn giáo để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước do đó cần có sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tuy nhiên việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung vẫn còn một số bất cập như không phù hợp với xu thế cải cách thủ tục hành chính, không phù hợp với thực tiễn sinh hoạt tôn giáo khi yêu cầu tổ chức tôn giáo là chủ thể quản lý ở cấp vĩ mô, không trực tiếp quản lý sinh hoạt tôn giáo của tín đồ lại đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho họ. Đặc biệt với Công giáo – tổ chức giáo hội thống nhất từ Giáo triều Vatican đến giáo xứ, với 3 cấp hành chính đạo (giáo triều, giáo phận, giáo xứ), 2 cấp giáo hội (giáo hội hoàn vũ và giáo hội địa phương), 3 cấp trung gian (giáo miền, giáo tỉnh, giáo hạt); trong đó, giáo phận (giáo hội địa phương) do giám mục chính tòa quyết định toàn bộ các vấn đề trong địa bàn.

3.2.6. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về in ấn, xuất bản các tác phẩm tôn giáo

Việc in kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan tôn giáo được duy trì thường xuyên, bảo đảm phục vụ yêu cầu hoạt động tôn giáo. Trong 5 năm qua, hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đã xuất bản báo, tạp chí, bản tin. Theo thống kê từ năm 2006 đến nay, Nhà Xuất bản Tôn giáo đã cấp phép xuất bản 8.683 xuất bản phẩm, trong đó có 4.725 đầu sách với 14.535.464 bản in. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn ấn phẩm liên quan đến tôn giáo được cấp phép xuất bản, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp và tiếng dân tộc Khơ-me, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na…. Hiện Việt Nam đang nghiên cứu in thí điểm Kinh thánh song ngữ Việt – Mông – nước ngoài…

Tổ chức tôn giáo có nhu cầu cần in, xuất bản các loại kinh, sách, văn hoá phẩm có nội dung tôn giáo phải đăng ký đề tài xuất bản với Nhà Xuất bản Tôn giáo trực thuộc Ban Tôn giáo của Chính phủ, giấy phép xuất bản không được chuyển nhượng dưới bất cứ hình thức nào. Trong trường hợp nhập khẩu các văn hoá phẩm có nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc tôn giáo cũng cần phải thực hiện các thủ tục hải quan.

3.2.7. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo

Hàng năm có hàng trăm lượt chức sắc tôn giáo Việt Nam tham dự các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và hàng ngàn lượt cá nhân tôn giáo nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam giảng đạo và tham gia các hoạt động, sự kiện tôn giáo.

Hầu hết các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có mối quan hệ quốc tế nhất định ở các mức độ khác nhau. Phật giáo Việt Nam có các quan hệ và giao lưu với Phật giáo các nước trong khu vực và trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Ðộ, Campuchia, Lào, Thái-lan, Sri Lanka, Ðài Loan, Nga, Mông Cổ, Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Ðạo Công giáo có mối quan hệ về tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ Va-ti-căng, có quan hệ giao lưu với Giáo hội Công giáo các nước Pháp, Mỹ, Philippines, Trung Quốc, các nước châu Âu, là thành viên của Liên Hội đồng giám mục Á châu.

Các hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, hội nghị, hội thảo đến việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như vấn đề truyền giáo… số lượng các đoàn ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo luôn tăng và được đảm bảo theo quy định. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, trong năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã giải quyết 38 đoàn ra nước ngoài với số lượng là 170 người; chấp thuận cho 77 đoàn nước ngoài vào hoạt động tôn giáo tại Việt Nam với số lượng là 467 người; tiếp đón và làm việc với 21 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về tôn giáo và chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam. 

Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện: Kỷ niệm 500 năm cải chánh Đạo Tin lành, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak vừa được tổ chức vào tháng 5/2019, Tổng Hội dòng Đa minh thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

3.2.8. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số

Quyền tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm: năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký sinh hoạt tập trung…Ngoài ra, còn có rất nhiều tăng sỹ theo học các trường đại học, cao đẳng trường dạy nghề ngoài đời và du học tại nước ngoài với bậc học thạc sỹ, tiến sỹ.

Nhà nước hỗ trợ in ấn Kinh thánh song ngữ tiếng Việt và các tiếng của dân tộc thiểu số; đã xuất bản trên 30.000 cuốn Kinh thánh bằng tiếng Ba-na, Êđê, Gia-rai; cho phép in và nhập kinh sách Phật giáo Nam Tông Khơ-me; chuẩn bị xuất bản Kinh Coran song ngữ Việt Nam – Ả rập…

3.2.9. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Với quan điểm nhất quán không ai được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Nhà nước đã có những biện pháp xử lý nghiêm minh với những hành vi đội lốt tôn giáo để làm những việc sai trái, chống phá bộ máy Đảng và Nhà nước hoặc lợi dụng tôn giáo để trục lợi, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định của pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo, Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực khá nhạy cảm đối với chính trị. Không ít người đã lợi dụng tôn giáo để thực hiện các mục tiêu chính trị. Năm 2007, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã mở phiên tòa công khai xét xử Nguyễn Văn Lý 8 năm tù giam về hành vi lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà nước. Việc xử lý hành vi vi phạm của Nguyễn Văn Lý mặc dù theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành nhưng cũng bị truyền thông của một số nước xuyên tạc làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị, tư tưởng của người dân.

Hay như tại Quảng Bình, vào năm 2019 một số linh mục cực đoan núp bóng tôn giáo để xúi giục giáo dân làm nghề chạy thuyền phục vụ du khách tham quan động Phong Nha ngừng hoạt động nhằm tạo sức ép để tăng giá vé; ngang nhiên có các hoạt động lấn chiếm đất công để mở rộng khuôn viên nhà thờ, làm đường trái với quy hoạch, gây nguy cơ xung đột và bất ổn tình hình trên địa bàn; tuyên truyền, chỉ đạo các giáo dân có con em theo học mầm non và tiểu học không cho các cháu đến trường với lý do phản đối các khoản thu nộp đầu năm, ngăn cản học sinh trung học cơ sở nộp học phí. Gần đây nhất, việc Trần Văn Thanh, ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn bị bắt với tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi, nhiều trang Facebook cá nhân mang tên một số linh mục trên địa bàn đã xuyên tạc về vụ việc và kêu gọi giáo dân đấu tranh trả tự do cho Trần Văn Thanh; một số người dùng mạng xã hội do thiếu hiểu biết và bị kích động, lôi kéo nên đã chia sẻ thông tin sai sự thật này. Với những vi phạm trên, Nhà nước đều có những động thái xử lý nghiêm minh.

Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo rất đa dạng và được thực hiện với nhiều thủ đoạn và quy mô khác nhau. Các hành vi phổ biến có thể kể đến là lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hành nghề mê tín dị đoan; lừa đảo, trục lợi hoặc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hoặc có thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hành vi như: kỳ thị, phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; mua chuộc người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc, cản trở người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào; lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm hoặc lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để bịa đặt, xuyên tạc dưới mọi hình thức nhằm chống lại Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử lý nghiêm minh.

Như vậy, có thể nói, Nhà nước luôn tạo điều kiện và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của công dân nhưng không vì thế mà cho phép những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật dưới bóng tôn giáo, tín ngưỡng. Nhìn theo một góc độ khác, động thái xử lý nghiêm những hành vi vi phạm cũng là một phương thức để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân.

3.3. Đánh giá những thành tựu và hạn chế của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

3.3.1. Thành tựu của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Qua nghiên cứu pháp luật về tôn giáo hiện hành, có thể tổng kết lại một số thành tựu của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay như sau:

Thứ nhất, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Quyền này được thể hiện rõ ở những quan điểm, chủ trương, hiến pháp, pháp luật và được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Thứ hai, Đảng ta đã xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta “thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và bình đẳng trước pháp luật”.

Thứ ba, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là bước rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế quan trọng, Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo đảm cho người dân các quyền đã được công nhận trong các công ước bằng hoạt động lập pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các quyền con người được các công ước ghi nhận. Hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo không những tăng nhanh về số lượng mà còn phong phú và đa dạng hơn về hình thức để phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, trên cơ sở nghị Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa thành các quy định của pháp luật và các kế hoạch, giải pháp, cơ chế bảo đảm thực hiện, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ tư, dù là tôn giáo nội sinh hay phái sinh, dù ở vùng miền nào, các tổ chức đã được công nhận hay mới cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đều có đường hướng, phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước, sinh hoạt tôn giáo ổn định, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Với sự cởi mở của chính sách tôn giáo nước ta hiện nay, hệ thống tôn giáo đã thay đổi căn bản, thực sự đa dạng, phong phú hơn.

Tính đến nay, 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước[33]. Điều này cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống người dân, phát triển đất nước cũng như tích cực cùng nhân loại xây đắp, củng cố hòa bình trong khu vực và trên thế giới, xây dựng quan hệ bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia để cùng phát triển.

Nhờ chính sách và đường lối đúng đắn, Việt Nam xây dựng được tính dung hoà giữa các tôn giáo. Do vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam trở thành nơi giao thoa của các nền văn hoá trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, người Việt không có tư tưởng kỳ thị hoặc chia rẽ tôn giáo. Ở hầu hết các lễ hội tôn giáo, ngoài sự hiện diện của tín đồ, còn có rất nhiều người dân, thậm chí là tín đồ của các tôn giáo khác cũng đến xem lễ, thăm quan, du lịch, tìm hiểu văn hoá-tín ngưỡng…

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong những năm qua chứng tỏ thực tế này. Việc bày tỏ đức tin, lễ nghi, lễ hội tôn giáo diễn ra bình thường, đặng biệt là những dịp lễ lớn. Những ngày lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô ngày một lớn, thu hút nhiều tín đồ tham dự với tinh thần phấn khởi, yên tâm, tin tưởng vào chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. 

Hơn nữa, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có quyền và được Nhà nước tạo điều kiện mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo; chủ động trong việc củng cố tổ chức phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành để chăm lo việc đạo theo Hiến chương của các tôn giáo và quy định của pháp luật; các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp như mọi công dân khác theo quy định của pháp luật… Đây là cơ sở để tín đồ tôn giáo, chức sắc tôn giáo yên tâm hành đạo, đồng thời giúp cho mỗi người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, gắn bó quyền lợi của mình với lợi ích quốc gia, dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, không ngừng phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Không chỉ trong cộng đồng người có đạo, công tác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn đem lại những lợi ích về mặt kinh tế, chính trị cho đất nước:

– Xu hướng du lịch tâm linh càng ngày càng trở nên phát triển, số lượng khách du lịch tâm linh mỗi năm một tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch. Trong số 32,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh) có khoảng 13,5 triệu lượt, tương đương 41,5%. Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), Chùa Hương (1,5 triệu lượt); Chùa Bái Đính (2,1 triệu lượt), Yên Tử (2,3 triệu lượt), khu du lịch Núi Bà Đen (2,2 triệu lượt); Côn Sơn Kiếp Bạc (1,2 triệu). Góp phần làm tăng trưởng ngành du lịch trong nước nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Sự phát triển của du lịch tâm linh còn đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. Người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống. Du lịch tâm linh tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang kết hợp dịch vụ. Du lịch tâm linh đạt tới sự phát triển cân bằng về các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. 

– Ổn định tôn giáo góp phần ổn định chính trị. Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Tôn giáo và chính trị có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ngày nay, nhờ có sự quan tâm và bảo đảm của Nhà nước, đời sống giáo dân được quan tâm một cách toàn diện cả về phần đạo và phần đời, có được cuộc sống mà ở đó “phần xác no ấm, phần hồn thong dong”. Việc nhìn nhận tôn giáo một cách toàn diện, linh hoạt trên hệ quy chiếu lợi ích quốc gia đã vận động, thuyết phục được đồng bào có đạo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời góp phần phát huy được ưu điểm, sức mạnh của đồng bào có đạo trong sự nghiệp chung của dân tộc. Chính điều đó đã làm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ của kẻ thù.

3.3.2. Một số hạn chế của pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Đi cùng với sự phát triển ngày một mạnh mẽ của tôn giáo là những vấn đề mới phát sinh, qua đó cho thấy một số hạn chế của pháp luật hiện hành đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ nhất, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo: một số khái niệm đưa ra chưa rõ ràng, cụ thể; thiếu thống nhất trong một số quy định; khó xác định thẩm quyền; các quy định về địa điểm tôn giáo còn chồng chéo với quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và quy hoạch; việc tiếp nhận thông báo hoạt động tôn giáo dựa vào dựa vào “địa bàn hoạt động tôn giáo” của tổ chức tôn giáo, không dựa vào “thành phần tham dự hoạt động” dẫn đến khó khăn cho địa phương quản lý; thiếu sự bình đẳng giữa các chủ thể…

Thứ hai, quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo còn có biểu hiện khi thì cứng nhắc, khi thì buông lỏng, chưa xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật. Sở dĩ có điều này do một số cán bộ làm công tác quản lý về tôn giáo chưa thực sự nhận thức đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng.

Thứ ba, tình trạng lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước vì mục đích chính trị gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc có những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín, dị đoan, trục lợi cá nhân còn diễn ra ở một số địa phương dưới các hình thức khiếu kiện đông người, kéo dài, gây áp lực với chính quyền, gây rối trật tự công cộng và an toàn xã hội.

Thứ tư, vẫn còn tồn tại xung đột mâu thuẫn giữa các tôn giáo hoặc xung đột, mâu thuẫn trong nội tại từng tôn giáo mà nếu không kịp thời xử lý, có thể gây ra tình hình bất ổn định nghiêm trọng trong khu vực.

Trong quá trình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng đã xuất hiện những bất cập:

– Về việc xuất hiện tình trạng kinh tế hóa tôn giáo, “kinh doanh tâm linh”, đi ngược lại với văn hóa, thuần phong mỹ tục. Lợi dụng những chính sách ưu ái của pháp luật đối với tôn giáo, có những đền chùa được xây dựng bởi cá nhân, doanh nghiệp chỉ với mục đích trục lợi kiếm lời. Trong một số năm trở lại đây, tình trạng này xuất hiện ngày một nhiều, thậm chí còn có xu thế phát triển thành “ngành công nghiệp tâm linh” tiêu tốn tiền bạc, nguồn lực của đất nước. Những hoạt động này vừa không cải thiện được giá trị tôn giáo cho tín đồ, vừa làm xấu đi hình ảnh tôn giáo trong mắt những người không theo đạo. 

– Về sai phạm trong trùng tu, sửa chữa công trình tôn giáo. Việc sửa chữa, tu bổ cơ sở tôn giáo sai nguyên tắc, không có tính toán, không có kiến thức về lịch sử – văn hóa khiến cho một số công trình tôn giáo bị phá hủy hoàn toàn về giá trị tâm linh và giá trị nghệ thuật. Năm 2012, việc trùng tu Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ – Hà Nội) khiến nhà tổ, gác khánh có tuổi đời nhiều trăm năm của chùa bị đập bỏ để xây dựng thành di tích một ngày tuổi; năm 2018, việc sửa chữa, trùng tu chùa Bạch Tượng một cách tự ý thay đổi cấu trúc dẫn đến ngôi chùa cổ niên đại 500 năm không được đảm bảo theo nguyên trạng, không có khả năng khôi phục để đảm bảo tiêu chí trong xếp hạng di tích. Những sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề tu bổ và sửa chữa cơ sở tôn giáo gây ra bức xúc không nhỏ trong xã hội, đồng thời khiến người dân nghi ngờ về công tác quản lý của Nhà nước.

– Về vấn đề lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước. Những đối tượng này đã lợi dụng tôn giáo, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Biểu hiện cụ thể của hoạt động này mà các đối tượng thường sử dụng là lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo để khống chế, kích động quần chúng, tuyên truyền chống chế độ; lợi dụng thần quyền và hệ thống tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động, khống chế quần chúng phá rối an ninh, gây bạo loạn. Gần đây, các đối tượng ráo riết tiến hành các hoạt động này ở những địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; thực hiện ý đồ “tôn giáo hóa vùng dân tộc thiểu số”. Đáng chú ý, các thế lực này đã tuyên truyền, lôi kéo lập ra một số hình thức “tôn giáo” riêng cho người dân tộc thiểu số như “Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên; kích động luận điệu “Tin lành riêng của người Mông”, “Phật giáo riêng của người Khơme”.

4. Một số kiến nghị và giải pháp nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

4.1. Quan điểm hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta không ngừng đổi mới nhận thức về tôn giáo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là nền tảng để xây dựng chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào có đạo và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bước ngoặt trong sự đổi mới tư duy lí luận của Đảng về vấn đề tôn giáo được đánh dấu bằng sự ra đời Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, ngày 16/10/1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Trong quá trình đổi mới, tư duy lí luận của Đảng về vấn đề tôn giáo tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, nhất là Nghị quyết số 25 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX), ngày 12/3/2003. Tại Đại hội XII và gần đây nhất là Đại hội XIII của Đảng, ngoài những điểm kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của các đại hội trước, Đảng ta cũng đưa ra một số quan điểm, đánh giá, nhận xét mới đối với tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo:

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Vấn đề hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta đã được khẳng định ở nhiều kỳ Đại hội. Đại hội XII một lần nữa Đảng ta nêu rõ là “tiếp tục” hoàn thiện “chính sách” và “pháp luật” về tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được đặt ra thường xuyên, liên tục.

Hai là, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.  Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ khẳng định chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Ba là, quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Quan điểm này được phát triển từ luận điểm trong Nghị quyết 24- NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/10/1990. Bên cạnh đó, văn kiện Đại hội XIII còn chỉ ra yêu cầu phát huy văn hóa tôn giáo dân tộc thiểu số, xây dựng thiết chế văn hóa…

Bốn là, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật. Vấn đề chống lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện ở mọi kỳ Đại hội của Đảng. Những vấn đề này ở Đại hội XII có hai điểm đáng lưu ý là (1) “chủ động phòng ngừa” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo và (2) “kiên quyết đấu tranh” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước.

4.2. Một số kiến nghị nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở việt nam hiện nay

Sự biến đổi của hệ thống tôn giáo tín ngưỡng nước ta là rất toàn diện và mạnh mẽ, tự nó cũng đặt ra những vấn đề mới trong quan hệ giữa luật pháp và tôn giáo. Từ những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, em đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện về công tác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

Thứ nhất, pháp luật về tôn giáo phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu rộng quá trình thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp, mang tính khả thi được xã hội thừa nhận; khắc phục những hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi và không phù hợp với tình hình thực tiễn; bổ sung những quy định mới mà thực tiễn quản lý nhà nước về tôn giáo đang đặt ra nhưng chưa có những quy định của pháp luật điều chỉnh.

Thứ hai, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức giáo hội, đặc biệt là vai trò của các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo. Chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa các thành viên của hệ thống chính trị với tổ chức tôn giáo trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu, tâm tư tình cảm và tuyên truyền giáo dục các chức sắc, nhà tu hành và đồng bào có đạo nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Thứ ba, khuyến khích tổ chức các hoạt động tôn giáo đem lại những giá trị tích cực về văn hóa, đạo đức theo tôn chỉ, mục đích của mình, bao gồm cả các hoạt động có quy mô lớn mang tầm vóc quốc tế; khơi dậy trong đồng bào có đạo tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước. 

Thứ tư, tiếp tục quán triệt thật sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tạo được sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức đối với công tác tôn giáo của cả hệ thống chính trị trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Đảng và chính quyền các cấp, các địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.

4.3. Một số giải pháp nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở việt nam hiện nay

Từ những kiến nghị nêu trên, em đưa ra một số giải pháp nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho bảo đảm quyền công dân nói chung và quyền tự do tín ngưỡng như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức. Tuyên truyền, đào tạo, giúp cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; chức việc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các sinh hoạt tôn giáo dần đi vào ổn định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về tôn giáo và công tác tôn giáo. Tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết về công tác tôn giáo gắn với đẩy mạnh các phong trào, phong trào sống “tốt đời, đẹp đạo”. 

Thứ hai, tăng cường công tác tham mưu, quản lý nhà nước về tôn giáo. Cụ thể hóa, đảm bảo về mặt thủ tục hành chính và đúng trình tự công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Chính quyền các cấp thực hiện đúng vai trò quản lý Nhà nước về tôn giáo. Phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo của các ban, ngành chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật và phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn các tà đạo, tổ chức bất hợp pháp. Tập trung đẩy mạnh công tác phát động quần chúng, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về các chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo; nâng cao nhận thức của quần chúng, phân biệt rõ tín ngưỡng, tôn giáo với việc lợi dụng tôn giáo.

Thứ ba, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động công tác vận động chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo. Chính quyền các cấp cần chủ động, lắng nghe để hiểu tâm tư, nguyện vọng các tôn giáo, từ đó đáp ứng những nhu cầu chính đáng, hợp pháp của cá nhân, tổ chức tôn giáo. Củng cố, tăng cường xu hướng đối thoại hợp tác giữa các tôn giáo với chính quyền.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật cho người dân ở vùng đồng bào có đạo. Kêu gọi đầu tư và tăng cường thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao dân trí; tăng cường củng cố hệ thống chính trị, động viên quần chúng tôn giáo sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào cách mạng, các hoạt động từ thiện nhân đạo. Giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Thứ năm, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và vận động các tín đồ trên tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận động các tín đồ thực hiện tốt các đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy những nét đẹp truyền thống, những yếu tố tích cực, những điểm tương đồng trong các tôn giáo. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn đối với các tà đạo, các hoạt động mê tín dị đoan.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng đông tôn giáo. Xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Nhà nước một mặt tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đồng thời nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện những hành vi gây phương hại đến lợi ích dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Từ khi được hình thành đến nay, quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người luôn xuyên suốt qua các thời kỳ luật pháp. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo cơ sở vững chắc để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, giúp nhân dân có cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Không chỉ thế, pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đang ngày một tiệm cận với hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới, phù hợp với những điều ước của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về mặt lý luận, bài báo cáo đã đưa ra khái niệm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; vai trò của Nhà nước trong công tác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những tác động qua lại trong mối quan hệ giữa tôn giáo và Nhà nước. 

Về mặt thực tiễn, thực trạng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đánh giá dựa trên những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó thấy được những thành tựu đạt được, đồng thời cả những mặt hạn chế cần khắc phục. 

Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, bài báo cáo đưa ra những quan điểm để hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra những kiến nghị và giải pháp cụ thể. Bởi chỉ khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện, công tác quản lý của Nhà nước được nâng cao thì mới có thể đảm bảo một cách toàn diện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

VĂN BẢN PHÁP QUY

  1. Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Nxb Lao động, Hà Nội.
  5. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992), Nxb Lao động, Hà Nội.
  6. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980), Nxb Lao động, Hà Nội.
  7. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1959), Nxb Lao động, Hà Nội.
  8. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1946), Nxb Lao động, Hà Nội.
  9. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật dân sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  10. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật hình sự , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  11. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Luật tín ngưỡng tôn giáo (2016), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  12. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014),  Luật Xây dựng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  13. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam(2012), Luật xử lý vi phạm hành chính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  14. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2004), Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  15. Văn phòng Thủ tướng chính phủ (2017), Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

SÁCH, BÁO, TẠP CHÍ

  1. Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán- Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. GS.TS. Đỗ Quang Hưng (2014), Chính sách tôn giáo và Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
  3. GS.TS. Văn Tân (1991), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. GS. Đặng Nghiêm Vạn (1998), Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội Hà Nội.
  5. TS. Vũ Chiến Thắng (2021), Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới, Tạp chí tổ chức nhà nước.

[1]  Điều 24 Hiến pháp Việt Nam 2013

[2]  Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán- Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 283.

[3] Văn Tân (chủ biên) (1991), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] Điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016.

[5] Đặng Nghiêm Vạn (1998), Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội Hà Nội.

[6] Văn Tân (chủ biên) (1991), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

[7] Điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016.                                                                 

[8]  Chương 2 Điều 10 Hiến pháp năm 1946.

[9]  Chương 3 Điều 26 Hiến pháp năm 1959.

[10] Chương 5 Điều 68 Hiến pháp năm 1980.

[11] Chương 5 Điều 70 Hiến pháp năm 1992.

[12] Chương 2 Điều 24 Hiến pháp năm 2013.

[13] Điều 1 Luật Phân Ly Pháp 1905.

[14] Điều 2 Luật Phân Ly Pháp 1905.

[15] GS.TS. Đỗ Quang Hưng (2014), Chính sách tôn giáo và Nhà nước pháp quyền, tr.95.

[16] De Lanessan, Những nguyên tắc chế độ thuộc địa (Principes de colonization)

[17]  Điều 21 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016

[18] Điều 37 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016

[19] Khoản 2 Điều 2 Thông tư 153/2011/TT-BTC Hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

[20] Điểm a Khoản 3 Điều 52 Luật Xây dựng 2014.

[21] Khoản 2 Điều 16 Nghị định 162/2017 NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo.

[22] Khoản 3 Điều 7 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016.

[23] Điểm d Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

[24]  Điều 52 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016.

[25]  Điều 48 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016.

[26] Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.

[27] Điểm a Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

[28] Điểm c Khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015.

[29] Khoản 1 Điều 164 Bộ luật Hình sự 2015.

[30] Khoản 1 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015

[31] Bộ Ngoại giao (2017), Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, tr.22.

[32] TS Vũ Chiến Thắng (2021), Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới, Tạp chí tổ chức Nhà nước.

[33] Bộ Ngoại giao (2017), Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, tr.19.

Bài viết cùng chuyên mục:

Cho thuê nhà đang bị ngân hàng làm thủ tục phát mãi có vi phạm pháp luật

Quý Anh Chị cho em tham khảo hướng giải quyết giúp em việc này…Em có ký hợp đồng tay thuê căn nhà mặt tiền Q1 HCM, đặt cọc cho anh chị chủ nhà 700tr đồng nhưng vì nhà đang bị ngân hàng làm thủ tục phát mãi (đang tranh chấp tại toà) nên chị chủ nhà chưa chịu giao nhà cho em thuê (hẹn) cũng vì covid nên em đồng ý kéo dài đến nay đã 6 tháng mà anh chị chủ nhà vẫn chưa chịu cho em thuê??? Đến nay điện thoại không bắt máy không gặp được, hiện căn nhà em định thuê đang khoá cửa không có người ở, em muốn lấy tiền cọc lại không thuê nữa nhưng anh chị chủ nhà lẩn tránh thì em phải làm sao? Họ có vi phạm pháp luật lừa đảo hay chỉ tranh chấp dân sự vậy các anh chị ơi. Em cảm ơn

Chào anh/chị,

Rất vui khi được tư vấn pháp lý cho anh/chị.

Dựa vào những thông tin mà anh/chị đã cung cấp đây là một trong những vấn đề liên quan đến vấn đề dân sự cụ thể là liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân trong hợp đồng dân sự. Cụ thể như sau:

– Để xác định được hành vi của anh chị chủ nhà kia có phải là hành vi lừa đảo hay không phải xác định được thời điểm khi hai bên giao kết hợp đồng anh chị chủ nhà có đang biết là nhà mình đang ở giai đoạn phát mãi của ngân hàng hay không và bản thân anh/chị là người đi thuê nhà cũng có biết căn nhà đang bị thế chấp ngân hàng hay không.

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

– Nếu xác định hành vi của chủ nhà là lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của chị thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tù từ 7 đến 15 năm. Nhưng để chứng minh trên những cơ sở thông tin mà chị cung cấp là rất khó.

– Trường hợp cả 2 bên đều đã biết về việc căn nhà đang bị thế chấp thì đây chỉ là tranh chấp dân sự giữa hai bên người cho thuê nhà và người thuê nhà. Khi chị khởi kiện ra tòa để đòi lại tiền tòa án sẽ căn cứ theo hợp đồng thuê nhà giữa hai người làm cơ sở để phận định dựa trên các điều kiện đúng pháp luật.

Điều 413. Nghĩa vụ không thực hiện được do lỗi của một bên

Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 426. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng

Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng.

Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 của Bộ luật này.

– Như vậy nếu trong hợp đồng thuê nhà hai bên đã thỏa thuận về thời gian bàn giao nhà cho thuê mà một bên còn lại không thực hiện theo đúng hợp đồng thì sẽ phải thực hiện theo đúng thỏa thuận hai bên đã giao dịch và bồi thường thiệt hại do bên có lỗi gây ra. Chị hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu hoàn trả lại số tiền 700 trđ cùng với đòi bồi thường thiệt hại cho chị khi bên chủ nhà đã phá vỡ thỏa thuận.

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua

IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 12/04/2021

Bị người khác lấy hộ khẩu để vay tín chấp thì mình có bị sao không ?

Câu hỏi:  Bị người khác lấy hộ khẩu để vay tín chấp thì mình có bị sao không ?

Chuyện là như thế này. Mình đã ly hôn vợ từ năm trước. Nhưng vẫn để tên vợ cũ trong sổ hộ khẩu. Mình nghĩ để vậy nếu cô ấy có đi xin việc ở đâu mà có hộ khẩu thành phố thì sẽ tốt hơn.

Tháng trước cô ấy có nói là thành lập một nhóm nhà trẻ, cần phải có hộ khẩu để làm hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh. Cô ấy giữ hộ khẩu đến 20 ngày. Mình thấy hơi lạ là nếu có làm hồ sơ gì đó thì chỉ cần bản sao có công chứng thôi chứ, chứ chẳng lẽ cơ quan Nhà nước lại giữ bản gốc của mình ? Mặt khác nhóm trẻ này ở một địa chỉ khác chứ đâu phải là địa chỉ nhà mình.

Hôm nay tự dưng mình được một ngân hàng gọi điện đến mời vay tín chấp. Nội dung là có thể vay tối đa 50 triệu, mà không cần thế chấp tài sản, chỉ cần có CMND và sổ hộ khẩu là vay được. Mình không vay, nhưng giật mình nghĩ lại. Có khi nào vợ cũ dùng hộ khẩu của mình để đi vay tín chấp ? Vì mở nhóm trẻ thì cần khá nhiều tiền, mà trong hộ khẩu mình lại đứng tên chủ hộ.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật LVN chúng tôi:

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ Luật dân sự 2015;
  • Luật Cư trú 2006;
  • Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Trả lời câu hỏi:

“Điều 344. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội

Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.”

Từ quy định trên cho thấy ngoài các biện pháp bảo đảm bằng tài sản, hợp đồng tín dụng có thể được bảo đảm bằng uy tín của các tổ chức chính trị-xã hội.

Tín chấp là việc tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình để bảo đảm cho thành viên của mình vay vốn tại các tổ chức tín dụng bằng việc xác nhận về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn và phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng.

Vì thế, nếu vợ cũ của bạn muốn vay tiền bằng hình thức vay tín chấp thì cũng không ảnh hưởng gì đến bạn cả. Vì nếu có dùng sổ hộ khẩu khi bạn đứng tên chủ hộ để vay tín chấp thì cũng chỉ là để làm thủ tục để vay, còn việc vay tín chấp đã có tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở đứng ra bảo đảm bằng uy tín của mình cho khoản vay đó.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người tư vấn: Trần Thị Phương Thảo

Xúc phạm nhân phẩm cá nhân thông qua trang mạng viễn thông

 Căn cứ theo điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của BLDS2015

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

– Người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự việc xác định mức độ bị xâm phạm như thế nào cũng là một vấn đề khá phức tạp, bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau, nhưng theo ý chí chủ quan của người phạm tội hay người bị hại mà mức độ xâm phạm cũng khác nhau nên cũng chưa thể xác định một cách chính xác được mà phải kết hợp với các yếu tố như:

+ Trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình v.v…

+ Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.

– Với trường hợp của anh/chị nếu muốn FB xóa hình ảnh của anh chị trên các trang mạng thì cần có thông báo của tòa án hoặc cơ quan có chức năng yêu cầu FB xóa bỏ các hình ảnh có tính chất bôi nhọ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của gia đình anh chị. Và người đăng tải những hình ảnh đó lên truyền thông có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố hình sự với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của người khác gây ảnh hưởng tới tài sả, sức khỏe và tính mạnh của người bị bôi nhọ.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g)Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a)Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Như vậy hành vi đăng tải lên mạng đã vi phạm mục e khoản 2 điều 155 BLHS 2015 sử dụng mạng viễn thông cụ thể là mạng FB xúc phạm đến nhân phẩm và uy tín người khác và xét đến mức độ thiệt hại về người và tài sản có thể sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua

IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 09/04/2021

Chiếm đoạt lừa đảo tài sản thông qua giao dịch dân sự

– Liên quan đến vấn đề dân sự:

Căn cứ vào điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

– Như vậy, việc anh trai anh cùng mẹ anh ngoại trừ thực hiện giao dịch tặng cho bằng văn bản cũng đã đồng thời thực hiện giao dịch cam kết nuôi dưỡng mẹ anh đến cuối đời và phải đưa bà một khoản tiền 200 triệu đồng. Giao dịch này hoàn toàn hợp lệ theo quy định pháp luật và anh của anh phải có nghĩa vụ thực hiện giao dịch đó theo quy định của BLDS 2015.

 Căn cứ theo điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

– Hành vi của anh trai anh là hành vi lừa dối, nhằm lấy lòng tin của mẹ anh tiến hành giao dịch tặng cho trên giấy tờ và thực hiện giao dịch cam kết nuôi dưỡng và đưa 200 triệu cho mẹ anh bằng lời nói vì nghĩ lời nói không có căn cứ sẽ không được pháp luật công nhận.

– Việc anh ghi âm lại đoạn hội thoại có nội dung liên quan đến thực hiện cam kết sẽ là một tài liệu, chứng cứ để tòa xem xét giải quyết vụ án này. Về việc mẹ anh có thể đòi lại quyền sử dụng đất sau khi đã tặng cho hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố để có thể chứng minh hành vi của anh trai anh đang không thực hiện theo đúng thỏa thuận đã giao dịch bằng lời nói trước đó. Khi đó giao dịch tặng cho trước đó sẽ bị tòa tuyên là vô hiệu nếu xác định được hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của anh trai anh.

– Liên quan đến vấn đề hình sự

Căn cứ theo điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Hành vi của anh trai anh còn có thể bị khởi tố hình sự theo khoản 1+c của bộ luật này. Căn nhà của mẹ anh có trị giá rất lớn và việc sau khi đã chiếm đoạt xong ngôi nhà còn có hành vi không cho mẹ anh vào nhà, ngược đãi và lăng mạ. Như vậy anh trai anh có thể bị phạt cải tạo hoặc phạt tù từ 3 đến 6 tháng.

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua

IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 09/04/2021

Thuận tình ly hôn chỉ đợi quyết định của toà và nộp án phí thì rút lại đơn có được không

Cho em hỏi việc em thuận tình ly hôn, chỉ đợi quyết định của toà và nộp án phí là xong. Trong thời gian này nếu chồng em dở chứng ko muốn ly hôn, đòi rút lại đơn có được không ạ? Và nếu sau này em ko cho gặp con thì nó có kiện đc ko và e bị phạt hay như nào ạ?

Chào chị,

Rất vui khi được tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý cho chị.

Dựa vào những thông tin mà chị cung cấp chị đang có một số những thắc mắc về vấn đề thủ tục ly hôn tại tòa và tranh chấp nuôi con sau hôn nhân. Tôi xin được giải đáp cho chị như sau:

 Căn cứ theo điều 55. Thuận tình ly hôn của Luật hôn nhân gia đình 2014

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

– Nếu hai vợ chồng đều đồng thuận muốn ly hôn và không có tranh chấp về tài sản và con cái thì tòa tiến hành giải quyết theo thủ tục ly hôn thuận tình. Sau khi đã nộp hồ sơ cho tòa và có thông báo nộp tạm ứng án phí. Người nộp hồ sơ nộp tạm ứng án phí tại chi cục thi hành án nơi tòa thụ lý.

* Các thủ tục rút gọn tại tòa quy định tại điều 65 BLTTDS 2015:

Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.

– Trong khi tiến hành thủ tục rút gọn vụ việc,vụ án dân sự tại tòa đặc biết là ly hôn. Nếu một trong hai bên đương sự có những thay đổi quyết định trước đó thì vụ việc bị đình chỉ căn cứ theo điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:

1. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

2. Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

3. Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

4. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.

…………………………………

– Khi đó tòa án không thể giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn nữa và nếu chị vẫn có nhu cầu ly hôn thì tòa sẽ giải quyết theo thủ tục đơn phương ly hôn và chị phải chuẩn bị một bộ hồ sơ mới để thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn

* Hồ sơ đơn phương ly hôn:

– Đơn khởi kiện ;

– Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);

– Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ Hộ chiếu (bản sao y chứng thực);

– Giấy khai sinh của con (bản sao y chứng thực);

– Sổ hộ khẩu (bản sao y chứng thực);

– Giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng: Sổ đỏ, sổ tiết kiệm, giấy đăng kí xe…..

– Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn do công an địa phương xác nhận.

– Về vấn đề thứ hai chị có thắc mắc về việc quyền và nghĩa vụ của cha mẹ sau hôn nhân. Căn cứ theo Luật hôn nhân gia đình 2014 Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

– Việc chị ngăn cấm chồng không được gặp con đã vi phạm quyền làm cha của người chồng, không ai có quyền tước đi điều đó kể cả pháp luật. Trừ trường hợp người chồng có những hành vi bạo lực cháu nhỏ hoặc gây nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe,tính mạng của cháu nhỏ chị có thể xin lệnh cấm từ tòa thông qua đơn yêu cầu kèm tài liệu,chứng cứ chứng minh hành vi gây nguy hiểm cho cháu bé.

– Việc chị ngăn cản quyền cha mẹ của chồng chị sau ly hôn chồng chị có thể kiện chị để giành lại quyền nuôi con. Vì vậy, trước khi có quyết định của Tòa hoặc cơ quan chức năng chị không nên có những hành động cấm cản chồng chị gặp còn trừ trường hợp bất khả kháng.

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua

IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 08/04/2021

Đã ly hôn xong muốn cắt khẩu cho con từ nhà nội về mẹ đẻ thì làm như thế nào

Em đã ly hôn xong giờ muốn cắt khẩu cho con e từ nhà nội về mẹ đẻ thì làm như thế nào ạ? Và có cần sự đồng ý của chủ hộ bên nội ko? Em cảm ơn

Chào chị,

Rất vui khi được tư vấn cho chị các vấn đề liên quan đến pháp lí Việt Nam.

Qua những thông tin chị đã cung cấp, chị đang có nhu cầu muốn cắt khẩu cho con từ nhà nội về nhà mẹ đẻ.

Căn cứ theo quy định của Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013

Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Trường hợp con chị đã có đầy đủ năng lực hành vi dân sự cháu sẽ được lựa chọn có cắt khẩu hay không.

– Trường hợp nếu chị muốn tách khẩu cho cháu chưa đủ tuổi năng lực hành vi dân sự thì có thể xin ý kiến của chủ hộ để thực hiện thủ tục tách khẩu cho cháu về nhà ngoại.

– Trường hợp chị là người mẹ được nhận quyền nuôi con theo phán quyết của tòa là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con mình. Dựa theo những căn cứ chứng minh việc tách khẩu cho cháu sẽ có những lợi ích tốt hơn là việc hộ khẩu của cháu giữ nguyên thì chị phải làm đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền cư trú của con chị với chị là người đại diện căn cứ theo:

Điều 9. Quyền của công dân về cư trú

1. Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú.

3. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú.

4. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình.

5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

* Thủ tục tách khẩu:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn.

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.

+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Bước 3: Trả kết quả:

+ Trường hợp được giải quyết tách sổ hộ khẩu: Nộp lệ phí và nhận hồ sơ; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi trong sổ hộ khẩu, giấy tờ khác và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả).

+ Trường hợp không giải quyết tách sổ hộ khẩu: Nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận văn bản về việc không giải quyết tách sổ hộ khẩu và ký nhận (ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận văn bản và hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp) vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

Thời gian trả kết quả: theo ngày hẹn trên giấy biên nhận không quá 7 ngày

* Hồ sơ tách khẩu bao gồm:

– Sổ hộ khẩu bản sao có công chứng.

– Phiếu báo thay đổi nhân khẩu của chủ hộ khai nếu chủ hộ đồng ý.

– Trường hợp chủ hộ không đồng ý có thể làm đơn yêu cầu tách sổ hộ khẩu nêu rõ lý do và người khai, ký nhận phải là người đại diện hợp pháp cho con chị kèm theo quyết định ly hôn của tòa án.

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua

IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 08/04/2021

Ly hôn đơn phương chồng đang bên nước ngoài thì phải như nào

Cho mình hỏi muốn ly hôn đơn phương. Hiện tại chồng đang bên nước ngoài bhp thì phải như nào ạ?

Chào chị!

Em xin được giải đáp thắc mắc của mình như sau:

Căn cứ theo điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014:

Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

 Như vậy, với trường hợp của chị nếu vợ chồng của chị có nơi thường trú chung ở đâu thì có thể giải quyết ở vấn đề ly hôn ở đó. Trong trường hợp 2 vợ chồng không có nơi thường trú chung thì hai vợ chồng đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì 2 vợ chồng sẽ giải quyết thủ tục ly hôn tại Việt Nam.

Theo pháp Luật Việt Nam, cụ thể theo quy định của BLTTDS 2015

Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

– Trong trường hợp nếu chị muốn ly hôn luôn nhưng chồng chị không thể quay về Việt Nam để tiến hành thủ tục ly hôn thì chồng chị có thể cử người đại diện hợp pháp để thay chồng chị tiến hành thủ tục ly hôn ra tòa.

– Nếu chồng chị không cử người đại diện hợp pháp tới thay chồng chị giải quyết thủ tục này. Trường hợp vắng mặt đến lần thứ 2 không có lý do tòa vẫn sẽ xử như bình thường trường hợp vắng mặt đương sự và tất nhiên chồng chị sẽ không được đảm bảo quyền và lời ích hợp pháp khi không thực hiện đúng nghĩa vụ có mặt của đương sự trong thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án tại tòa theo quy định của BLTTDS 2015.

Vì không nắm rõ được tình hình cụ thể của chị nên em không thể tư vấn chi tiết hơn cho mình về quy định, hồ sơ, thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 07/04/2021

NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Căn cứ theo BLLĐ 2019, ta có các căn cứ như sau để người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động:

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.

– Như vậy với những thông tin mà chỉ cung cấp, người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu có đủ căn cứ theo các điều khoản trên của BLLĐ 2019. Trường hợp nếu NLĐ bị ép buộc, lừa dối để ký vào biên bản thanh lý hợp đồng thì nếu có căn cứ chứng minh hành vi đó của NSDLĐ thì NLĐ hoàn toàn có quyền đưa đơn khởi kiện về hành vì ép buộc, lừa dối của NSDLĐ.

– NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ:

Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

– Không chỉ mỗi trường hợp nếu NLĐ bị ép buộc, lừa dối để ký vào biên bản thanh lý hợp đồng mà nếu người lao động thuộc 1 trong 3 trường hợp quy định tại điều 37 BLLĐ 2019 thì người sử dụng lao động cũng không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và người lao động phải đưa ra các căn cứ chứng minh hợp pháp của mình.

– Hoặc trường hợp nếu ông N không được Hội đồng quản trị phân công nhiệm vụ về quản lý nhân sự thì ông N không đủ thẩm quyền ký quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng cho người lao động.

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 07/04/2021

Em có cho bạn vay số tiền 100 triệu nhưng giờ nó trốn thì có kiện được không ạ, các bước thủ tục

Câu 1: Chào mọi người, em xin hỏi thăm 1 việc sau ạ: Em có cho bạn vay 1 số tiền là 100 triệu, nhưng giờ nó trốn. Cùng thời điểm nó lừa rất nhiều bạn bè đứng tên vay dùm tiền ngoài lẫn các ngân hàng tín dụng + mua xe mua điện thoại trả góp. Gom hết thì nó nợ lên đến tiền tỉ. Có bằng chứng tin nhắn mượn nợ hứa hẹn + giấy nợ văn bản kí tên. Thì có kiện được nó không ạ. Nếu kiện được thì cho e xin các bước làm thủ tục với ạ!

Chào anh/chị

Rất vinh hạnh được tư vấn cho anh/chị tình huống mà anh/chị gặp phải. Tôi xin được tư vấn tình huống như sau:

Dựa vào các thông tin mà anh/chị đã cung cấp tôi có thể khẳng định là anh/ chị hoàn toàn có quyền kiện người bạn của anh/chị ra tòa.

Căn cứ theo điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

– Trong trường hợp của anh/chị là người trực tiếp trong vụ việc lừa đảo lòng tin hòng chiếm đoạt tài sản của anh chị. Trường hợp nhẹ có thể căn cứ theo BLTTDS 2015 yêu cầu làm đúng theo cam kết thỏa thuận và đòi bồi thường thiệt hại. Trường hợp nặng có thể bị khởi tố hình sự theo quy định của BLTTHS 2015.

– Về vấn đề thủ tục khởi kiện thì căn cứ theo BLTTDS 2015 thì bao gồm các bước:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú (thường trú, tạm trú, đang sinh sống) thông qua 2 hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua bưu điện.

Bước 2: Sau 3 ngày kể từ ngày anh/chị nộp đơn cho tòa. Tòa sẽ thông báo cho anh chị lên làm việc căn cứ theo điều 191 của BLTTDS 2015 về thủ tục nhận và xử lý đơn

+ Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong 3 ngày kể từ ngày ra thông báo.

+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra thông báo nộp tạm ứng án phí. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày có thông báo, nguyên đơn hoàn thành nộp tạm ứng án phí cho chi cục thi hành án dân sự tại địa bàn nơi nộp đơn khởi kiện.

+ Trường hợp không thuộc thẩm quyền tòa giải quyết, tòa sẽ ra văn bản giải thích lý do cho nguyên đơn và hoàn trả hồ sơ cho nguyên đơn hoặc chuyển hồ sơ cho tòa có thẩm quyền giải quyết thụ lý

– Về hồ sơ khởi kiện căn cứ theo điều 189 của BLTTDS 2015 bao gồm:

a. Đơn khởi kiện: ghi rõ nội dung khởi kiện

b. Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

c. Các tài liệu, giấy tờ chứng cứ chứng minh hành vi không thực hiện theo đúng cam kết của bị đơn bản sao có công chứng: giấy vay nợ viết tay bản sao có công chứng

d. Giấy tờ nhân thân của nguyên đơn: Bản sao CMTND có công chứng

e. Giấy tờ chứng minh nhân thân của bị đơn (nếu có).

Nếu anh/chị còn thắc mắc gì vui lòng liên hệ qua IP: [email protected] hoặc số hotline: 1900.0191

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Vũ Hồng Nhung 06/04/2021

Điều kiện kinh doanh mini Bar, Pub

Quán bar, pub là một trong những địa điểm kinh doanh các loại mặt hàng và dịch vụ xa xỉ, đặc biệt. Vì vậy, việc kinh doanh ngành nghề này cũng cần có những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.

1. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH

Căn cứ theo Nghị Định 54/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh karaoke,vũ trường:

1.Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

3. Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ.

4. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).

5. Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa từ 200 m trở lên.

Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 6 Nghị định này, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có trách nhiệm:

1. Không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng.

2. Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi.

3. Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

* Người đại diện chịu trách nhiệm về kinh doanh dịch vụ mini bar, pub:

Căn cứ theo điều 7 Nghị Định 96/2016/NĐ-CP quy định về an toàn trật tự trong kinh doanh ngành nghề đặc biệt

Đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh không thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

2. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Bước 1: Hoàn tất hồ sơ đăng ký kinh doanh

Bước 2: Nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp huyện.

Bước 3: 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện quy định tại Nghị định này, cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Trường hợp không cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KINH DOANH

a. Đơn xin đăng ký kinh doanh (Theo mẫu quy định tại thông tư Số: 02/2019/TT-BKHĐT)

b. Giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh quán bar, pub do

c. Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (nơi đặt địa điểm kinh doanh) hoặc hợp đồng thuê mướn mặt bằng (Có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công chứng nhà nước).

d. Giấy tờ chứng minh nhân thân của người đăng ký kinh doanh: Bản sao chứng minh thư có photo.

e. Giấy phép kinh doanh hàng hóa đặc biệt: Rượu và một số hàng hóa khác.

f. Giấy xác nhân không có tiền án của người đại diện đăng ký kinh doanh có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Vũ Hồng Nhung 6/4/2021

Khi chủ nhà tự ý thu hồi nhà ở cho thuê cần làm gì để bảo về quyền lợi của bản thân?

Câu hỏi: Em nhờ các anh chị tư vấn Luật giúp em với ạ !!!

– Em có thuê 1 căn nhà của 1 chị tên P ( 4/2018 –> 4/2020 ) thì hết hạn hợp đồng, nhưng trước khi hết hạn thì chị P có cho em kí thêm hợp đồng 2 năm nữa ( 4/2020– 4/2022), nhưng làm thêm 1 phụ lục đính kèm dựa theo hợp đồng cũ, chứ không soạn thảo hợp đồng mới. Và chị P uỷ quyền cho 1 người khác chịu trách nhiệm tên K ( sau đây em xin gọi là bên A / Bên cho thuê )

Giá thuê : 35tr

Cọc nhà : 60 triệu

– Hiện tại căn nhà em thuê lại, để làm căn hộ dịch vụ. Tiền thuê nhà em trả theo hàng tháng… Dịch bệnh gần 1 năm qua, em có chậm trễ 1 thang tiền nhà nhưng chưa vượt quá thời gian cho phép trong hợp đồng ( Hợp đồng ghi rõ, nếu bên B thanh toán chậm quá 1 tháng tiền nhà, thì bên A có quyền lấy lại nhà )

Thời gian thanh toán tiền nhà vào 10 tây hàng tháng ( số tiền nợ : 32 triệu )

– Ngày 20/3/2021 thì bên A thông báo lấy lại nhà mà không đề cập lí do chính xác, chỉ nói chuyện với lí do “ lấy lại nhà để bán “. Và thông báo vào ngày 5/4/2021 sẽ tới thu hồi lại nhà ? Mà chưa thoả thuận chi phí đền bù, thiệt hại để phá vỡ hợp đồng, trong khi đó em còn bị liên đới bên thứ 3 ( khách thuê trọ của em tính tới thời điểm hiện tại )

P/s Anh chị rành về luật thì tư vấn giúp em với ạ ? Em nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của bản thân ? Nếu thoả thuận đền bù không thoả đáng, thì em phải tới đâu thưa kiện hoặc tranh chấp ạ.

Em cảm ơn !!!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật LVN chúng tôi, với câu hỏi của bạn tôi xin được tư vấn như sau:

Mục lục bài viết:

  1. Tư vấn;
  2. Bồi thường thiệt hại;
  3. Phạt cọc;
  4. Phạt vi phạm hợp đồng;
  5. Nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường, thì có thể khởi kiện ra Tòa án;

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
  • Luật nhà ở 2014.

Trả lời câu hỏi:

1. Tư vấn:

– Căn cứ vào khoản 1, khoản 2, Điều 132, Luật Nhà ở năm 2014:

Điều 132. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở

1. Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật này;

b) Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

c) Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;

đ) Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;

e) Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;

g) Thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này.

Theo như thông tin mà bạn cung cấp, việc bạn chậm trễ 01 tháng tiền nhà chưa vượt quá thời hạn cho phép trong hợp đồng và cũng chưa vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 132 Luật Nhà ở 2014. Vì vậy, bên A không được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê.

– Căn cứ vào Khoản 4, Điều 132 của Luật Nhà ở 2014:

4. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Ngày 20/3/2021, bên A có thông báo thu hồi nhà ở đang cho thuê và 5/4/2021 sẽ thu hồi vì vậy thời gian bên A thông báo cho bạn chưa đến 30 ngày theo Luật quy định, và hai bên cũng không có thỏa thuận khác. Bên cạnh đó, việc bên A thu hồi lại nhà sẽ gây thiệt hại cho bạn vì còn bị liên đới tới bên thứ ba là khách thuê trọ của bạn tính tới thời điểm hiện tại. Mặt khác, lý do thu hồi nhà ở là “Lấy lại nhà để bán”, và lý do này cũng không thuộc vào quy định tại Khoản 2, Điều 132, Luật Nhà ở 2014. Do đó, bên A phải bồi thường cho bạn theo quy định của pháp luật.

Không chỉ vậy, trong hợp đồng mà có quy định về việc phạt cọc, phạt vi phạm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trái luật thì bên A còn bị phạt cọc, phạt vi phạm theo thỏa thuận.

Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày bạn biết đến việc bên A muốn đòi lại nhà cho thuê.

2. Bồi thường thiệt hại:

– Căn cứ Khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

– Về việc bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, khoản 2, khoản 3 Điều 419 Bộ luật Dân sự quy định:

“Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”

Như vậy, khi Bên A đòi lấy lại nhà trước hạn mà ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bạn thì bạn có thể yêu cầu bồi thường về những thiệt hại xảy ra và tinh thần (nếu có).

3. Phạt cọc:

Vì bạn không nói rõ và cung cấp hợp đồng thuê nhà nên sẽ có 02 trường hợp sau đây:

– Hợp đồng thuê nhà có quy định về đặt cọc và phạt cọc: Thực hiện theo hợp đồng;

– Hợp đồng không quy định: Không được phạt cọc.

4. Phạt vi phạm hợp đồng

Theo Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Do đó, nếu trong hợp đồng có quy định phạt vi phạm thì bên A sẽ bị phạt do vi phạm việc thực hiện hợp đồng. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

5. Nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường, thì có thể khởi kiện ra Tòa án:

Nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường thì có thể khởi kiện ra Tòa.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại quy định:

“Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”

Do đó, để có thể được Tòa án giải quyết thì bạn phải cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là đúng quy định.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người tư vấn: Trần Thị Phương Thảo

Đơn phương ly hôn buổi hòa giải đầu tiên tòa sẽ hỏi những gì

Câu hỏi: Mọi người cho em hỏi , đơn phương ly hôn buổi hòa giải đầu tiên tòa sẽ hỏi những gì ạ

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ luật Tố Tụng dân sự;
  • Luật Hôn nhân và Gia đình.

Trả lời câu hỏi:

Theo quy định của pháp luật thì hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với vụ án ly hôn. Nhà nước khuyến khích việc các bên đương sự hòa giải ở cơ sở. Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

Đối với ly hôn đơn phương, khi Tòa án triệu tập hai bên đương sự lên hòa giải, thông thường sẽ tiến hành như sau:

  • Khi tiến hành hoà giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành để họ tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
  • Sau đó, Thẩm phán sẽ hỏi về tình trạng hôn nhân hiện tại của hai vợ chồng;
  • Những mâu thuẫn chính dẫn đến ly hôn: Đó là những mâu thuẫn gì? Có từ bao giờ?
  • Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình về những nội dung tranh chấp và đề xuất những vấn đề cần hòa giải.
  • Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất.
  • Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã hòa giải thành và vấn đề chưa thống nhất.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài: Trần Thị Phương Thảo

Bệnh tật vợ đi làm quen người khác bên ngoài muốn li hôn chia nửa tài sản

Câu hỏi: Mình kết hôn được 8 năm có một đứa con trai năm nay học lớp 2. Giờ mình bệnh tật, vợ đi làm quen người khác bên ngoài, giờ về muốn li hôn. Tài sản có sổ tiết kiệm 50 triệu. Hỏi mấy anh chị em nên giải quyết sao? P/s: vợ mình đòi một nửa tài sản.

– Luật áp dụng: Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

– Trả lời:

            Đối với câu hỏi của bạn, vì bạn không nói rõ về nguyện vọng của mình về việc có muốn ly hôn hay không? Nếu có thì đối với việc nuôi dưỡng con cái và phân chia tài sản sau ly hôn bạn có ý kiến gì? Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn theo hướng như sau:

            Căn cứ theo Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”

            Như vậy, vợ bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu Tòa giải quyết việc ly hôn kể cả khi bạn không đồng ý ly hôn.

            Căn cứ Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về các trường hợp đơn phương ly hôn có: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

            Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP có giải thích khi nào thì được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng: “Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình”

            Như vậy, rất có khả năng Tòa án sẽ giải quyết ly hôn khi vợ bạn đơn phương ly hôn. Nếu vợ chồng bạn ly hôn, vợ chồng bạn sẽ phải thỏa thuận để giải quyết các vấn đề về con chung, về tài sản chung. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết.

            Thứ nhất, về con chung, theo như thông tin bạn cung cấp, con bạn năm nay học lớp 2, sẽ khoảng tầm từ 7-8 tuổi.

            Căn cứ  Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

            Nếu vợ chồng bạn thỏa thuận được về quyền nuôi con thì Tòa sẽ tôn trọng và giải quyết theo thảo thuận của bạn. Còn nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét theo nguyện vọng của con và căn cứ vào điều kiện nuôi dưỡng của hai bên(điều kiện vật chất và điều kiện về tinh thần). Việc bạn đang có bệnh có thể là một trong những lý do để Tòa án quyết định quyền nuôi dưỡng thuộc về vợ bạn. Tuy nhiên, vợ bạn bỏ đi không chăm lo cho con cái. Nếu bạn chứng minh được mình có đủ các điều kiện để nuôi dưỡng con và bệnh tật của bạn cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc chăm lo cho con cái thì Tòa sẽ xem xét quyền nuôi dưỡng thuộc về bạn.

            Thứ hai, về tài sản chung. Sổ tiết kiệm 50.000.000 đồng có phải tài sản phát sinh trong thời kì hôn nhân hay không? Nếu số tiền này được hình thành trong thời kì hôn nhân thì đó là tài sản chung của vợ chồng căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

            Mặc dù khi kết hôn, anh chị có lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hay chế độ tài sản theo thỏa thuận thì việc chia tài sản cũng phải tôn trọng thỏa thuận đầu tiên, nếu không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không rõ ràng, đầy đủ thì việc chia tài sản mới căn cứ theo quy định của pháp luật.

            Căn cứ theo Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

            “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

            Vợ bạn đòi chia đôi tài sản, tuy nhiên, vợ bạn đang vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng, cụ thể là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nếu bạn có thể chứng minh rằng bạn đóng góp nhiều hơn vào khối tài sản 50.000.000 đồng này, kèm theo việc bạn đang có bệnh tật thì Tòa án có thể cân nhắc việc chia tài sản sao cho phù hợp.

Ngoài ra, vợ bạn đang vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, có thể bị xử lý hình sự.

            Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

            “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

            a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

            b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

            Từ những thông tin mà bạn cung cấp, hành vi của vợ bạn đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, và nếu trong trường hợp người đang quen với vợ bạn cũng biết về việc vợ bạn là người đã có gia đình thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan điều tra công an cấp huyện nơi vợ bạn đang cư trú.

– Thủ tục ly hôn:

* Thẩm quyền của Tòa án:

            Trong trường hợp ly hôn thuận tình thì bạn có thể nộp hồ sơ ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn hoặc vợ bạn cư trú.

* Hồ sơ:

– Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn(bản chính)

– Sổ hộ khẩu(bản sao có chứng thực)

– Chứng minh nhân dân/CCCD/Hộ chiếu.

– Giấy khai sinh của con(bản sao)

– Các tài liệu chứng minh về tài sản chung(sổ tiết kiệm,…)

Bạch Thu Hiền

Ly hôn đơn phương vắng mặt thì con có được trợ cấp ko

Ly hôn đơn phương vắng mặt. Thì con có dc trợ cấp ko. Các khoản nào được xem là nợ chung.(từ hồi kết hôn ck minh vay mượn tiền lung tung mà ko bao gio nói mình và dc sự đồng ý của mình)mong luật sự giup đỡ.

Mục lục bài viết:

  1. Trả lời câu hỏi: Về cấp dưỡng của con khi hai vợ chồng ly hôn.
  2. Xác định nợ chung, nợ riêng trong thời kỳ hôn nhân và trả lời câu hỏi?

Căn cứ pháp luật:

  • Luật hôn nhân và gia đình.

1. Trả lời câu hỏi: Về cấp dưỡng của con khi hai vợ chồng ly hôn.

+) Việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Như vậy, đối với câu hỏi của chị khi ly hôn Tòa án sẽ triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, nếu triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai rồi mà bị đơn không có mặt và không có lý do chính đáng thì Tòa án vẫn sẽ xét xử vắng mặt họ nếu người nộp đơn xin ly hôn có căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, với câu hỏi của chị con vẫn được trợ cấp vì sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi thành niên (18 tuổi); nếu con thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do bị tàn tật hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng không thời hạn theo quy định tại Chương VII Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. 

+) Căn cứ Điều 116, Luật Hôn nhân và gia đình:

“Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

=> Pháp luật hiện hành không quy định mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu. Mức cấp dưỡng do thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Xác định nợ chung, nợ riêng trong thời kỳ hôn nhân và trả lời câu hỏi?

– Căn cứ tại Điều 37, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đã quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Những nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm. Những nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi là nghĩa vụ chung về tài sản. Bao gồm cả tài sản chung và nợ chung. Do đó, những nghĩa vụ phát sinh thuộc vào các trường hợp trong điều 37 sẽ là những nghĩa vụ chung của hai vợ chồng và phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ khi ly hôn.

– Bên cạnh đó, điều 27, Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định:

Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

– Những khoản nợ riêng là những khoản nợ không thuộc quy định tại Điều 37, khoản nợ không do 02 bên cùng thỏa thuận mà do một bên tự ý xác lập, không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; không phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; Không phải nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định pháp luật; Không phải thuộc trường hợp đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Đối với khoản nợ riêng này, người xác lập có nghĩa vụ trả toàn bộ khoản nợ, không được dùng tài sản chung của vợ chồng để thanh toán cho những khoản nợ này.

– Trong với trường hợp của bạn, nợ mà chồng bạn từ hồi kết hôn đã vay mượn tiền lung tung mà không bao giờ nói cho bạn và không được sự đồng ý của bạn. Nếu việc vay mượn tiền lung tung của chồng bạn không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; không phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; không phải nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định pháp luật; không phải thuộc trường hợp đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mà dùng vào mục đích cá nhân của chồng chị thì sẽ được xác định là nợ riêng. Vì vậy, chồng chị sẽ phải có nghĩa vụ trả toàn bộ nợ trên, và không được dùng tài sản chung của hai vợ chồng để thanh toán cho những nợ trên.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài tư vấn: Trần Thị Phương Thảo

Khi ly hôn bên vợ phải trả tiền lễ cho nhà chồng không

Anh chị luật sư cho em hỏi chút được không ạ? Khi ly hôn bên vợ phải trả tiền lễ cho nhà chồng ạ? Và có luật đấy không ạ!

Chào chị,

Rất vui khi được tư vấn các vấn đề pháp lí của chị!

Từ những thông tin mà chị cung cấp, tôi xin giải đáp thắc mắc của chị theo hai hướng như sau:

 Căn cứ theo điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

– Tài sản của chị nói trên nó nằm trong khối tài sản riêng mà nhà chồng tặng riêng cho chị hoặc bố mẹ chị chứ nó không nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng chị.

– Căn cứ theo BLDS 2015  khoản 2 điều 221. Căn cứ xác lập quyền sở hữu

Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:

2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

– Việc khi tiến hành lễ cưới hai bên gia đình trao sính lễ cho nhau được coi là việc nhà chồng chị đã chuyển giao quyền sở hữu khối tài sản đó cho gia đình chị bảo gồm bố mẹ chị và chị thông qua hình thức lời nói.

– Trong trường hợp hai người ly hôn thì căn cứ theo BLDS 2015 và Luật hôn nhân gia đình 2014 thì phần tài sản “sính lễ” sẽ thuộc phần tài sản riêng và chị không phải trả lại cho gia đình nhà chồng.

* Về thủ tục phân chia tài sản chị có thể thực hiện thông qua hai hình thức:

+ Phân chia tài sản trong khi thực hiện thủ tục ly hôn tại tòa.

+ Phân chia tài sản sau khi thực hiện thủ tục ly hôn tại tòa.

Nếu chị còn thắc mắc cần giải quyết vụ lòng liên hê lại với chúng tôi để được tư vấn tận tình!

Rất cảm ơn anh/chị…

Vũ Hồng Nhung-26/3

Điều kiện để ly hôn nắm chắc quyền nuôi con 100%

Dạ thưa Luật sư và mọi người. Em lấy chồng được 3 năm (2018-2021). Và con trai em hiện tại đang 27,5 tháng. Em học tốt nghiệp đại học đã có bằng cấp và tự đi làm kiếm ra tiền độc lập, cho đến lúc  tháng 5/2018 em có bầu và nghỉ làm cho đến nay ở nhà giữ con. Nếu sau khi ly hôn bé sẽ ở với ông bà ngoại, em sẽ đi làm ở thành phố mỗi tuần thứ 7, chủ nhật sẽ về thăm con. Vậy nếu em ly hôn xin hỏi em có nắm chắc quyền nuôi con 100% ko ạ? Mong Luật sư trả lời giúp em được rõ. Em xin chân thành cám ơn!

Chào chị,

Rất vui khi được tư vấn các vấn đề pháp lí của chị!

Từ những thông tin mà chị cung cấp, tôi xin giải đáp thắc mắc của chị theo hai hướng như sau:

+ Trường hợp hai vợ chồng chị có thể thỏa thuận quyền nuôi con, cấp dưỡng con khi ly hôn là tốt nhất

+ Trong trường hợp hai vợ chồng không thể thỏa thuận được thì chị có thể đưa ra những căn cứ chứng minh chị có khả năng, điều kiện nuôi con tốt hơn so với chồng mình thì căn cứ theo điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

  Khi chị ra tòa giành quyền nuôi con để nắm nhiều phần thắng hơn thì nên có những căn cứ để chứng minh cháu ở bên cạnh người mẹ sẽ có sự phát triển về vật chất và tinh thần tốt hơn là ở bên cạnh người bố như là:

+ Tình hình kinh tế của chị.

+ Điều kiện giáo dục khi ở bên cạnh chị sẽ tốt hơn ở với bố.

+ Thời gian chăm sóc, chăm lo cho cháu tốt. Nếu chị phải đi làm xa cuối tuần mới về thì chị cũng phải chứng minh khả năng nuôi dạy của chị, của ông bà ngoại sẽ vẫn tốt hơn nếu cháu ở với bố.

+ Đồng thời chị cũng có thể thúc đẩy tâm lý cháu nhỏ hướng về phía mình nhiều hơn.

+ Đưa ra những căn cứ chứng minh chồng chị không đủ khả năng tốt để nuôi dạy cháu như là thời gian, mối quan hệ khác sau hôn nhân, điều kiện kinh tế, tính cách, cách hành xử trong quá trình hôn nhân của hai vợ chồng.

– Việc nắm chắc được bao nhiêu % giành quyền nuôi con phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tôi đã liệt kê ở trên. Nếu chị còn thắc mắc cần giải quyết vụ lòng liên hê lại với chúng tôi để được tư vấn tận tình!

Rất cảm ơn anh/chị…

Vũ Hồng Nhung-26/3

Đăng ký kết hôn mới khi chưa tách khẩu chồng cũ

Các anh chị ơi, chưa tách khẩu bên chồng cũ nhưng đã có phán quyết ly hôn và muốn đi đăng ký kết hôn với người mới thì làm thế nào vậy ạ?

Chào chị,

Rất vui khi được tư vấn các vấn đề pháp lí của chị!

Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau:

Theo những thông tin mà chị đã cung cấp, việc chị chưa tách khẩu bên chồng cũ đã có phán quyết ly hôn của tòa và việc chị muốn đăng ký kết hôn là 2 thủ tục hành chính tách biệt nhau. Khi chị đã có bản án, quyết định ly hôn của tòa thì kể từ thời điểm bản án có hiệu lực hoặc quyết định thì chị đã chấm dứt quan hệ hôn nhân với chồng cũ và chị hoàn toàn có quyền lựa chọn hôn nhân mới cho mình. Quy định trên được căn cứ điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn của Luật hôn nhân gia đình 2014

1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.

* Về thủ tục đăng ký kết hôn mới:

– Bản chính Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người đăng ký kết hôn;

– Bản chính hoặc bản sao có công chứng/chứng thực Sổ hộ khẩu;

– Giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền: Không bị mất năng lực hành vi dân sự

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cơ quan địa phương nơi cư trú

Nếu chị còn thắc mắc cần giải quyết vụ lòng liên hê lại với chúng tôi để được tư vấn tận tình!

Rất cảm ơn anh/chị…

Vũ Hồng Nhung-26/3

Chia tài sản sau li hôn có khó khăn không

Li hôn nhưng tài sản chưa chia. Tài sản chia sau li hôn khó khăn không hả mọi người ơi?

Chào chị,

Rất vui khi được tư vấn các vấn đề pháp lí của chị!

Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau:

– Theo thông tin mà chị cung cấp thì căn cứ theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì chị đang có nhu cầu phân chia tài sản sau ly hôn. Tài sản trong hôn nhân của hai vợ chồng bao gồm: Tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân, tài sản riêng của mỗi người. Việc xác định loại tài sản trong hôn nhân quy định theo điều 43, 33 Luật hôn nhân gia đình 2014

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

– Trong trường hợp khi ly hôn hai vợ chồng có thể thỏa thuận được về tài sản chung thì tòa sẽ không can thiệp giải quyết mà để cho hai bên tự giải quyết với nhau.

– Trường hợp không thỏa thuận được thì vợ chồng sẽ thực hiện thủ tục phân chia tài sản sau ly hôn tại tòa.

– Trong trường hợp khi ly hôn hai vợ chồng có thể thỏa thuận được về phần tài sản chung thì tòa sẽ không can thiệp giải quyết mà để cho hai bên tự giải quyết với nhau.

– Trường hợp không thỏa thuận được thì vợ chồng sẽ thực hiện thủ tục phân chia tài sản sau ly hôn tại tòa. Theo đó, về vấn đề chia tài sản sẽ được phân chia theo quy định tại điều 59 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

– Tùy theo căn cứ tài liệu mà mỗi bên đưa ra về sự đóng góp của mình trong khối tài sản chung, lỗi của mỗi bên về việc không hoàn thành quyền, nghĩa vụ vợ chồng và tình hình hoàn cảnh thực tế của 2 người mà Tòa án sẽ đưa ra quyết định phân chia.

– Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

* Về thủ tục phân chia tài sản sau ly hôn

1, Nộp hồ sơ khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết tranh chấp tài sản chung sau hôn nhân.

– Hai bên sẽ kê khai khối tài sản chung của vợ chồng hình thành trong thời kì hôn nhân và sau thời kì hôn nhân kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh sở hữu chung. Khối tài sản riêng trộn lẫn với tài sản chung.

+ Trường hợp thỏa thuận được khối tài sản chung hai bên sẽ kê khai trong biên bản: “Biên bản kê khai tài sản (V/v: Khối tài sản chung vợ chồng).

+ Trường hợp không thỏa thuận được mỗi bên sẽ tự làm biên bản kê khai tài sản riêng kèm chứng cứ chứng minh và sẽ có sự xác thực của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

2, Sau 3 ngày tòa sẽ gửi thông báo cho nguyên đơn lên giải quyết vụ án :

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ

+  Hồ sơ đã đủ, nguyên đơn nộp tạm ứng phí tại Chi cục thi hành án dân sự.

3, Trong 3 ngày kể từ thời điểm bên nguyên đơn hoàn thành tạm ứng lệ phí thì tòa gửi thông báo đến cho nguyên đơn thụ lý vụ án.

4, Tòa sẽ hẹn ngày làm việc với các đương sự trong vụ án để lấy lời khai.

5, Tiến hành hòa giải tại tòa: hai bên thỏa thuận với nhau về phân chia tài sản. Trường hợp

6a, Không hòa giải được thì mở phiên xét xử

6b, Hai bên đồng tình thống nhất ý kiến trong phiên hòa giải thì thẩm phán có thể ra quyết định luôn (thủ tục rút gọn tại tòa).

7a, Sau 7 ngày kể từ thời điểm mở phiên xét xử, thẩm phán ra quyết định bản án gửi thông báo cho các đương sự, cơ quan thi hành án, viện kiểm sát nhân dân.

Nếu chị còn thắc mắc cần giải quyết vụ lòng liên hê lại với chúng tôi để được tư vấn tận tình!

Rất cảm ơn anh/chị…

Vũ Hồng Nhung-26/3

Li hôn đơn phương thiếu hộ khẩu nhà chồng được không

Cho em hỏi là li hôn đơn phương thiếu hộ khẩu nhà chồng được không ạ?

Chào chị,

Rất vui khi được tư vấn các vấn đề pháp lí của chị!

Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau:

– Theo những thông tin mà chị cung cấp thì chị đang có vướng mắc về vấn đề hồ sơ ly hôn cụ thể là hộ khẩu của bên bị đơn – chồng chị.

Căn cứ theo BLTTDS 2015 điều 189 Hình thức, nội dung đơn khởi kiện.. và điều 95 Xác định chứng cứ

Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”.

– Vấn đề của chị là vụ án dân sự cụ thể là hành vị đơn phương li hôn. Vì vậy 1 bộ hồ sơ sẽ bao gồm:

+ Đơn khởi kiện.

+ Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp hợp của người khởi kiện bị xâm phạm. Để xác định tài liệu, chứng cứ cần thiết trong một bộ hồ sơ đầy đủ nộp cho tòa căn cứ theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn về BLTTDS

Điều 6. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện quy định tại Điều 165 của BLTTDS

   Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.

– Sổ hộ khẩu chính là một trong những căn cứ để xác định nơi thường trú của các đương sự.

– Để tòa có thể giải quyết các vụ án, vụ việc dân sựu thì sổ hộ khẩu, giấy xác nhận nơi tạm trú, nơi cư trú của các đương sự là cần thiết. Vì đó là căn cứ xác nhận thẩm quyền của tòa án.

– Trong trường hợp chị không có sổ hộ khẩu của chồng thì chị có thể tới cơ quan địa phương nơi chồng chị thường trú, tạm trú, đang sinh sống để xin giấy xác nhận nơi cư trú của cơ quan chức năng căn cứ theo điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

– Đây là vụ án đơn phương li hôn nên trong trường hợp này chị là nguyên đơn và chồng chị là bị đơn. Việc xác định nơi thường trú, tạm trú, đang sinh sống của chồng chị sẽ xác định được thẩm quyền giải quyết của tòa theo lãnh thổ trừ trường hợp 2 vơ chồng có thỏa thuận khác.

Nếu chị còn thắc mắc cần giải quyết vụ lòng liên hê lại với chúng tôi để được tư vấn tận tình!

Rất cảm ơn anh/chị…

Vũ Hồng Nhung-26/3

Đất phần trăm có sổ không và có tách sổ ra được không

Câu hỏi: Các luật sư cho em hỏi, mẹ em có miếng đất được xã cấp cho, được gọi là đất phần trăm, em muốn hỏi là đất phần trăm có sổ không ạ? Và nếu có thì có tách sổ ra được không ạ?

– Luật áp dụng: Luật đất đai 2013, Luật đất đai 1993.

– Trả lời:

            Trong trường hợp mảnh đất đó mẹ bạn được trích từ quỹ đất hợp tác xã trước năm 1993 thì có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đất được sử dụng ổn định và đầy đủ các giấy tờ để chứng minh về quyền sở hữu theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013. Còn nếu mảnh đất đó mẹ bạn được trích từ quỹ đất nông nghiệp của xã từ năm 1993 trở đi thì đất này không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

            Trong trường hợp mảnh đất của mẹ bạn đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải tùy theo diện tích đất mà bạn đang sở hữu và tùy thuộc vào quy hoạch, gắn liền vào từng điều kiện đặc thù của địa phương sẽ có các quy định khác nhau về điều kiện tách thửa, khi đó mới có thể xem xét được bạn có đủ điều kiện để tách thửa hay không.

– Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

*Hồ sơ:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(Mẫu 04a/ĐK đơn đăng kí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)

– Bản sao chứng minh thư nhân dân, bản sao sổ hộ khẩu.

– Bản sao các giấy tờ chứng minh nguồn gốc về đất đai.

* Thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất cần được cấp chứng nhận.

– Thủ tục tách thửa:

* Thẩm quyền giải quyết: Phòng Tài nguyên và Môi trường.

* Hồ sơ:

– Đơn xin tách thửa.

– Các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

Bạch Thu Hiền

Lựa chọn Tòa án giải quyết giành quyền nuôi con sau ly hôn

Câu hỏi: Em chào luật sư và anh chị em, cho mình hỏi là quê mình ở Đồng Nai lấy chồng ở Vĩnh Phúc và đã ly hôn. Giờ muốn giành lại quyền nuôi con mà điều kiện ở xa như vậy mình có thể nộp ở Tòa Đồng Nai được không ạ? 

– Luật áp dụng:

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

– Trả lời:

            Bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án ở Đồng Nai nơi cư trú và làm việc của bạn trong trường hợp có văn bản thỏa thuận với chồng bạn về việc yêu cầu Tòa án ở Đồng Nai giải quyết.

            Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

            Trong trường hợp bạn không thỏa thuận được với chồng về lựa chọn Tòa án giải quyết(thường bị đơn sẽ không đồng ý) thì bạn chỉ có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Vĩnh Phúc nơi bị đơn cư trú và làm việc. Căn cứ theo điểm a Khoản 1 Điều 39: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

– Hướng giải quyết:

            Bạn đang có nguyện vọng muốn khởi kiện tại Tòa án nhân dân ở Đồng Nai, cách duy nhất là cố gắng thỏa thuận với chồng bạn để có thể lựa chọn Tòa án ở Đồng Nai là nơi khởi kiện.

– Thủ tục khởi kiện ra Tòa án để giành quyền nuôi con:

*Thẩm quyền Tòa án giải quyết: Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc Tòa án nơi nguyên đơn cư trú nếu được hai bên thỏa thuận lựa chọn.

*Hồ sơ:

– Đơn khởi kiện(theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP)

– Quyết định, bản án ly hôn.

– Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.

– Giấy khai sinh của con. – Chứng cứ chứng minh về việc muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con: bạn có thể chứng minh chồng bạn không đủ điều kiện về kinh tế để nuôi con, hay trong quá trình nuôi dưỡng, chồng bạn có những biểu hiện bỏ bê, không chăm lo cho con,…

Bạch Thu Hiền

Làm mất tờ giấy thuận tình ly hôn gốc có làm lại được không?

Câu hỏi: Chào bạn ! cho mình hỏi mình làm mất tờ giấy thuận tình ly hôn gốc . mình có làm lại đc ko ? và làm bằng cách nào . chứ mình cần quá . mọi thủ tục giấy tờ đều liên quan tới nó . cảm ơn bạn

Trả lời câu hỏi:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật LVN chúng tôi! Với câu hỏi của bạn, tôi xin được tư vấn như sau:

Thuận tình ly hôn là trường hợp tự nguyện ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề về quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản. Tòa án sẽ thực hiện theo thủ tục ly hôn thuận tình.

Khi cả hai thuận tình ly hôn cần làm “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn” và hồ sơ thuận tình ly hôn gửi đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Khi bạn làm mất đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì bạn cần làm lại. Bằng cách soạn lại “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn” và cả hai bên (vợ, chồng) cùng ký vào đơn để hoàn tất hồ sơ giấy tờ.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài tư vấn: Trần Thị Phương Thảo

Tự nguyện ly hôn nhưng tranh chấp về nuôi con, thì viết “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn” hay viết “Đơn khởi kiện ly hôn”

Câu hỏi: Mình với ck thuận tình ly hôn nhưng ck mình muốn tranh chấp nuôi con.vậy mình nên viết đơn theo kiểu Đơn yêu cầu giải quyết dân sự về thuận tình ly hôn hay phải viết là đơn khởi kiện. Nếu viết 1 trong 2 cách trên thì về phần con chung mình phải viết thế nào cho đúng để khi nộp đơn k bị bắt về viết lại. Con mình 26 tháng. Nhà mình xa tòa án nên không có thời gian lên xin mẫu đơn. Mình nhờ các bạn rành về luật tv giúp mình..cảm ơn!

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  • Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Tư vấn pháp luật:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật LVN chúng tôi! Với câu hỏi của bạn tôi xin tư vấn như sau:

+) Căn cứ Điều 55, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Như vậy, khi bạn và chồng cùng tự nguyện ly hôn, nhưng lại muốn tranh chấp về quyền nuôi con, thì Tòa án sẽ không công nhận thuận tình ly hôn cho bạn, mà Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn này. Vì nếu đã là thuận tình ly hôn thì phải thuận tình cả về việc thỏa thuận trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con và việc chia tài sản. Nhưng khi có tranh chấp về người nuôi con thì sẽ không được công nhận là thuận tình ly hôn.

Vì vậy, trong trường hợp này không được xem là thuận tình ly hôn và bạn không thể làm “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn”.

=> Do đó, trường hợp này bạn nên làm hồ sơ đơn phương ly hôn và viết “Đơn khởi kiện ly hôn”

+) Căn cứ Khoản 3 Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

=> Theo quy định của luật, đối với trường hợp con bạn 26 tháng tuổi, nếu bạn đủ điều kiện để trực tiếp trông non, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì Tòa án sẽ giao cho bạn trực tiếp nuôi con.

+) Trả lời câu hỏi: Nếu viết 1 trong 2 cách trên thì về phần con chung mình phải viết thế nào cho đúng để khi nộp đơn k bị bắt về viết lại?

=> Khi bạn viết đơn khởi kiện ly hôn, thì phần con chung bạn nên trình bày những nội dung sau:

  • Nêu rõ thông tin về con chung;
  • Hiện nay giữa bạn và chồng, việc người trực tiếp nuôi con vẫn chưa thỏa thuận được và có tranh chấp về quyền nuôi con. => Yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Nêu nguyện vọng của bạn về quyền nuôi con (Nêu nguyện vọng là bạn muốn giành quyền nuôi con; người chồng phải cấp dưỡng cho con như nào …)

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài tư vấn: Trần Thị Phương Thảo

Có thể gửi hồ sơ ly hôn qua đường bưu điện được không?

Câu hỏi: Cho e hỏi, e ở tỉnh, mà ck ở tp.hcm. e gửi đơn ly hôn đơn phương cho toà án bằng bưu điện được k ạ? Vì e vướng bé nhỏ, mà cho bé theo thì đi xe xa tội bé quá ạ?

Căn cứ pháp luật: Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Trả lời câu hỏi:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật LVN chúng tôi!

Với câu hỏi của bạn, tôi xin được tư vấn như sau:

+) Ly hôn đơn phương là một vụ án dân sự, và tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nơi bị đơn cư trú (Trong trường hợp của chị là tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú).

+) Căn cứ Điều 190, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 190. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án

1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;

b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

2. Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.”

Như vậy, chị hoàn toàn có thể gửi hồ sơ khởi kiện ly hôn (ly hôn đơn phương) qua đường dịch vụ bưu chính cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

—————————————————————————————–

CÔNG TY LUẬT LVN

—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài tư vấn: Trần Thị Phương Thảo

Bị câm điếc và hạn chế về đọc hiểu có thuộc đối tượng cần giám hộ

Câu hỏi: Gia đình em có anh trai em là câm điếc từ nhỏ. Sức khoẻ vẫn tốt. Anh vẫn biết chữ nhưng bị hạn chế về đọc hiểu. Nhiều văn bản anh em đọc sẽ không hiểu nó là gì. Trường hợp anh trai em có thuộc đối tượng cần giám hộ không ạ? Mọi người giúp em với ạ. E cám ơn nhiều.

– Luật điều chỉnh: Bộ luật dân sự 2015.

– Trả lời: Anh trai của bạn sẽ thuộc đối tượng được giám hộ nếu anh trai bạn được xác định là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

            Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015:

            “1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.”

            Khoản 2 Điều 46 Bộ luật dân sự 2015 về giám hộ: Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

            Theo như thông tin bạn cung cấp, anh trai bạn bị câm điếc từ nhỏ, vẫn biết chữ nhưng bị hạn chế về đọc hiểu, tức là khi tự xác lập về các giấy tờ, giao dịch sẽ gặp khó khăn. Do vậy, nếu bạn nộp đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố anh bạn có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì có thể Tòa án sẽ tuyên anh bạn có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, khi đó, Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho anh trai bạn hoặc trong trường hợp anh bạn có năng lực thể hiện ý chí ngay tại thời điểm yêu cầu giám hộ thì phải được sự đồng ý của anh bạn.

– Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ

* Quyền yêu cầu tuyên bố khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

            Khoản 1 Điều 376 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

            “Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.”

            Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tuyên bố anh bạn có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

*Thẩm quyền:

            Điểm a khoản 2 Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau:

            “Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;”

*Nội dung đơn yêu cầu:

            Khoản 2 Điều 362 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

– Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

– Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

– Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

            Sau khi ra quyết định tuyên bố anh bạn là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Tòa sẽ chỉ định người giám hộ cho anh trai bạn.

            Điều 49 Bộ luât dân sự năm 2015:

            “Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.”

Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu. Nếu không, Tòa án sẽ chỉ định trong số người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp không có người giám hộ ở hai quy định trên, Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.

            Người giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

            – Trường hợp không xác định được như trên thì người giám hộ là:

+ Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

+ Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

+ Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Bạch Thu Hiền

Ly hôn đơn phương người nước ngoài

Câu hỏi: Cho e hỏi có cách nào để ly hôn đơn phương người nước ngoài không? tư vấn giúp em với?

Mục lục bài viết:

  1. Trả lời câu hỏi? Có thể làm thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài được không?
  2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài.
  3. Hồ sơ ly hôn đơn phương với người nước ngoài
  4. Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài.

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14

1. Trả lời câu hỏi:

Câu hỏi: “Cho e hỏi có cách nào để ly hôn đơn phương người nước ngoài không? tư vấn giúp em với?”

Trả lời:

            Ly hôn là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận. Pháp luật Việt Nam hay pháp luật quốc tế không cấm việc ly hôn đơn phương với người nước ngoài vì đây là việc ly hôn theo ý chí đơn phương của một bên vợ hoặc chồng.

            Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, để tiến hành thủ tục ly hôn với người nước ngoài khi vợ hoặc chồng không muốn tiếp tục quan hệ hôn nhân thì có thể tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương kể cả đối tượng là người nước ngoài. Như vậy, có thể tiến hành ly hôn đơn phương với người nước ngoài mà không cần phải lo ngại về khoảng cách địa lý, bất đồng trong ngôn ngữ hay sự phức tạp trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn.

2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài:

+) Căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự:

“d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;”

Trong trường hợp của bạn, vì bạn là công dân Việt Nam nên trường hợp ly hôn đơn phương của bạn sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án Việt Nam giải quyết.

+) Căn cứ theo Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

Và Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

“2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.”

Vì vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình, cụ thể là giải quyết đơn phương ly hôn mà một bên là người nước ngoài trong trường hợp này thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam. Khi đó, một bên sinh sống ở Việt Nam có quyền nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hôn nhân này.

Trong trường hợp ly hôn đơn phương người nước ngoài của bạn, sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn sinh sống giải quyết.

3. Hồ sơ ly hôn đơn phương với người nước ngoài:

Để chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương cần những giấy tờ sau:

+) Đơn khởi kiện ly hôn.

+) Giấy chứng nhận kết hôn (Bản gốc)

            Nếu mất giấy chứng nhận kết hôn bản gốc có thể thay thế bằng trích lục kết hôn.

+) Giấy tờ của hai bên:

   – Giấy tờ của bên có quốc tịch Việt Nam: Bản sao chứng thực CMND/CCCD hoặc bản sao chứng thực hộ chiếu;

   – Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài:

  • Bản sao chứng thực hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa tại lãnh sự quán.

+) Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con;

+) Giấy tờ liên quan đến cư trú:

  • Bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của bên có quốc tịch Việt Nam.
  • Giấy tờ chứng minh bị đơn đang ở nước ngoài.

4. Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương với người nước ngoài:

+) Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn

            Vì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam. Do đó, sau khi chuẩn bị hồ sơ như trên, bạn là công dân Việt Nam và cư trú tại Việt Nam thì cần nộp đơn khởi kiện ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.

            Bạn phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của chồng ở nước ngoài trong đơn khởi kiện kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của chồng bạn.

+) Bước 2: Nộp tạm ứng án phí vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài:

            Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

            Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, trong đó quy định tiền án phí giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình (đơn phương ly hôn) là 300.000 đồng và lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 200.000 đồng.

            Trường hợp có tranh chấp về tài sản có giá trị trên 6.000.000 đồng thì án phí chia tài sản tính trên tỉ lệ phần trăm tài sản có tranh chấp theo quy định tại Nghị quyết này.

+) Bước 3: Tòa triệu tập để giải quyết vụ án ly hôn:

  Cán bộ Tòa án tiếp nhận đơn và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán để xem xét hồ sơ.

     – Chánh án tòa phân công Thẩm phán xem xét đơn (Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn)

     – Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán đước phân công xem xét đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

  • Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này  

Nếu đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên họp hòa giải, mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho đương sự ở nước ngoài.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài: Trần Thị Phương Thảo

Thuận tình ly hôn mà vợ xklđ ở nước ngoài thì cần những thủ tục giấy tờ gì

Câu hỏi: Em với vợ muốn thuận tình ly hôn mà vợ xklđ ở nước ngoài thì cần những thủ tục giấy tờ gì ạ e xin chân thành cảm ơn

Mục lục bài viết:

1. Thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn khi có một bên đang ở nước ngoài.

2. Hồ sơ thuận tình ly hôn khi có một bên đang ở nước ngoài

3. Trình tự, thủ tục thuận tình ly hôn với khi có một bên đang ở nước ngoài.

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14

1. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với khi có một bên đang ở nước ngoài:

+) Căn cứ theo Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

Và Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

“2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.”

Vì vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình, cụ thể là giải quyết thuận tình ly hôn mà một bên đang ở nước ngoài trong trường hợp này thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam. Khi đó, một bên sinh sống ở Việt Nam có quyền nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hôn nhân này.

Trong trường hợp thuận tình ly hôn của bạn khi vợ đang ở nước ngoài sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn sinh sống giải quyết.

2. Hồ sơ thuận tình ly hôn khi có một bên đang ở nước ngoài:

+) Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

+) Giấy chứng nhận kết hôn (Bản gốc)

            Nếu mất giấy chứng nhận kết hôn bản gốc có thể thay thế bằng trích lục kết hôn.

+) Giấy tờ của hai bên:

   – Giấy tờ của bên đang cư trú Việt Nam: Bản sao chứng thực CMND/CCCD hoặc bản sao chứng thực hộ chiếu;

   – Giấy tờ của bên đang cư trú tại nước ngoài:

  • Bản sao chứng thực hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Cần đến Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại nước chồng bạn đang cư trú để xin xác nhận cư trú;
  • Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa tại lãnh sự quán.

+) Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con;

+) Giấy tờ liên quan đến cư trú:

  • Bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của bạn.

+) Giấy tờ về tài sản (nếu có).

3. Trình tự, thủ tục thuận tình ly hôn khi có một bên đang ở nước ngoài:

+) Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu thuận tình ly hôn

            Vì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam. Do đó, sau khi chuẩn bị hồ sơ như trên, bạn cần nộp đơn yêu cầu thuận tình ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.

+) Bước 2: Tòa án thụ lý nếu hồ sơ đầy đủ.

+) Bước 3: Người vợ gửi đơn xin ly hôn vắng mặt, có xác nhận của Đại sứ quán/lãnh sự quán Việt Nam tại nước vợ bạn đang cư trú.

+) Bước 4: Tòa án giải quyết việc ly hôn thuận tình.

( Trong trường hợp này có thể thực hiện theo thủ tục rút gọn mà theo đó không có phiên hòa giải giữa vợ và chồng, trong trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn (theo quy định điểm c, Khoản 1, Điều 317 của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015)

+) Bước 5: Tòa án đưa ra quyết định về thuận tình ly hôn.

—————————————————————————————–
CÔNG TY LUẬT LVN
—————————————————————————————–

Thưa quý thân chủ,

Để được hỗ trợ trực tiếp Quý thân chủ có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của công ty qua 

đường dây nóng cố định:  1900.0191 

Rất mong có thể tháo gỡ những vướng mắc của quý thân chủ !

Trân trọng./.

Người viết bài: Trần Thị Phương Thảo

Xe của công ty chỉ thực hiện vận chuyển thiết bị cho công ty có phải kinh doanh vận tải

Câu hỏi: Công ty tôi thực hiện đăng kiểm xe, nhưng xe của công ty chỉ thực hiện vận chuyển thiết bị cho công ty, vậy trong phần mục đích sử dụng, xe của công ty tôi có được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải không?

– Luật điều chỉnh:

            Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tại bằng xe ô tô.

– Trả lời: Theo như thông tin bạn cung cấp, xe của công ty bạn không được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải khi thực hiện việc đăng kiểm xe, bởi:

            Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

            Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

            Chiếu theo quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì xe của công ty bạn được sử dụng với mục đích vận chuyển thiết bị, tham gia vào một công đoạn trong số các công đoạn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chính vì vậy, xe của công ty bạn được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải không thu tiền.

            Tuy nhiên, Nghị định 10/2020/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP có quy định:

            Khoản 2 Điều 3: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

            Khoản 5 Điều 36: Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu đã được cấp cho đơn vị và xe ô tô vận tải hàng hóa thuộc đối tượng kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không còn giá trị sử dụng; các đơn vị và phương tiện nêu trên không thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

            Theo Nghị định 86/2014, xe của công ty bạn phải thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải, xe của công ty bạn chỉ vận chuyển thiết bị cho công ty, không tham gia trực tiếp vào hoạt động vận tải nhằm mục đích sinh lời, chiếu theo Khoản 5 Điều 36 thì xe không còn thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, vì vậy khi thực hiện việc đăng kiểm xe sẽ không tích vào mục kinh doanh vận tải.

– Trình tự, thủ tục đăng kiểm xe ô tô:

*Hồ sơ:

Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, khi đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ và cung cấp các thông tin sau:

– Các giấy tờ, gồm:

+ Xuất trình bản chính giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc một trong các giấy tờ sau còn hiệu lực: Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ; bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính; giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe.

+ Xuất trình bản chính Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

+ Nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) xe cơ giới cải tạo (đối với xe cơ giới mới cải tạo).

*Thủ tục đăng kiểm

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định việc kiểm định tại đơn vị đăng kiểm như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân đưa xe và hồ sơ đến đơn vị đăng kiểm.

Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra

– Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ với dữ liệu trên chương trình quản lý kiểm định. Nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại (Giấy đăng ký xe không hợp lệ khi có dấu hiệu làm giả; nội dung bị sửa chữa, tẩy xóa; quá thời hạn hiệu lực); nếu đầy đủ, hợp lệ thì thu phí, tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới và in phiếu kiểm định.

– Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu, đơn vị đăng kiểm thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Trả Giấy chứng nhận kiểm định; hóa đơn thu phí đăng kiểm, lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định ngay cho chủ xe và dán tem kiểm định cho phương tiện.

– Nếu xe cơ giới chỉ có giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe, đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định, nếu đạt yêu cầu thì chỉ dán tem kiểm định và cấp giấy hẹn trả giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe. Khi chủ xe xuất trình giấy đăng ký xe thì đơn vị đăng kiểm trả Giấy chứng nhận kiểm định.

– Xe cơ giới kiểm định nếu có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng, đơn vị đăng kiểm in và gửi thông báo cho chủ xe những khiếm khuyết, hư hỏng để sửa chữa, khắc phục. Trường hợp phải kiểm định lại thì đơn vị đăng kiểm thông báo xe cơ giới không đạt trên chương trình quản lý kiểm định. Xe cơ giới có thể kiểm định lại tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào.

*Còn về phí đăng kiểm, bạn tham khảo Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư 238/2016/TT-BTC.

Bạch Thu Hiền

Lắp cục nóng điều hòa vị trí hướng ra ngõ chung được không

Nhà tôi định lắp cục nóng điều hòa nhưng vị trí nó hướng ra ngõ chung rộng 2m, cao cách đất 3m, không ảnh hưởng đến nhà ai nhưng người trong xóm không cho do mất mĩ quan. Cho tôi hỏi có quy định nào cấm không được lắp không?

– Pháp luật điều chỉnh: Bộ luật dân sự 2015

– Trả lời:

            Pháp luật dân sự chưa quy định việc lắp đặt các thiết bị phục vụ cuộc sống như thế nào, do vậy nên khi bạn lắp cục nóng điều hòa trên phần diện tích sử dụng đất của bạn là hoàn toàn được phép. Tuy nhiên, việc lắp đặt cục nóng điều hòa hướng ra ngõ chung có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người khác.

            “Điều 173. Nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

            Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

            Điều 174. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng

            Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.”

            Như vậy, bạn được phép lắp đặt cục nóng điều hòa trên ngôi nhà là tài sản thuộc sở hữu của bạn, tuy nhiên, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ, bạn có nghĩa vụ phải đảm bảo việc lắp đặt cục nóng điều hòa không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác(chẳng hạn như cục nóng tỏa nhiệt hay bị rò rỉ).

            Trong trường hợp bị hàng xóm phản đối nhưng bạn vẫn tiếp tục lắp cục nóng tại địa điểm đó mà gây ra cho hàng xóm những thiệt hại không mong muốn thì bạn sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại. Căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:

            “Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

– Hướng giải quyết:

            Theo như bạn trình bày, việc lắp cục nóng tại vị trí đó hàng xóm không đồng ý với lý do là làm mất mỹ quan. Như vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn cần phải trình bày, giải thích, trao đổi với hàng xóm bởi lý do làm mất mỹ quan cũng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của hàng xóm bạn, tránh sau này xảy ra những thiệt hại và phải mất những khoản bồi thường không đáng có.

Bạch Thu Hiền

Giải quyết ly hôn mà chồng không lên thì bao lâu sẽ làm việc tiếp

Em ly hôn đơn phương. Toà đã mời lần 1 hôm 28/1, mà chồng không lên. Vậy khi nào toà mới mời lần 2 và nếu nó k lên nữa thì toà có giải quyết không ạ. Em cảm ơn

Chào chị,

Rất cảm ơn vì câu hỏi của chị gửi tới tổng đài văn phòng

Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau

Theo quy trình giải quyết vụ việc, vụ án ly hôn thì sẽ có thủ tục hòa giải của tòa án nhằm mục đích giải quyết khúc mắc giữa hai bên Theo thông tin của chị thì trường hợp của chị là giải quyết vụ án đơn phương ly hôn

– Trong trường hợp những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định gồm vụ án:

“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp vụ án có bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì được xem là vụ án không tiến hành hòa giải được. Khi đó, Tòa án sẽ tiến hành các bước tiếp theo để xem xét, quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.

Bên cạnh đó, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:

Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.

3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này”.

Như vậy, theo các quy định tại Điều 227 và Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, nếu bị đơn, người đại diện của họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Việc hoãn phiên tòa sẽ được Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu bị đơn, người đại diện của họ vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, cũng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, trong trường hợp nếu tòa triệu tập lần nữa mà chồng bạn vắng mặt không lý do thì Tòa án vẫn có thể xem xét tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bị đơn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Mọi thắc mắc chị có thể liên hệ hotline….và phản hồi tại mail…..

Chân thành cảm ơn !

Vũ Hồng Nhung – 17/3

Nộp đơn ly hôn ở nơi đăng ký kết hôn hay quê chồng?

Câu hỏi: Mong các anh chị luật sư tư vấn giúp em với ạ. Em và chồng cưới nhau được hơn 1 năm, có con được gần 6 tháng tuổi, không có tài sản chung. Đã đăng kí hết hôn ở quê chồng, quê chồng ở miền tây tỉnh Vĩnh Long, quê em miền trung tỉnh TT Huế. Em chưa cắt khẩu ở quê em, giờ việc ly hôn thì e nộp đơn ở đâu là được ạ!

Chào chị,

Rất cảm ơn vì câu hỏi của chị gửi tới tổng đài văn phòng

Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau

Qua những thông tin mà chị để lại căn cứ theo BLTTDS 2015 điều 39.Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ:

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết..”

 Việc chị ly hôn trong khi hai vợ chồng không có chung hộ khẩu là hoàn toàn được theo quy định của pháp luật

+ Trong trường hợp 2 vợ chồng thuận tình ly hôn thì 2 bên có thể thỏa thuận với nhau thông qua văn bản “thỏa thuận ly hôn” về nơi cư trú, trụ sở làm việc, cơ quan mà anh chị muốn làm thủ tục ly hôn.

+ Trong trường hợp là chị có nhu cầu đơn phương ly hôn thì thẩm quyền xử lý vụ án này sẽ do tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú sinh sống (chồng chị) hoặc có những thỏa thuận khác.

* Về nơi nộp đơn xin ly hôn thì căn cứ điều 35 BLTTDS 2015 điều 35 Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam…”

– Như vậy, chị có thể nộp đơn tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, trụ sở làm việc, cơ quan của 1 trong 2 vợ chồng.

Mọi thắc mắc chị có thể liên hệ hotline….và phản hồi tại mail…..

Chân thành cảm ơn !

Vũ Hồng Nhung – 17/3

Nộp lệ phí ly hôn rồi thì bao lâu tòa án mới gọi

Câu hỏi: Mình nộp lệ phí rồi thì bao lâu tòa gọi vậy mọi người

Chào chị,

Rất cảm ơn vì câu hỏi của chị gửi tới tổng đài văn phòng

Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau

Từ những thông tin chị cung cấp thì chị đang có thắc mắc về Quy trình giải quyết vụ việc, vụ án dân sự đúng không ạ!

Việc nộp lệ cho tòa trước khi tòa thụ lý vụ việc, vụ án dân sự là một thủ tục hành chính bắt buộc. Theo quy định của BLTTDS 2015:

– Thẩm phán thông báo nộp tạm ứng án phí cho người khởi kiện đi nộp. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

– Tòa án thụ lý vụ án khi nhận được biên lai đã nộp tạm ứng án phí. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

  Vậy là sau 3 ngày kể từ ngày nộp án phí thì tòa án thụ lý vụ án và phải thông báo bằng văn bản với các bên có liên quan. Nhưng vì còn rất nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính nên có thể sẽ chậm trễ hơn theo quy định của pháp luật, mình có thể chủ động liên hệ lại với tòa án để biết tiến trình hồ sơ của mình đã được thụ lý hay chưa?

* Quy trình xét đơn thụ lý vụ việc, vụ án dân sự

– Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, thẩm phán được chánh án tòa án giao nhiệm vụ trong 3 ngày làm việc.

– Thẩm phán xem xét hồ sơ và ra quyết định như phần 3 (trong 5 ngày làm việc)

– Trong 7 ngày từ khi được nhận quyết định, phía bên nguyên đơn phải phản hồi các quyết định của tòa

– Trong 5 ngày kể từ khi có thông báo đóng lệ phí, bên nguyên phải tạm ứng lệ phí nộp tại tòa.

– Trong 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận thụ lý hs ly hôn, tòa gửi thông báo cho nguyên đơn.\

Như vậy, để tòa án thụ lý đơn giải quyết một vụ việc dân sự, bạn phải chờ ít nhất 23 ngày sau khi gửi đơn căn cứ theo BLTTDS 2015.

Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Mọi thắc mắc chị có thể liên hệ hotline….và phản hồi tại mail…..

Chân thành cảm ơn !

Vũ Hồng Nhung – 17/3

Không thể xin được xác nhận cư trú của công an phường có ly hôn được không

Câu hỏi: Nộp đơn lên toà, toà bắt phải có xác nhận nơi cư trú của chồng mới đủ điều kiện để thụ lý, mà về công an phường nhất định không chịu xác nhận cho thì làm sao?

  Chào chị,

  Rất cảm ơn vì câu hỏi của chị gửi tới tổng đài văn phòng

  Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau

  Từ những thông tin chị cung cấp thì chị đang có thắc mắc về hồ sơ ly hôn đúng không ạ!

  Trong trường hợp ly hôn đơn phương thì xác định thẩm quyền như sau:

   Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 35– BLTTDS 2015:

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

  Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39– BLTTDS 2015:

“Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26,28,30 và 32 của Bộ luật này.”

≫ Như vậy, Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn đơn phương là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc. Cho nên trong trường hợp của chị Tòa án hoàn toàn có quyền yêu cầu chị cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú của chồng chị cũng là bị đơn trong vụ án ly hôn này để xác định thẩm quyền giải quyết.

– Trong trường hợp công an địa phường nơi cư trú của bị đơn nhất định không chịu xác nhận cho thì căn cứ theo nghĩa vụ và trách nhiệm của Công an địa phương phải có nghĩa vụ cung cấp các thông tin nhằm phục vụ cho các quy định của pháp luật.

 * Trong hồ sơ ly hôn đơn phương cần chuẩn bị những giấy tờ sau sau:

– Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

– Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);

– Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ Hộ chiếu (bản sao y chứng thực);

– Giấy khai sinh của con (bản sao y chứng thực);

– Sổ hộ khẩu (bản sao y chứng thực);

– Giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng: Sổ đỏ, sổ tiết kiệm, giấy đăng kí xe…..

– Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn do công an địa phương xác nhận.

 * Các bước tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương

– Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn đơn phương tại Tòa án có thẩm quyền;

– Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn;

– Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án;

– Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật.

– Bước 5: Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn, người yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.

* Thời gian Tòa án giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn

Thời gian giải quyết vụ án ly hôn đơn phương kể từ thời điểm tiếp nhận đơn cho đến thời điểm ra bản án khoảng từ 04 -06 tháng (tùy tính chất phức tạp của vụ án).

Mọi thắc mắc chị có thể liên hệ hotline….và phản hồi tại mail…..

Chân thành cảm ơn !

Vũ Hồng Nhung – 17/3

Thủ tục cắt khẩu sau ly hôn mà chỉ có phán quyết của tòa

Câu hỏi: Cho em hỏi là em chỉ có phán quyết ly hôn, nhà chồng không cho mượn sổ hộ khẩu thì làm thế nào để cắt khẩu ạ ?

Chào chị,

Rất cảm ơn vì câu hỏi của chị gửi tới tổng đài văn phòng

Tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau

Từ những thông tin chị cung cấp thì chị đang có thắc mắc về thủ tục cắt khẩu sau ly hôn được Căn cứ theo: Luật hôn nhân gia đình 2014, Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013, Thông tư 35/2014/TT-BCA.

Khai thác thông tin:

+ Đối tượng có nhu cầu tách khẩu: Người vợ – Chị

+ Các căn cứ liên quan đến việc tách khẩu: Đã hoàn tất thủ tục ly hôn tại tòa và đã có quyết định ly hôn = phán quyết ly hôn.

Phân tích vấn đề:

 Theo những thông tin mà chị cung cấp tôi xin khẳng định là chị có thể cắt khẩu.

Điều 9. Quyền của công dân về cư trú

1. Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú.

3. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú.

4. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình.

5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

– Là một công dân của nước VN chị có quyền được quyết định nơi mình tạm trú, thường trú trừ các trường hợp như chị mất năng lực hành vi dân sự. Còn không, không một ai có quyền cấm chị không được thay đổi chỗ ở.

– Như được biết chị và chồng đã giải quyết xong thủ tục ly hôn và đã có quyết định của tòa án. Do vậy về mặt pháp luật, chị và chồng chị đã chấm dứt quan hệ hôn nhân kể từ thời điểm có phán quyết của tòa. Nên việc chị muốn đi đâu, ở đâu chồng chị không có quyền can thiệp.

– Trường hợp chị đã yêu cầu chồng chị đưa sổ hộ khẩu để tiến hành thủ tục chuyển khẩu cho chị tới nơi khác ở nhưng chồng chị cố tình gây khó khăn. Căn cứ theo  quy định tại khoản 8 điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA có quy định:

“Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

    Nếu chồng chị vẫn tiếp tục có hành vi như vậy sẽ vi phạm vào việc cố tình gây khó khăn, không cho chị – vợ cũ sử dụng sổ để giải quyết công việc theo quy định của pháp luật và sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Tôi có thể đề xuất cho chị hướng giải quyết như thế này:

– Chị có thể làm một cái đơn tường trình sự việc gửi cho Công an địa phương nơi gia đình mình đăng ký sổ hộ khẩu trong đó: – 01Đơn đề nghị tường trình đúng rõ ràng vụ việc chị và chồng chị đã ly hôn, chị có nhu cầu muốn cắt khẩu chuyển đi nơi khác sinh sống, và kể rõ việc chồng chị không đưa sổ hộ khẩu cho chị cắt khẩu kèm theo đó là các chứng cứ liên quan như:

+ Bản photo có công chứng quyết định ly hôn của tòa.

+ Các chứng cứ chứng mình chồng chị gây khó khăn không đưa sổ cho chị như là: Tin nhắn, đoạn hội thoại………….

– Cuối đơn chị đề nghị cơ quan công an phải yêu cầu chồng chị đưa sổ hộ khẩu cho chị để làm thủ tục cắt khẩu.

– Về thụ tục cắt khẩu chị có thể tham khảo điều 27 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013.

Mọi thắc mắc chị có thể liên hệ hotline….và phản hồi tại mail…..

Chân thành cảm ơn !

Vũ Hồng Nhung – 17/3

Tòa gọi khi ly hôn có cần mang con theo không

Câu hỏi: Em nộp đơn ra tòa rồi nhưng mà không thấy ai gọi điện báo gì. Hôm nay chồng nhắn tin mai di không ….em không biêt nên quay ra hỏi đi đâu, chồng không nói gì rồi gửi cho cái ảnh tòa án nhân dân… Nhưng trong giấy có ghi cho cả con lên nữa lên nhưng em không muốn cho con lên thì có sao không ạ. Mà đang dịch gọi điện cho thư ký thì nói đang dịch hoãn lại nhưng mình không có chút thông tin gì cả thì có nên đi không ạ?

Căn cứ pháp luật:

  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

1. Các bước của thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án:

Bước 1: Thụ lý vụ án

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

=> Chánh án tòa phân công Thẩm phán xem xét đơn (Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn)

=> Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán đước phân công xem xét đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

+ Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác;

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

+Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này  

Bước 2: Hòa giải vụ án

 Theo quy định tại Khoản 1 Điều 205 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS.

+ Ra quyết định hòa giải thành  khi không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận

+ Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

+ Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

+ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

+ Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

+ Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (Điều 203)

Bước 4: Mở phiên tòa xét xử

Theo quy định tại Điều 196 BLTTDS 2015 phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 tại BLTTHS, gồm: Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sựngười có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định và Người phiên dịch, Kiếm sát viên.

2. Trả lời câu hỏi:

Đối với câu hỏi trên của chị, trong trường hợp vụ việc ly hôn của anh chị có tranh chấp về quyền nuôi con. Khi con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét đến nguyện vọng của con theo quy định tại Khoản 2, Điều 81, Luật hôn nhân và gia đình:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

 => Khi đó, Tòa án bắt buộc phải xem xét nguyện vọng của con. Lúc này, con cái sẽ được quyền chọn lựa muốn ở với bố hay với mẹ. Việc này chỉ là xem xét (có nghĩa là tham khảo) còn cần xem xét cả điều kiện của người trực tiếp nuôi theo nguyện vọng đó của con. Nếu đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản của con + nguyện vọng của con thì Tòa án có thể quyết định người đó là người trực tiếp nuôi con.

Lúc này tòa sẽ hỏi trực tiếp con về nguyện vọng của mình. Nhưng nếu anh chị không muốn làm ảnh hưởng đến tinh thần của con thì con có thể làm đơn trình bày của mình gửi lên Tòa án để Tòa án xem xét nguyện vọng.

Sau ly hôn muốn tách khẩu nhưng không có sổ hộ khẩu gốc có được không

Câu hỏi: Mọi người cho em hỏi vợ chồng em ly hôn, em muốn hỏi sổ hộ khẩu để cắt khẩu nhưng chồng em không đưa mà chỉ có giấy quyết định ly hôn của Tòa, vậy có cắt được khẩu không ạ?

– Luật áp dụng: Luật Cư trú 2006(sửa đổi bổ sung 2013)

– Giải quyết:

            Khi bạn không có sổ hộ khẩu thì không thể làm thủ tục tách hộ khẩu được, bởi:

            Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013: Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

            Tại Khoản 1 quy định: Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

            Như vậy, khi bạn muốn tách hộ khẩu thì cần phải có sổ hộ khẩu và bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng bạn. Khi bạn không có đủ các giấy tờ nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không thể làm thủ tục tách hộ khẩu cho bạn được.

– Hướng xử lý: trong trường hợp này, chồng bạn không chịu giao sổ hộ khẩu để bạn làm thủ tục tách hộ khẩu, bạn nên viết đơn đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý hộ khẩu(cụ thể là cơ quan công an phường nơi bạn đăng kí hộ khẩu) yêu cầu buộc chồng bạn phải giao sổ hộ khẩu, bởi nếu không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước, chồng bạn sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú (Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Thủ tục tách khẩu:

+ Hồ sơ tách khẩu bao gồm: sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ tại điểm b Khoản 1 Điều 27 Luật cư trú.

+ Thẩm quyền:

            Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

            Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

+Thời gian giải quyết: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

1900.0191